star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Hoàng Nhuận Cầm - nhà thơ, chiến sĩ - từ nhà trường đến chiến trường


Hôm nay, ngày 28 tháng 11 năm 2021 dấu mốc thời gian vừa tròn 4 năm cố nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm về giao lưu với sinh viên Trường Đại học Duy Tân và cũng là tròn 7 tháng  ngày ông trở về với đất mẹ (Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7 - 2 - 1952, mất ngày 20 - 4 - 2021, thọ 69 tuổi). Tưởng nhớ về Hoàng Nhuận Cầm, hình ảnh ông tham dự buổi giao lưu đầy ý nghĩa với sinh viên Trường Đại học Duy Tân năm ấy lại hiện về trong tôi mồn một như là mới đây thôi.

Tôi đọc thơ Hoàng Nhuận Cầm khá nhiều, cũng đã được biết đến ông với vai trò nhà biên kịch qua nhiều bộ phim. Rõ nét nhất là hình ảnh nhà biên kịch qua chương trình mà tôi tin chắc rằng không chỉ riêng tôi, rất nhiều và rất nhiều khán giả yêu mến, từng chờ đợi hàng mỗi cuối tuần để xem chương trình "Gặp nhau cuối tuần" trên kênh VTV3 - Chương trình được xem là hot liên tục trong hơn 6 năm trên sóng VTV từ ngày 1 tháng 4 năm 2000 đến ngày 30 tháng 12 năm 2006. Và, cũng từ chương trình này, ông được khán giả màn ảnh nhỏ đặt cho ông biệt danh gần gũi dễ thương "Bác sĩ Hoa Súng" - vai ông thường đảm nhiệm trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần”. Tôi cũng đã được xem bộ phim "Mùi cỏ cháy" rất xúc động, rất hay được ông chuyển thể từ cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Nhưng phải đến lần ấy, lần mà ông tham dự buổi giao lưu với sinh viên Đại học Duy Tân với chủ đề “Từ nhà trường đến chiến trường” nhân dịp ông về dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX được tổ chức tại Tp.Đà Nẵng năm 2017, tôi mới được diện kiến ông.

Hoàng Nhuận Cầm dáng thấp nhỏ nhưng giọng nói thì to, truyền cảm và đầy lửa, có thể thấy chất lính xen lẫn chất nghệ sĩ trong con người ông. Lần ấy, ông đã đọc rất nhiều thơ và kể rất nhiều chuyện về cuộc sống chiến đấu một thời, trong đó, cảm động nhất là ông kể về câu chuyện ông là người chứng kiến sự hy sinh của anh Nguyễn Văn Thạc – người bạn học, người đồng đội, đồng chí. Để từ đó, ông luôn nung nấu sẽ làm một bộ phim về chiến tranh và chính đó cũng là lý do mà bộ phim "Mùi cỏ cháy" do ông biên kịch đã ra đời dựa trên cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của anh Thạc. Ông cũng tâm sự khá nhiều về những kỷ niệm một thời trai trẻ, chuyện tình yêu, chuyện làm thơ, chuyện làm phim, đóng phim, trong đó hài hước nhất là những câu chuyện ông kể liên quan đến nhân vật "Bác sĩ Hoa Súng" trong chương trình "Gặp nhau cuối tuần".

Trong những dòng hồi tưởng đầy cảm động, nhắc đến nhiều nhất là những câu chuyện về thời sinh viên cho đến quãng thời gian ở chiến trường, nhất là những kỷ niệm của ông với liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Ông kể rằng, ông và Thạc cùng học phổ thông với nhau, Thạc học giỏi Văn và từng đạt giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc, năm học 1969 - 1970, sau đó Thạc vào học khoa Toán - Cơ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Còn ông vào học ngành Văn. Vừa mới học và thi xong kì 1 năm nhất, đang học kỳ 2 dở dang, chưa thi thì Thạc cùng với những sinh viên Đại học Tổng hợp trong đó có Hoàng Nhuận Cầm xếp bút nghiên theo tiếng gọi của Tổ quốc xung phong lên đường vào mặt trận miền Nam và họ đã dừng chân tại chiến trường Quảng Trị để đóng quân và chiến đấu ở đây. Ông tâm sự với các bạn sinh viên: - Thạc có người yêu là cô Nh.A tên viết tắt trong cuốn nhật ký của Thạc nhưng tên thật là Như Anh, cô ấy rất xinh xắn, rất yêu Thạc nhưng có lẽ hai người đến khi chia tay vẫn chưa có nụ hôn đầu đời đâu các bạn à. Có lần Thạc tâm sự với tôi rằng, hình như khi chia tay nhau ở ghế đá sân trường, Như Anh đã hôn mình rồi Cầm à, vì mình thấy lúc ấy má mình ươn ướt. Hồi tưởng đến đây, ông dừng lại cười và nói tiếp, lúc ấy tôi gạt phắt đi và nói lại với Thạc: - Làm gì có, chắc lúc ấy quả Bàng thối nó rơi trúng má cậu đó. Lúc này, giọng ông dường như trầm lắng xuống và chia sẻ: - Dù gì thì tình yêu thời chúng tôi, những sinh viên độ tuổi mười tám đôi mươi như các bạn ngồi đây, rời giảng đường để bước ra chiến trường nó trong sáng, đẹp và mãi đẹp như vậy đó các bạn và có khi nó theo chúng tôi đi suốt cả cuộc đời. Cả hội trường trong buổi giao lưu hôm ấy trầm lặng trong sự xúc động về sự hi sinh cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc của các thế hệ sinh viên như ông, như anh Thạc ngã xuống ở tuổi mười tám đôi mươi trong khi chưa hề có một nụ hôn đầu đời, chưa một lần được nói lời yêu hay nhận lời yêu từ người bạn khác giới.

Trong buổi giao lưu ấy, các bạn sinh viên cũng đã đặt nhiều câu hỏi với ông để hiểu rõ thêm một số điều về cuộc sống chiến đấu một thời của các thế hệ sinh viên như ông, về đời tư của ông, về công việc mà ông đang làm,.. Tôi có hỏi ông một số câu, trong đó nhớ nhất là câu: "Nhà thơ nghĩ như thế nào khi có người hoài nghi về lòng yêu nước của thế hệ trẻ ngày nay?". Ông đã trả lời rất hăng say và đầy lửa khi so sánh về lòng yêu nước của những thế hệ ông cha mình ngày trước với thế hệ trẻ ngày hôm nay, trong cái sự so sánh ấy tưởng chừng là khập khiễng, nhưng không, ở ông vẫn toát nên niềm lạc quan tin tưởng rằng: "Ở mọi thời đại, lòng yêu nước luôn thường trực trong trái tim của những bạn trẻ, điều quan trọng là sự thể hiện mỗi thời mỗi khác và nó sẽ sẵn sàng bùng cháy khi Tổ quốc cần. Trong mỗi chúng ta, Tổ quốc chỉ có một mà thôi!". Đúng! Rất đúng! Tổ quốc chỉ có một mà thôi. Chúng ta cần có niềm tin vào các bạn trẻ. Họ chính là người nắm vận mệnh của đất nước hôm nay và mai sau. Ông còn khen: - Thầy Hậu có câu hỏi rất hay!

Cuối buổi giao lưu, ông nói sẽ tặng sách cho những người tham gia hôm nay cuốn sách in 2 tập thơ mà ông đã từng được Giải thưởng Nhà nước về Văn học. Tuy nhiên, do tính chất công việc ông chỉ mang đi có mỗi một cuốn. Trời! Vậy thì ai được tặng chắc phải gọi là may mắn lắm đây! Ai cũng hồi hộp chờ đợi. Và, cái điều may mắn ấy đã đến với tôi. Ông nói: - Tôi xin tặng cho thầy Hậu cuốn sách này vì thầy có câu hỏi rất hay. Ôi! Cảm động quá Hoàng Nhuận Cầm - nhà thơ - chiến sĩ, đúng như ông ghi trong trang đầu cuốn sách tặng tôi.

Cuốn sách in hai tập thơ "Xúc sắc mùa thu" và "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến" được in quý 4 năm 2015 bởi Nhà xuất bản Hội Nhà văn, gồm 311 trang bao gồm cả phần Phụ lục là những bài viết đánh giá cảm nhận về thơ ông.  Sách in bìa dày, đẹp, được trình bày trên khổ giấy lớn, trắng tinh và dày dặn. Nói chung, 2 tập thơ của Hoàng Nhuận Cầm vừa đẹp cả hình thức vừa đẹp cả nội dung và đẹp ở cả cái tâm của người tặng sách - tác giả những bài thơ đầy cảm xúc.

Vậy là cũng đã vừa tròn 4 năm kể từ ngày ấy, ngày mà thầy và trò Trường Đại học Duy Tân gặp gỡ Hoàng Nhuận Cầm và tôi may mắn được ông cuốn sách in 2 tập thơ là ngày 28 tháng 11 năm 2017 nhưng tôi vẫn nhớ như in diễn biến của buổi gặp gỡ giao lưu ấy.  Nhớ như in những lời tâm sự đầy chân thành, cả những chất lính đầy lửa mà ông truyền cho các bạn trẻ và cả những bài thơ ông viết tay với những dòng chữ đầy nắn nót như chữ học trò (theo cách nói của ông) mà ông photocopy ra rất nhiều để tặng khán giả. Và, nhớ cả những dòng chữ đầy trang trọng khi ông viết tặng tôi trên trang đầu cuốn sách: “Thân mến tặng thầy Đặng Phúc Hậu, nhà thơ – chiến sĩ Hoàng Nhuận Cầm”.

Xin được trích bài thơ “Viên xúc sắc mùa thu”

Tình yêu đến trong đời không báo động

Trái tim anh chưa lỗi hẹn bao giờ

Viên xúc xắc mùa thu ru trong cỏ

Mắt anh nhìn sáu mặt bão mưa giăng

 

Anh đi qua những thành phố bọc vàng

Những thị trấn mẹ ôm con trên cỏ

Qua ánh nắng bẩy mầu, qua ngọn đèn hạt đỗ

Qua bao cuộc đời tan vỡ lại hồi sinh.

 

Anh đi qua những đôi mắt lặng thinh

Những đôi mắt nhìn anh như họng súng

Anh đi qua tổ chim non mới dựng

Qua tro tàn thành quách mấy triệu năm

 

Anh đi qua tất cả mối tình câm

Mối tình nói rồi mối tình bỏ dở

Đôi tay kẻ ăn xin, đôi môi hồng trẻ nhỏ

Đất nước đau buồn chưa hết Mỵ Châu ơi!

 

Lông ngỗng bay như số phận giữa trời

Trọng Thuỷ đứng suốt đời không hết lạ

Vệt lông ngỗng con đường tình trắng xoá

Có ai hay thăm thẳm giếng không cùng.

 

Nhưng chính anh không hay số phận lại điệp trùng

Khi mở mắt Mỵ Châu em ngồi đó

Toa thứ ba ôm cặp ai nức nở

Suốt đời anh mang tội với con tàu.

 

Sẽ tan đi những thành phố bẩy màu

Đôi trái cấm trong vườn đời em, anh làm vỡ

Nhưng giọt mực thứ ba em ơi không thể lỡ

Xin trải lòng ta đón chấm xanh rơi.

 

Giọt mực em thong thả đến trong đời

Không giấu được trong lòng tay nhỏ bé

Viên xúc xắc xoay tròn trong gió xé

Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh.

(trích trong tập “Xúc sắc mùa thu” của Hoàng Nhuận Cầm)

Đà Nẵng, ngày 27-11-2021, tác giả: Đặng Phúc Hậu.