star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Mô hình lớp học nghịch đảo trên thế giới


Lớp học nghịch đảo là một phương thức thiết kế dạy học theo mô hình kết hợp (Strayer, 2012) đã và đang phát triển tại nhiều quốc gia. Khái niệm này nghe có vẻ mới, nhưng thực chất nó là một mô hình lớp học đảo ngược so với lớp học truyền thống. Phương thức nghịch chuyển hoạt động dạy học này được hai tác giả Barbara Walvoord và Virginia Johnson Anderson đề xuất trong quyển sách có tên “Effective Reading: a tool for learning and assessment” xuất bản năm 1998. Trong quyển sách này, hai tác giả đã đề xuất cách đánh giá việc học sao cho đem lại hiệu quả học tập và kích thích việc học tập chủ động.
Dựa trên cơ sở đó họ đã đề xuất sử dụng các hình thức như đọc và tóm tắt tài liệu về bài học mới, trả lời câu hỏi, hoặc hoàn thành phiếu bài tập để kiểm tra sự hiểu của người học. Từ đó phương thức này được phát triển thành cái gọi là ‘lớp học nghịch đảo’ được ứng dụng trong dạy các môn học khác nhau đặc biệt là các môn khoa học xã hội và nhân văn tại các trường phổ thông và đại học ở Mỹ . Vào thập niên 1990, tại Khoa công nghệ và Khoa học Ứng dụng của Đại học Harvard, ông Trưởng Khoa Eric Mazur và giáo sư Vật lý và Vật lý ứng dụng Balkanski (NewsRx Health, 2012) đã sử dụng mô hình với tên gọi là Peer Instruction (học lẫn nhau) sau khi giáo sư này thấy rằng mặc dù bài giảng của ông ta được đánh giá cao, nhiều sinh viên vẫn chưa thật sự hiểu các khái niệm Vật lý trong bài giảng của mình. Theo cách dạy và học này người học chỉ nghe những bài giảng ngắn qua các đoạn băng video và sau đó tất cả phải trả lời câu hỏi kiểm tra khái niệm trên hệ thống quản lý học. Kế đến người học tham gia vào các hoạt động thảo luận nhóm trên lớp học và giáo viên sẽ phản hồi để điều chỉnh những câu trả lời sai. Một trang mạng có tên là Peer Instruction Network cũng được tạo ra và đến nay đã có hơn 1900 nhà giáo từ các cấp trường khác nhau ở nhiều quốc gia khác nhau như Ê-ti- ô- pi, It-xra- en, Singa-po, Phần Lan, Hi Lạp, Đức, Nam Phi và kể cả Việt Nam tham gia và chia sẻ kinh nghiệm sử dụng mô hình. Trong lĩnh vực giáo dục về kinh tế, năm 2000, Maureen Lage, Glenn Platt, và Michael Treglia cũng công bố cách dạy theo mô hình này trên Tạp chí Giáo dục Kinh tế khi họ nhận thấy rằng cách dạy truyền thống không phù hợp với một số phong cách của người học. Với cách học tích cực và kết hợp với sự hỗ trợ của công nghệ, mô hình dạy học này nhanh chóng thu hút các nhà giáo dục ở Mỹ và một số quốc gia khác. Khan Academy là một ví dụ điển hình. Đó là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập với mục đích cải tiến cách học. Trang web của tổ chức này cung cấp trên 3.250 bài giảng miễn phí bằng băng ghi hình về các môn học khác nhau như Toán, Khoa học, Chính trị,... (Khan Academy). Nó được xem là một lớp học toàn cầu; học sinh, sinh viên và giáo viên có thể sử dụng kho tư liệu này miễn phí. Thông qua trang web này nhiều giáo viên đã khai thác nguồn tài liệu phong phú để ứng dụng mô hình dạy học lớp học nghịch đảo. 
Như vậy, lớp học nghịch đảo là gì? Trong lớp học truyền thống, người học sẽ được nghe giảng bài, và sau đó làm bài tập thực hành tại lớp hoặc tại nhà để xử lý thông tin và tiếp nhận kiến thức. Ngược lại, theo Brame (2013), đối với lớp học nghịch đảo, người học sẽ phải tự làm việc với bài giảng trước thông qua đọc tài liệu, tóm tắt tài liệu, nghe giảng thông qua các phương tiện hỗ trợ như băng hình, trình chiếu PowperPoint, và khai thác tài liệu trên mạng. Bài giảng trở thành bài tập ở nhà mà người học phải chuẩn bị trước khi lên lớp. Toàn bộ thời gian trên lớp sẽ dành cho các hoạt động giải bài tập, ứng dụng lí thuyết bài giảng vào giải quyết vấn đề, thảo luận nhóm để xây dựng hiểu biết dưới sự hướng dẫn của giáo viên; thay vì thuyết giảng, trong lớp học giáo viên đóng vai trò là người điều tiết hỗ trợ, có thể giúp học sinh giải quyết những điểm khó hiểu trong bài học mới. 
Theo các tác giả Barbara và Anderson (1998), McDaniel và Caverly (2010), trái với lớp học truyền thống, thời gian lên lớp theo mô hình lớp học này dành cho người học xử lý thông tin kiến thức với sự hỗ trợ của Thầy cô và bạn bè. Đặc điểm quan trọng của mô hình này là sự tăng cường tiếp xúc và tương tác giữa thầy và trò, và giữa trò với nhau, là sự kết hợp giữa dạy trực tiếp và học thông qua xây dựng kiến thức, tạo ra cơ hội cá nhân hoá quá trình giáo dục, chứ không phải là một sự thay thế người thầy bằng băng ghi hình
Kết quả này là do mô hình dạy học kết hợp đã tạo ra được môi trường học thực học (deep learning), học có ý nghĩa (meaningful learning) cũng như phát triển tư duy phê phán và hình thức học cấp cao, nó cũng tạo ra môi trường làm việc độc lập và tự kiểm soát việc học.
 

Ths Đoàn Thị Cẩm Vân