star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Kết quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng và nhà nước thời gian gần đây


Hiện nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, cùng với sự gia tăng của chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chạy đua vũ trang; thách thức an ninh phi truyền thống càng ngày càng lớn; tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xung đột, đe dọa môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực… Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác đối ngoại được triển khai linh hoạt, chủ động, sáng tạo; đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế của đất nước.

Đối ngoại song phương với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn tiếp tục củng cố và phát triển

- Hoạt động đối ngoại song phương với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn được triển khai chủ động, tích cực. Các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước (2022) đã tiến hành hơn 60 chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao dưới nhiều hình thức. Nổi bật là chuyến thăm quan trọng tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như các chuyến thăm cấp cao tới Lào, Căm-pu-chia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Phi-li-pin, Hoa Kỳ, châu Âu, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân… Ta cũng đón 18 đoàn lãnh đạo cấp cao từ các nước láng giềng, khu vực, đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống và tổ chức quốc tế. Thông qua các chuyến thăm, ta đã xử lý cân bằng, hài hòa, có lý có tình, phù hợp với Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế.

- Quan hệ với Trung Quốc, chuyến thăm thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc ngay sau Đại hội lần thứ XX của Đảng cộng sản Trung Quốc khẳng định quan hệ Việt – Trung được củng cố và phát triển ổn định. Với nỗ lực chung, Việt Nam và Trung Quốc đã phối hợp tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực biên giới. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 175,57 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, nhập khẩu 117,87 tỷ USD. Những vấn đề còn mâu thuẫn, ta theo dõi sát tình hình, kịp thời báo cáo, tham mưu phục vụ đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.

- Quan hệ với Lào, Campuchia tiếp tục được củng cố, tăng cường thông qua trao đổi đoàn các cấp và tiếp xúc dưới nhiều hình thức linh hoạt. Việt Nam và Lào, Campuchia triển khai hàng loạt các hoạt động quan trọng trong “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022”, “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022"; tăng cường trao đổi đoàn các cấp, trong đó có tổ chức Kỳ họp thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào và phát động. Việt Nam và Campuchia triển khai nhiều hoạt động tiếp xúc, trao đổi cấp cao và các cấp; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ Kỷ niệm lần thứ 45 năm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Hun Sen (20/6/2022); hai bên tổ chức chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới lần thứ nhất (15/5/2022). Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Lào (11–12/01/2023); đây là chuyến thăm Lào đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị mới và cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Lào kể từ khi Thủ tướng Lào Sonexay Siphandon được bầu. 

- Quan hệ với các nước ASEAN tiếp tục được thúc đẩy, làm sâu sắc thông qua các hoạt động trao đổi đoàn các cấp, tiếp xúc trực tiếp và trực tuyến với lãnh đạo nhiều nước ASEAN. Tiếp tục thúc đẩy nỗ lực chung xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Đóng góp tích cực và thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 tổ chức tại Campuchia. Quan hệ với các nước ASEAN được thúc đẩy với các chuyến thăm chính thức Singapore và Brunei Darussalam từ ngày 8 -11/2/2023 của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

- Quan hệ với Mỹ, nổi bật là chuyến thăm làm việc tại Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19, Hoa Kỳ đã viện trợ cho Việt Nam gần 40 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 qua kênh song phương cũng như qua cơ chế COVAX vào thời điểm Việt Nam đang gặp khó khăn nhất, giúp Việt Nam kiểm soát đại dịch.

- Với các nước EU, duy trì trao đổi, tiếp xúc các cấp, triển khai mạnh mẽ các cơ chế hợp tác để thúc đẩy hợp tác song phương. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Đại công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan, Vương quốc Bỉ và tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU (từ 9-15/12/2022). Thủ tướng Scholz thăm Việt Nam; đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một thủ tướng Đức sau 11 năm, kể từ chuyến công du của bà Angela Merkel hồi tháng 10/2011.

- Với Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chọn Việt Nam là điểm đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức (30/4-01/5/2022). Ngoài ra, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm với Tổng thống mới của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Việt Nam đón nhiều đoàn Lãnh đạo các nước, thúc đẩy ký Bản ghi nhớ về thiết lập cơ chế đối thoại với Hội đồng hợp tác vùng Vịnh, thiết lập quan hệ ngoại giao với quần đảo Cook (4/2022)…

Đối ngoại đa phương chủ động, tích cực, góp phần bảo đảm lợi ích của đất nước, đóng góp vào hòa bình, an ninh của thế giới

- Đối ngoại đa phương đánh dấu nhiều thành công. Trong đó, ta đã ứng xử cơ bản phù hợp với những vấn đề nổi lên như tình hình tại U-crai-na, Biển Đông, eo biển Đài Loan, quan hệ giữa các nước lớn, hợp tác tiểu vùng, các sáng kiến liên kết khu vực, các vấn đề toàn cầu…Trong các vấn đề liên quan đến xung đột Nga - Ukraine, trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt, ta đã triển khai đồng bộ các biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc; đồng thời, thể hiện trách nhiệm, đóng góp 500.000 USD hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine.

- Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 77, trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022-2026 với tín nhiệm cao minh chứng rõ nét về uy tín, vị thế quốc tế cũng như vai trò là thành viên có trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, làm việc tại Liên hợp quốc (5/2022). Việt Nam  được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng tham gia và đóng góp tích cực cho nhiều cơ chế đa phương khác như các Hội nghị trong khuôn khổ APEC, ASEM, Hội nghị WEF Davos (22-26/5/2022), Hội nghị tương lai châu Á (26-27/5/2022)... Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực, hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, cử Đội Công binh số 1 Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 đi làm nhiệm vụ tại các phái bộ LHQ ở Nam Sudan.

Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngoại giao kinh tế đạt nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội

- Đối ngoại đóng góp hiệu quả vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng.

- Ngoại giao y tế, ngoại giao vắc-xin đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa Việt Nam trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới, tiết kiệm ngân sách 900 triệu USD. Ngành ngoại giao đã tham mưu kịp thời để cả nước chuyển giai đoạn từ thích ứng an toàn sang phục hồi, tăng trưởng và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế bao gồm triển khai các cam kết trong khuôn khổ các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, tận dụng tốt đà phục hồi kinh tế thế giới, đóng góp vào kết quả khởi sắc về kinh tế - xã hội của nước ta trong năm 2022. GDP năm 2022 tăng 8,02%; CPI tăng 3,15% so với năm 2021, GDP bình quân đầu người 4.110 USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 nước ta đạt 732.5 tỷ USD, tăng 9.5% so với năm 2021, xuất siêu 11,2 tỷ USD. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất đạt 109,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất đạt 119,3 tỷ USD ; vốn FDI thực hiện đạt hơn đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021.

Triển khai kịp thời, hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân

- Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai mạnh mẽ theo tinh thần Nghị quyết số 36 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Khi quốc tế mở cửa trở lại, ta đã tổ chức thành công nhiều hoạt động trực tiếp kết nối kiều bào với quê hương, Tổ quốc; tích cực vận động thu hút nguồn lực tri thức, kinh tế của kiều bào phục vụ phát triển đất nước.

- Công tác bảo hộ công dân được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Cơ bản hoàn tất việc sơ tán an toàn hơn 6.000 công dân Việt Nam, kiều bào ta tại U-crai-na ra khỏi các khu vực chiến sự; tiếp nhận và đưa về 1.200 công dân bị cưỡng bức lao động tại Căm-pu-chia; có biện pháp bảo hộ phù hợp với công dân Việt Nam tại nhiều địa bàn. Phối hợp giải quyết kịp thời, đưa khoảng hơn 700 ngư dân của ta ở nước ngoài về nước.

Bám sát tình hình, kiên quyết, kiên trì, vừa hợp tác, vừa đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia

- Trên biên giới đất liền, đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đất nước. Đồng thời, phối hợp với các nước láng giềng quản lý đường biên, mốc giới hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội biên giới, tạo điều kiện khôi phục giao lưu, giao thương biên giới giai đoạn sau đại dịch.

- Trên biển, ta tiếp tục theo dõi sát tình hình và triển khai đồng bộ các biện pháp cả trên thực địa về ngoại giao; thúc đẩy đàm phán COC giữa ASEAN với Trung Quốc, đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với các nước láng giềng. Trong đó, với Trung Quốc, ta đã gửi Công hàm phản đối Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc tại Biển Đông; tham dự cuộc họp Nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện DOC lần thứ 36 (24-27/5/2022). Ta cũng hợp tác, trao đổi với Australia và Mỹ về một số vấn đề liên quan tài nguyên biển và pháp lý trên biển; cùng Indonesia tiến hành đàm phán đặc biệt phân định vùng đặc quyền kinh tế (14-16/3/2022).

Chủ động triển khai đường lối đối ngoại toàn diện, đồng bộ, hiệu quả trên tất cả các trụ cột, lĩnh vực

- Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại Nhân dân, đối ngoại quốc phòng - an ninh và các hoạt động đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương được triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy được thế mạnh đặc trưng của từng trụ cột, lực lượng cũng như sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị.

- Trong công tác thông tin đối ngoại, Việt Nam đã triển khai các hoạt động tuyên truyền về các chuyến thăm song phương, đa phương của Lãnh đạo Chủ chốt, Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, cũng như các đoàn vào cấp cao, thành công của SEA Games 31,… qua đó truyền tải các thông điệp lớn về đối ngoại và phát triển của Việt Nam trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp.

- Triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, công tác ngoại giao văn hóa được đẩy mạnh, nhất là việc tiếp tục đảm nhiệm hiệu quả vai trò là thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025. Tiếp tục các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài, tổ chức thành công chương trình Ngày Việt Nam tại Áo, Hàn Quốc và Ấn Độ; vận động thành công bốn danh hiệu UNESCO…

Kết luận

Khẳng định đướng lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước được triển khai hiệu quả, đồng bộ, toàn diện, linh hoạt trên cả ba trụ cột (đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân), thực hiện vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; huy động mạnh mẽ các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước; nâng cao vai trò, vị thế, uy tín quốc tế của Đảng và đất nước./.

 

Th.s Nguyễn Thị Hải Lên – Tổ Bộ môn LLCT