star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 – 22/12/2021), 32 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 – 22/12/2021)


 

DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG QUỐC PHÒNG, AN NINH TIẾP TỤC ĐƯỢC CŨNG CỐ TĂNG CƯỜNG

VÀ NÂNG CAO VỀ MỌI MẶT

          Kể từ ngày Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sĩ được thành lập; từ đội quân "đầu trần chân đất" đã lớn mạnh, trưởng thành, lập nên nhiều kỳ tích trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

          Lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức

          Trong quá trình xây dựng, trưởng thành, các lực lượng vũ trang đã không ngừng lớn mạnh về số lượng, vững chắc về cơ cấu, sức chiến đấu ngày càng được nâng cao, tuyệt đối giữ vừng niềm tin, lòng trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

          Sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quân số lực lượng Vệ quốc đoàn (tên gọi trước đây của Quân đội nhân dân Việt Nam) chỉ khoảng 50.000 người, tổ chức thành 40 chi đội ở hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Đến nay, cơ cấu Quân đội nhân dân Việt Nam đã bao gồm bộ đội chủ lực (Lục quân, Phòng không - Không quân, Hải quân, Biên phòng, Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng, Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam), bộ đội địa phương; các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng; hệ thống các đơn vị bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu và các đơn vị kinh tế - quốc phòng.

          Lực lượng Công an nhân dân được tổ chức chính quy, chặt chẽ, phân cấp từ trung ương - tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương - huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh - xã, phường, thị trấn, bên cạnh đó là việc thành lập các tổng cục, lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

          Bên cạnh lực lượng chính quy, lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng vững mạnh, rộng khắp, có tổ chức chặt chẽ, chất lượng chính trị cao, sẵn sàng chiến đấu tốt.

          Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được xây dựng toàn diện, củng cố vững chắc "thế trận lòng dân"

          Những năm qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã tích cực triển khai thực hiện, hoàn thành trên thực tế thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở từng khu vực và trên địa bàn cả nước. Vai trò lãnh đạo của Đảng, cấp ủy và quản lý điều hành của Nhà nước, chính quyền các cấp đối với việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được bảo đảm. Công tác phối hợp giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, thống nhất.

          Cùng với việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, chúng ta đã ra sức xây dựng và củng cố "thế trận lòng dân" vững chắc. "Thế trận lòng dân" là loại hình thế trận đặc biệt, là mạch nguồn, sức mạnh nội sinh của quốc gia, dân tộc; là nền tảng tạo nên sức mạnh tổng hợp, là thành lũy kiên cố nhất, vững chắc nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

          Hệ thống lý luận, tổng kết thực tiễn và hệ thống pháp luật về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, giữa gìn trật tự an toàn xã hội không ngừng được phát triển hoàn thiện

          Từ khi có Đảng Cộng sản Việt nam lãnh đạo đến nay, tư duy về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển mới, ngày càng hoàn thiện, có sự nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ, giai đoạn phát triển của đất nước.

          Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) xác định "Mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ xã hội chủ nghĩa, sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quyền làm chủ của nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực đế quốc, phản động phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta", đến Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, định hướng bảo vệ Tổ quốc được nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn "Bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ nền văn hóa, giữ vững ổn định và môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Đại hội XII của Đảng đã nâng tầm nhận thức khi xác định nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc "chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; sẵn sàng ứng phó với các mối an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng”.

Một trong những điểm có tính đột phá trong tư duy mới là nhận thức về đối tác và đối tượng, đó là khi thay đổi cách nhìn biện chứng từ tư duy bạn thù sang tư duy đối tác, đối tượng, thể hiện rõ sự vận dụng mềm dẻo, linh hoạt, thích ứng với sự biến động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước.

Đại hội XIII lần đầu tiên xác định “an ninh con người”, bảo vệ “an ninh con người” nhằm cụ thể hóa các tư tưởng lập hiến đã nêu trong Hiến pháp 2013 và trở thành các mục tiêu, định hướng phát triển đất nước từ năm 2021 đến 2025, 2030 (100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn đến năm 2045 (100 năm thành lập nước), như vậy Đại hội XIII của Đảng đặt nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động, bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng. Đại hội XIII xác định: “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”, do vậy bảo vệ an ninh quốc gia cũng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân.

          Nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, hiện đại, tự lực, tự cường; ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học - kỹ thuật trong bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội

          Trong những ngày cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào tháng 3 năm 1954, tại trận Điện Biên Phủ, Quân đội ta chỉ được trang bị 4 khẩu sơn pháo 7mm, 24 khẩu lựu pháo 105mm, 76 khẩu pháo cao xạ 37mm, 12 khẩu pháo hỏa tiễn H6 và 715 ô tô, không tăng thiết giáp, không máy bay nhưng vẫn làm nên một Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"...

          Về cơ bản hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã được trang bị các loại vũ khí hiện đại, đáp ứng được cơ bản về các chủng loại vũ khí (xe tăng chiến đấu chủ lực, xe tăng hạng nhẹ; các loại pháo phòng không, pháo phản lực; xe thiết giáp các loại; tên lửa chống tăng, đạn đạo; hệ thống tên lửa đất đối không, không đối không, không đối đất, hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển; tàu ngầm, tàu chiến, chống hạm, ngư lôi, các loại máy chiến đấu, súng...) và đang hướng tới mục tiêu vươn lên làm chủ thiết kế, công nghệ, chế tạo được các loại vũ khí hiện đại, vũ khí thông minh, tích hợp hệ thống công nghệ cao.

          Khoa học kỹ thuật và công nghệ Công an nhân dân đã có bước phát triển mạnh, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật được cải thiện; năng lực nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ trên các lĩnh vực mũi nhọn được nâng cao, từng bước tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ của khu vực, thế giới và chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong tác chiến điện tử.

          Hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh không ngừng được mở rộng, tăng cường, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế

          Hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh của Việt Nam thể hiện rõ bản chất nhân văn, tính chất hòa bình, tự vệ, chính nghĩa với những đặc trưng: (i) vừa hợp tác, vừa đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, lợi ích quốc gia-dân tộc; (ii) góp phần bảo vệ hòa bình, tạo môi trường thuận lợi, tranh thủ điều kiện quốc tế, tăng cường, củng cố lòng tin chiến lược để xây dựng, phát triển đất nước; (iii) góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; (iv) tranh thủ và khai thác có hiệu quả các điều kiện, nguồn lực bên ngoài.

          Từ cuối thế kỷ XX đến nay, cục diện, môi trường an ninh thế giới liên tục có những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; sự gia tăng phụ thuộc giữa các quốc gia và sự phức tạp trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu khiến các quốc gia, dân tộc có xu hướng tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh và liên kết, hợp tác chặt chẽ để giải quyết vấn đề chung vận mệnh. Nắm bắt kịp thời những chuyển biến đó, Việt Nam luôn coi trọng giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữa sức mạnh toàn dân tộc với sức mạnh thời đại, nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa thực lực đất nước và đối ngoại, xây dựng sức mạnh tổng hợp, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình. Với tinh thần đó, trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, Việt Nam nhất quán chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không đi với nước này chống lại nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; thực hiện "dĩ bất biến, ứng vạn biến".

          Việt Nam chú trọng phát huy và nâng cao hiệu quả, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là giao lưu quốc phòng hữu nghị biên giới; đào tạo, tuyên truyền; trao đổi, tham vấn trong các cơ chế hợp tác đa phương. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực, có trách nhiệm tại các diễn đàn đa phương trong ASEAN và các cơ chế khu vực, liên khu vực, quốc tế. Tháng 6/2014, Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. Tính đến tháng 8/2020, Việt Nam đã cử 50 lượt sĩ quan tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan; đã tổ chức triển khai 2 bệnh viện dã chiến cấp 2, mỗi bệnh viện gồm 63 quân nhân tại phái bộ Nam Sudan và đang tích cực chuẩn bị Đội công binh để triển khai tới phái bộ theo yêu cầu của Liên hợp quốc. Việt Nam thường xuyên công bố Sách trắng Quốc phòng (1998, 2004, 2009, 2019), thể hiện sự minh bạch của Quốc phòng Việt Nam, khẳng định và làm rõ hơn tính chất cơ bản của nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ.

          Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước

          Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Chiến tranh đã lùi xa nhưng lời thề thiêng liêng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy" chưa bao giờ phai nhạt trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam nói chung và mỗi người chiến sĩ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân Việt Nam nói riêng.

          Thành tựu lớn nhất trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh của Việt Nam trong những năm đổi mới là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ  xã hội chủ nghĩa; giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị - xã hội, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình để tập trung xây dựng, phát triển đất nước.

          Điều đó thể hiện ở việc sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam và các nước láng giềng đã nhanh chóng cùng nhau giải quyết vấn đề hoạch định biên giới. Từ đó đến nay, Việt Nam đã đàm phán và ký kết thành công các hiệp ước, văn bản song phương về biên giới trên đất liền với các nước láng giềng (Trung Quốc, Lào, Campuchia). Đây là quyết tâm chính trị, là kết quả của quá trình đàm phán lâu dài trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, là cơ sở pháp lý được quốc tế công nhận, và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam, nhân dân các nước về một đường biên giới hòa bình, ổn định để phát triển.

          Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là nhiệm vụ ngày càng trở nên quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Thời gian gần đây, khi các hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên biển, liên tục diễn ra những thách thức, yêu cầu mới buộc các lực lượng quốc phòng, an ninh phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh với mọi hành động vi phạm chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Việt Nam luôn khẳng định chủ trương "4 không", nhưng điều này không đồng nghĩa với việc cho phép bất cứ ai, tổ chức, quốc gia nào xâm phạm lãnh thổ của mình. Việt Nam có đủ khả năng, tiềm lực về mọi mặt để răn đe, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, ý chí, hành động xâm lược và chiến tranh. Đó là nguyên tắc, quan điểm nhất quán, bất di bất dịch của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta./.

Th.s Nguyễn Mậu Minh – Trưởng bộ môn LLCT