Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định phát triển đất nước theo con đường XHCN. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung và phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: “Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Ngày 5 tháng 6 năm 1911, Bác Hồ rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước với câu nói giản dị nhưng đầy ý nghĩa, ý chí và mục tiêu cao cả: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.
Những năm đầu ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ bôn ba khắp các châu lục để tìm hiểu bản chất của chủ nghĩa thực dân và tình cảnh giai cấp công nhân, nhân dân lao động. Bằng những tư liệu thu được, Bác rút ra kết luận: Ở̉ đâu chủ nghĩa thực dân cũng tàn ác, vô nhân đạo, các dân tộc thuộc địa đều khổ đau; Trên đời này chỉ có hai giống người, giống người bóc lột và giống người bị bóc lột; Sự giả nhân, giả nghĩa, lừa bịp của chủ nghĩa đế quốc sau cụm từ: Tự do, bình đẳng, bác ái, nhân quyền. Từ đ́ó, Người luôn luôn băn khoăn suy tư về câu hỏi: Làm thế nào để trên thế giới bớt đi những bất công? Con đường nào để giải phóng nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột?
Năm 1920, Bác Hồ đã đọc “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp. Bài viết đã tác động rất lớn đến hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đứng nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta”. Từ đó tôi hoàn toàn theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”.
Như thế, sau gần 10 năm đi khắp thế giới, Bác Hồ đã thực hiện được mục đích khi rời đất nước- tìm được con đường cứu nước, cứu dân: Đó là con đường cách mạng vô sản, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản - con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cận con đường cách mạng vô sản, khẳng định tính tất yếu của cách mạng nước ta phải tiến hành cách mạng dân tộc, sau đó tiến lên CNXH và chủ nghĩa cộng sản: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo quốc tế thứ ba. Từng bước một trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng, chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên toàn thế giới khỏi ách nô lệ”.
CNXH trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là một chế độ xã hội do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho nhân dân; CNXH là một xã hội phát triển ở trình độ cao về văn hóa, đạo đức, một xã hội công bằng, mọi người có nghĩa vụ và quyền được lao động, hưởng theo lao động, các dân tộc bình đẳng. CNXH là “một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng”; “Chế độ XHCN và cộng sản chủ nghĩa là chế độ do nhân dân lao động làm chủ”. Địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ.
Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, lãnh đạo cách mạng, dân tộc Việt Nam ta đã lần lượt đánh thắng, đánh đuổi hai tên đế quốc xâm lược, giành độc lập dân tộc và từng bước thực hiện nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH trên đất nước ta, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn và còn có những vướng mắc phải giải quyết, nhưng không ai có thể phủ định một thực tế, người dân lao động Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước, làm chủ xã hội. Cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Bản chất và tính ưu việt của CNXH định hình, hiện dần trong cuộc sống của mỗi người dân, trong từng gia đình, trong các cộng đồng xã hội từ miền xuôi đến miền núi, từ nông thôn đến đô thị.
Vào những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX, khi mà chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, vấn đề phát triển đất nước theo con đường XHCN là một câu hỏi thực tế, mà câu trả lời thường “khó thuyết phục”. Nhưng đến thời điểm hiện nay, với những thành tựu có ý nghĩa lịch sử dân tộc trong gần 40 năm đổi mới, con đường phát triển đất nước theo định hướng xã hội đã được khẳng định. Đó là con đường duy nhất đúng để bảo đảm tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Song cũng không vì thế mà chúng ta sao nhãng việc tuyên truyền, giáo dục về CNXH, về mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và CNXH, về con đường phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Trong đó, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH là nội dung quan trọng nhất. Kiên định con đường đi lên CNXH đòi hỏi phải tăng cường nghiên cứu, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và chủ nghĩa cộng sản; làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và chủ nghĩa cộng sản trở thành một nội dung quan trọng trong nền tảng tinh thần của đời sống chính trị - tinh thần xã hội nước ta.
Nước ta quá độ lên CNXH trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc, vừa tạo thời cơ phát triển, vừa tạo ra những thách thức gay gắt. Đặc điểm nổi bật nhất hiện nay của thời đại là sự tồn tại của các nước với chế độ xã hội khác nhau, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ, phát triển tiến bộ dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng sẽ có những bước phát triển mới. “Theo quy luật của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH”; Đất nước ta nhất định sẽ tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Niềm tin đó phải thực sự là niềm tin xã hội rộng lớn, không lay chuyển trong đời sống chính trị - xã hội ở nước ta. Đi lên CNXH thực sự là khát vọng của nhân dân ta.
Xã hội XHCN mà chúng ta xây dựng “là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân lao động làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau cùng phát triển…”. Nội dung cơ bản về xã hội XHCN được xác định trên đây trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011) là sự trung thành và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất, nội dung của CNXH trong điều kiện mới; đồng thời cũng khẳng định sự kiên định của Đảng ta và nhân dân ta về con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn trong suốt cuộc đời vì nước, vì dân của Người.
Hiện thực hóa những nội dung cơ bản của CNXH là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để. Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới rất phức tạp, nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; làm cho các nội dung của CNXH hiện hình vững chắc và phát triển ngày càng hoàn thiện trên đất nước ta.
Kiên định con đường XHCN thực sự là một cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc quyết liệt. Trước mắt, chúng ta phải khắc phục, vượt qua những nguy cơ: Tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; Tình trạng suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, xa rời mục tiêu CNXH; Âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta...
Song, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, phòng ngừa có hiệu quả nguy cơ chệch định hướng XHCN./.
Th.s Hoàng Thị Kim Oanh – Tổ Bộ môn LLCT