star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Lịch sử Đảng- ngành khoa học còn nhiều mới mẻ


 

  1. Đối tượng, mục tiêu của Khoa học Lịch sử Đảng hơn nửa thế kỷ qua

Ngày 24-02-1962, Bộ Chính trị (khóa III) ra Nghị quyết 41-NQ/TW thành lập Ban Nghiên cứu LSĐ Trung ương (nay là Viện LSĐ – Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) do đồng chí Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị trực tiếp làm Trưởng ban. Đây là tổ chức chính thức đầu tiên có nhiệm vụ nghiên cứu sưu tầm, xác minh, lưu trữ và bảo quản tài liệu; nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; đồng thời “hướng dẫn và giúp đỡ các đảng bộ địa phương trong việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử của đảng bộ địa phương…”. Sau đó, các Ban nghiên cứu LSĐ ở các cấp từng bước được kiện toàn, hình thành Ngành LSĐ.

Nghị quyết 41-NQ/TW đã khai sinh ra ngành khoa học xã hội mới KHLSĐ. Vậy, KHLSĐ là gì? Trước hết LSĐ là những hoạt động của Đảng theo tiến trình lịch sử, dựa theo quy luật khách quan. KHLSĐ là những hoạt động trong khoa học lấy LSĐ làm đối tượng nghiên cứu bao gồm mô tả lịch sử và logic lịch sử. Tức là làm rõ bối cảnh của các hoạt động của Đảng, nghiên cứu những chủ trương quyết sách của Đảng, phục dựng đánh giá hoạt động của Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ mà yêu cầu lịch sử đặt ra từ đó đúc rút kinh nghiệm về các hoạt động của Đảng làm bài học cho việc nghiên cứu, hoạch định, lãnh đạo của Đảng trong các giai đoạn tiếp theo.

Mỗi ngành khoa học đều có đối tượng nghiên cứu riêng của nó, KHLSĐ là bộ phận của khoa học lịch sử. Khoa học Lịch sử nói chung là ngành chuyên nghiên cứu, bàn luận về những vấn đề trong quá khứ, để từ những kiến thức của quá khứ có thể rút ra những quy luật, những bài học kinh nghiệm cần thiết cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Nói cách khác KHLSĐ nghiên cứu cái gì khi xác định mục tiêu, đối tượng ?. Hiểu theo giải nghĩa từ thì “mục” là mắt người, “tiêu” là cái cọc, vị trí hướng tới. Còn đối tượng thì từ này có gốc từ Hán Việt hàm nhiều nghĩa, chỉ xin lấy ra nghĩa liên quan tới “đối tượng”. “Đối” là đáp lại, trả lại. Đối tượng, theo nghĩa gốc, tức là để chỉ cái hiện tượng (tượng) phải tìm cách đối phó, xử lý (đối). Như vậy, đối tượng là điểm cốt lõi để hiểu về cái khách thể mà ta là chủ thể muốn tìm hiểu về nó.

KHLSĐ là một chuyên ngành của khoa học lịch sử, ngoài những đối tượng chung nhất thuộc khoa học lịch sử, KHLSĐ Cộng sản Việt Nam có những nội dung cụ thể trong đối tượng nghiên cứu của mình:

Thứ nhất: Bằng tư liệu lịch sử, khoa học LSĐ tái dựng lại quá trình hoạt động của Đảng qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử mà cụ thể là từ khi có Đảng ra đời lãnh đạo..

                Thứ hai: Thuộc về đối tượng nghiên cứu của KHLSĐ là phải nghiên cứu lịch sử xây dựng Đảng; nghĩa là làm rõ quy luật ra đời, xây dựng và phát triển của bản thân hệ thống tổ chức Đảng qua các giai đoạn và thời kỳ lịch sử (giai đoạn này thì lại mở rộng phạm vi nghiên cứu về LSĐ từ cuối thế kỷ XIX cho đến nay).

                Thứ ba: Nếu như 2 điểm trên thuộc về mô tả lịch sử (phương pháp lịch sử) thì đến đây trong đối tượng nghiên cứu của KHLSĐ còn có nhiệm vụ nghiên cứu tổng kết những kinh nghiệm lịch sử, những bài học lớn của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng, từ đó đi đến tổng kết những vấn đề lý luận cách mạng Việt Nam (tức là phương pháp logich). Một vấn đề rất quan trọng thuộc đối tượng nghiên cứu của KHLSĐ là nghiên cứu, tổng kết làm rõ những truyền thống cách mạng của Đảng có giá trị như “pho lịch sử bằng vàng”. Có được Truyền thống là nhờ sự hy sinh, phấn đấu của hàng vạn cán bộ, đảng viên, của từng tổ chức Đảng ở từng địa phương và nhân dân yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng...

Xác định đúng đắn đối tượng nghiên cứu của KHLSĐ là rất cần thiết, để không mắc sai lầm và mang lại hiệu quả trong nghiên cứu KHLSĐ cần phải phân biệt đối tượng nghiên cứu của KHLSĐ với đối tượng nghiên cứu của lịch sử dân tộc hay lịch sử quân sự, văn hóa, ngoại giao... cùng một vấn đề, cùng một thời kỳ lịch sử nhưng mỗi chuyên ngành có đối tượng nghiên cứu riêng. Xác định được đối tượng nghiên cứu của KHLSĐ, từ đó làm rõ chức năng, nhiệm vụ của KHLSĐ, hay nói cách khác: Nghiên cứu để làm gì?

Từ lâu các “nhà lãnh đạo” Lịch sử Đảng đã sớm nhận ra vấn đề khi xác định sai đối tượng của KHLSĐ nên ngay từ ngày 28-9-1962, Ban Bí thư (khóa III) ra Thông tri 91-TT/TW về việc thành lập Ban Nghiên cứu LSĐ ở các khu, thành, tỉnh miền Bắc và Thông tri số 164-TT/TW ngày 30-7-1965 về nhiệm vụ và quyền hạn của các ban nghiên cứu LSĐ địa phương miền Nam. Các ban nghiên cứu LSĐ bộ địa phương miền Bắc, giúp cấp ủy xây dựng bản lịch sử đấu tranh của Đảng bộ địa phương. Ngày 09-12-1974, Ban Bí thư ra Thông tri 309-TT/TW về một số công tác của Ban Nghiên cứu LSĐ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ Ban Nghiên cứu LSĐ Trung ương và cơ sở. Ở miền Bắc, cơ cấu cán bộ gọn nhẹ, có năng lực nghiên cứu, bảo đảm công tác lâu dài. Sau giải phóng miền Nam, ngày 10-3-1978, Ban Bí thư (khóa IV) ra Chỉ thị 39-CT/TW quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban nghiên cứu LSĐ các đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Ban có thêm chức năng tham gia ý kiến, cung cấp tư liệu, cộng tác với cơ quan địa phương xây dựng bảo tàng cách mạng, nhà lưu niệm, nhà truyền thống... Ngày 14-10-1982, Ban Bí thư (khóa V) ra Thông tri 18-TT/TW về công tác nghiên cứu LSĐ ở các tỉnh, thành phố và đặc khu, khẳng định hoạt động các Ban nghiên cứu LSĐ bộ tỉnh, thành phố và đặc khu về cơ bản vẫn tiếp tục theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Chỉ thị 39 (năm 1978).

Gần đây, đứng trước tình hình công tác Biên soạn LSĐ và đoàn thể một số nơi chưa được quan tâm, trong khi đó các nguồn sử liệu thời kì trước đây ngày càng mai một … Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định về công tác LSĐ, trong đó có Chỉ thị 15-CT/TW, ngày 28-8-2002 (khóa IX) “về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”. Sau gần 20 năm thực hiện Chỉ thị 15, nhận thức về vai trò, vị trí của công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, giáo dục, tuyên truyền LSĐ đã được nâng lên một cách rõ rệt, nhất là nhận thức trong cấp ủy các cấp và người đứng đầu cấp ủy, cán bộ làm công tác chuyên môn… Hoạt động nghiên cứu, biên soạn đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học lịch sử, các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ chủ chốt, các nhân chứng lịch sử và đông đảo nhân dân.

Cho đến nay, hầu hết các địa phương đã triển khai và hoàn thành đến cấp huyện (trừ một số huyện đặc biệt hay mới chia tách, sáp nhập), một số nơi đã biên soạn xong đến cấp xã, phường, đoàn thể. Đóng góp quan trọng của ngành LSĐ trong những năm qua là đã sưu tầm hàng chục vạn trang tư liệu, biên soạn, xuất bản hàng trăm cuốn sách, công trình LSĐ, tổ chức nhiều hoạt động thông tin tư liệu, hội thảo khoa học, hội nghị tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, nhiều nơi đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ, các vị lãnh tụ, về Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các địa phương. Trong các dịp kỷ niệm, nhiều địa phương cũng tổ chức giao lưu, gặp mặt các nhân chứng lịch sử, giúp thế hệ trẻ ôn lại lịch sử, đây cũng là một cách tuyên truyền giáo dục LSĐ rất được chú trọng những năm gần đây.… Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2009-2011, cả nước đã biên soạn, xuất bản được gần 1.200 công trình, trong đó cấp tỉnh, thành phố gần 300 công trình, cấp quận, huyện, thị xã hơn 150 công trình, cấp xã, phường, thị trấn hơn 700 công trình [1]. Bên cạnh công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình LSĐ, Công tác giảng dạy LSĐ cho các lớp trung, cao cấp lý luận chính trị - hành chính tại Học viện trung tâm và trong toàn hệ thống cũng được đổi mới một bước; công tác đào tạo cao học, nghiên cứu sinh (NCS) chuyên ngành LSĐ được thực hiện nghiêm túc, có chất lượng. Chỉ tính riêng Bộ môn LSĐ trường ĐH KHXHNV Đại học Quốc gia Hà Nội đến năm 2014 đã có 90 NCS đang theo học hoặc đã bảo vệ thành công Luận án TS và 426 học viên cao học LSĐ; Bộ môn LSĐ Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị trường Đại học Quốc gia Hà Nội là 303 người theo học [2]. Còn tại Bộ môn LSĐ trường ĐH KHXHNV Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng từ năm 2014 đến 2018 thì số lượng học viên bảo vệ qua các năm như sau (theo Web phòng sau đại học) [3]:

Năm

2014

2015

2016

2017

từ tháng 1 đến tháng 8/2018

Số lượng HV bảo vệ

12

6

15

?

6

Còn theo thống khê tại địa chỉ trang WEB https://sites.google.com/site/huongdantuyensinh/lun-vn----n---lun-n/luaanjj-vn-thc-s/dsaf thì có 69 luận văn chuyên ngành lịch sử Đảng do cở sở đào tạo ở miền Nam. Còn tại Học viện báo chí và tuyên truyền, tính đến ngày 8 - 11 - 2019 luận văn thạc sĩ của các khóa Lịch sử Đảng là 15 học viên đã bảo vệ thành công [4]

Một điều rễ nhận thấy thông qua hầu hết các công trình LSĐ hiện nay - (công trình này chủ yếu trình bày sự kiện lịch sử bằng các tư liệu)- ở các địa phương thì có nhiều vấn đề cần xem lại: Thứ nhất là tên công trình là “Đảng bộ X… lãnh đạo…”, “Lịch sử Đảng bộ X…” là hoàn toàn phù hợp với KHLSĐ. Nhưng đi vào nội dung thì lại chưa tách bạch giữa Chủ trương -(chủ là cái ở giữa trung tâm + trương là đẩy lên, dương cao)- lãnh đạo, chỉ đạo với quá trình thực hiện và kết quả, chưa đưa ra đầy đủ khoa học bàn luận, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm… từ các sự kiện hay giai đoạn lãnh đạo nên đọc nội dung rất gần với cách biên soạn “Lịch sửu truyền thống đấu tranh…”. Ngoài ra, hầu hết các công trình biên soạn bởi các nhà “không chuyên Lịch sử Đảng” nên nhiều chỗ giống nhau mang đậm tính thông sử, chưa làm nổi bật được vị trí vai trò của Đảng trong qua ngành KHLSĐ..

2.Chương trình đào tạo KHLSĐ hiện nay ở một số cơ sở đào tạo

Tri thức về LSĐ, về truyền thống, kinh nghiệm từ quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng là một nội dung trọng yếu trong chương trình đào tạo, giáo dục lý luận chính trị. Việc giảng dạy LSĐ trong Trường Đảng các cấp, trường Đại học, các học viện… đã sớm được đặc biệt quan tâm. Trước đây đã có khóa đào tạo Đại học LSĐ (trường chuyên khoa LSĐ) thuộc Ban nghiên cứu LSĐ TW (riêng khóa 1 hơn 70 học viên, tựu trường ngày 15-6-1978). LSĐ trước đây và nay là Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam đã được giảng dạy cho mọi đối tượng sinh viên và học viên các khóa trung - cao cấp lý luận chính trị, đối tượng Đảng, Đảng viên mới… dưới dạng học phần hay bài giảng.

Hiện nay, việc đào tạo chuyên ngành LSĐ từ cử nhân lên TS đã được một số cơ sở các trường Đại học, học viện đào tạo như: Các Học viện Chính trị khu vực; Bộ môn LSĐ trường ĐH KHXHNV Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị trường Đại học Quốc gia Hà Nội (đã giải thể) Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thì sáp nhập vào Khoa Chính trị hành chính Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Học viện báo chí và tuyên truyền; Học viện chính trị Quân sự, Trường Đại học Chính trị, Đại học Quy Nhơn

Về khung chương trình đào tạo KHLSĐ trình bày sau đây được chúng tôi tổng hợp từ Khung chương trình đào tạo của một số cơ sở đào tạo chuyên  ngành LSĐ trong các cơ sở giáo dục đào tạo cả nước và khung này thường xuyên được cập nhật điều chỉnh:

Về chương trình đào tạo Cử nhân: Hiện nay mục tiêu đào tạo cử nhận là: Trang bị kiến thức cơ bản về các môn học thuộc khối kiến thức chung, khối kiến thức chung theo lĩnh vực và khối ngành, kiến thức cơ bản và một số môn bổ trợ nhằm nắm kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành và khả năng tác nghiệp cho sinh viên theo mục tiêu tăng cường năng lực thực hành trên cơ sở nắm vững lý thuyết khoa học cũng như những kiến thức nền tảng của KHXHNV. Có khả năng vận dụng kiến thức khoa học vào thực tế cuộc sống và những lĩnh vực công tác khác nhau, có kỹ năng tổ chức và làm việc theo nhóm. Có kỹ năng và phương pháp thực hành nghiên cứu biên soạn, giảng dạy LSĐ Cộng sản Việt Nam và Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam. Mã ngành đào tạo: 52.22.03.10, thông tin tuyển sinh là Tổ hợp môn 1 (Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý), Tổ hợp môn 2 (Ngữ văn - Toán - Tiếng Anh) và Tổ hợp môn 3 (Ngữ văn - Lịch sử - Tiếng Anh). Hết năm thứ hai, hoặc năm thứ ba sinh viên đăng ký vào chuyên ngành Lịch sử Đảng CSVN, tích lũy đủ số tín chỉ chuyên ngành và được xét tốt nghiệp ra trường với Văn bằng chuyên ngành LSĐ.

    1. chuẩn đầu ra – Kết quả học tập dự kiến của sinh viên ra trường

Về Kiến thức

Về Kỹ năng

Về Thái độ

1. Nắm vững lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, dân tộc, tôn giáo, an ninh, quốc phòng, đối ngoại,…

1. Nắm vững quy trình nghiên cứu LSĐ, lịch sử dân tộc (sưu tầm, xử lý tư liệu, biên soạn lịch sử địa phương, lịch sử ngành, bình luận sự kiện, phản biện xã hội những vấn đề liên quan đến LSĐ,…).

1. Nâng cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân; bản lĩnh chính trị vững vàng, dũng cảm vì lương tri, lẽ phải và sự công bằng.

2. Nắm vững thuyết và phương pháp nghiên cứu của khoa học lịch sử.

2. Phát triển kỹ năng phản biện; kỹ năng phân tích, tổng hợp, lý giải những vấn đề khoa học và thực tiễn.

2. Xây dựng tác phong làm việc khoa học; ý thức học hỏi cầu tiến.

3. Nắm vững kiến thức về lịch sử Việt Nam, kiến thức chuyên sâu về LSĐ.

3. Rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng giao tiếp, thuyết trình; kỹ năng tự học, làm việc độc lập,…

3. Quan tâm sâu sắc đến trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.

4. Hiểu biết một cách hệ thống  về lịch sử thế giới, khu vực, về toàn cầu hóa và hội nhập.

4. Sử dụng được ngoại ngữ, tin học văn phòng, mạng Internet phục vụ chuyên ngành.

4. Hình thành ý thức học tập để chung sống và hòa hợp những nền văn hóa khác nhau.

 

Cử nhân chuyên ngành LSĐ Cộng sản Việt Nam có thể làm việc trong các lĩnh vực như: Nghiên cứu và giảng dạy môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam tại các trường cao đẳng; Nghiên cứu ở các cơ quan, viện, trung tâm nghiên cứu, cơ quan khoa học chuyên ngành thuộc khoa học lịch sử nói riêng, KHXHNV nói chung; Làm việc trong các Ban nghiên cứu LSĐ, Ban Tuyên giáo ở Trung ương và địa phương; Làm việc trong các cơ quan Trung ương và địa phương có hoạt động liên quan đến các chuyên ngành LSĐ (nghiên cứu, tổng hợp; tuyên giáo,…). Cử nhân chuyên ngành LSĐ Cộng sản Việt Nam có thể theo học trình độ thạc sĩ, TS ở các chuyên ngành thuộc khoa học lịch sử như: LSĐ Cộng sản Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, Khảo cổ học, Lịch sử thế giới, Lưu trữ học,… hoặc các chuyên ngành gần như: Văn hóa học, Quan hệ quốc tế, Nhân học, Đông phương học, Du lịch, Chính trị học, Lịch sử tư tưởng,…

Về chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành LSĐ Cộng sản Việt Nam (Tiếng Anh: History of the Communist Party of Vietnam). Mã số chuyên ngành đào tạo: 60 22 03 15. Đào tạo thạc sĩ chuyên ngành LSĐ Cộng sản Việt Nam đảm bảo tính cơ bản và hiện đại, chuyên sâu về LSĐ, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.

Mục tiêu cụ thể: Đào tạo thạc sĩ chuyên ngành LSĐ Cộng sản Việt Nam nhằm cung cấp cho các cơ sở giáo dục, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các cơ quan Đảng nguồn nhân lực chuyên sâu về LSĐ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn.

Hình thức tuyển sinh: Môn thi Cơ bản: Phương pháp luận sử học. Môn thi Cơ sở: Lịch sử Việt Nam. Môn Ngoại ngữ: chọn 1 trong 5 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc. Đối tượng tuyển sinh: Có lý lịch bản thân rõ ràng, hiện không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Có bằng tốt nghiệp đại học ngành đúng (hoặc phù hợp); hoặc có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy chuyên ngành gần với LSĐ Cộng sản Việt Nam, đã học bổ sung kiến thức để có trình độ tương đương với bằng tốt nghiệp đại học có chuyên ngành đăng ký dự thi; Có ít nhất một năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với chuyên ngành LSĐ Cộng sản Việt Nam …

Về chuẩn đầu ra (kiến thức và năng lực chuyên môn): Nắm vững thế giới quan và các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin; Có khả năng sử dụng ngoại ngữ cơ bản với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết tối thiểu tương đương bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Làm chủ kiến thức chuyên ngành, có thể đảm nhiệm công việc của chuyên gia trong lĩnh vực được đào tạo; có tư duy phản biện; có kiến thức lý thuyết chuyên sâu để có thể phát triển kiến thức mới và tiếp tục nghiên cứu ở trình độ TS; có kiến thức tổng hợp về pháp luật, quản lý và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực được đào tạo; Có hiểu biết sâu về phương pháp luận sử học, nắm vững quá trình và đặc điểm phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử Việt Nam, các vấn đề cơ bản về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá của lịch sử Việt Nam; Nắm vững quá trình và đặc điểm lịch sử của khu vực Đông Nam Á và hội nhập của Việt Nam; sử dụng được các kiến thức trên trong nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn; Có kiến thức chuyên sâu về quá trình hình thành và phát triển đường lối cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam, về kinh nghiệm xây dựng Đảng qua các thời kỳ lịch sử, về quá trình hình thành và hoàn thiện đường lối lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực cơ bản trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa; có khả năng vận dụng các kiến thức này trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học và hoạt đông thực tiễn. Trong đó có chuẩn đầu ra về kỹ năng cứng: Nghiên cứu, thuyết trình, giảng dạy về LSĐ Cộng sản Việt Nam; Nắm vững lý thuyết và phương pháp phân tích các vấn đề về LSĐ Cộng sản Việt Nam.

Đối với việc đào tạo TS ngành LSĐ (tiếng Anh History of the Vietnam Communist Party. Mã số: 62 22 03 15) hiện có 3 cơ sở đào tạo là Bộ môn LSĐ trường ĐH KHXHNV Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện chính trị Quân sự, Viện LSĐ. Mục tiêu đào tạo nhằm cung cấp cho các cơ sở giáo dục, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các cơ quan Đảng nguồn nhân lực chuyên sâu về LSĐ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn. Đào tạo TS chuyên ngành LSĐ trình độ cao về lý thuyết và thực hành chuyên sâu về LSĐ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu. 

 Hình thức tuyển sinh: Đối tượng từ thạc sĩ xét hồ sơ chuyên môn quy định của Bộ giáo dục và các cơ sở đào tạo. Đối tượng cử nhân kết hợp thi tuyển (như tuyển thạc sĩ) và xét hồ sơ chuyên môn và đáp ứng đầy đủ các điều kiện lý lịch bản thân rõ ràng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đáp ứng về văn bằng và công trình khoa học đã công bố, được giới thiệu ít nhất của hai nhà khoa học có chức danh GS, PGS, TSKH, TS chuyên ngành và một nhà khoa học nhận làm hướng dẫn luận án, có bài luận dự định nghiên cứu. Thí sinh dự thi phải có ít nhất 2 năm hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành dự thi. Về thời gian đào tạo chuẩn đào tạo trình độ tiến sĩ: Đối với người có trình độ thạc sĩ: 03 năm; Đối với người có trình độ cử nhân: 04 năm.

Về chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo TS: nắm vững thế giới quan và các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin; có kiến thức đạt chuẩn theo quy định về ngoại ngữ và vận dụng được các kiến thức này trong nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn; kiến thức chuyên ngành là có hiểu biết về phương pháp luận Sử, nắm vững quá trình đặc điểm phát triển của các hình thái kinh tế xã hội trong lịch sử, các vấn đề cơ bản về chính trị- kinh tế- xã hội- văn hóa- lịch sử Việt Nam, quá trình và đặc điểm lịch sử khu vực Đông Nam Á hội nhập của Việt Nam, sử dụng các kiến thức thức bên trong lĩnh vực nghiên cứu và hoạt động khoa học hiểu biết sâu sắc ở trình độ chuyên gia các vấn đề đề lý luận và thực tiễn của chuyên ngành LSĐ Cộng sản Việt Nam, các kiến thức về sự vận dụng phát triển của chủ nghĩa Mác -Lênin trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, các vấn đề quân sự trong 30 năm chiến tranh cách mạng Việt Nam, về đường lối phát triển nông nghiệp qua các thời kỳ của Đảng, về quá trình ra đời của Đảng - cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước pháp quyền Việt Nam… có khả năng vận dụng các kiến thức này trong nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn, cập nhật nắm chắc khái quát tốt các nguồn tài liệu, quan điểm trong và ngoài nước liên quan đến đề tài luận án và lĩnh vực chuyên sâu của NCS.

Về luận án: Đây là công trình khoa học độc lập có đóng góp mới cho việc giải quyết vấn đề khoa học lý luận hoặc thực tiễn đang đặt ra, góp phần xây dựng hình thành khung lý thuyết mới hệ tư tưởng mới phù hợp với chuyên ngành LSĐ Cộng sản Việt Nam. Luận án thể hiện được hiểu biết sâu sắc khắc và kiến thức phương pháp nghiên cứu chuyên ngành trong việc giải quyết đề tài nghiên cứu cụ thể. Kết quả luận án có giá trị đối với lĩnh vực LSĐ về lý thuyết khoa học cũng như thực tiễn lãnh đạo quản lý, tạo dựng các giá trị bền vững thông qua hoạt động của người học.

Về năng lực và những vị trí công tác người học có thể đảm điện sau khi tốt nghiệp TS LSĐ như: Nghiên cứu giảng dạy về LSĐ Cộng sản, Đường lối cách mạng, về tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường đại học các viện các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về LSĐ, làm việc ở các cơ quan nghiên cứu biên soạn LSĐ ở TW và địa phương, làm việc tại các chuyên môn của Đảng, làm việc trong các cơ quan báo chí truyền thông biên tập trong các cơ quan xuất bản, làm việc tại các cơ quan hệ thống chính trị có sử dụng kiến thức Lịch sử. NCS sau khi tốt nghiệp TS chuyên ngành LSĐ có khả năng tham gia một cách tích cực có hiệu quả các hoạt động nghiên cứu giảng dạy hoặc tham gia hoạt động thực tiễn chính trị xã hội ở trình độ chuyên gia về lịch sử Đảng, có trách nhiệm công dân tốt, có trách nhiệm góp phần phát triển ngành chuyên ngành, có thái độ tích cực trong xây dựng sự nghiệp bảo vệ tổ quốc bảo vệ chế độ, tổng kết kinh nghiệm lịch sử bảo vệ phát triển đường lối cách mạng của Đảng…

3. Tính khoa học của KHLSĐ hay giải quyết mối Quan hệ giữa Lịch sử dân tộc và LSĐ

Nhà sử học là người nghiên cứu về những vấn đề của quá khứ để từ đó hiểu biết, tạo dựng những sự kiện đã qua, rồi phân tích, đánh giá và chia sẻ những kiến thức mà mình tích luỹ được cho cộng đồng xã hội. Nghiên cứu lịch sử là một việc làm đầy khó khăn, thách thức. Không phải ai cũng có thể trở thành một nhà sử học, nếu không có kiến thức và niềm say mê, việc nghiên cứu LSĐ phải đảm bảo tính khách quan và tính đảng.

Tính khách quan (khoa học) là đảm bảo tính khách quan đúng sự thực lịch sử, không bóp méo, tô hồng hoặc bôi đen lịch sử. Tìm ra bản chất của sự kiện lịch sử, của một giai đoạn, một thời kỳ lịch sử, tìm ra tính qui luật vận động tất yếu của lịch sử.

Tính đảng dựa trên lập trường giai cấp, hệ tư tưởng của cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội đối kháng. Tính đảng vô sản là biểu hiện cao nhất của tính khách quan khoa học. Vì chỉ có đánh giá theo lập trường giai cấp vô sản mới cho phép hiểu được nội dung khách quan của các biến cố và sự kiện lịch sử, của các quy luật của quá trình lịch sử. Tính đảng trong nghiên cứu LSĐ suy cho cùng là phục vụ nhiệm vụ chính trị, bảo đảm sự đoàn kết thống nhất ý chí và hành động từ Trung ương đến địa phương cơ sở. Người viết sử đảng vừa là nhà khoa học khách quan lại vừa là “anh lính gác” cho Đảng.

Về mối quan hệ giữa tính khoa học và tính đảng thì chỉ khoa học lịch sử Mác- Lênin mà tính Đảng và tính khách quan gắn với nhau, chỉ có một khoa học như vậy mới nhận thức sâu sắc, sát đúng những quy luật của quá trình lịch sử nhằm thiết lập hình thái kinh tế xã hội tiến bộ hơn và mới tìm thấy phương pháp nghiên cứu cho phép giải quyết thắng lợi nhiệm vụ xã hội loài người đặt ra.

LSĐ là hợp thành từ các sự kiện LSĐ. Sự kiện LSĐ tồn tại nhiều trạng thái mức độ khác nhau như: sự kiện biến cố- cái có thật song có thể chưa biết; sự kiện tư liệu đã diễn ra và được ghi chép lại, đã thành hiện vật; sự kiện tri thức là đã diễn ra, đã nhận thức được và nâng thành tư duy nhận thức.

Lịch sử dân tộc ta từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (đầu năm 1930; chủ yếu là lịch sử đấu tranh cách mạng không ngừng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lịch sử dân tộc ta từ năm 1930 tới nay gắn bó mật thiết với lịch sử Đảng, và ngược lại, LSĐ cũng gắn bó chặt chẽ với lịch sử dân tộc. Vấn đề quan hệ giữa lịch sử dân tộc và lịch sử Đảng đã được giải quyết ở mặt phương pháp luận. Thực tế nghiên cứu và biên soạn lịch sử cận hiện đại Việt Nam với LSĐ và dưới góc độ hẹp hơn là mối quan hệ giữa lịch sử địa phương và LSĐ bộ địa phương. đòi hỏi phải nghiên cứu về quan hệ giữa lịch sử dân tộc và lịch sử Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm lịch sử của xã hội Việt Nam và là một bộ phận của xã hội Việt Nam. Điều đó có nghĩa là Đảng ta ra đời, trưởng thành và hoạt động trong lòng dân tộc ta, Đảng ta như một bộ phận của cơ thể bản thân dân tộc. Vì vậy, lịch sử dân tộc có quan hệ sâu sắc, mật thiết đối với lịch sử Đảng. Thể hiện ở: Truyền thống lịch sử và hoàn cảnh lịch sử của dân tộc đã tác động sâu sắc (một cách tích cực hoặc một cách tiêu cực) đến mọi hoạt động chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng trong suốt quá trình lịch sử Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử với đường lối chính trị đúng đắn, phản ánh những quy luật phát triển khách quan của xã hội Việt Nam, phản ánh thực tế khách quan và yêu cầu khách quan của xã hội Việt Nam. Mọi biến cố sự, kiện của lịch sử dân tộc đều ảnh hưởng sâu sắc đến LSĐ.

Sự xuất hiện của Đảng Cộng sản Việt Nam trên vũ đài chính trị từ đầu năm 1930 đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước của dân tộc ta suốt mấy thập kỷ đầu thế kỷ XX. Lịch sử dân tộc Việt Nam từ ngày có Đảng đến nay là lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Quan hệ qua lại giữa LSĐ và lịch sử dân tộc khăng khít tới mức nhiều sự kiện của lịch sử dân tộc đồng thời là những sự kiện của lịch sử Đảng, và ngược lại. Do đó, chúng ta cần tránh và bác bỏ các quan điểm sai lầm (đồng nhất lịch sử dân tộc và LSĐ; tách rời lịch sử dân tộc với LSĐ; và cuối cùng là tách rời LSĐ với lịch sử dân tộc).

Lịch sử dân tộc, là quá trình ra đời và phát triển của xã hội Việt Nam suốt hàng ngàn năm theo nhũng quy luật chung của xã hội loài người và những quy luật đặc thù của Việt Nam. Còn LSĐ là quá trình ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam theo những quy luật chung của phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, những quy luật của xã hội Việt Nam và những quy luật đặc thù của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do vậy, KHLSĐ phải trình bày LSĐ trên các mặt như: đường lối, chính sách của Đảng qua các giai đoạn và các thời kỳ của cuộc vận động cách mạng nước ta; phong trào cách mạng của quần chúng nhằm thực hiện đường lối, chính sách đó; Trình bày các chủ trương và biện pháp xây dựng Đảng, nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi đường lối chính trị và nhiệm vụ cách mạng của Đảng qua các giai đoạn và các thời kỳ; Trình bày những kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng của Đảng trong từng giai đoạn, thời kỳ và kinh nghiệm cách mạng chung của Đảng, đi đến những kết luận có tính chất lý luận[5].

Một vấn đề nữa là mối quan hệ Quan hệ của lịch sử toàn Đảng đối với LSĐ bộ địa phương. Lịch sử toàn Đảng quy định phương hướng và nội dung cơ bản của toàn bộ quá trình lịch sử của Đảng bộ địa phương và Lịch sử của bất kỳ Đảng bộ địa phương nào cũng đều là lịch sử của quá trình Đảng bộ địa phương đó lãnh đạo việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ mục tiêu của Đảng trên phạm vi địa bàn hoạt động của mình (điều này được quy định trong Điều lệ Đảng). Một điều nữa là các sự kiện lớn của lịch sử toàn Đảng đểu tác động đến lịch sử Đảng bộ địa phương. Vì toàn Đảng là một thể thống nhất; mỗi Đảng bộ địa phương đều là một bộ phận hữu cơ trong toàn bộ cơ cấu tổ chức của Đảng. Ngược lại, LSĐ bộ địa phương là biểu hiện sinh động và cụ thể của lịch sử toàn Đảng và minh chứng cho lịch sử toàn Đảng bằng những sự kiện diễn ra trong quá trình phát triển lịch sử ở địa phương. Điều đặc biệt, LSĐ bộ địa phương làm phong phú thêm cho LSĐ, những bài học kinh nghiệm của LSĐ bộ địa phương bổ sung vào kho tàng bài học kinh nghiệm chưng của lịch sử toàn Đảng.

               4. Các phương pháp vận dụng trong nghiên cứu khoa học lịch sử đảng

Nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy LSĐ cần thiết phải nắm vững phương pháp luận sử học nói chung, đồng thời làm rõ những nét riêng của lịch sử chuyên ngành LSĐ. Phương pháp luận sử học là lý luận về nhận thức lịch sử mà còn là thực tiễn nhận thức, không chỉ là học thuyết về các phương pháp mà còn là bản thân về các phương pháp được thực hiện trong quá trình nhận thức lịch sử [6]. Trong phương luận các phương pháp nhận thức chuyển hóa thành phương pháp nghiên cứu với cơ sở lý luận vững chắc. Phương pháp nghiên cứu LSĐ là lý luận nhận thức về LSĐ Cộng sản Việt Nam (có sự khác biệt với Phương pháp nghiên cứu LSĐ Liên Xô, Trung Quốc…) nói cách khác nó là thế giới quan về nhận thức lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lenin (bao gồm chủ nghĩa duy vật biện chúng và chủ nghĩa duy vật lịch sử).

KHLSĐ là một chuyên ngành của khoa học lịch sử nên phương pháp nghiên cứu trong khoa học lịch sử cũng là phương pháp nghiên cứu chung của KHLSĐ. Đó là 3 phương pháp  lịch sử, phương pháp logic và phương pháp phân loại đặc thù.

Phương pháp lịch sử: Đây là phương pháp chung nhất, người nghiên cứu lịch sử cần phải nắm vững và sử dụng trước hết và thường xuyên, là phương pháp dựng lại hiện tượng lịch sử với tư cách là một quá trình vận động, phát triển không ngừng, với tất cả nét chung, đặc thù không lặp lại và cá biệt. Sử dụng phương pháp lịch sử để nghiên cứu là phải hết sức coi trọng tính lịch sử, tôn trọng hiện thực lịch sử, tính khách quan của lịch sử. Không hiện đại hoá lịch sử, càng không được tô hồng, bóp méo hoặc xuyên tạc, phủ định lịch sử. Phương pháp này ít chú trọng sự bàn luận, đánh giá, nhận xét có chăng chỉ là tiểu kết cuối mỗi chương, mỗi thời kỳ hoặc một phần kết luận chung, ngắn gọn. Do đó để trình bày lịch sử của toàn Đảng hay của một đảng bộ, một sự kiện cụ thể thì phương pháp lịch sử là phương pháp phổ biến, thường dùng có hiệu quả nhất. Một điều chú ý là, phải nghiên cứu các hiện tượng lịch sử đang trong quá trình vận động và phát triển; phải nghiên cứu chúng trong hoàn cảnh cụ thể để giải quyết nội dung và bản chất của chúng; Và phải nghiên cứu hình thức lịch sử cụ thể mà những hiện tượng này đã thể hiện trong những thời gian khác nhau [7].

Phương pháp logic: là khoa học nghiên cứu các quy luật, các hình thức tư duy, cách thức phát triển tri thức và xây dựng các hệ thống tri thức khoa học. Trong nghiên cứu LSĐ là phương pháp nghiên cứu lịch sử thông qua các sự kiện, biểu hiện tiêu biểu, điển hình để tìm ra chân lý lịch sử, quy luật lịch sử. Phương pháp lôgíc là cách tìm kiếm độc đáo để đi đến chân lý, nó có nhiệm vụ vạch rõ vai trò của từng yếu tố của hệ thống trong một chỉnh thể đã phát triển, là cách tìm kiếm để đi đến chân lý khoa học.

Phương pháp logíc khác với phương pháp lịch sử là chú ý phân tích chứ không nặng về quan sát mô tả. Nghĩa là cũng dựa vào tư liệu nhưng phương pháp lịch sử nặng mô tả làm rõ diện mạo các sự kiện, hiện tượng theo trình tự thời gia (trong các công trình LSĐ, KHLSĐ phương pháp này thường ở các chương dữ liệu ở đầu); còn phương pháp logic đi sâu tìm xu hướng, quy luật, bản chất bên trong của sự kiện, hiện tượng đó (trong các công trình LSĐ, KHLSĐ phương pháp này thường ở các chương kết luận, tiểu kết, nhận xét đánh giá, kinh nghiệm). Phương pháp logic và phương pháp lịch sử có quan hệ thống nhất biện chứng, song không phải là một. Ăng ghen chỉ ra rằng: về thực chất phương pháp này chẳng qua cũng chỉ là phương pháp lịch sử, chỉ khác là đã thoát khỏi hình thái lịch sử, thoát khỏi những hiện tượng ngẫu nhiên [8].

Phương pháp lịch sử và phương pháp logic được kết hợp một cách biện chứng thể hiện sự vận động của tư duy từ miêu tả các sự kiện đến phân tích chúng rồi lần lượt trình bày các quy luật quá độ lên Chủ nghĩa xã hội phương pháp logic cũng như tất cả những phương pháp nghiên cứu lịch sử khác đều xuất phát từ nhiệm vụ nhận thức chân lý khách quan của lịch sử. Tuy nhiên, chân lý đó chỉ có thể hiểu được trên cơ sở quan điểm tính giai cấp và tính Đảng [9].

Nghiên cứu lịch sử và Lịch sử Đảng cần thiết phải nắm vững các phương pháp chung là phương pháp lịch sử và phương pháp lô-gích. Đồng thời lại phải sử dụng các phương pháp nghiên cứu lịch sử chuyên ngành. Có nhiều phương pháp nghiên cứu lịch sử chuyên ngành có thể sử dụng trong KHLSĐ như:

Nhóm thứ nhất gần với phương pháp lịch sử nó được xây dựng trên những cách phân chia thời gian lịch sử khác nhau và việc phân tích quá trình lịch sử của sự phân chia đó. Nhóm này gồm có các phương pháp sau:

 Phương pháp đồng đại. Phương pháp này nghiên cứu mặt cắt ngang của xã hội. Đó là phương pháp nghiên cứu những sự kiện và hiện tượng khác nhau trong xã hội xẩy ra trong cùng một thời gian. Tức là đặt sự kiện đang nghiên cứu trong mối quan hệ với các sự kiện cùng thời gian với nó.

 Phương pháp lịch đại. Phương pháp này nghiên cứa các sự kiện và hiện tượng lịch sử trong sự vận động và biến đổi của chúng theo trình tự thời gian lịch sử. Tức là đặt sự kiện đang nghiên cứu trong mối quan hệ với các sự kiện trước và sau nó.

 Phương pháp phân kỳ. Quá trình nghiên cứu những giai đoạn phát triển nhất định hoặc những hiện tượng hay quá trình riêng lẻ của xã hội, đó chính là phân chia thời kỳ. Mỗi nhà nghiên cứu LSĐ đều có chọn cách phân kì cho đối tượng nghiên cứu của mình. Phương pháp này cho phép làm rõ sự biến đổi các đặc điểm về chất của quá trình lịch sử theo thời gian, xác định những thời điểm biến đổi chính xác vạch rõ hình thức và nội dung giai cấp của các hiện tượng lịch sử. Hiện nay thường phân kỳ theo thời gian (thời đại- giai đoạn- thời kỳ- chặng- bước) và phân kỳ theo tính chất của Đảng như (Thời kỳ các tổ chức tiền thân của Đảng- Thời kỳ Đảng hoạt động bí mật-  Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền- Thời kỳ lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân- Thời kỳ xây dựng CNXH- Thời kỳ đổi mới- Thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc…). Khi nghiên cứu về hoạt động của Đảng, nhà khoa học nên chú ý đến các bộ phận cấu thành của Đảng như: chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong đó chính trị đường lối chủ trương là cơ bản nhất. Đối với các Đảng bộ hợp thành thì Phải chú ý tính độc đáo, đặc thù, các nhiệm vụ chiến lược được giải quyết trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của Đảng để phân kỳ cho hợp lý.

Nhóm thứ hai thiên về phương pháp lô-gíc chung của khoa học, nó được xây dựng trên trên sự nghiên cứu luận, đối chiếu với các sự kiện lịch sử và các quy luật thể hiện trong đó. Nhóm này gồm có các phương pháp sau: Phương pháp đối chiếu lịch sử (so sánh); Phương pháp mô hình hóa lịch sử (hồi cố); phương pháp cơ cấu hệ thống; phương pháp thời sự hóa [10].

Phương pháp so sánh lịch sử là phương pháp tiến hành trên cơ sở xác định sự giống nhau và khác nhau giữa các hiện tượng đang nghiên cứu. Tức là so sánh đối chiếu đối tượng đang nghiên cứu chưa hiểu rõ với đối tượng đang nghiên đã hiểu rõ, nhận thức được. Khi so sánh thì cần so sánh hiện tượng bề ngoài và so sánh nội dung, bản chất để làm rõ vấn đề. Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa vì đôi lúc hiện tượng có bề ngoài rất giống, song bản chất bên trong lại khác nhau.

Phương pháp mô hình hóa lịch sử (phương pháp hồi cố), là từ hiện tại nhà sử học nhìn về quá khứ, đi từ hiện tại về quá khứ, từ các yếu tố của quá khứ còn được lưu giữ, bảo tồn mà dựng lại sự kiện đã diễn ra trong quá khứ, thực chất của phương pháp này là “nhìn về quá khứ”. Sở dĩ phải làm vậy là vì thời gian không đảo ngược, không thể lặp lại, phục dựng sự kiện đã diễn ra. Do vậy, nhà nghiên cứu sẽ có thể dùng sử liệu (văn bản, hiện vật, hình ảnh, âm thanh ….) để phục dựng lại sự kiện lịch sử trong tư duy. Phương pháp mô hình hóa giúp nhà sử học thực hiện được một chức năng vô cùng quan trọng trong nghiên cứu lịch sử là chức năng miêu tả, tường thuật sự kiện lịch sử như vốn có. Lưu ý, nếu những tư liệu sai lệch thì kết quả sự kiện LSĐ cũng sẽ sai lệch theo.

Phương pháp cấu trúc hệ thống: Là cho phép xem xét xã hội là một cấu trúc chỉnh thể, một hệ thống phức tạp của các các mối quan hệ khác nhau (kinh tế, giai cấp, xã hội, tư tưởng…). Phương pháp này vốn được các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lenin sử dụng rộng rãi, chính đây là phương pháp để phân tích hệ thống các mối quan hệ kinh tế tư bản trong bộ “Tư bản” của Mác và “Chủ nghĩa đế quốc giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản” của Lenin.

Phương pháp phân loại: được áp dụng trong nghiên cứu LSĐ do sự kiện, tư liệu LSĐ phong phú, đa dạng nhưng thường bị lẫn lộn. Do đó nhà sử học phải phân loại chúng theo chủ đề nghiên cứu hay theo bản chất vấn đề để tiện cho việc nhận thức và khôi phục lịch sử.

Phương pháp thời sự hóa: Đó là hoạt động hiện thời, nhờ có tính thời sự này mà công trình LSĐ nó mang tính thời sự, cấp thiết, giúp giải quyết những nhiệm vụ cấp thiết hiện tại đặt ra hoặc hoạch định chủ trương cho tương lai. Khi nghiên cứu hiện tượng qua khứ, nhà sử học không nắm chắc phương pháp thời sự thì sẽ dễ xa rời yêu cầu nhiệm vụ thực tại và tự biến mình thành “nhân viên lưu trữ”.

Tóm lại: KHLSĐ không chỉ là một ngành khoa học lịch sử mà còn là một ngành KHXHNV nói chung, do đó nó hội tụ đầy đủ các phương pháp nghiên cứu của KHXHNV, khoa học lịch sử. Ngành KHLSĐ tuy ra đời gần 60 năm song do nhiều nguyên nhân cả về chủ quan của các nhà khoa học LSĐ và cơ chế mà ngành này vẫn còn nhiều vấn đề bàn luận, tiếp tục bổ xung hoàn chỉnh về mặt phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khoa học và nhiệm vụ chính trị hiện tại, làm cho các công trình nghiên cứu LSĐ hay KHLSĐ ngày càng nâng cao về học thuật. Với sự phát triển của ngành KHLSĐ thời gian qua, xét dưới góc độ thành công và hạn chế thì còn nhiều việc phải làm để nâng cao chất lượng phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu chuyên ngành của một ngành KHLSĐ. Trên cở sở đó cần có nhiều hội thảo, các bài nghiên cứu chuyên môn chuyên ngành, các nhà khoa học đầu ngành cần đầu tư mạnh mẽ để cho ra đời nhiều công trình khoa học về KHLSĐ, cần mở rộng hợp tác chao đổi kinh nghiệm nghiên cứu KHLSĐ với các Đảng cộng sản anh em, cần mở rộng đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên môn trình độ cao ở các tỉnh cũng như các cơ sở giáo dục làm nhiệm vụ nghiên cứu giảng dạy KHLSĐ; Cần sửa đổi tên giọi Bộ môn LSĐ thành KHLSĐ, phòng LSĐ thành phòng KHLSĐ, luận án TS lịch sử thành luận án TS sử học… cho đúng tầm một ngành khoa học.

N.M.H

Tài liệu tham khảo

  1. Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: Chương trình cao cấp (1983), Sách giáo khoa Mác – Lê nin, Hà Nội.
  2. Khoa lịch sử, trường ĐH KHXHNV Đại học Quốc gia Hà Nội (2014), Bộ môn lịch sử Đảng 40 năm xây dựng và phát triển (1974-2014), tr. 626- 640
  3. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: Sơ thảo, tập 1: 1920 – 1954 (1983), Sự thật, Hà Nội.
  4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: trích văn kiện Đảng, t.1: 1930 – 1945 (1978), Sách giáo khoa Mác – Lê nin, Hà Nội.
  5. N.N. Maxlốp (1987), Phương pháp Mác xit- lênin nít nghiên cứu lịch sử Đảng, NXB Sách giáo khoa Mác– Lê Nin, HN.

 

 

2. Khoa lịch sử, trường ĐH KHXHNV Đại học Quốc gia Hà Nội (2014), Bộ môn lịch sử Đảng 40 năm xây dựng và phát triển (1974-2014),NXB Chính trị quốc gia,  tr. 626- 640.

[5] Viện Lịch sử Đảng, Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2019), Tài liệu tập huấn công tác sưu tầm, biên soạn  lịch sử Đảng bộ địa phương.

[6] N.N. Maxlốp (1987), Phương pháp Mác xit- lênin nít nghiên cứu lịch sử Đảng, NXB Sách giáo khoa Mác– Lê Nin, HN, tr.10.

[7] N.N. Maxlốp (1987), Phương pháp Mác xit- lênin nít nghiên cứu lịch sử Đảng, NXB Sách giáo khoa Mác– Lê Nin, HN, tr.40.

[8] N.N. Maxlốp (1987), Phương pháp Mác xit- lênin nít nghiên cứu lịch sử Đảng, NXB Sách giáo khoa Mác– Lê Nin, HN, tr.52.

[9] N.N. Maxlốp (1987), Phương pháp Mác xit- lênin nít nghiên cứu lịch sử Đảng, NXB Sách giáo khoa Mác– Lê Nin, HN, tr.57.

[10] N.N. Maxlốp (1987), Phương pháp Mác xit- lênin nít nghiên cứu lịch sử Đảng, NXB Sách giáo khoa Mác– Lê Nin, HN, tr.70.

TS Ngô Minh Hiệp