star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Kỷ niệm 49 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 – 12/2021)


 

KẾT QUẢ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA CHIẾN DỊCH

12 NGÀY ĐÊM THÁNG CHẠP NĂM 1972

 

Kỷ niệm 49 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Với sự kiện 12 ngày đêm tháng 12/1972, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Thời gian càng lùi xa chúng ta càng có thêm điều kiện để nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về tầm vóc to lớn của chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng đó mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam; tô thắm thêm trang sử hào hùng, khích lệ niềm kiêu hãnh của nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Từ đây nhiều bài học kinh nghiệm quí báu đã được đúc kết để vận dụng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

1. Âm mưu và lực lượng của Mỹ trong cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12 năm 1972

a. Âm mưu của Mỹ trong cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12 năm 1972   

- Thứ nhất, Mỹ hăm dọa sẽ phá vỡ Hiệp định Pari.

+ Ngày 8/10/1972 ta và Mỹ đã thoả thuận cơ bản về nội dung của Hiệp định "Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" do ta dự thảo với một lịch trình rất rõ ràng và đến ngày 27/10/1972 hai bên sẽ ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

 + Ngày 20/10, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận được thư của Tổng thống Ních-xơn khẳng định: "Hiệp định coi như đã hoàn tất, hãy tin vào chúng tôi là có thể ký kết được Hiệp định như thời gian biểu đã thoả thuận”.

+ Nhưng, sau khi Ních-xơn thắng cử Tổng thống Mỹ, Kit-xinh-giơ đã quay ngoắt 180 độ đối với Hiệp định Pa-ri. Phía Mỹ đòi ta phải sửa một số điều trong những điều hai bên đã thoả thuận của Hiệp định, đòi miền Bắc cùng rút quân, đòi miền Nam là một quốc gia riêng.  

Ngày 24/11, Kít-xinh-giơ hăm doạ: "Nếu các ông không tỏ ra biết điều, Tổng thống chúng tôi buộc sẽ ra lệnh ngừng đàm phán và tiếp tục các hành động quân sự mà hậu quả sẽ khó lường".

 Ngày 6/12, Kít-xinh-giơ lại doạ dẫm: "Nếu cuộc thương lượng bị tan vỡ thì chiến tranh sẽ tiếp diễn với cường độ mạnh hơn. Đến lúc đó cuộc chiến tranh sẽ thay đổi tính chất. Mỹ sẽ không bàn bạc về Hiệp định này nữa”

Ngày 7/12, Ních-xơn điện cho Kít-xinh-giơ "Chúng ta sẽ ném bom dữ dội Bắc Việt. Nhưng sẽ không thông báo cho công chúng biết trước" Hội nghị Pa-ri bị phá vỡ.

- Thứ hai,  đánh phá hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam, làm giảm thế và lực của ta so với quân đội và chính quyền Sài Gòn.

- Thứ ba, đe doạ phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới.

Có một thực tế, khi đế quốc Mỹ tuyên bố sẽ dùng B.52 tiến hành cuộc tập kích chiến lược đường không đối với Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng khác trên miền Bắc, thì một số nước trên thế giới đã khuyên ta nên chấp nhận những điều kiện mà Mỹ nêu ra.

b. Lực lượng của Mỹ trong cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12 năm 1972

- Mỹ đã huy động lực lượng:

+ Máy bay B.52: 193 chiếc trên tổng số 400 chiếc. 

+ Không quân chiến thuật: 1.077 chiếc trên tổng số 3.043 chiếc.

+ Tàu sân bay: 6 chiếc trên tổng số 24 chiếc.

+ Hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu, cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.

 - Căn cứ xuất phát của các loại máy bay Mỹ :

+ Máy bay chiến lược B.52 cất cánh từ căn cứ Enđơxơn trên đảo Guam; 

Máy bay chiến lược B.52 và sức mạnh của nó.

 + Máy bay B.52 là “pháo đài bay” khổng lồ, có uy lực rất lớn:

   B.52 là loạt máy bay ném bom phản lực hạng nặng do hãng Bô inh sản xuất theo đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc để làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân trong chiến tranh toàn cầu.

+ Có thể nói, đây là một cuộc huy động lực lượng lớn chưa từng có của Mỹ từ sau đại chiến thế giới lần thứ 2 (tính đến tháng 12/1972) cho một cuộc tập kích đường không chiến lược.

2. Sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12 năm 1972 của đế quốc Mỹ

 

 - Năm 1962, khi Đại tá Phùng Thế Tài vừa được bổ nhiệm làm Tư lệnh Phòng không, Bác Hồ đã gọi ông lên và hỏi: "Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B.52 chưa"?, và Bác nói tiếp: "Nói thế thôi, chú có biết lúc này cũng chưa làm gì được nó. Nó bay  trên cao mười cây số mà trong tay chú hiện nay chỉ mới có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ nay, là Tư lệnh Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến thằng B52 này".

 - Ngày 18/6/1965, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, đế quốc Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B.52 ném bom rải thảm khu vực Bến Cát (tây bắc Sài Gòn). Ngay sau đó một tháng ngày 19/7/1965, Hồ Chủ tịch đến thăm Quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ), tại Trung đoàn 234 (Đoàn pháo cao xạ Tam Đảo), Bác khẳng định: “...Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B.57, B.52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng"

 - Ngày 12/4/1966, đế quốc Mỹ dùng B.52 ném bom khu vực Đèo Mụ Giạ, (Quảng Bình), mở đầu việc đánh phá của B.52 đối với miền Bắc nước ta. Ít lâu sau, B.52 đánh rộng đến Vĩnh Linh, phía bắc vĩ tuyến 17 với mức độ ngày càng dữ dội. Bác Hồ đã chỉ thị cho đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân: "B.52 đã ném bom miền Bắc, phải tìm cách đánh cho được B.52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú Phòng không - Không quân".

- Đầu Xuân Mậu Thân (1968), Bác Hồ gọi đồng chí Phùng Thế Tài-Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và đồng chí Đặng Tính-Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đến báo cáo tình hình và Bác dự báo rằng: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị...  Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội".

- Đến ngày 5/4/1972 khi quân và dân ta ở miền Nam đang thắng lớn, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Quân chủng PK-KQ và các Quân khu: "Phải sẵn sàng đối phó với khả năng Mỹ cho không quân, kể cả không quân chiến lược đánh phá trở lại miền Bắc".

 - Trong một buổi họp quan trọng của Bộ Quốc phòng (11/1972), Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định: Mỹ cho B.52 đánh Thủ đô Hà Nội, linh hồn của cuộc kháng chiến sẽ là hành động gây sức ép cuối cùng để buộc chúng ta phải nhân nhượng. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng chúng trên bầu trời Thủ đô.

Câu chuyện: đầu 5/1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi trưởng phòng tác chiến, tỉ lệ B52 rơi bao nhiêu thì Mỹ chấp nhận, bao nhiêu thì rung chuyển nhà trắng, bao nhiêu thì thua cuộc. Sau 3 tuần sau: Phòng tác chiến trả lời: nếu rơi 1,2,3,4 thì bình thường, Loại 2, 6-7% (12-13 chiếc) thì phải rung chuyển nhà trắng, loại 3 gần 10% tức cỡ 19 cái thì Mỹ sẽ thua cuộc. Đại tướng đã nói, phải loại trừ Loại 1, phấn đấu loại 2, và vươn tới Loại 3

 Ngày 24/11/1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng các Tổng Tham mưu Phó Trần Quý Hai, Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh, Phùng Thế Tài đã thông qua và phê chuẩn kế hoạch đánh B.52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của Quân chủng PK-KQ.

Đầu tháng 12/1972, Bí thư Thứ Nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Lê Duẩn đã xuống Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ, trực tiếp nghe Tư lệnh Lê Văn Tri trình bày về kế hoạch đánh B.52 của Quân chủng và nhấn mạnh:"Để gây sức ép với ta trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng Không - Không quân, phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng".

Như vậy có thể nói về mặt chiến lược, chúng ta hoàn toàn chủ động, không hề bị bất ngờ trước mưu thâm, kế hiểm của đế quốc Mỹ.

3. Tóm tắt diễn biến cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 của Mỹ và sự giáng trả quyết liệt của quân và dân ta, tháng 12 năm 1972.

- Ngày 17/12/1972, Ních-xơn chính thức ra lệnh mở Chiến dịch Lai-nơ-bêch-cơ II, sử dụng không quân chiến lược B.52, tập kích với quy mô hủy diệt vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc.

- Bộ Tổng Tham mưu ra lệnh cho Quân chủng PK-KQ chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, đề phòng máy bay B.52 đánh từ vĩ tuyến 20 trở ra.

- Đêm 18/12/1972:

+ 20 giờ 13 phút, Tiểu đoàn 59/Trung đoàn tên lửa Phòng không 261 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng chỉ huy phóng 2 quả đạn hạ 1 máy bay B.52 (rơi xuống cánh đồng Chuôm thuộc xã Phủ Lỗ huyện Đông Anh, cách trận địa gần 10 km). Đây là chiếc máy bay B.52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội.

+ Trong đêm đầu tiên 18/12 và rạng ngày 19/12, Mỹ huy động 90 lần chiếc B.52 ném 3 đợt bom xuống Hà Nội, 8 lần chiếc F.111 và 127 lần chiếc máy bay chiến thuật bắn phá các khu vực nội, ngoại thành. Mỹ đã ném khoảng 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm thuộc Hà Nội, 85 khu vực dân cư bị trúng bom làm thương vong 300 người. Quân và dân ta bắn rơi 3 máy bay B.52 (2 chiếc rơi tại chỗ), 3 máy bay chiến thuật (2 chiếc F4, 1 chiếc A7).

- Từ đêm 19/12 đến 29/12/1972, Mỹ liên tục tấn công Hà Nội và các địa phương khác trong toàn miền Bắc bằng máy bay chiến lược B.52, máy bay F.111 "cánh cụp cánh xòe", máy bay F4, F5 và các loại phương tiện tiến công đường không chiến thuật hiện đại khác và trong 12 ngày đêm oanh liệt đó không có ngày nào quân dân ta không bắn rơi máy bay B.52 của Mỹ. (trừ ngày 25/12, lấy cớ nghỉ lễ Nôen, địch tạm ngừng cuộc tập kích để củng cố lực lượng, ổn định tinh thần giặc lái, rút kinh nghiệm, tìm thủ đoạn và cách đánh mới).

Ngày 24,25/12, có lúc , có trận địa không còn đạn mà bắn, phải bắn phát một, vì bình thường 2-3 quả 1 loạt. Lúc này bác Giáp đã điện: Khách còn nhiều, phải tiết kiệm để tiếp khách”

+ Cao điểm nhất là ngày 26/12, lúc 22 giờ 05 phút, địch sử dụng 105 lần chiếc máy bay B.52 và 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống, đánh ồ ạt, liên tục từ nhiều hướng và tập trung một đợt vào nhiều mục tiêu ở 3 khu vực Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Đây là trận đánh lớn nhất và là trận then chốt trong cuộc tập kích đường không chiến lược của địch. Trận tập kích này chỉ diễn ra trong thời gian hơn một giờ, ta đã bắn rơi 8 máy bay B.52. Thất bại lớn này đã làm suy sụp tinh thần và ý chí của giới cầm quyền Nhà trắng và Lầu Năm góc. Đến đêm 29/12 máy bay B.52 của Mỹ chỉ dám đánh vào khu gang thép Thái Nguyên, Đồng Mỏ (Lạng Sơn), Kim Anh (Vĩnh Phú), mà không dám tập trung lực lượng ở toạ độ lửa  Hà Nội nữa.

 Trước sự thất bại lớn và liên tiếp trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc Việt Nam, 7 giờ sáng ngày 30/12, Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận quay lại bàn đàm phán. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B.52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và miền Bắc Việt Nam của Mỹ đã bị thất bại hoàn toàn.

4. Tội ác của đế quốc Mỹ trong cuộc tập kích đường không chiến lược và chiến thắng của quân và dân ta, tháng 12 năm 1972

a. Tội ác của đế quốc Mỹ

Cuộc cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12/1972 của đế quốc Mỹ là một cuộc ném bom hủy diệt vô cùng man rợ. Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng yếu khác trên miền Bắc nước ta, hơn 100 ngàn tấn bom đạn. Riêng Thủ đô Hà Nội chúng đã sử dụng 441 lần chiếc B.52 cùng hàng ngàn lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 10 ngàn tấn bom (sức công phá hủy diệt tương đương 2 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki - Nhật Bản). Chúng đã huỷ diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác.

Phố Khâm Thiên, một khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội, đã bị bom B.52 tàn phá cả chiều dài trên 1 km, gần 2000 ngôi nhà, đền chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, 287 người chết, 290 người bị thương, có gia đình 6 người ngồi trong hầm chết toàn bộ. Cùng với Khâm Thiên, máy bay B.52 của Mỹ còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư trong thành phố (Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ. An Dương...) làm hơn 1.000 người bị thương vong.    

b. Chiến thắng của quân và dân ta

Trong 12 ngày đêm từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972 có 81 máy bay Mỹ bị ta bắn rơi, gồm: (34 chiếc B.52, 5 chiếc F.111A, 21 chiếc F.4C-E, 4 chiếc A6A, 12 chiếc A7, 1 chiếc F.105D, 2 chiếc RA5C, 1 chiếc trực thăng HH53, 1 chiếc trinh sát không người lái 147SC).

Sau cuộc ném bom tàn bạo ấy, ngày 30/12/1972, tướng Gioóc Ết-tơ, Phó chỉ huy không quân chiến lược Mỹ, đã thú nhận trên tạp chí Không lực Hoa kỳ rằng, “Tổn thất về máy bay chiến lược B.52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc”.

   Trong hồi ký của mình, Ních-xơn viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B.52 quá nặng nề”.  

          Đi đôi với tổn thất về máy bay, phía Mỹ còn phải chịu thêm tổn thất về người lái. Trong quân đội, người lái máy bay được coi là sinh lực cao cấp. Để đào tạo được 1 phi công đặc biệt là phi công chiến lược B.52, phi công F.111 phải tốn khá nhiều tiền bạc và thời gian. Chỉ hơn 10 ngày Không quân Hoa Kỳ đã mất gần 100 phi công (bị chết và bị bắt). Đây đều là những phi công kỳ cựu, có giờ bay cao, có phi công có hơn 6.000 giờ bay.   

          Thông thường trong chiến tranh, ở những trận tập kích đường không lớn, tỷ lệ tổn thất về máy bay của phe tiến công là khoảng 1 -2%. Vậy mà trong cuộc tập kích không quân chiến lược cuối tháng 12/1972 này tỷ lệ tổn thất về máy bay của Mỹ (chỉ tính riêng B.52) đã lên tới 17% (34/193 chiếc), thực sự là sự tổn thất khủng khiếp.  

5. Nguyên nhân thắng lợi

- Có sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương

- Do sự chủ động, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến đấu chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 của đế quốc Mỹ.

- Do đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân; cả nước, đặc biệt là quân dân Thủ đô Hà Nội đã đoàn kết, thống nhất, quyết tâm đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 của đế quốc Mỹ. 

- Do có sự ủng hộ, giúp đỡ của anh em, bạn bè và nhân loại tiến bộ thế giới

6. Những bài học kinh nghiệm của chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu, đó là:   

a. Sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, tài thao lược của Quân ủy Trung ương là nhân tố quyết định, làm nên chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Được thể hiện qua năng lực phân tích, đánh giá đúng tình hình địch, tình hình ta, hạ quyết tâm chiến lược chính xác, kịp thời; là quan điểm khoa học, toàn diện và thực tiễn, không chỉ đánh giá lực lượng quân sự mà đánh giá toàn diện trên các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hoá trong nước và thế giới; đánh giá đúng quan hệ giữa thời cơ và điều kiện, giữa thế và lực. 

Đó là sự kết hợp hài hòa giữa cách mạng và khoa học, giữa dám đánh và biết đánh, giữa ý chí kiên định, bản lĩnh vững vàng với năng lực chỉ huy, lãnh đạo tài giỏi của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Điều đó khẳng định, sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, tài thao lược của Quân ủy Trung ương là nhân tố quyết định, làm nên chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

b. Phát huy nhân tố chính trị tinh thần, tăng cường sức mạnh, ý chí chiến đấu, tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng của quân và dân ta

c. Linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng thế trận và sử dụng lực lượng  

Một trong những yếu tố có tác động trực tiếp đến thành công của chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, đó là, quân và dân ta đã xây dựng được một thế trận phòng không hết sức sáng tạo và độc đáo, trở thành yếu tố cấu thành nghệ thuật tác chiến phòng không, góp phần làm nên trường phái của học thuyết quân sự Việt Nam. Đó là thế trận cài xen kẽ trong chiến đấu phòng không, là thế trận hết sức hiểm hóc của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đó là thế trận phòng không "chân vạc", hình thành ba cụm phòng không chiến dịch: cụm phòng không Hà Nội, cụm phòng không Hải Phòng, cụm phòng không phía Bắc đường 1, Thái Nguyên. Trong quá trình chiến dịch, ta đã chủ động chuyển hóa thế trận, điều chuyển vị trí chiến đấu một số đơn vị tên lửa phòng không, thay đổi sân bay cất cánh cho không quân ta đánh từ xa, đã gây bất ngờ lớn cho địch, tạo nên yếu tố trực tiếp và quyết định thắng lợi của chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 của Mỹ.

          Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cũng chính là chiến thắng của nghệ thuật sử dụng lực lượng, bày binh, bố trận, cơ động tác chiến, theo một ý định cách đánh sáng tạo của quân và dân ta. 

d. Phát huy sức mạnh tổng hợp 

Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972, chúng ta đã rất thành công trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân, tạo nên hệ thống hoả lực phòng không rộng khắp, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh thắng kẻ thù./.

 

Th.s Nguyễn Thị Hải lên – Tổ LLCT