star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Sự hình thành thể loại Ngâm Khúc trong Văn học Việt Nam ( tiếp theo)


Những tiền đề văn hóa, văn học ảnh hưởng đến sự hình thành thể loại ngâm khúc

Việc sáng tạo ra chữ Nôm và sử dụng nó trong sáng tác văn học; việc sáng tạo và hoàn thiện thể thơ song thất lục bát cho tới khi nó trở thành hình thức tối ưu đã tác động trực tiếp đến việc hình thành thể loại ngâm khúc.

Chữ Nôm ra đời vào thế kỉ XIII đến thế kỉ XV mới phát triển và được các nhà thơ, nhà văn thời kì này dùng để sáng tác văn học. Nguyễn Trãi có Quốc âm thi tập, Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn có Hồng Đức Quốc âm thi tâp, Nguyễn Bỉnh Khiêm có Bạch Vân quốc ngữ thi. Đến thế kỉ XVIII, chữ Nôm thực sự trở thành ngôn ngữ dân tộc và đây chính là cơ sở văn hóa tạo nên sự ra đời của Ngâm khúc, con người thời đại muốn có một thể thơ phù hợp với nếp cảm, nếp nghĩ của mình, việc tìm kiếm những thể thơ dân tộc để phù hợp với nếp cảm ấy đã dẫn đến sự hình thành hai thể thơ dân tộc: thể thơ song thất bát và thể thơ lục bát. Ở đây chỉ xét riêng thể thơ song thất lục bát. Thể thơ này có nguồn gốc từ đâu? Quá trình phát triển ra sao để phù hợp với thể loại Ngâm khúc?

Trước hết chúng ta tìm hiểu cách tổ chức ngôn ngữ của thể thơ song thất lục bát.

Tác phẩm làm theo thể thơ này gồm nhiều khổ, mỗi khổ có bốn câu với kết  cấu cứ hai dòng bảy chữ (song thất), lại một dòng sáu chữ và một dòng tám chữ (lục bát): 7/7/6/8.

Nếu mở đầu bằng hai dòng lục bát rồi mới tới hai dòng thất thì gọi là lục bát gián thất.

Về cách hiệp vần: chữ cuối của dòng thất thứ nhất hiệp với chữ thứ ba hoặc chữ thứ năm của dòng thất thứ hai và đều là vần trắc.

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên

(Chinh phụ ngâm)

 Chữ cuối của dòng thất thứ hai hiệp với chữ cuối của dòng lục và là vần bằng.

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong

Cảnh buồn người thiết tha lòng

(Chinh phụ ngâm)

Chữ cuối của dòng lục hiệp với chữ thứ sáu của dòng bát giống như trong thể lục bát.

Trăm năm còn có gì đâu

Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì

(Cung oán ngâm)

Chữ cuối của dòng bát hiệp  với chữ thứ ba hoặc chữ thứ năm của dòng thất khổ dưới:

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh

Nước thanh bình ba tram năm cũ

(Chinh phụ ngâm)

Hiệp với chữ thứ năm dòng thất khổ dưới:

Lửa cơ đốt ruột dao hàn cắt da

Gót danh lợi bùn pha sắc xám

(Cung oán ngâm)

Thành ra cứ mỗi khổ bốn câu có tới năm vần, trừ câu lục, mỗi câu đề có hai vần: một vần lưng (yêu vận), một vần chân (cước vận).

Còn về nhịp thơ: đối với hai câu thất thường ngắt nhịp lẻ trước, chẵn sau (3/4). Cách ngắt nhịp này khác với cách ngắt nhịp phổ biến trong thơ thất ngôn Đường luật là chẵn trước lẻ sau (4/3). Hai câu lục bát ngắt nhịp như ngắt nhịp thơ lục bát truyền thống của ca dao và truyện Nôm: 2/2/2 và 2/2/2/2. Ngoài cách ngắt nhịp thông thường đó, câu lục bát còn có lối ngắt nhịp 3/3, 4/4 hoặc một số nhịp khác nữa.

Có nhiều ý kiến cho rằng thể thơ này bắt nguồn từ thơ ca dân gian. Ý kiến này có cơ sở vì thơ ca dân gian có vần lưng mà thể song thất lục bát cũng có kiểu vần này. Câu thơ dân gian ngắn nhất thường có bốn tiếng. Tổ chức các tiếng trong những câu thơ này có hai đặc điểm: Tất cả các tiếng không kể bằng hay trắc đều tham gia vào hoạt động tạo vần.

Các vần vừa được tạo ở cuối câu (vần chân) vừa được tạo ở lưng chừng câu (vần lưng).

 

 

Dung dăng dung dẻ

Dắt trẻ đi chơi (Vần lưng-trắc)

Đến ngõ nhà trời (vần chân-bằng)

Lạy cậu lạy mợ

Cho cháu về quê

Cho dê đi học (vần lưng-bằng)

Cho cóc ở nhà (Vần lưng-trắc)

Cho gà bới bếp (vần lưng-bằng)

Ngồi xệp xuống đây (Vần lưng-trắc)

Về mặt kết cấu, trong văn học dân gian ta thấy những bài ca dao tuy không sắp xếp thành từng khổ như ở ngâm khúc nhưng lại rất giống kiểu tổ chức của câu thơ song thất lục bát sau này:

Áo xông hương// của chàng/ vắt mắc

Đêm em nằm// em đắp/lấy hơi

Gửi khăn/ gửi túi/ gửi lời

Gửi đôi/ chàng mạng//cho người đàng xa.

Về cách ngắt nhịp, người Việt thích nhịp lẻ trước, chẵn sau.

-Tay chém tay/sao nỡ

Ruột cắt ruột/sao đành

-Khuyên ai đó/biết thì thưa thốt

Không biết thì/ dựa cột mà nghe…

(Ca dao)

Qua một vài ví dụ trên, ta thấy thể thơ song thất lục bát bắt nguồn từ thơ ca dân gian Việt Nam. Điều này đúng nhưng chưa đủ và chặt chẽ. Thể thơ song thất lục bát không những bắt nguồn từ văn học dân gian mà còn là kết quả tìm tòi của nhiều thế hệ nhà thơ mà bắt đầu là Nguyễn Trãi. Có ảnh hưởng của thơ ca Trung Quốc, Nguyễn Trãi đã sáng tạo ra thể thơ Hàn luật (thất ngôn chen lục ngôn). Nếu như thơ Đường luật Trung Quốc ngắt nhịp hầu hết là 4/3 thì trong thơ thất ngôn chen lục ngôn của Nguyễn Trãi ngoài cách ngắt nhịp 4/3 ta còn thấy nhiều câu ngắt nhịp 3/4, thậm chí trong cùng một bài thơ tồn tại cả hai cách ngắt nhịp trên.

Lòng người Man xúc//nhọc đua hơi

Chẳng cố nhân sinh//gửi chơi

Thoi nhật ngyệt//đưa qua mỗ phút

Áng phồn hoa//hộp mấy trăm đời

Hoa càng khoe tót//tót thời rữa

Nước chớ cho đầy//đầy ắt vơi

(Quốc âm thi tập-Bài 85)

Lối ngắt nhịp ¾ có thể vừa ảnh hưởng văn học dân gian vừa ảnh hưởng của văn học Trung Hoa.

Lạc hà dữ//cô lộ tề phi

Thu thủy cộng//trường thiên nhất sắc

(Vương Bột-Đằng vương tự cát)

(Ráng chiều cùng với cò bay

Nước thu trong với trời thu một màu)

Ngoài cách ngắt nhịp linh hoạt 4/3, ¾; lối gieo vần trong Quốc âm thi tập cũng đáng lưu ý. Trong thơ Đường luật chỉ có một kiểu vần chân-bằng. Trong Quốc âm thi tập, bên cạnh kiểu vần trên còn có kiểu vần lưng-trắc:

                                Tay ai thì lại làm nuôi miệng

Làm biếng ngồi ăn lở núi non

(Bài số 149)

Sáng tác thơ Nôm của Nguyễn Trãi phải chăng là sự thể hiện một bước trong quá trình xây dựng thi pháp Việt Nam  mà cuộc vận động vần lưng là một đặc sắc. Song vần lưng trong thơ Nôm Nguyễn Trãi chưa đi đến hoàn chỉnh mà nó làm cơ sở cho cách hiệp vần chuẩn ở thể song thất lục bát về sau.

Sang thế kỉ XVI, văn học viết bắt đầu xuất hiện những câu thơ song thất lục bát. Điều này bắt đầu từ Bộ đề thắng cảnh thi trong Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông. Sau đó là Nghĩ hộ tam giáp giải thưởng hát ả đào của Lê Đức Mao, nhưng trong những tác phẩm này, thể thơ song thất lục bát vẫn chưa thành một thể loại riêng vì trong đó có những khổ chưa phải là thể song thất lục bát. Đầu thế kỉ XVII, xuất hiện Tứ thời khúc vịnh của Hoàng Sĩ Khải, với tác phẩm này thể thơ song thất lục bát tương đối phát triển hoàn chỉnh. Bài thơ gồm 340 câu chia thành nhiều khổ, có nhiều khổ đã hoàn chỉnh về nhịp điệu, vần, luật:

Cớ chi mày//hỡi con đồ vũ

Quyến xuân về// lạ rủ hè sang

Hây hây mờ mịt hải đường

Xanh nhô màu liễu lục trương tán hòa

Bến thủy đình// cầm ve mới gãy

Bạch kim bôi// đã nảy tiền sen

Kìa ai leo lẻo long thiền

Trần ai rửa sạch non tiên sớm vào

Gió hiu hiu//trường cao song bắc

Nỗi tả sầu//chẳng mắc chút lo

Chéo chân nằm ẹch ngáy pho

Ngẫm hay chẳng khác người vua Hi hoàng.

Tuy nhiên, trong 85 khổ thơ có 63 khổ gieo vần bằng ở chữ cuối câu bát khổ trên với chữ thứ ba câu bát khổ dưới. Lối gieo vần này làm cho âm hưởng câu thơ có phần không được hài hòa.

Đến thế kỉ XVIII, song thất lục bát được một số thi sĩ dùng để sáng tác vịnh cảnh thiên nhiên chẳng hạn như Hà Tiên thập cảnh.

Đặc biệt, giữa thế kỉ XVIII, với Chinh phụ ngâm của dịch giả Đoàn Thị Điểm, thể song thất lục bát đã hoàn chỉnh và trở thành công cụ đắc lực cho việc sáng tác ngâm khúc.

Như vậy, một thể loại ra đời không phải tìm ngay được hình thức thể hiện thích hợp. Song thất lục bát ra đời từ thế kỉ XV nhưng phải đến giữ thế kỉ XVIII mới tìm được hình thức của nó, tìm được cách thể hiện phù hợp nhất với cái nhìn của thể loại.

Vừa bắt nguồn từ thơ ca dân gian, vừa ảnh hưởng thi pháp chung của văn học thời kì trước, trong văn học thời kì này đã hình thành và định hình một thể thơ mới-thể song thất lục bát. Điều này chính là nhờ sự dày công tìm kiếm và lựa chọn của những người đi trước, dày công trong suy nghĩ và vận dụng chúng suốt nhiều thế kỉ để đưa thể song thất lục bát từ chỗ lỏng lẻo xô bồ đến chỗ ngay ngắn, hoàn chỉnh và trở thành phương thức biểu hiện hoàn mĩ, không phải chỉ cho một giai đoạn thơ ca nhất định mà cho nhiều giai đoạn nối tiếp nhau của văn học dân tộc. Từ khi mới hình thành cho đến lúc trưởng thành, cùng với thể lục bát, thể song thất lục bát đã dám “nghiêng ngả” cùng với thể thơ khác trong việc tạo nên cho dân tộc vô số tác phẩm văn chương mà nhiều tác phẩm trong đó đã trở thành cổ điển: Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm…

2.3. Vì sao dùng thể song thất để sáng tác ngâm khúc mà không dùng thể khác?

Mỗi thể loại văn học đều đòi hỏi một thứ ngôn ngữ riêng, ngôn ngữ của thể loại ấy. Trong văn học có nhiều thể tài thơ viết được thơ trường thiên như lục bát, thất ngôn chẳng hạn. Nhưng tại sao các tác giả không dùng các thể thơ đó để sáng tác những khúc ngâm mà lại dùng thể song thất lục bát? Điều đó phải chăng là thể song thất lục bát có những đặc trưng riêng phù hợp với những tác phẩm ngâm khúc mà những thể khác không có?

Thể thơ là một yếu tố hình thức của tác phẩm nhưng là hình thức mang tính nội dung. Nội dung quyết định sự lựa chọn yếu tố hình thức, lựa chọn các phương tiện để tạo nên tác phẩm. Cụ thể trong thể song thất lục bát, hình thức chia ra thành từng khổ đều đặn với nội dung là ca khúc nội tâm. Không có hình thức từng khổ, không thể hiện được yêu cầu ca khúc nội tâm. Bởi vì gọi là ca khúc thì gồm nhiều tổng thể nhỏ gắn bó với nhau nằm trong một tổng thể lớn hơn là toàn bài thơ. Cần phải có hình thức đó thì mới chứa đựng sự suy ngẫm nào đó trong hai câu thất, diễn tả trạng thái cảm xúc của con người dường như bị dừng lại trong sự trăn trở dằn vặt:

Tấm tức nỗi ngậm sầu nuốt hận

Thổn thức thay thở vắn than dài

(Tự tình khúc)

Nếu hai câu thất căng thẳng thì hai câu lục bát mang tính giải tỏa, sự xuất hiện của hai câu lục bát sẽ giải tỏa được nội dung căng thẳng của hai câu thất.

Như vậy, trong lối ngâm, mỗi khổ thơ thường có một vùng lắng đọng và một đỉnh cao trào. Nhiều khổ thơ như thế chắp lại thành làn sóng liên tục và kéo dài ra vô tận. Và cứ như thế, đợt sóng tình cảm của nhân vật cứ lên xuống theo chu kỳ ăn khớp với hình thức ngôn ngữ. Đến đây thể song thất lục bát phù hợp với tâm trạng chìm đắm trong suy tư triền miên, tâm trạng vòng vo rắc rối của nhân vật. Khác với thơ Đường luật, thể song thất lục bát rất giàu nhạc điệu. Đây là một yếu tố rất có lợi để diễn tả tâm trạng nhân vật. Việc tác giả dùng biện pháp đối ở hai câu bát, tiểu đối ở câu lục hoặc bát, đối ở đoạn, lặp ở đoạn…chung qui lại đều diễn tả mọi cung bậc trong tình cảm của nhân vật như buồn, vui, đau khổ, dằn vặt…nhằm tăng sức biểu cảm cho khúc ngâm.

Như trên đã nói, tâm trạng của nhân vật trữ tình là tâm trạng buồn triền miên cho nên thể loại ngâm khúc dễ diễn tả được tâm trạng này. Vì thế không phải ngẫu nhiên các tác giả dùng thể song thất lục bát để viết các khúc ngâm. Những tác phẩm ngâm khúc thuộc loại hình trữ tình cũng giống phần lớn các bài thơ Đường luật. Nhưng thơ Đường luật chỉ diễn tả một khoảnh khắc của tâm trạng, một cảm xúc trước thiên nhiên, một nỗi buồn thoáng qua nhưng thấm thía một nỗi u hoài, mơ hồ, mông lung; còn ngâm khúc thì diễn tả cả một tâm trạng phong phú, phức tạp nhưng nói chung là đứng yên không phát triển. Với một đối tượng phản ánh như vậy, nhà thơ nếu không có sự hiểu biết tâm lý sâu sắc, không có một nghệ thuật cao cường sẽ rất dễ rơi vào tình trạng tẻ nhạt, đơn điệu. Thành công lớn của các khúc ngâm là ở chỗ tác giả biết cách khai thác tâm trạng và biết cách sử dụng những thủ pháp xây dựng hình tượng cho phù hợp với những đặc điểm của tâm trạng ấy, tạo thành một hệ thống thi pháp cụ thể, riêng biệt của thể loại.

Ở đây, đáng chú ý là dùng thể loại song thất lục bát. Phải nói trong các thể thơ dân tộc của ta, không có thể thơ nào phù hợp với ngâm khúc hơn là thể thơ song thất lục bát. Song thất lục bát là thể thơ duy nhất mà đặc điểm của nó là nhịp điệu có tính chu kì, điều đó phù hợp với việc phản ánh tâm trạng bi kịch con người thời đại và đó cũng chính là tâm trạng điển hình của thời đại.

3. Kết luận

Trên cơ sở một bối cảnh lịch sử đặc biệt, chế độ phong kiến hoàn toàn sụp đổ ở cuối thế kỉ XVIII- nửa đầu thế kỉ XIX, tưởng như văn học cũng sẽ tàn lụi nhưng không, trái với hiện thực khắc nghiệt, văn học giai đoạn này đã phát triển rực rỡ cả ở nội dung và hình thức thể hiện. Chính bối cảnh lịch sử-xã hội; điều kiện văn hóa văn học đã sản sinh ra một thể loại văn học là ngâm khúc mang đậm dấu ấn thời đại Việt Nam, một thời đại với sự tan rã các thiết chế, các chuẩn mực xã hội và lên tiếng vì quyền lợi của con người, vì “cái tôi” cá nhân. Và cũng chính ngôn ngữ của thể loại ngâm khúc với những đặc trưng riêng có mới đủ sức chuyển tải những vấn đề của con người thời đại-con người với những bi kịch không lối thoát.

Tài liệu tham khảo

[1] Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức (1971), Thơ ca Việt Nam-Hình thức và thể loại, NXB KHXH;

[2] Đặng Thai Mai (1992), Giảng văn Chinh phụ ngâm-NXB Đại học sư phạm

[3] Đặng Thanh Lê (1994), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX, NXB Giáo dục;

[4] Nhiều tác giả(2012), Ngữ văn- Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, “Ngâm khúc và những đặc điểm cơ bản của thể loại”, NXB Văn học, tr15-24.

Th.S Bùi Thị Kim Phượng