star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Cần nhận thức đầy đủ và thực tế hơn về một số dự báo của Mác trong bối cảnh hiện nay


Sinh thời C.Mác có cả một hệ thống lý luận về nguyên nhân, tiền đề, điều kiện, các thời kỳ phát triển và đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản (CNCS), v.v.. Trong đó nhiều luận điểm là dự báo tương lai từ sự vận động của chủ nghĩa tư bản (CNTB) đương thời. 

1. Về tính điển hình của trường hợp nghiên cứu - CNTB châu Âu    

Dự báo của C.Mác về CNCS, trước tiên gồm những nhận định về quá trình phát triển lịch sử tự nhiên của hình thái kinh tế - xã hội TBCN - cái sẽ tạo ra những nhân tố tự phủ định và những tiền đề cho CNCS. Lênin từng nhận định: “Mác đặt vấn đề chủ nghĩa cộng sản giống như một nhà tự nhiên học, chẳng hạn, vấn đề tiến hóa của một giống sinh vật mới, khi đã biết nguồn gốc của nó và định được rõ rệt hướng của những biến đổi của nó”. “Tất cả lý luận của C.Mác là một sự áp dụng học thuyết về sự phát triển, dưới hình thức triệt để nhất, đầy đủ nhất, chín chắn nhất và có nội dung phong phú nhất, vào chủ nghĩa tư bản hiện đại”. Lênin còn phê phán quan điểm cơ hội và giáo điều đương thời đã viện dẫn C.Mác mà không thấy hoàn cảnh lịch sử, thực tại khách quan đã thay đổi. Rằng, phải coi việc phân tích cụ thể một tình hình cụ thể là linh hồn của chủ nghĩa Mác. Điều chỉnh, bổ sung nhận thức khi thực tại khách quan đã thay đổi mới là người mácxít.     

Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh là người đầu tiên nhận thấy vấn đề này với nhận định: Mác khái quát từ lịch sử, nhưng chủ yếu là của CNTB ở châu Âu. Mác khi nghiên cứu về triển vọng phát triển của CNTB và CNCS còn thiếu những tư liệu lịch sử của các nước thuộc địa ở phương Đông. Chủ nghĩa Mác sẽ còn đúng cả ở phương Đông, nhưng “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được.

Người đã viết trong “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ” (năm 1924): “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn  thể nhân loại... Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông... Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước... Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ”.

Quan điểm trên khó mà được chấp nhận đối với các nhà lý luận trong Quốc tế Cộng sản khi ấy, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn kiên trì khẳng định đó là “Một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời”. Người đã lý giải vấn đề dân tộc và giải phóng dân tộc một cách độc lập, dựa trên sự nghiên cứu sâu sắc lịch sử và cơ sở xã hội ở Việt Nam, rằng cùng với động lực đấu tranh giai cấp thì “Chủ nghĩa dân tộc còn là một động lực lớn của đất nước. Người còn phát hiện thêm hai điều mà Mác chưa nói tới: “CNCS thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn với châu Âu” vì nó có nhiều tiền đề từ xã hội cổ truyền và “Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”. Chính từ quan điểm ấy, Người đã giải quyết thành công nhiệm vụ giải phóng dân tộc ở Việt Nam và bằng thực tế đã bổ sung cho Chủ nghĩa Mác thực tiễn ở phương Đông, qua đó làm cho nó có sức sống bởi sự sáng tạo và phát triển.

Tính điển hình của trường hợp nghiên cứu còn thể hiện ở trình độ của CNTB thế kỷ XIX. CNTB thời Mác là CNTB giai đoạn tự do cạnh tranh dần chuyển sang giai đoạn CNTB độc quyền. Nó đã phát triển đủ để  bộc lộ ra một số bản chất, quy luật tự thân, nhưng trên nhiều phương diện, quy mô và đặc điểm của CNTB vẫn còn cần đến thời gian mới bộc lộ ra. Thực thể này hiện nay so với thời Mác đã sang một giai đoạn khác nữa: CNTB độc quyền trong giai đoạn toàn cầu hóa. Nó đã có sự khác biệt, với hai hàm ý: khác biệt của quá trình tiến hóa theo lôgíc mà Mác vạch ra; và khác biệt tạo nên một tình huống mới cho việc điều chỉnh nhận thức.

2. CNTB hiện nay mang nhiều nét khác biệt so với thời Mác

- Những khác biệt của CNTB hiện nay trên lĩnh vực kinh tế

Vai trò lũng đoạn của tư bản tài chính và nhóm đầu sỏ tài chính ngày càng rõ rệt trong thế giới đương đại. Thời Mác, tư bản tài chính chưa có được vai trò như hiện nay, lúc đó tư bản công nghiệp là thống lĩnh. Sức mạnh của tư bản tài chính hiện nay có khả năng lũng đoạn tiêu cực rất lớn với kinh tế thế giới. Khủng hoảng tài chính - tiền tệ quốc tế diễn ra suốt từ cuối thế kỷ XX (1997) đến đầu thế kỷ XXI (2007) và hiện nay chưa chấm dứt, có nguyên nhân bắt nguồn từ sự lũng đoạn này.

            Thời Mác chưa có nhiều tập đoàn khổng lồ có tác động khuynh loát đời sống quốc tế như hiện nay. Các tập đoàn độc quyền xuyên quốc gia (TNC) là tác nhân quan trọng nhất của toàn cầu hóa kinh tế hiện nay (500 TNC nắm giữ 2/3 lượng hàng hóa luân chuyển, 80% vốn, 90% công nghệ). Các TNC này chi phối các hoạt động của chính phủ tư sản trong điều tiết quá trình toàn cầu hóa kinh tế và đời sống chính trị quốc tế. Lợi nhuận độc quyền xuyên quốc gia khiến cho TNC tham gia ngày càng sâu vào mọi mặt của quan hệ quốc tế. 

Sự chuyển giao công nghệ gắn với xuất khẩu tư bản ngày càng chặt chẽ, đặc biệt là trong thời đại công nghệ cao. Độc quyền về sở hữu trí tuệ, công nghệ là nguồn thu nhập ngày càng quan trọng của các tập đoàn lớn và của các nước tư bản phát triển. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự lệ thuộc và thua thiệt của các nước kém phát triển. “Chủ nghĩa thực dân công nghệ” là một khái niệm ngày càng phổ biến hiện nay trong quan hệ kinh tế quốc tế. Nó khác với thứ chủ nghĩa thực dân cũ với sức mạnh dựa trên súng đạn và cướp bóc tài nguyên.  

Nhà nước TBCN đóng vai trò chủ thể kinh tế quan trọng nhất trong nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa. Nó đang tham gia vào điều tiết - quản lý kinh tế chứ không chỉ là cơ quan thu thuế hay thuần túy chỉ là bộ máy đàn áp như hồi thế kỷ XIX. Khủng hoảng nợ công ở các nước TBCN phát triển hiện nay là một căn bệnh mới do sử dụng quá mức vai trò quản lý kinh tế của nhà nước.

Có nhiều điều chỉnh trong quan hệ sản xuất TBCN cả về sở hữu, quản lý và phân phối. Những thành tựu trong quản lý sản xuất TBCN đã giúp tăng năng suất lao động. Phương thức quản lý linh hoạt (FMS) góp phần tối đa hóa lợi nhuận và làm giảm nhẹ sự căng thẳng trong quan hệ lao động - tư bản. Khoa học marketing làm giảm bớt sự mù quáng của sản xuất tư bản và hạn chế cái “nạn dịch sản xuất thừa” mà Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản từng đề cập. Ở nhiều nước tư bản, phân phối lại bằng chế độ phúc lợi xã hội cũng đã góp phần giảm bớt những căng thẳng, xung đột xã hội.

Công nghệ bóc lột giá trị thặng dư cũng cao hơn thế kỷ XIX. Tỷ suất bóc lột giá trị thặng dư hiện đại cao hơn thế kỷ XIX rất nhiều lần. Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), tỷ suất bóc lột này hiện nay tính trung bình là 300%, cá biệt có những công ty như Microsoft tỷ lệ này có lúc (năm 2004) lên tới 5.000%. Phương pháp mới trong quản lý kinh tế khắc phục khá nhiều vấn đề của thế kỷ XIX như lao động khổ sai, kỷ luật cưỡng bức, cuộc sống lầm than của người lao động... Nó cũng bước đầu gợi ý về biện pháp chống tha hóa lao động: khuyến khích người lao động sáng tạo, tháo gỡ các ràng buộc kỷ luật lao động bằng cơ chế “làm việc tại nhà”, “xuất khẩu lao động tại chỗ”. Xã hội thông tin, liên kết mạng toàn cầu đã nhanh chóng đem các thực tiễn ấy đến những vùng còn dấu vết của CNTB hoang dã và làm cho người ta có những so sánh, thậm chí “ao ước”. Công nghệ thông tin và các cuộc cách mạng trong toán học, hóa học, lý học, sinh học, y học, thiên văn học, vật liệu học và quản lý... đang làm cho năng suất lao động xã hội tăng lên không ngừng. Chính điều này đã làm cho CNTB biến đổi. Những nhân tố kinh tế - xã hội của xã hội XHCN đã hình thành và phát triển. Nhiều vấn đề, tưởng chừng CNTB không thể làm, thì nay đã được thực hiện như: Điều chỉnh khủng hoảng kinh tế; thực hiện chính sách xã hội, phúc lợi xã hội; điều hòa ở những mức độ nhất định các mâu thuẫn xã hội. Rõ ràng, CNTB hiện đại đã có nhiều thay đổi so với thời của Mác.          

- Những khác biệt của CNTB hiện nay trên lĩnh vực chính trị - xã hội

Độc quyền chính trị của tầng lớp tư bản độc quyền trong điều kiện đa nguyên chính trị tư sản được bảo đảm bởi địa vị chi phối của thiểu số giai cấp tư sản so với đa số toàn xã hội. Thiểu số này nắm giữ cả quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị. Vai trò của các lực lượng đối lập trong thể chế chính trị TBCN tuy có tồn tại trong thực tế nhưng không bao giờ có thể vượt quá giới hạn an toàn của nền chính trị TBCN. 

Nhà nước pháp quyền tư sản hiện nay đảm nhận nhiều chức năng xã hội như: bảo hiểm thất nghiệp, quản lý quỹ hưu trí của nhà nước; thực thi các phúc lợi xã hội,… Đó là những chức năng phù hợp với nhà nước, vừa bảo đảm được lòng tin của dân chúng, vừa giải phóng cho giai cấp tư sản thoát khỏi sự đối mặt trực tiếp với người lao động và các tổ chức của họ.

Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự ở các nước tư bản phát triển cũng ngày càng trở nên đa dạng. Các tổ chức này khá tương thích với nền dân chủ tư sản và trong một số trường hợp, cũng được nhà nước tư sản sử dụng như một công cụ hỗ trợ trong các hoạt động đối nội và đối ngoại để gánh vác trách nhiệm xã hội cho giai cấp cầm quyền.

Trong lòng xã hội tư bản hiện đại cũng xuất hiện những nhân tố xã hội chủ nghĩa. Chẳng hạn các quỹ phúc lợi chung, giáo dục, y tế và một số dịch vụ miễn phí, xu thế tăng trưởng “xanh” ở một số nước tư bản phát triển… Thực tế trên cho thấy, CNTB hiện nay đã không còn lộ ra với dáng vẻ “đẫm máu và bùn nhơ khắp các lỗ chân lông” như CNTB thời Mác. Nó đã tự điều chỉnh.

C.Mác cho rằng, trong quá trình tồn tại và phát triển, CNTB sẽ tới một thời điểm mà trong đó mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất gay gắt cực độ, cái vỏ quan hệ TBCN sẽ vỡ bung ra. Tuy nhiên, Mác cũng khẳng định là để tới đó, CNTB phải phát triển tới mức tột đỉnh. Cái đỉnh ấy, ngày nay, đang cần những nghiên cứu nghiêm túc từ thực tế để xác định lại.

3. Về khủng hoảng và cáo chung của CNTB

Khi nghiên cứu CNTB, C.Mác đã phát hiện quy luật vận động phát triển của nó, nhưng chưa đánh giá hết khả năng tự điều chỉnh của xã hội tư bản. Có người cho rằng: đọc các tác phẩm của C.Mác, người ta thấy dường như mâu thuẫn của CNTB cứ ngày một tăng lên và dường như mọi tiến bộ xã hội được thực hiện trong điều kiện CNTB cũng đều chống lại nó, làm cho chế độ xã hội đó tiến nhanh, tiến rất gần đến sự cáo chung. Thực tiễn cho thấy, cách hiểu vấn đề như vậy là một chiều, còn phiến diện và thậm chí xa lạ với bản thân phương pháp luận mácxít.

Những thay đổi hiện nay cho thấy CNTB đang học được khả năng thích ứng và điều chỉnh trước khủng hoảng, mâu thuẫn bên trong và ngoài nước. Kinh nghiệm cho thấy, cứ sau mỗi cuộc khủng hoảng, CNTB dường như lại sửa chữa cơ cấu và cơ chế, những nhân tố kém hiệu quả lại bị loại trừ, qua đó nó lấy lại sức sinh tồn mới. Đồng thời, sau mỗi cuộc khủng hoảng, lý thuyết chỉ đạo hoạt động của kinh tế TBCN lại có điều chỉnh, “song chắc rằng chưa phải là sự cáo chung của chủ nghĩa tư bản nói chung và cơ chế thị trường nói riêng”. Khả năng kéo dài sự sinh tồn của nó là có thể vì quan hệ sản xuất tư bản được biến đổi vẫn còn có khả năng dung chứa sự phát triển hơn nữa của lực lượng sản xuất, đúng như dự báo có tính phương pháp luận của C.Mác: “Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ”. Nhưng sự phát triển này không phải là vô hạn và vĩnh hằng vì khả năng điều chỉnh - thích ứng, sự sinh tồn của CNTB là có điều kiện và bị giới hạn. Vì thế, cùng với việc vững tin rằng CNXH và CNCS cuối cùng sẽ thay thế CNTB thì cũng cần phải nhận thức đầy đủ tính lâu dài của quá trình này.

Trong điều kiện của thế kỷ XIX, CNTB đang trong thời kỳ cạnh tranh tự do, C.Mác và Ph.Ăngghen dự đoán: Cách mạng XHCN chỉ thành công ở một loạt các nước tư bản phát triển: “Cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa không những sẽ có tính chất dân tộc mà sẽ đồng thời xảy ra ở trong tất cả các nước văn minh, tức là ít nhất, ở Anh, Mỹ, Pháp và Đức”. Tuy nhiên, khi CNTB chuyển sang giai đoạn độc quyền làm xuất hiện các điều kiện kinh tế xã hội mới, thì điều kiện cần và đủ cho khả năng nổ ra cách mạng XHCN cũng thay đổi. Lênin đã phát hiện ra quy luật phát triển không đều về kinh tế, chính trị, xã hội của CNTB ở giai đoạn này. Người đã đưa ra kết luận: Cách mạng XHCN có thể nổ ra ở một nước, nơi là mắt xích yếu nhất trong dây chuyền đế quốc chủ nghĩa. Mắt xích đó ở nước Nga, và Người đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917.

C.Mác nghiên cứu xã hội TBCN trong hình thái là một nền kinh tế thị trường bị trừu tượng hóa, không có xuất - nhập khẩu. Đây là điều không thể có trong thế giới hiện đại. Và lý thuyết trên cũng mâu thuẫn với luận điểm của C.Mác rằng CNTB nỗ lực “tạo ra một thế giới theo hình dạng của nó”. Lôgíc của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là: quá trình quốc tế hoá đời sống kinh tế là xu hướng khách quan tất yếu do sự phát triển đại công nghiệp TBCN tạo ra. Cái trào lưu văn minh mà C.Mác và Ph.Ăngghen đề cập đến đó chính là quá trình nhất thể hóa nền kinh tế thế giới thành thị trường của CNTB. Có nghĩa là sự vận động của CNTB gắn liền với thị trường thế giới. Điều này chúng ta đang thấy hiện nay qua quá trình toàn cầu hóa.

Cũng liên quan tới vấn đề sản xuất hàng hóa và thị trường có thể nêu một thí dụ khác về quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về quan hệ hàng hóa và cơ chế thị trường trong CNXH. Với giả định, lực lượng sản xuất phát triển ở trình độ cao và sở hữu công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu, các ông đã không dành chỗ đứng cho nền sản xuất hàng hóa sau khi thủ tiêu CNTB: “Cùng với việc xã hội nắm lấy những tư liệu sản xuất thì sản xuất hàng hoá cũng bị loại trừ, và do đó, sự thống trị của hàng hoá đối với những người sản xuất cũng bị loại trừ”. Ngay cả nhận định về trình độ sản xuất đương thời được Ph.Ăngghen coi là cao và đã đủ để xóa bỏ giai cấp thì cũng chưa thực sự thuyết phục: “Sự xoá bỏ giai cấp giả định phải có một trình độ phát triển cao của sản xuất, trong đó, việc một giai cấp xã hội đặc biệt chiếm hữu tư liệu sản xuất và sản phẩm, và do đó, chiếm cả quyền thống trị chính trị, độc quyền giáo dục và chỉ đạo tinh thần, không những trở nên thừa mà còn cản trở sự phát triển kinh tế, chính trị và tinh thần nữa. Trình độ ấy ngày nay đã đạt được”. Về sau này, trong quá trình xây dựng CNXH hiện thực, những tư duy và cách làm tả khuynh, coi nhẹ sản xuất và trao đổi hàng hóa trên cơ sở giá trị đều đã bị thực tiễn điều chỉnh…   

Rõ ràng, cần phải hiểu, những nhận định của Mác về các vấn đề liên quan tới CNTB và sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội CSCN dù sao cũng là những dự báo, những phán đoán nửa tiên nghiệm. Phát hiện ra những luận điểm không còn phù hợp với thực tiễn, không phải là để phủ nhận về tính tất yếu của CNXH, CNCS mà là để tiếp tục hiện thực hóa CNXH một cách khoa học trong điều kiện thế giới luôn phát triển, biến đổi./.

Th.s Trịnh Đình Thanh – Bộ môn LLCT