star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Tản văn của Nguyễn Ngọc Tư


          Là nhà văn trẻ của vùng tận cùng tổ quốc, sinh ra nơi mênh mông sông nước, Nguyễn Ngọc Tư mang đến cho văn học Việt Nam một hơi thở mới nồng nàn chất quê Nam bộ. Xuất hiện trên văn đàn một cách đầy ấn tượng với hương vị mặn mòi của ruộng đồng Nam Bộ. Số lượng tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư phong phú với nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tạp văn, tản văn và tiểu thuyết. Ban đầu có thể chỉ là sự ngạc nhiên trước vẻ đẹp giản dị, quê mùa của những truyện ngắn nhẹ nhàng dung dị, nhưng càng  về sau chúng ta càng nhận thấy ở cây bút trẻ này một sức sáng tạo mạnh mẽ, một nội lực dồn nén và biết cách bung tỏa một cách hợp lý và chừng mực. Tên tuổi của Nguyễn Ngọc Tư ngày càng được khẳng định.

Truyện của Nguyễn Ngọc Tư luôn buồn. Cô từng nói niềm vui thì nhiều nhưng lại không khiến người ta day dứt. Trong bài diễn từ của mình khi nhận Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ: “Tôi hay nghĩ về sức mạnh của những giọt nước mắt. Chúng trong trẻo, giản dị nhưng lại gây rung cảm sâu sắc. Những tối trên bản tin truyền hình, tôi nhìn thấy một em bé hay một phụ nữ ở xứ sở xa xôi nào đó đang khóc, vì chiến tranh vì bạo lực hay vì thiên tai… và những giọt nước mắt lay động bất cứ ai nhìn thấy chúng, bất chấp biên giới, màu da, thể chế chính trị, ngôn ngữ hay những cách biệt văn hóa khác. Tôi nghĩ nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết mà tôi đang đeo đuổi tôi sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt hay gần giống như thế, bởi văn học vẫn còn những rào cản ngôn ngữ. Khi viết về thân phận, nỗi đau, sự bối rối thường trực của con người trước những biến cố của cuộc đời, tôi luôn ao ước những trang viết của mình có được sự rung cảm như những giọt nước mắt”. Những giọt nước mắt xuất hiện trong các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư ngày càng trĩu nặng. Và có lẽ vì vậy mà chúng ta thấy trên trang viết của chị là những điều bức xúc, những nỗi đớn đau và cả những nụ cười quê mùa, e thẹn, những giọt nước mắt ngân ngấn rưng rưng...nhưng trong cái sầu ấy, chúng ta vẫn nhận thấy một niềm tin, một ánh sáng bền bỉ, dai dẳng trong từng câu chuyện của cô.

Ta thấy Nguyễn Ngọc Tư là một người có tâm và có tài thật sự. Cô có khả năng đốt lên những ngọn lửa nóng bỏng, làm cho bầu không khí văn chương thêm sôi động, mới lạ. Nhưng cô cũng không quên trăn trở và đau đớn trước những số phận lẻ loi, bất hạnh mà cô đã từng gặp đâu đó trong cuộc sống quanh mình. Đặc biệt, bằng cách sử dụng linh hoạt các biểu tượng Nguyễn Ngọc Tư đã đem lại hiệu quả cao cho các sáng tác của mình. Cô đã tạo một khoảng trống nghệ thuật rộng lớn để bạn đọc thỏa sức tưởng tượng và suy ngẫm. Thế giới biểu tượng trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, là những ẩn số khơi gợi hứng thú tìm tòi cho độc giả, chứa đựng nhiều ý nghĩa cần được lí giải. Tìm hiểu thế giới biểu tượng ấy là một trong rất nhiều con đường khác nhau để người đọc thâm nhập sâu hơn vào một vùng văn chương của họ.

Nguyễn Ngọc Tư là vậy! Dường như, quả “ sầu riêng” ấy luôn là một bí ẩn. Như có lần cô đã nói: “ Đôi lúc tôi ví văn của mình như một quả sầu riêng (tôi rất muốn được làm quả sầu riêng), người thích thì nói thơm còn người không thích thì chê thối. Nhưng trời đã cho vậy thì biết làm sao. Tôi tin vào số phận!” Và có con đường văn đã được số phận an bài ấy của Nguyễn Ngọc Tư là một con- đường- sáng vì cô xuất hiện đã góp phần làm nên một diện mạo của văn học đương đại Việt Nam.

Ngày nay, cùng với tiểu thuyết và truyện ngắn, tản văn được xem như một thể loại văn chương được mùa vì đáp ứng nhu cầu của độc giả - những con người  của thế kỷ 21 với nhu cầu thưởng thức văn chương đa dạng, mang đậm hơi thở nhịp sống thời đại song lại không có nhiều thời gian dành cho những áng văn dài, những tác phẩm đồ sộ. Vì vậy, tản văn với dung lượng ngắn, nội dung súc tích viết về cảm xúc thật và tinh tế của tác giả về cuộc sống thường nhật tỏ ra rất phù hợp với độc giả hiện đại.

Trong đời sống văn chương đương đại có khá nhiều tác giả tìm đến tản văn như một thể loại sáng tác chính trong sự nghiệp và đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng đọc giả. Năm 2005, khi quyển Tản mạn trước đèn của nhà văn Đỗ Chu nhận giải thưởng văn học của  hội nhà văn Việt Nam, bắt đầu mở ra thời kỳ tản văn xuất bản ồ ạt. Từ ngày xây dựng thương hiệu ngòi bút truyện ngắn, Nguyễn Ngọc Tư nhận được nhiều lời mời chào viết báo và lẽ đương nhiên chị không thể bỏ qua mảnh đất tản văn luôn sẵn sàng “bén rễ” những hạt giống ưu tư của bất kỳ ai. Nguyễn Ngọc Tư bắt đầu sự nghiệp truyện ngắn nhưng càng về sau cô càng viết tản văn nhiều hơn và thành tựu của cô không kém phần ở truyện ngắn. Cô có năm tập tản văn, bao gồm: tản văn Nguyễn Ngọc Tư (2005), tản văn Ngày mai của những ngày mai (2007), tản văn Sống chậm thời @ (in chung với Lê Thiếu Nhơn -2007), tản bút Biển của mỗi người (2008), tản văn Yêu người ngóng núi (2010), Hành lí hư vô (2019)…

Nếu truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư là những câu chuyện về những con người, số phận, cảnh đời luôn khiến ta khắc khoải, đau đáu vì thương và vì bất lực thì tản văn của chị lại là những mảnh ghép nhỏ hơn của cảm xúc, đôi khi chỉ là thoáng qua song nó để lại trong ta một sự xúc động sâu sắc và dai dẳng. Chính Nguyễn Ngọc Tư đã thừa nhận “ mỗi tháng em viết vài tập tản văn, em thích viết tản văn, vừa nhẹ nhàng, vừa tiện đăng báo để kiếm tiền”, nhưng có thể đó chỉ là một lời nói đùa. Dường như Nguyễn Ngọc Tư hợp với tản văn hơn bởi nó nhẹ nhàng, tự do và bình dân. Với tản văn Nguyễn Ngọc Tư viết hết thảy mọi chuyện xảy ra quanh cô và trong đời sống của cô, từ việc con cái, ruộng vườn đến kinh tế, đến nhà nước và cả ở hải ngoại. Có thể nói chuyện “thiên tào” trên trời dưới đất đều có trong tản văn của cô. Song, nếu đã đọc một lần thì chắc chắn không quên, bởi cô luôn biết cách đưa vào những chi tiết làm động lòng người đọc. Cô viết tản văn nhẹ nhàng nhưng người đọc lại không nhẹ nhàng chút nào, ngược lại bao giờ cũng thấy sống mũi cay cay.

Đọc tản văn mới của Nguyễn Ngọc Tư, mới mường tượng rõ hơn về khái niệm “trường văn trận bút”. Như tập Hành lý hư vô nhan đề tập sách hiền khô, có chút gì phản ánh mối quan tâm hiện nay của giới trẻ: sự xê dịch trong cuộc sống. Nhưng tập sách là cả một không gian trường tận của tay bút cao thủ. Cái vẻ hiền lành giản dị lồ lộ nơi các đề tài của Nguyễn Ngọc Tư dễ khiến những đôi mắt lướt qua và có thể chép miệng: Haizz! cũng thường thôi. Điều này giản dị như câu chuyện tri âm trên đời không dễ kiếm vậy  Nhưng thực ra, có tri âm hay không cũng không quan trọng, hay ít ra không quan trọng với chính người làm nghệ thuật bằng một vấn đề khác thiết thực hơn, đó là câu hỏi: Làm nghệ thuật để làm gì? Vậy thì hãy đọc tản văn Hành lý hư vô, Nguyễn Ngọc Tư sẽ thầm trả lời câu hỏi ấy. Tất nhiên đó có thể là một vài ý có thể trình hiện ra với đời. Nhưng, thật may mắn, sự lựa chọn của Nguyễn Ngọc Tư mới đáng quý: Viết văn để làm bạn với cuộc đời.

Một cái “bệnh” của những người viết trẻ bây giờ là mặc cảm (hay đua đòi) phải dùng một bút pháp mới, mô tả xã hội tân thời (thường được xem như đồng nghĩa với lối sống thị thành), đôi khi phải làm ra vẻ biết nhiều, học rộng. Nguyễn Ngọc Tư không cần “làm dáng” kiểu ấy. Cái mới trong văn Nguyễn Ngọc Tư chính là cái cũ, cái lạ ở cô là tài khui mở những sinh hoạt thân thuộc trước mắt. Nguyễn Ngọc Tư không “vén màn” cho người đọc thấy cái chưa từng thấy, cô không dẫn dắt ta khám phá những ngõ ngách của nội tâm mà ta chưa từng biết (một điều cũng rất cần, nhưng để những nhà văn khác). Cô chỉ đưa ra một tấm gương rất trong, thật sáng, để chúng ta nhìn thấy những sinh hoạt, tình tự rất thường. Và qua đó, lạ thay, như một tiếng đàn cộng hưởng, ta khám phá cái phong phú của chính đời ta.

Tuổi trẻ của Nguyễn Ngọc Tư làm người đọc vừa mong đợi, vừa âu lo. Mong rằng tài năng của cô sẽ chín ra, sẽ lớn thêm. Nhưng lo rằng, với tuổi đời, giọng văn tươi mát đó sẽ không còn thích hơp với những đề tài có gam màu sậm hơn.

Sự trưởng thành của Nguyễn Ngọc Tư sẽ là sự trưởng thành của thế hệ trẻ Việt Nam. Nhà văn sẽ tiếp tục là một người ghi chép chân thật những chuyển biến của đời sống dân tộc, nhất là đời sống Nam Bộ.Nguyễn Ngọc Tư là một "đặc sản" của miền Nam.