Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, quê quán tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, tuổi thơ vất vả, nhọc nhằn của chị gắn liền mảnh đất, luống cần, mồng tơi, chị phải nghỉ học vì điều kiện gia đình khó khăn khi đang học lớp 10. Có lẽ, từ chính những ngày “vào đời sớm” mà Nguyễn Ngọc Tư đã tìm đến văn chương như một sự giải tỏa. Nguyễn Ngọc Tư tâm sự “Tư viết về nhiều thứ lắm, phần vì sự thôi thúc thể hiện những cảm xúc dồn nén bên trong, phần vì buồn quá không biết nói chuyện cùng ai nên tìm cách trút vào trang viết chứ chưa dám nghĩ sẽ được đăng mà kiếm cơm bằng nhuận bút”. Con người văn chương và con người đời thường của Tư chẳng có sự khác biệt là mấy. Viết gần gũi như chính đời thường, ăn nói, dáng dấp giản dị của chị. Chị từng bộc bạch rất muốn được tiếp cận với nhiều trường phái, xu hướng mớnhưng ở quê chị sách vở quá ít ỏi, nên sự bồi đắp cho nghề văn của chị thường là “tự nó đến”, tuổi đời càng lớn thì vốn tích lũy càng nhiều. Cảnh người, cảnh đời, ngôn ngữ đời sống bình dị hằng ngày cứ thế ùa vào trang viết của Nguyễn Ngọc Tư và chị viết về quan hệ, về những phận đời người nông dân Nam Bộ, về tình yêu, về nỗi đau và cả về những khát vọng ... như cuộc đời vốn có. Về Cà Mau, “quấn hết chân tay mình mẩy vào cuộc đất này như đôi tình nhân nguyện thề từ muôn vạn kiếp” nên trang văn của Nguyễn Ngọc Tư đều đi thẳng vào lòng người đọc vì chị đang tập sống, nghe, nhìn, trải lòng với miền quê của mình. Thủng thẳng, nhỏ nhẹ như người con gái quê vừa hái rau muống vừa kể chuyện, những câu chuyện lúc da diết, lúc hóm hỉnh.
Nguyễn Ngọc Tư là hội viên Hội nhà văn Việt Nam khi còn rất trẻ (năm 2004); những năm đầu “bén duyên” với văn chương từ truyện ngắn Đổi thay (1996) đăng trên một tờ báo tỉnh, văn chương, với chị vẫn là viết “để giải tỏa cảm xúc cho nó nhẹ người”. Đến khi học làm phóng viên ở Tạp chí văn nghệ Cà Mau, những tin, bài, truyện ngắn liên tiếp ra đời, thực tế cuộc sống giúp chị khá nhiều trong nghề viết. Đến các địa phương chịu thiệt hại sau cơn bão số 6, cảnh làng quê hoang tàn, cảnh bà cụ khóc con đời ngư phủ hẩm hiu ... đã trở thành Ký sự sau cơn bão dữ và đây là tác phẩm đầu tay chị đạt giải ba báo chí tỉnh năm 2007. Giải thưởng đã giúp chị có niềm tin vào tay bút của mình. “Được giải quy ra thóc hổng là bao nhưng đã cho mình chút hy vọng là nếu mình ráng có thể viết tốt hơn”. Từ lý do rất “cá nhân” ấy, khi chùm truyện ngắn gồm 5 tác phẩm: Nỗi buồn rất lạ, Lý con sáo sang sông, Chuyện của Điệp, Ngọn đèn không tắt, Ngổn ngang; được xếp giải nhất cuộc thi văn học tuổi 20, sau đó lại đạt giải B của Hội nhà văn Việt Nam, rồi giải tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, chị bắt đầu ý thức văn chương là cái nghiệp của đời mình: “Viết vì mình là Nguyễn Ngọc Tư”. Và chị cũng còn thấy một lý do, một ý nghĩa nào đó, ngoài chuyện riêng tư trên từng dòng văn của mình, khi chị nói hộ cái ước mơ của những người dân quê nghèo khó. Từ đó chị muốn ân cần dẫn dắt người đọc tới thăm Ngọn đèn không tắt ở cái xóm Rạch bé nhỏ và cùng chị đón Giao thừa trong một chợ tết còn ngổn ngang dưa hấu và hoa xuân.
Đến với văn chương như “duyên nợ”, như “cuộc chơi” để thử sức mình, Nguyễn Ngọc Tư cũng không ngờ nghiệp văn lại “đeo riết” mình như một nỗi thương thầm mà “ghê lắm cái lối thương thầm, thấy đầm đầm vậy chứ rứt không ra”. Có lần trả lời phỏng vấn, Ngọc Tư nói: “thích viết tạp văn vì nhẹ nhàng và dễ kiếm được ít tiền trang trải cuộc sống hơn viết truyện”. Liên tiếp những năm đầu mới sinh con, cô cho ra đời hàng loạt truyện ngắn và tạp bút trên các báo. Lý giải vào thời điểm ấy, Tư cho rằng mình viết như là một nhu cầu và thiệt lòng là cô muốn có “thêm tiền”. Lý do thật chính đáng và cũng thật “đáng coi trọng”. Ai dám bảo mục đích sáng tác như vậy là tầm thường ? là không cao thượng, nhất là trong xã hội hiện nay, khi nhà văn nói chung và Nguyễn Ngọc Tư của chúng ta nói riêng cũng bớt phần “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” nhưng những đòi hỏi, yêu cầu chính đáng của cuộc sống vẫn luôn đặt ra với bất kỳ ai. Song đây thực sự có phải là lý do “duy nhất” thôi thúc Ngọc Tư sáng tác? Câu trả lời nằm ở sự tiếp nhận của bạn đọc. Đến với văn của chị ta đâu thấy “nhẹ nhàng” chút nào, bên trong vỏ bọc của giọng văn đó người ta thấy ẩn sâu nỗi niềm của một người con Đất Mũi. Viết vì như Nguyễn Ngọc Tư đã nói: “Tôi động tới cái ác vì có nó, thì cái thiện, sự thương yêu, sự yếu ớt mong manh của những tình cảm tốt đẹp mới nổi lên được, để cho người ta nhìn thấy rõ hơn. Nếu chú ý một chút, người ta sẽ nhận ra ai cũng có nhu cầu được ấm áp, thương yêu, ngay cả những người mạnh mẽ tàn nhẫn nhất cũng mong muốn có một ngày được hoàn lương, một mái nhà yên ấm. Các nhân vật trong Cánh đồng bất tận của tôi đều là những tâm hồn cô độc, bị ruồng bỏ ...” Như vậy với chị “viết là để chia xẻ lòng nhân từ, sự quan tâm, từ chính trái tim mình trước nhất”.
Dù cái “công nghệ” viết của chị được giải thích rất đơn giản: Viết là viết, bất kỳ lúc nào, không sắp đặt, không bố cục, mạch suy tưởng cứ thế đoạn sau cuốn theo đoạn trước. Tự nhiên như năng khiếu thiên phú nhưng cũng không phải là “dễ như ăn cháo”. Không đặt ra mục tiêu, không quá kỳ vọng vào mình, không đồng nghĩa với việc Tư “vô cảm”. Những trăn trở về nghề cũng thường trực trong chị. Sau những thành công, được thừa nhận, câu hỏi “mình có thành công tiếp không” như một thử thách hấp dẫn và gây suy nghĩ lúc đầu. Nhưng rồi niềm vui được viết, thôi thúc làm việc bên trong đã lấn át những băn khoăn về việc vượt qua chính bản thân. Gạt qua một bên hết thảy lo lắng “được” hay “bại” viết như trút nỗi lòng ra giấy, viết để thổ lộ tình cảm yêu thương bởi Tư đã khẳng định “Tôi rất sợ lòng mình vô cảm. Tôi cũng sợ y như vậy khi thấy những người chung quanh không còn biết thương yêu nữa”.
Nguyễn Ngọc Tư là một cây bút có bản lĩnh, chị viết trong tâm thế của một người đôi lúc đã tự mắng mỏ mình” sao lại đi vào con đường văn chương mệt mỏi này” và cảm nhận đằng sau của thành công là gánh nặng.
Những lúc như vậy, Nguyễn Ngọc Tư tìm đến người thân để trút bầu tâm sự. Đó là Lời cho má của chị. Thỉnh thoảng về quê thăm má, Tư than thở “làm cái nghề viết văn cô độc, cực khổ quá má ơi”, má tôi lặng lẽ buồn hiu. Buồn vì không hiểu văn chương, không thể dìu dắt, nâng đỡ tôi trên con đường nhọc nhằn đó, nhưng má không hay rằng má giúp tôi nhiều lắm” [54, tr.155]. Tư hằng tin như vậy, lòng tin không hề hao hớt đi theo ngày tháng: “Vẫn còn những ngày dài phía trước, mai tôi sẽ về thưa với má, dù tôi nói câu này hơi trễ tràng nhưng có còn hơn không, rằng chưa có bao giờ má dạy tôi viết văn, nhưng những gì tôi viết ra đều mang hơi thở cuộc sống mà má trao tặng [54, tr.158].
Viết văn vẫn là một hành trình riêng mình lặng lẽ, những gì diễn ra xung quanh nó như “sự cố” của Cánh đồng bất tận vẫn không làm nao núng được Nguyễn Ngọc Tư, chỉ “tác phẩm làm cho” chị “thấy run rẩy”. Viết xong tức là xao động cũng đi qua.
Một nét nữa trong bản lĩnh đó là chị luôn thấy văn chương của mình có vấn đề, luôn thấy cần thay đổi, đồng thời vẫn là mình. Trước đây (2003), Tư đã đề cập “bây giờ bạn đọc nói đọc Tư chán chán sau ấy”. “Chán chán” như thế nào? Ai nói dùm tôi được không?” Và gần đây, trong một bài viết, Tư đã nói rằng cô sợ mình “nhạt” đi như bình rượu giở nắp hơi nhiều, cần phải có thời gian chôn sâu, ủ lắng cho nó sánh đặc lại. Chắc Tư còn tự thay đổi, sẽ khác đi, mà vẫn là Nguyễn Ngọc Tư. Hiện tại Ngọc Tư có thời gian dành nhiều hơn văn chương, cho những khát khao thầm lặng chỉ cháy bí mật trên trang viết. Lý giải, Nguyễn Ngọc Tư không thấy trách nhiệm, áp lực gì nhiều chỉ viết bởi nghĩ rằng sẽ giải thoát mình khỏi sự cô đơn. Nhưng thực ra là càng viết thì chị càng cô đơn. Và càng cô đơn, chị càng viết. Nguyễn Ngọc Tư là như thế “nuôi cô đơn để viết” và tất cả các nhà văn trên đời này cũng đều như thế. Cũng như là mỗi người sống ở trên cõi đời này đều có riêng cho mình một biển vậy.
Từ chỗ mặc cảm mình là “đứa viết văn không chuyên, nay Tư có thể xem là nhà văn “có chất chuyên nghiệp” ở ta. Chị biết văn chương là chuyện trọng đại. Nhưng đồng thời chị cũng biết, nói cho cùng ra, đó cũng không phải là chuyện quan trọng nhất ở đời. Vừa là nghiệp, vừa là một trò chơi, vừa là cuộc đời, vừa là giấc mộng. Có đó, mà cũng không có gì cả. Cũng đừng quan trọng hóa nó. Trong bài báo “Ngày xuân với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư” do Phương Quyên thực hiện, khi được hỏi: “Trên thế giới, nhiều trường hợp chính nhà văn tạo nên scandal cho tác phẩm để đẩy con số phát hành lên cao ... chị nghĩ sao về điều này, Nguyễn Ngọc Tư đã khẳng định: “Với tôi, văn chương chẳng đáng đánh đổi vậy đâu”. Song văn chương vẫn cần với Tư và với cả chúng ta. Đơn giản khi vui ta có thể cười, chỉ có nỗi buồn, nỗi đau người ta mới cần văn chương chạm đến. Nguyễn Ngọc Tư “lao tâm khổ tứ” thực sự trên con đường văn chương của mình bởi tin con đường dù “nhọc nhằn khủng khiếp qua khoảng có hoa hồng là đoạn đầy kẽm gai. Nhưng tôi vẫn bước về phía trước, tôi tin phía ấy có hoa hồng”. Niềm tin làm nên một Ngọc Tư dù không viết những ý tưởng cao xa, trừu tượng vẫn thu hút bạn đọc và nhiều lần “hâm nóng” đời sống văn chương bởi cái cách ngẫm nghĩ của tác giả. “Truyện ngắn hôm nay đã và đang thay đổi bằng sự thay đổi cách nhìn thế giới. Bắt đầu, từ Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, và bây giờ là Nguyễn Ngọc Tư ...”. Nhận xét của nhà văn Nguyên Ngọc là vậy. Còn riêng Ngọc Tư, chị “đôi lúc thấy ngạc nhiên về chính mình”, bởi Ngọc Tư viết văn vì muốn có một cõi thật sự hoang vắng, riêng mình, để sống ở đấy, cô đơn viết, cô đơn lên dốc. Vậy mà khi soi vào những góc luẩn khuất bất ngờ của cuộc sống bằng “đôi mắt tinh”, phơi nó ra ánh sáng, tác phẩm của chị đã “lay chuyển” được khá nhiều người. Đối tượng yêu thích văn chị phong phú đến lạ từ người già đến người trẻ, từ những em sinh viên đến chị công nhân, người xa quê đã lâu, người chỉ mới đây, người ở Hà Nội, người ở Cần Thơ, đa số họ đã ... khóc đi đọc truyện của chị. Trần Hữu Dũng cho rằng đó là “những giọt nước mắt thương yêu, êm đềm”. “Bí quyết” ấy nằm ở đâu trên trang văn Nguyễn Ngọc Tư? Có lẽ đơn giản chị đã dẫn bạn đọc đến “Cánh đồng bất tận” buộc ta nhìn thấy và suy nghĩ, cuộc sống không hề đơn giản như ta tưởng và như ta được giải thích hằng ngày. Hay là cảm giác “chông chênh” không yên sau khi bước vào thế giới truyện ngắn của Ngọc Tư, những hình ảnh, câu chuyện, con người đơn giản, bình thường mà “đánh thức” cảm xúc trong ta, những tình tự như đã ngủ quên vì chai lỳ khi va chạm, cọ xát với đời. Có thể, đó là cách giải tỏa cho chính tâm trạng của người đọc. Họ tìm ra một cách yêu cuộc sống thầm lặng mà bền chặt hơn. Đó là sức mạnh của văn chương không phải nhà văn nào cũng làm được.
Văn chương của Nguyễn Ngọc Tư mang lại cho độc giả niềm hạnh phúc lớn lao là sau khi đọc tác phẩm đều muốn tự soi rọi bản thân để nâng mình lên, khơi dậy những suy cảm của bạn đọc về cái thiện và cái ác, về nỗi đau và niềm tin trong cuộc sống. Nó vừa có sự thuyết phục tức thời vừa có sức ám ảnh lâu dài trong đời sống tinh thần con người. Từ Cánh đồng bất tận đến Gió lẻ, Trang Thế Hy đã xem Tư như là người đồng thời bởi chất “thủy chung nhưng hờ hững” với văn chương và sự sẻ chia về nỗi đau thân phận con người. Ở cả hai (một già, một trẻ, tính theo tuổi tác) đều xem mình là “người tình” của văn chương “lòng vẫn biết không thể sống trọn vẹn với nhau nhưng không đành lòng dứt bỏ. Một tình yêu không mãnh liệt nhưng đến chết vẫn còn yêu. Và biết đâu, khi bước qua thế giới khác, tình yêu đó vẫn vậy. “Hờ hững” là cách giữ cho tình yêu văn chương vĩnh cửu chăng?”.
Bùi Thị Kim Phượng