star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Ảnh hưởng của Bản “sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I Lênin đến con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc


Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin thường được gọi tắt là Luận cương của V.I.Lênin hay Sơ thảo luận cương. Đây là một trong những văn kiện được V.I.Lênin viết xong vào tháng 6, 7 năm 1920 để trình bày tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản, họp từ 19 - 7 đến 07 - 8 - 1920; ngay sau đó, bản Luận cương này đã được đăng trên tạp chí Quốc tế cộng sản số 11, ngày 14 - 7 - 1920; và trên báo Nhân đạo (L’ Humanité) - cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp, số ra ngày 16 và 17 - 7 - 1920.

Nguyễn Ái Quốc đã được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Người đón nhận Luận cương này của V.I.Lênin với niềm phấn khởi và tin tưởng của một người chiến sĩ cách mạng sau nhiều năm nghiên cứu lý luận, khảo sát thực tiễn. Luận cương của V.I.Lênin đã có ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc đối với nhận thức, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam.

Sơ thảo luận cương ra đời trong điều kiện lịch sử hết sức phức tạp. Trên thế giới, các nước tư bản đế quốc sau chiến tranh đã lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Bọn chúng đã trút gánh nặng của cuộc khủng hoảng kinh tế đó lên đầu giai cấp vô sản và quần chúng lao động, cả ở chính quốc và các nước thuộc địa, khiến cảnh khốn cùng của họ cứ tăng lên mãi. Trong tình hình ấy, lòng căm phẫn của công nhân và nhân dân lao động thêm sục sôi, khí thế và tư tưởng cách mạng của họ thêm sâu sắc. Từ Đại hội I đến Đại hội II của Quốc tế Cộng sản là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng thế giới và ngày càng có thêm nhiều quần chúng lao động được thu hút vào cuộc đấu tranh.

Trong phong trào cộng sản đang phát triển nhanh chóng lúc bấy giờ, V.I.Lênin đặc biệt chú ý đến bộ phận các lãnh tụ của đảng thuộc Quốc tế II, những người đã tự coi mình là cộng sản, nhưng trên thực tế, họ lại là những phần tử cơ hội chủ nghĩa. Bộ phận này đã thao túng phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bản chất của họ mang tính dân tộc tư sản hẹp hòi và sô vanh nước lớn. Trong vấn đề dân tộc và thuộc địa, những kẻ cơ hội chỉ đơn giản thừa nhận một cách hình thức quyền bình đẳng giữa các dân tộc.

Mặt khác, vào thời điểm này, Nhà nước Xôviết non trẻ đang cần được bảo vệ hơn bao giờ hết trước sự can thiệp vũ trang của liên minh các cường quốc tư bản đế quốc. Bảo vệ nước Nga Xô viết lúc này có ý nghĩa là bảo vệ trung tâm của cách mạng vô sản thế giới, bảo vệ học thuyết cách mạng của C.Mác

Trong điều kiện như vậy, V.I.Lênin đã soạn thảo những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Tác phẩm tuy ngắn gọn nhưng vô cùng quan trọng. Nó đã củng cố những nguyên tắc mácxít về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Những luận cương đó đã được Đại hội II Quốc tế Cộng sản thông qua và coi là cương lĩnh hành động của Quốc tế Cộng sản và các Đảng Cộng sản trong tình hình lúc bấy giờ.

Về nội dung, ngoài phần yêu cầu bổ sung, nội dung của Luận cương gồm 12 luận điểm. Phân tích những luận điểm đó, chúng tôi nhận thấy rằng, Luận cương của V.I.Lênin nêu lên 5 tư tưởng chiến lược lớn: một là, đặt vấn đề dân tộc đi đôi với vấn đề thuộc địa. Theo V.I.Lênin, quyền tự quyết của các dân tộc bao gồm quyền tự quyết của các dân tộc thuộc địa phải đi đến công nhận, thực hiện quyền độc lập tự chủ chứ không phải chỉ có tự trị văn hoá. Quyền độc lập tự chủ này không phải riêng cho các dân tộc da trắng, mà cho tất cả các dân tộc thuộc mọi màu da, Hai là, chỉ rõ trách nhiệm trọng đại của các Đảng Cộng sản ở các nước đế quốc là phải ủng hộ, giúp đỡ một cách tích cực nhất đối với phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. Ba là, khẳng định các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc không những có nhiệm vụ giải phóng khỏi ách thống trị của nước ngoài, mà còn phải đấu tranh chống lại các lực lượng phản động ở ngay trong nước mình, những lực lượng đó thường là đồng minh của đế quốc thực dân. Bốn là, đề ra một nhiệm vụ lớn của cách mạng thế giới - sự đoàn kết chặt chẽ giữa phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa bị áp bức với các nước đã làm cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công. Cuối bản Luận cương, V.I.Lênin còn nêu rõ: để chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản, đảm bảo cho các dân tộc giành lại được độc lập, thì phải thực hiện sự liên minh, thống nhất của giai cấp vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Người khẳng định rằng, “không có sự cố gắng tự nguyện tiến tới sự liên minh và sự thống nhất của giai cấp vô sản, rồi sau nữa, của toàn thể quần chúng cần lao thuộc tất cả các nước và các dân tộc trên toàn thế giới, thì không thể chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản được”. Năm là, Quốc tế III đóng vai trò bộ tham mưu chung của cách mạng thế giới. Nước Nga Xô viết là ngọn cờ đầu, là căn cứ địa, là thành trì của cách mạng thế giới.

Trong thời gian sống và hoạt động ở Pháp từ cuối năm 1917, đời sống chính trị - xã hội của nước Pháp nói chung, của Đảng Xã hội và công nhân Pháp nói riêng đã tác động mạnh mẽ đến Nguyễn Ái Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tư tưởng, nhận thức của Người lên một trình độ mới. Nguyễn Ái Quốc đã tự mình rút ra những kết luận quan trọng sau thời gian tìm tòi, khảo sát trước khi gặp được Luận cương của V.I.Lênin:

Một là, từ Việt Nam đến các nước thuộc địa khắp thế giới và các nước chính quốc, ở đâu đâu quần chúng lao động cũng sống khổ cực, bị áp bức và bóc lột.

Hai là, ở đâu chủ nghĩa tư bản và đế quốc cũng bộc lộ sự tàn bạo và những tội ác dã man. Ở đâu, Người cũng thấy khát vọng đấu tranh giải phóng, đòi quyền làm người của những người lao động nghèo khổ; thấy không thể chỉ dựa vào “yêu sách” để yêu cầu bọn thực dân đế quốc thực hiện công bằng, bình đẳng. Những nhận thức sâu sắc đó làm nảy nở ở Người tư tưởng về sự đoàn kết quốc tế của những người cùng khổ.

Ba là, muốn đánh đổ chủ nghĩa tư bản, đế quốc và được giải phóng, các dân tộc phải trông cậy vào lực lượng của bản thân mình. Đoàn kết làm nên sức mạnh.

Tuy nhiên, phải đợi đến khi được tiếp cận và tiếp thu những tư tưởng cơ bản của V.I.Lênin trong Sơ thảo luận cương, Nguyễn Ái Quốc mới nhận rõ con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam.

Đi theo con đường cách mạng vô sản có nghĩa là cần phải xây dựng khối đoàn kết và liên minh chiến đấu với giai cấp vô sản thế giới, trong đó có giai cấp công nhân và nhân dân lao động chính quốc. Người cho rằng, “…dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”

Dưới ánh sáng Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy rằng, tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc cần phải gắn bó chặt chẽ với tinh thần quốc tế vô sản và vấn đề độc lập dân tộc của Việt Nam cần phải gắn bó khăng khít với phong trào cách mạng thế giới. Muốn giành thắng lợi hoàn toàn, các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc phải thực hiện cuộc cách mạng không ngừng, phải giữ vững tính độc lập của phong trào vô sản, thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản - có thể liên minh tạm thời với giai cấp tư sản dân tộc và các giai cấp, tầng lớp khác, nhưng không được xa rời mục tiêu của mình là thủ tiêu giai cấp - ở các thuộc địa vẫn còn tồn tại những quan hệ tiền tư bản có khả năng thực hiện bước quá độ dần dần lên chủ nghĩa xã hội.

Kể từ khi tiếp thu Luận cương của V.I.Lênin, đứng vững trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu thực hiện các hoạt động tuyên truyền và tổ chức trong giai cấp công nhân và những người yêu nước ở một nước thuộc địa với nhịp độ khẩn trương chưa từng thấy. Người kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh, mơ hồ về chủ nghĩa thực dân ngay trong Đảng Cộng sản Pháp; thường xuyên tố cáo mạnh mẽ những tội ác dã man của chủ nghĩa thực dân nói chung, chủ nghĩa thực dân Pháp nói riêng, làm cho các tầng lớp nhân dân Pháp hiểu rõ tình cảnh của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa khác; làm cho giai cấp vô sản Pháp hiểu rõ thực chất của chế độ thực dân, hiểu rõ các dân tộc thuộc địa và quan tâm hơn nữa đến vấn đề thuộc địa. Trong bài phát biểu tại phiên họp lần thứ 22, Đại hội V Quốc tế Cộng sản, ngày 01 - 7 - 1924, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra những nhận định sắc bén: “Giai cấp tư sản các nước thực dân đã làm gì để kìm giữ trong vòng áp bức biết bao quần chúng của các dân tộc bị chúng nô dịch? Chúng làm tất cả. Ngoài việc dùng những phương tiện do bộ máy chính quyền Nhà nước đem lại cho nó, nó đồng thời còn tiến hành tuyên truyền hết sức ráo riết. Bằng những bài nói chuyện, bằng điện ảnh, báo chí, triển lãm và mọi phương pháp khác nữa, nó nhồi cho nhân dân các chính quốc cái đầu óc thực dân, nêu lên trước mắt họ cảnh sống dễ dàng, vinh quang và giàu có đang chờ

Có thể khẳng định, Luận cương của Lênin đã mở ra con đường đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Do nhu cầu của cách mạng, Người càng ra sức tìm hiểu và thấu suốt được tinh túy của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn cách mạng Việt Nam đặt ra. Như vậy, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng, chính Luận cương của Lênin đã tạo ra bước ngoặt căn bản về chất trong sự phát triển nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc: từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ người yêu nước trở thành người cộng sản. Qua Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở đó con đường chân chính cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc: con đường cách mạng vô sản.

--------------------------------------------------------------------------

                                                                                Trịnh Đình Thanh

                                                                              BM: Lý luận Chính trị