star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Vô thức trong văn xuôi viết về tính dục của các nhà văn nữ Việt Nam sau 1986 (Phần 1)


 

Bùi Thị Kim Phượng

 

 

Mở đầu

Sau 1986, sự thay đổi trong bối cảnh đời sống xã hội, sự thay đổi tư duy trong hoạt động sáng tạo văn học; sự tiếp xúc, giao lưu với văn học, văn hóa phương Tây; với các lý thuyết văn học hiện đại trên thế giới… đã đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người và đổi mới nghệ thuật tự sự của các nhà văn Việt Nam, trong đó có các nhà văn nữ. Vô thức trở thành đối tượng và phương thức khám phá xã hội và con người, vô thức đã mở ra con đường đi vào địa hạt văn chương khám phá những điều thầm kín, bí ẩn nhất của bản thể người nhất là vấn đề tính dục.

Phân tâm học do S. Freud (1856 - 1939), một bác sĩ chữa bệnh tâm thần người Áo, gốc Do Thái sáng lập, là một trào lưu tư tưởng xuất hiện từ đầu thế kỉ XX, nhanh chóng thành hiện tượng có tính thời sự. Phân tâm học ra đời là giúp nhận thức những góc khuất sâu thẳm trong tâm hồn con người, khám phá những bí ẩn nội tâm, “những bí mật vũ trụ” để hiểu sâu hơn tâm hồn con người.

 

 

 
   


Phân tâm học lí giải vô thức chính là tinh thần, trong đó, giấc mơ là nơi mà hiện tượng vô thức biểu hiện rõ nhất. “Giải mã giấc mơ là con đường cao quý để đạt được sự hiểu biết về hoạt động vô thức của tâm trí”. Sigmund Freud trong cuốn sách kinh điển Giải mã giấc mơ (The Interpretation of Dreams) chia giấc mơ làm hai loại: một là biểu hiện và hai là tiềm ẩn. Nội dung tiềm ẩn của giấc mơ là những ẩn ức, những dồn nén, những khát khao nhấn chìm trong vô thức. “Giấc mộng là “hành lang nối liền” giữa vô thức và ý thức, giữa cõi mộng và cõi thực” [19]. Bởi vậy, giấc mơ chứa đựng những câu chuyện cuộc đời, phô bày những điều thầm kín mà người nằm mơ không hề biết đến, điều nó nói rằng cùng tồn tại với một thế giới cuộc đời thực bình lặng là một thế giới nội tâm hết sức phức tạp. Freud tuyên bố việc giải thích giấc mơ sẽ giúp con người hiểu biết vô thức - nơi chi phối hành vi ở ngoài tầm của ý thức. Những biểu hiện đó được gắn chặt chẽ với với những xung năng cơ bản là xung năng dục tính và xung năng tự bảo tồn. Tư duy vô thức bị dục tính chế ngự và luôn luôn có khuynh hướng hành động bản năng, không theo sự điều khiển của lý trí. Những nội dung vô thức bị tính năng động của chúng thúc đẩy để trở thành nội dung ý thức: mọi vô thức có xu hướng bước sang ý thức. Như vậy vô thức luôn bị kìm nén và giấc mơ là hình thức giải tỏa những dồn nén ham muốn trong vô thức. Freud khẳng định: tất cả mọi hình ảnh xuất hiện trong mơ đều mang một ý nghĩa nào đó. Giấc mơ là sự phản ánh nhiều chiều về cuộc sống, phản ánh chiều sâu tâm hồn của mỗi trạng thái vô thức của con người bị dồn nén, chèn ép trong cuộc sống thường nhật không có cơ hội bộc lộ. Ngoài giấc mơ, các ẩn ức còn bộc lộ qua nhiều dạng thức khác như lời nói nhịu, bệnh lí không rõ nguyên nhân, không liên quan đến tác động vật chất. Trong các ẩn ức thì ẩn ức tình dục chiếm vị trí hàng đầu.

 

2. Nội dung

2.1. Nhân vật hay cuộc thăm dò cái vô thức

Trong sáng tác viết về chủ đề tính dục, các nhà văn nữ có nhiều nỗ lực khám phá những bí ẩn, chôn vùi, giấu kín trong vô thức của nhân vật. Vô thức trở thành đối tượng trung tâm, cơ sở khám phá nội tâm sâu kín của con người được khai phá sâu sắc và tinh tế khi chạm vào đời sống. Ham muốn thể xác là một nhu cầu tự nhiên, mạnh mẽ. Nhưng trong thực tế ham muốn này gặp sự cấm đoán quyết liệt của những chuẩn mực đạo đức xã hội nên thường dồn nén sâu trong vô thức. Và do vậy giấc mơ là không gian lí tưởng cho những khát khao tình yêu, tình dục của con người. Giấc mơ chính là bản thể của vô thức. Nếu như biểu tượng khác hoạt động độc lập thì biểu tượng giấc mơ là một biểu tượng vô cùng phức tạp, không phải chỉ vì nó gắn với vùng tiềm thức, vô thức con người khó nắm bắt được mà còn là vì để cắt nghĩa, giải thích giấc mơ, người ta phải thông qua các biểu tượng khác - các biểu tượng xuất hiện trong giấc mơ. Vì thế, giấc mơ nói lên sự thật về những bí ẩn trong góc khuất tâm hồn của con người.

Phân tâm học mở ra những khả năng lớn lao cho nghệ thuật. Đây là điểm bắt đầu chân trời khám phá, tưởng tượng của nghệ sĩ. Nghệ thuật đã làm cuộc phiêu lưu vào cõi vô thức để lên tiếng đấu tranh cho quyền con người. Ở nước ta, quan niệm lí tưởng hóa con người trong văn học thời chiến đã dần được thay thế bằng quan niệm đa chiều về con người trong văn học sau 1975, và nhiều cây bút đã mạnh dạn thể nghiệm lối viết trên cơ sở kinh nghiệm về cái vô thức của phân tâm học. Với một số nhà văn nữ, giấc mơ là không gian lí tưởng để những nhân vật giải tỏa những ẩn ức đời sống, nhất là ẩn ức tình dục.

Với Y Ban, không gian giấc mơ là nơi tính cách và tâm trạng của nhân vật được soi tỏ. Những giây phút xốn xang, những khao khát tình yêu đã làm cho nhân vật Lụa trong Chợ rằm dưới gốc dâu cổ thụ “luôn có những giấc mơ về Thắng” - người yêu cô. “Giấc ngủ đêm đã đưa cô vào một giấc mơ lạ. Thắng nằm bên cạnh vuốt ve, bàn tay anh động đến đâu thì da thịt mở đến đó. Một luồng khí trời tinh khiết, một dòng nước nguồn tinh khiết, một tia chớp chói sáng bủa vây cơ thể Lụa. Cô nép vào người Thắng. (…) Cho đến phiên chợ sau, đêm nào Lụa cũng có giấc mơ kỳ lạ . Nhưng cũng vì những giấc mơ ấy mà Lụa ngày càng hao gầy xanh xao” [2].

Nhân vật Nấm trong Đàn bà xấu thì không có quà chịu sự trêu đùa của số phận: đôi chân ngắn bằng nửa thân mình. Nấm cũng khát khao điều mà một người đàn bà khát khao. Một tình yêu. Một tình dục. Một chồng vợ. Một mái ấm gia đình và những đứa con”. Nhưng khát khao đó là hão huyền vậy nên cô đã tìm đến nó trong mơ khi ngả lưng xuống tấm đệm, Nấm tưởng tượng ra đang trong vòng tay của người ấy, người ấy đang ôm chặt Nấm vào lòng rồi thì…”, “Nấm chìm sâu trong một cảm giác đê mê. Phải một lát lâu sau nhận thức mới quay trở lại. Nấm nhận thấy mình đang trần trụi giữa đám chăn gối nhàu nát. Và khoảng giữa hai đùi Nấm ẩm ướt” [3]. Người bình thường được thỏa mãn ân ái bằng tình yêu có thực với con người thực, còn Nấm chỉ có nó trong mơ:

“Nấm nhận thức rõ ràng cơ thể Nấm đang chuyển động. Hai má Nấm nóng bừng, ngực Nấm co tròn hơn trong lớp áo lót […]. Một cảm giác đê mê lan khắp cơ thể Nấm. Một cảm giác thật dễ chịu. Nấm xoa mạnh hơn. Cảm giác lan toả khắp cơ thể rồi dồn xuống chân Nấm. Nấm đắm chìm trong cảm giác mới mẻ. Một lát Nấm bỗng nhận ra rằng từ lúc nào Nấm đã trút bỏ hết áo quần và miệng đang hát những nốt nhạc của mèo cái” [3].

 Trạng thái mộng mị, thăng hoa của nhân vật dù được miêu tả kĩ càng nhưng không làm ta thấy ghê sợ mà thức dậy một niềm trắc ẩn. Nhìn thấu những khát khao thầm kín của nhân vật, chỉ có thể là nhà văn nữ, đó là cái nhìn trân trọng và cảm thông.

Trong quan niệm của người cổ đại, giấc mơ là nơi gửi gắm thông điệp của các vị thần, mang sức mạnh tiên tri, thì với người hiện đại, giấc mơ, vô thức chứa đựng cảm giác hiện sinh đích thực, thể hiện cái nhìn thực sự của con người về đời sống. “Không gì có tính cá nhân hơn là giấc mộng” [19], ở thế giới vô thức, con người không thể cưỡng lại việc bộc lộ mình, đời sống hoàn toàn hồn nhiên và bản năng. Nhân vật “thị” trong I am đàn bà thỏa mãn nỗi nhớ chồng bằng những giấc mơ “đêm ngủ thì thị lại mộng mị. Thị nằm mộng có một người đàn ông hôn thị khiến cho cảm xúc thèm khát của thị đang ngủ im bật dậy […]. Thị tỉnh giấc trong ngất ngây của sự khát thèm”. Cùng với cái nhìn trìu mến, sẻ chia nhà văn vượt qua định kiến khinh bạc, khắt khe vươn tới chiều sâu nhân bản: làm sao có thể lên án người phụ nữ nông thôn khỏe mạnh đang tuổi sung mãn sức lực lại phải xa chồng biền biệt?

Và đây là khát vọng thầm kín không thể sẻ chia của nhân vật trong Đàn bà sinh ra từ bóng đêm:

“Ả nhìn thấy không phải là màu xanh êm đềm của đồng cỏ mà là một thứ ánh sáng chói chang của bảy sắc cầu vồng. Từ trong ánh sáng chói lòa ấy hiện ra một thượng đế tráng hào, khỏe khoắn. Thượng đế giang tay về phía ả. Ả chạy lại ôm choàng lấy cổ thượng đế. Ả gục mặt vào người thượng đế để hít cái mùi vị đàn ông. Ả hôn thượng đế một nụ hôn nồng nàn nhất. Thượng đế ghì chặt ả yêu thương…Và phía sau thượng đế là đứa con trai của ả… Ả đã ôm chặt con vào lòng, bế bổng nó lên áp tim nó vào tim ả truyền cho nó cả cái nghĩa của cha mà nó thiếu. Thằng bé khoái chí rúc vào cổ mẹ”[2].

Cảm xúc tưởng như chai sạn của người đàn bà bị lăng nhục dồn nén trong cõi sâu vô thức trỗi dậy mãnh liệt trong giấc mơ về một tình yêu chân thành với một người đàn ông và chất chứa tình yêu con mãnh liệt.

Con người là hợp thể của ý thức và vô thức, ý thức giúp con người lí giải, nhận thức sâu sắc thế giới xung quanh và điều chỉnh hành vi nhưng vô thức cũng là nơi chi phối rất mạnh hành vi con người. Nhìn con người từ đời sống ý thức thì kinh nghiệm sống thường buộc nó phải “sắm vai”. Chính trong vô thức, con người thật của nó hiển lộ. Đây chính là con đường hữu hiệu để văn học khám phá tính người.

Các nhân vật của Đỗ Hoàng Diệu có đời sống tình dục thật mạnh mẽ, cô gái bị “bóng đè”là một thí dụ: Tôi không thể ngoan hiền . Tôi hay chồm lên người Thụ nuốt lấy anh vồ vập […]. Đôi lúc thấy anh kinh khiếp tôi đành phải dè dặt. Nhưng rồi đến cơn khát tôi vung vấp hết. Mỗi sáng thức giấc trông Thụ thật tội nghiệp [6]. Nhưng khi về nhà chồng, anh chồng hờ hững vì sợ mẹ, sợ em, sợ nề nếp gia phong khiến cô vợ ấm ức. Cô rơi vào ảo giác, mộng mị. Bị bóng ma cưỡng hiếp trong mơ cô vừa thích thú vừa nhục nhã. Ban đầu cô thấy sợ, thấy “lạnh sống lưng” nhưng sau đó là sự mong chờ, mong chờ cái cảm giác khoái lạc thể xác “bị cưỡng bức” mà với chồng cô không có được. Tôi đồng lõa, đã kiễng chân lên rên rỉ rồi sau đấy lại nghĩ mình bị hãm hiếp, lại căm oán bóng đen tổ tiên nhà Thụ. Rồi lại mong chờ, lại háo hức thèm thuồng. Bóng đen ấy hiểu tôi thích gì, nó tràn lấp dục vọng trong tôi và đẩy Thụ xa cách” [6].

Những hành vi tính dục của nhân vật trong vô thức thể hiện khát vọng ái ân của người phụ nữ. Giấc mơ về những bóng ma u uất, ảm đạm, cái không khí ghê rợn trong tác phẩm chỉ là tình huống giả định để nhà văn thám hiểm những vùng khuất tối của con người.

Khi những nhu cầu về tính dục bị đè nén, không có cơ hội thoát ra ngoài, những ẩn ức về tâm lý, sinh lý của chủ thể sẽ thể hiện ở những tầng bậc khác nhau. Có thể họ sẽ giải phóng xúc cảm, sự lãng mạn trong khung cảnh hoan lạc với người họ không còn/có tình yêu; hay họ có thể nhập thân vào một bóng hình khác mình nhằm thỏa mãn cảm xúc tình yêu; cũng có thể họ sống với ảo giác mộng mị, tâm linh với bóng hình cũ không còn nữa ở cõi đời này…

Sáng tác của các nhà văn nữ về vấn đề này thể hiện khá đa dạng, mỗi tác giả đặt tiếng nói của mình theo một cách riêng.

Với Phạm Thị Hoài trong Năm ngày, nhà văn chủ tâm khắc họa nhân vật ở phần bản năng vô thức. Cặp vợ chồng trẻ đang chờ tòa xử ly hôn, họ có năm ngày sống chung cuối cùng trước khi cô gái dọn đi ở nơi khác. Ban ngày họ là hai kẻ lãnh đạm, xa lạ với nhau. Nhưng ban đêm họ lao vào nhau đam mê, đắm đuối. Anh chồng hi vọng sẽ cứu vãn được cuộc hôn nhân. Nhưng sang ngày thứ năm khi thức dậy thì cô vợ đã dọn đi, chỉ để lại mấy dòng dặn dò nhờ anh chuyển chiếc bàn đến địa chỉ cô cần. Cô đã thành thật với ham muốn bản năng nhưng quyết liệt với quan niệm: hôn nhân không chỉ là chuyện tình dục mà phải có tình yêu, có sự tôn trọng nhau. Cái vô thức không kéo con người sang phía thú vật mà làm nổi bật ý thức về văn hóa, phẩm tính người của nhân vật.     

Đoàn Lê thường tạo ra tình huống khác lạ để nhân vật bộc lộ những trạng thái khác nhau, nhưng dù họ đang sống thực hay sống trong cõi mộng ảo, sự ám ảnh luôn đè nặng tâm lí, chi phối mạnh mẽ đến hành động suy nghĩ của nhân vật. Nhân vật của Đoàn Lê thường mang nỗi ám ảnh vô thức nhiều khi không thể lí giải. Cô gái trong Cổ tích manơcanh khát khao được tự do đến với người mình yêu nên đã nhập vào cô manơcanh đứng trong tủ kính với bộ váy cưới màu hồng nhạt:Nàng mơ hồ nghe tiếng cười quen thuộc của anh. Thôi thế này dù đứng trong tủ kính với chiếc váy cưới lộng lẫy quanh năm nàng cũng thỏa nguyện”16].

Chàng trai trong Chờ nhật thực khi người yêu đột ngột từ trần, nỗi đau chìm vào vô thức hòa lẫn vào câu chuyện tình của Huyền Trân công chúa để chàng tơ tưởng đến kiếp luân hồi. Trong Ngôi sao đỏng đảnh, chàng trai thợ mộc trứ danh bốn mươi tám tuổi chưa vợ mơ về một cô gái “Tôi thấy mình đang bế nàng trên tay, ôm ấp giữa sườn đồi cỏ quê nhà. Trong lòng tôi không mảy may thèm khát nàng, chỉ trào dâng một nỗi yêu thương xót xa. Hình như nếu tôi không che chở, không giữ lấy nàng, chắc nàng sẽ tan biến theo làn sương trắng mỏng tang quấn quýt chung quanh chúng tôi. Nàng choàng đôi cánh tay mảnh dẻ lên cổ tôi, riết chặt, run rẩy, tựa hồ cầu cứu. Tôi nghe làn da ấm nóng của nàng truyền sang tôi từng đợt, từng đợt sức sống xao xuyến” [16].

Nhân vật tôi trong Giáng sinh buồn bã sống với ảo giác về tiền kiếp, cô tin rằng cô phải trả món nợ tiền duyên nên mới gặp gỡ với anh nhà văn trong hiện tại. Cô nghĩ đây là nhân-quả luân hồi bởi kiếp trước cô chính là anh khóa đã phụ tình người yêu khiến cô gái đau khổ tự vẫn ở một vùng biển nào đó và giờ cô linh cảm rằng người yêu hiện tại của mình chính là cô gái năm xưa. Tương tự vậy, chàng thanh niên trong Người đẹp xóm Chùa tin vào thuyết phân thân, tin có kiếp trước, kiếp sau cùng mối duyên nợ chằng chịt trong cuộc đời nên anh mới có cơ duyên có được bức tranh khỏa thân và gặp được con gái người đàn bà trong tranh.

Nhìn chung, Đoàn Lê thiên hẳn về những ám ảnh vô thức mang màu sắc tâm linh mà ít chú ý đến vô thức tình dục. Hầu hết các nhân vật trong tác phẩm Đoàn Lê đều có khát vọng yêu mãnh liệt, họ tìm kiếm tình yêu cả trong vô thức, trong những giấc mơ, trong ảo giác. Điều đó khẳng định quyền năng của tình yêu trần thế.

Những phức cảm, ám ảnh và ham muốn trong vô thức của nhân vật suy cho cùng là nơi giải phóng những khát khao nhân bản về tình yêu và tình dục. Khám phá ra “góc khuất” này, các nhà văn nữ đã tiến một bước dài trong việc thể hiện những nỗi bất an, những ước vọng và những mâu thuẫn nội tâm tiềm ẩn trong cõi vô thức nhân vật. Chính những ước vọng ẩn giấu, những giấc mơ với những xung đột thầm kín, những nỗi bất an và ám ảnh... đã làm thành nguyên nhân, nguồn gốc của mọi sự kiện. Bằng cách đó, các nhà văn nữ khám phá ra những vấn đề liên quan đến bản chất con người trong thời đại ngày nay.

(Bài đã đăng trên Tạp chí Khoa học Công nghệ Đại học Duy Tân số tháng 10/2024)