star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Vô thức trong văn xuôi viết về tính dục của các nhà văn nữ Việt Nam sau 1986 (Phần 2)


                                                                                                   Bùi Thị Kim Phượng

 

Tóm tắt

Bài viết tìm hiểu và khẳng định vô thức trong văn xuôi nữ viết về vấn đề tính dục trên các khía cạnh 1) tìm hiểu cuộc thăm dò cái vô thức của nhân vật về vấn đề tính dục, thể hiện rõ qua giấc mơ và những ẩn ức - một thứ ngôn ngữ đặc biệt thể hiện nội tâm của con người, và là nơi thể hiện rõ bản thể về vấn đề tình yêu, tình dục - một chủ đề nhạy cảm khó bộc bộ trực diện bằng ý thức theo quan niệm của Freud; và 2) phương thức huyền thoại hóa - cách thức tiếp cận, lý giải những hiện tượng phức tạp trong vô thức của con người, đó là một nỗ lực đổi mới nghệ thuật tự sự về chủ đề tính dục. Việc đổi mới nội dung phản ánh và nghệ thuật tự sự bộc lộ cái nhìn nhân bản về thế giới và con người: một thế giới đa chiều, không đơn nhất, luôn đan cài thực và ảo, ý thức và vô thức.

Từ khóa: Nhân vật; vô thức; văn xuôi nữ; tính dục; giấc mơ.

2.2. Huyền thoại hóa - con đường gần nhất đến với vô thức

Theo nhận định của GS Hà Minh Đức, nếu như thế kỉ XX “xu hướng ảo hóa và mờ hóa ngự trị” thì sang thế kỉ XXI “sử dụng các yếu tố huyền thoại kết hợp và lắp ghép với hiện thực” lại là xu hướng chủ đạo. Đặc biệt trong văn xuôi, hiện tượng lắp ghép rất phổ biến (Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo…). Bởi yếu tố huyền thoại góp phần thể hiện nét phong phú trong đời sống tâm linh, vô thức của nhân vật, thông qua đó làm nổi bật tâm hồn, tính cách nhân vật.

GS Phùng Văn Tửu cho rằng huyền thoại là một thuật ngữ xuất hiện từ xa xưa và nội dung của nó thay đổi theo từng thời kì. Trong lĩnh vực văn học, hầu hết các nhà nghiên cứu đều tìm đến nguồn gốc thuật ngữ này chỉ những truyện hoang đường xuất hiện nơi dân gian, trong đó, các sức mạnh của tự nhiên và các hiện tượng tiêu biểu của cuộc sống thường được nhân cách hóa, mang hình dạng người. Mọi hoạt động, mọi cuộc phiêu lưu của nhân vật đều có ý nghĩa tượng trưng. Cho đến nay, huyền thoại như một phương thức của tư duy nghệ thuật để chuyển tải những nội dung hiện thực không dễ nói thẳng, hoặc giả, để tạo nên ấn tượng mới lạ cho sản phẩm nghệ thuật. Giữa khái niệm “huyền thoại” và “huyền ảo”, “kì ảo” về mặt bản chất có những điểm gần gũi, tương đồng, thậm chí trùng khít, tuy nhiên, chúng không thể thay thế nhau, bởi mỗi thuật ngữ có những sắc thái khác về nghĩa, nghĩa của “huyền thoại” bao hàm cả sắc thái kỳ ảo, huyền ảo. "Huyền thoại" như một phương thức phản ánh nghệ thuật và nó được tái sử dụng trên cơ sở của tư duy nghệ thuật mới nên được gọi là “huyền thoại hóa”.

Như vậy, “huyền thoại hoá” chính là công cụ tổ chức văn bản đem lại cho tác phẩm màu sắc huyền ảo, kỳ lạ, thu hút, lôi cuốn người đọc vào tác phẩm. Phương thức “huyền thoại hóa” được xác lập theo ba nguyên tắc: thứ nhất, yếu tố huyền thoại được xây dựng bằng những chất liệu của cuộc sống nhưng đã làm cho biến dạng đi và theo những quy luật khác với quy luật thông thường; thứ hai, yếu tố hoang đường, kỳ ảo được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật nhằm lạ hóa tác phẩm tạo nên không khí huyền thoại cho tác phẩm; thứ ba, huyền thoại đòi hỏi phải được giải mã. Như vậy, huyền thoại đã thực sự trở thành một phương tiện của tâm linh con người. Hay nói cách khác, với phương thức “huyền thoại hóa”, các nhà văn tiếp cận, lý giải được những hiện tượng phức tạp về ý thức, cả trong vô thức, tiềm thức của con người.

Tìm đến cõi vô thức các nhà văn thường vận dụng phương thức huyền thoại hóa. Sự kết hợp này thể hiện quan niệm đa chiều về đời sống vừa mở rộng thêm những hình thức mới lạ cho nghệ thuật tự sự. Tiêu biểu là Võ Thị Hảo. Ở một số truyện yếu tố kì ảo làm nên chất thơ mê đắm cho tác phầm như: Tim vỡ, Nàng tiên xanh xao, Khát của muôn đời, Hồn trinh nữ, Nữ hoàng cô đơn, Hành trang của người đàn bà Âu Lạc…; có những truyện yếu tố này bao trùm như: Vườn yêu, Lửa lạnh, Giọt buồn giáng sinh, Biển cứu rỗi, Lãnh cung, Đường về trần… Trong Vườn yêu, nhân vật chính là một hồn ma đang tự kể chuyện mình: “Tôi nhón chân trên đôi giày thiếu nữ đi vào vườn yêu” với trang phục là “ một thứ quần áo bằng giấy không sột soạt, lóng lánh và nhẹ bỗng”. Cô gái gặp “người đàn bà da trắng, răng đen nhánh và mắt sáng ngời đang tiến đến, cặp đùi thon nở nang được quấn chặt trong một lần váy thâm ướt…trông chị ta thật quyến rũ, mặc dù đang hết sức nhợt nhạt”. Trong bối cảnh hiện đại của những năm cuối thế kỉ XX, truyện ngắn Việt Nam lại đầy yếu tố lung linh, hư ảo với những cổ mẫu, những câu chuyện tâm linh. Âm hưởng huyền thoại trong truyện ngắn Dây neo trần gian được hình thành từ lớp trầm tích văn hóa trong nguồn mạch folklore dân tộc. Nhân vật trong truyện đã làm mọi cách để giữ người yêu mình ở lại chốn trần gian. Cô tìm đến bà đồng và tin lời bà rằng “vào ban đêm hãy nhờ tóc của chính cô. Bện chín sợi một thành từng bím rồi nối chúng lại với nhau, quấn chung quanh tấm ảnh này rồi đặt lên bàn thờ khấn. Xong đâu đó mang tất cả đến cho anh ta. Anh ta sẽ lưu lại trần gian”. Cô nhổ hêt tóc trên đầu mình và giữ được anh ở lại trần gian.

Tiểu thuyết lịch sử Giàn thiêu cũng đậm đặc chất kì ảo với những nhân vật nửa hiện thực nửa huyền ảo như Nhuệ Anh, Ngạn La, mẹ Dã Nhân. Họ đều trong sáng, đẹp đến thánh thiện. Họ có tấm lòng nhân hậu, vị tha, có khả năng cứu vớt tội lỗi con người. Giọt nước mắt kì diệu của Nhuệ Anh chính là giọt nước cam lồ gột sạch hình hài, lông lá của Thần Tông khi hóa hổ. Chiếc rốn màu chu sa xinh xắn của Ngạn La nồng nàn hương thơm đồng nội, đôi mắt mèo hoang của nàng như chiếc cửa sổ mở ra tâm hồn ban sơ nguyên thủy. Dã Nhân là một huyền thoại về lòng vị tha vô bờ bến. Mặc dù chưa thành người nhưng nó đã vắt sữa nuôi Từ Lộ như một người mẹ nuôi con, giọt sữa của Dã Nhân thể hiện nguyên lí tính mẫu trong chiều sâu văn hóa Việt; gợi lên ở người đọc nỗi đau trần thế và khát vọng yêu thương vô bờ bến của con người.

Nhiều truyện ngắn đã sử dụng yếu tố kì ảo để bộc lộ những phương diện sâu kín nhất; những khát khao đời nhất, người nhất của con người hiện đại. Người trong gương của Hoàng Ngọc Thư nói được nhiều điều hơn hẳn một truyện ngắn thông thường. Những mối tình liêu trai trở thành một ẩn ngữ để các cây bút đương đại dò sâu vào phương diện này. Đó là những mối tình liêu trai trong Chợ rằm ở gốc cây cổ thụ - Y Ban… Chất liêu trai đã tạo nên một thế giới mà ở đó những hồn ma, những linh hồn oan khuất đi lại, nói cười, giao du với con người ở dương thế trong Nghĩa địa xóm chùa - Đoàn Lê. Đây cũng là hướng thể nghiệm của Đỗ Hoàng Diệu, tuy chưa thực sự thành công nhưng được ghi nhận như một nỗ lực đổi mới táo bạo.

Đối với Phạm Thì Hoài, phương thức huyền thoại hóa giúp nhà văn sáng tạo nhân vật Hoài trong Thiên sứ với những chi tiết kỳ lạ. Vì không muốn trở thành người lớn, bé Hoài đã “trút kinh nguyệt một lần cho mãi mãi, vắt bỏ, cạn kiệt, tẩy sạch mọi khả năng thành một người đàn bà như những người đàn bà, một kẻ trưởng thành như tất cả những kẻ trưởng thành trên thế gian” [15]. Cô bé ấy đã giữ nguyên tuổi mười bốn để không hòa nhập vào thế giới người lớn, quan sát cuộc sống xung quanh theo kiểu của mình. Rồi cũng hết sức kỳ lạ, mười lăm năm sau, khi cô bé Hoài bắt gặp chàng trai của đời mình, cô đã trút bỏ hình hài trở thành “người đàn bà hai chín tuổi lộng lẫy, giống chị Hằng như hai giọt nước” [15]. Ngoài ra, trong tác phẩm, chúng ta còn bắt gặp rất nhiều chi tiết khác cũng được “huyền thoại hóa” như: chi tiết “hai trăm chín mươi chín phò mã” tranh đua trong lễ cầu hôn của chị Hằng; cái kiểu lễ vật mà đám phò mã đem dâng, nào là hoa và rau thơm, nào là đàn gà khổng lồ công kênh rổ trứng tròn xoe từ một đến hết, rồi quả cầu đúc bằng vàng nguyên chất... Tất cả đem lại cho người đọc cảm giác vừa lạ, vừa quen. Qua cái thực tại được “huyền thoại hóa” ấy, tác giả muốn phản ánh hiện thực xã hội với bao bộn bề, nhức nhối. Thông điệp của tác phẩm mang tính thời sự về vấn đề hoàn thiện nhân cách con người.

Tiểu thuyết Giàn thiêu cũng sử dụng phương thức huyền thoại hóa những cổ mẫu dân gian-những biểu tượng nguyên thủy tồn tại trong tâm thức dân gian từ thuở xưa và trở thành vô thức tập thể như cha, mẹ, anh hùng, nước, lửa, đất, trăng… Trong Giàn thiêu, nước là một hình tượng độc đáo và đầy ám ảnh. Trong tác phẩm, nước xuất hiện dưới nhiều dạng thể: nước, sông, thác, hồ, nước mắt, sữa, sương, mưa…Đặc biệt, nước là cổ mẫu có năng lượng biến dạng vô cùng đa dạng. Nước tưới mát tâm hồn, con người trở nên mạnh mẽ, cuồng nhiệt và đầy sức sống. Dòng sông Nhuệ sông Gâm, sông Tô được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, tái hiện nhiều lần trong ký ức Từ Lộ, Nhuệ Anh như chứng nhân của kỷ niệm, và hơn hết, là hồi tưởng về những phút giây thăng hoa trong tình yêu. Bên dòng sông Gâm, họ đã để lại cho dòng nước xoa dịu nỗi hận thù và tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc. Giây phút ấy đã ám ảnh Từ Lộ trên suốt chặng đường sau này, với những day dứt và khát khao.

Đoàn Lê sử dụng yếu tố tâm linh để khám phá phần bí ẩn sâu trong vô thức của con người về tình yêu và duyên kiếp. Đó là nhân vật tôi trong truyện ngắn Giáng sinh buồn bã, đó là chàng thanh niên trong Người đẹp xóm Chùa, và cả Phan và nữ hoạ sĩ trong Trăng đường đều tin cái nốt ruồi "đen nhánh" y hệt nhau nằm trên tay hai người hoàn toàn không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là do ông Trời "đánh dấu" để họ biết đường tìm đến nhau. Định mệnh là vậy, không thể khác. Sự đan cài ảo và thực, phi lí và có lí đã mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực đồng thời ít nhiều bộc lộ quan niệm của nhà văn về thế giới và con người. Đó là một thế giới không đơn nhất, luôn đan cài giữa cái thực và cái ảo, tất nhiên và ngẫu nhiên. Con người được phản ánh trong đó không còn là con người nhân danh cộng đồng mà là con người cá nhân đa chiều, con người trong "tổng hoà các mối quan hệ xã hội".

Có thể thấy, phương thức huyền thoại hóa là một thủ pháp đắc lực giúp các nhà văn nữ khám phá những tầng vỉa sâu nhất của đời sống nội tâm con người trong tình yêu, tình dục. Tầng vỉa ấy không chỉ có ở hiện thực mà ẩn sau cái kỳ lạ, cái phi thường được nhận thức, cảm nhận ở tầng sâu vô thức, tiềm thức. Chính điều này làm cho văn học gần hơn với đời sống, giải mã được những bí ẩn sâu kín trong đời sống nội tâm con người.

3. Kết luận

Khám phá, tìm hiểu thế giới nội tâm con người về vấn đề tính dục từ vô thức của phân tâm học, sáng tác các nhà văn nữ giúp người đọc nhận ra thế giới tâm hồn của con người vô cùng phong phú và sâu sắc. Trên hành trình khám phá những bản ngã cá nhân, các nhà văn nữ thể hiện ý thức về phái tính, ý thức nữ quyền, khẳng định tư thế chủ động trong một xã hội luôn được mặc định bởi đàn ông và do đàn ông. Đó là xu thế chung của thời đại trong một thời kì hội nhập văn hóa và cũng là trách nhiệm của người cầm bút nữ. Chính ở đó bộc lộ một quan niệm văn chương mới mẻ: viết như hành trình khám phá chính mình, viết để khẳng định niềm tin riêng của mình. Chính quan niệm mới mẻ này làm thay đổi cách thức thể hiện trong đó nỗ lực làm mới nghệ thuật tự sự là một thành công đáng ghi nhận. Ở đó nhân vật được soi sáng ở phần vô thức, ở những giấc mơ hay ở những câu chuyện mang tính huyền thoại để lộ ra con người bản ngã đích thực. Tiếp cận con người bản năng, con người tự nhiên vô thức là một hướng tìm tòi của văn học thế giới từ đầu thế kỉ XX đến nay.

 

 

Tài liệu tham khảo

 

  1. Y Ban. (2003). Cưới chợ. Truy cập ngày 15/6/2024, từ http://vietnamthuquan.eu/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nqn2nvnmn31n343tq83a3q3m3237nvn
  2. Y Ban. (2005). Cưới chợ và những truyện ngắn mới. Hà Nội: NXB Văn học.
  3. Y Ban. (2004). Đàn bà xấu thì không có quà. Hà Nội: NXB Hội Nhà văn.
  4. Nguyễn Thị Bình. (2007). Văn xuôi Việt Nam 1975-1995- Những đổi mới cơ bản. Hà Nội: NXB Giáo dục:
  5. Nguyễn Thị Bình. (2008). Một số khuynh hướng tiểu thuyết ở nước ta từ thời điểm đổi mới đến nay. Báo cáo tổng kết đề tài khoa học cấp Bộ: Hà Nội
  6. Đỗ Hoàng Diệu. (2005). Bóng đè. Đà Nẵng: NXB Đà Nẵng:
  7. M. Foucault. (1978). The History of Sexuality (Lịch sử tính dục). New York: Pantheon Books,105.
  8. Sigmund Freud. (2003). Phân tâm học nhập môn. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  9. Võ Thị Hảo. (2005). Giàn thiêu. Hà Nội: NXB Phụ nữ.
  10. Võ Thị Hảo. (2005). Hồn trinh nữ. Hà Nội: NXB Phụ nữ.
  11. Võ Thị Hảo. (2005). Những truyện không nên đọc lúc nửa đêm. Hà Nội: NXB Phụ nữ.
  12. Đỗ Đức Hiểu. (2000). Thi pháp hiện đại. Hà Nội: NXB Hội Nhà văn.
  13. Phạm Thị Hoài. (1989). Mê lộ. Phú Khánh: NXB TH Phú Khánh.
  14. Phạm Thị Hoài. (1995). Man nương. Hà Nội: NXB Hà Nội.
  15. Phạm Thị Hoài. (2023). Thiên sứ. Truy cập ngày 15/6/2024, từ

http://vietnamthuquan.eu/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nqn0nmn0n31n343tq83a3q3m3237nvn

  1. Đoàn Lê. (2007). Người khách đêm giao thừa. Hà Nội: NXB Phụ nữ.
  2. Đoàn Lê. (2010). …Và sex. Hà Nội: NXB Thanh niên.
  3. Nguyễn Văn Long - Lã Nhâm Thìn (đồng chủ biên). (2006).  Văn học Việt Nam sau 1975 những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy. Hà Nội: Nxb Giáo dục.
  4. Pierre Daco. (1999). Giải mã những giấc mộng qua ánh sáng phân tâm học. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Trẻ.
  5. Báo Dân trí. (2005). Về hiện tượng sex trong tác phẩm văn học. Truy cập ngày 16/6/2024, từ https://dantri.com.vn/giai-tri/ve-hien-tuong-sex-trong-tac-pham-van-hoc-1126612982.htm,
  6. Phùng Văn Tửu. (2020). Phương thức huyền thoại trong sáng tác văn học. Truy cập ngày 15/6/2024, từ http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u/V%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngo%C3%A0i/p/phuong-thuc-huyen-thoai-trong-sang-tac-van-hoc-1170

 (Bài đã đăng trên Tạp chí Khoa học Công nghệ Đại học Duy Tân số tháng 10/2024)