star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Trần Thùy Mai-Người kể chuyện về Huế


 

Bùi Thị Kim Phượng

Trần Thùy Mai từng tâm sự “Những câu chuyện tôi đã viết là những mảnh đời ở Huế, có thể là tôi, có thể là những người sống quanh tôi”

Edgar Morin cho rằng: “Những con người thuộc nến văn hóa nào đó, do cách nhận thức của họ đều sản sinh nền văn hóa và văn hóa này lại sản sinh ra cách nhận thức của con người” [1.42]. Ngay từ khi ra đời, con người tiếp xúc và chịu sự ảnh hưởng các yếu tố xã hội xung quanh, định hình một cá tính. Và như một quy luật, hễ người cầm bút sống và hít thở ở quê hương nào, văn chương ắt hẳn có phong vị của miền ấy. Trần Thùy Mai chủ yếu sống ở Huế nên từng hàng cây, ngọn lá, chùa chiền, sông núi, lớp lớp trầm tích thời gian, văn hóa, lịch sử nơi đây đã thấm đẫm vào tâm hồn chị. Để từ đó, mỗi câu văn, truyện ngắn của chị đều mang đậm hơi hướng xứ sở sông Hương núi Ngự, của tiếng hát cung đình. Từ ảnh hưởng của thành phố Huế thơ mộng, hiền hòa với tất cả cảnh vật, con người, văn hóa vật chất, tinh thần…sau này, qua sự quan sát, cảm nhận, chiêm nghiệm thấm thía của nhà văn đã đi vào sáng tác của chị rất tự nhiên, dung dị, nhẹ nhàng, khó quên. Chị đã từng tâm sự: “Mình lớn lên ở Huế và điều làm mình gắn bó với Huế là cái cảm giác bé nhỏ, hiền hiền, thương thương mà lúc nào mình cũng cảm thấy khi nghĩ về xứ sở này” [2]. Phải chăng cái “bé nhỏ, hiền hiền, thương thương” ấy như gắn liền với những trang viết của chị, tạo nên một phong cách đạm bản sắc Huế.

Truyện ngắn Trần Thùy Mai không làm người ta choáng như Nguyễn Thị Thu Huệ khi phanh phui mặt trái xã hội một cách tàn nhẫn, không làm người đọc phải “nghẹt thở” khi truy tình quá khứ gắt gao như Phạm Thị Hoài, cũng không bắt người đọc phải ”sững sờ, hoảng hốt khi đối diện với những khoảng cô đơn như Võ Thị Hảo. Trong sáng tác của mình chị đã tạo được tiếng nói riêng, thấm đẫm chất Huế, vừa dung dị, gần gũi, đằm thắm, đời thường, vừa gần với thơ và cũng đậm chất triết lí.

Truyện ngắn Trần Thùy Mai cũng không quá đặc biệt khiến người ta phải chú ý đến nó ngay từ những câu chữ đầu tiên. Nhưng càng đọc, người ta càng cảm nhận được một cái gì đó rất nhẹ nhàng, rất dịu dàng, rất sâu lắng và như Hoàng Nguyên Vũ đã viết: “thật đến phát khóc mà lãng đãng khói sương đất trời xứ Huế”[3]. Bản thân nhà văn là người phụ nữ rất nhạy cảm và tinh tế. Chị luôn sợ sự cô độc bới nó đem đến cho chị cảm giác không yên ổn. Cuộc sống không bình lặng khiến Trần Thùy Mai luôn khao khát tìm kiếm niềm đồng cảm, sự sẻ chia để xua đi cảm giác cô đơn trống vắng trong lòng. Toàn bộ các nhân vật trong truyện ngắn của chị đều mang dáng dấp riêng và được nhà văn gửi gắm những tâm sự, suy nghĩ của mình về cuộc đời, về con người mang đậm dấu ấn Huế.

Cũng như nhiều nhà văn khác, Trần Thùy Mai ý thức rất rõ văn chương phải là “tấm gương phản chiếu cuộc sống”. Truyện ngắn của chị luôn đề cập đến những vấn đề gần gũi với cuộc sống của con người như tình yêu, tình người, thân phận con người… trong xã hội, đặc biệt là những con người quê chị. Chị từng tâm sự: “Cho đến nay mình vần thích viết về những gì gần gũi với cuộc sống con người như tình yêu, tình người, thân phận con người…trong xã hội, đặc biệt là những con người quê chị. Chị từng tâm sự: “Cho đến nay, mình vẫn thích viết những gì gần gũi quanh mình, của bạn bè, của những người cùng sống, viết như một cách trao đổi tâm tư với người cùng thời và mở rộng cuộc sống nội tâm của chính mình”[4].Điều đó có nghĩa là, với chị, nhà văn phải có khả năng đồng cảm, đồng cảm với nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi trong xã hội. Trần Thùy Mai là nhà văn rất giàu tình cảm, dễ xúc động và nhạy cảm, hơn nữa chị còn sống một cách chân thật, sống hết lòng không chỉ trong tình yêu mà còn trong mọi mặt của cuộc sống. Vì thế, đọc truyện ngắn của chị, người đọc cứ ngỡ như đang tiếp xúc với những tự truyện, cảm giác như “nhà văn đang cúi xuống lòng mình mà nhả chữ”, rất thật.

Bất kì ai khi đến với tác phẩm của chị đều có chung nhận xét: “truyện ngắn Trần Thùy Mai thấm đẫm chất nữ tính”. Điều đó cũng dễ hiểu bởi vốn chị là con người xứ Huế, một xứ sở đã sinh ra những người phụ nữ vốn dịu dàng, kín đáo và giàu tình cảm. Những nhân vật trong truyện ngắn của chị mỗi người đều mang một số phận và trong số phận của họ là những vấn đề của chúng ta đang sống. Đặc biệt là những câu chuyện tình yêu của người phụ nữ. Đó là những con người có tâm hồn trong sáng, mong manh, dễ vỡ, dịu dàng, đằm thắm nhưng cũng đầy nóng bỏng, đầy khát khao và đam mê. Họ mang dáng dấp kiểu con người Huế. Một điều dễ nhận thấy là Trần Thùy Mai quá ưu ái các nhân vật nữ của mình. Họ đều mong manh, dễ vỡ đến siêu thực nhưng ở đâu đó ta vẫn bắt gặp nét dịu dàng đằm thắm và những đức tính luôn có ở người phụ nữ Á Đông. Một sư Mi yêu và tan vỡ ngay trong mối tình đầu (Gió thiên đường), một Lan tinh khôi yêu trong lành nhưng lở dở tình yêu với một chú tiểu lạc lối giữa đạo và đời (Thương nhớ hoàng lan), một thiếu phụ yêu say đắm chàng trai kém mình 16 tuổi nhưng không cản nổi bước thời gian (Cơn gió mùa xuân)…Tất cả họ đều đã ghi lại cho văn chương của Trần Thùy Mai một dấu ấn riêng biệt, khiến cho người ta không khỏi thổn thức ngẫm nghĩ sau mỗi lần gập lại những trang sách của chị.

Một điều đặc biệt trong tác phẩm của Trần Thuỳ Mai, chị luôn có ý thức giữ gìn nét đẹp truyền thống văn hóa Huế. Đó như một biểu hiện cho tình yêu thiết tha nét đẹp miền đất mà mình gắn bó. Đó là Lài (Dòng suối cạn nguồn) với những câu hò Huế nuôi dưỡng tình yêu suốt một thời tuổi trẻ. Đó là Trang (Khói trên sông Hương) khước từ tình yêu để “âm thầm cháy một mình” với những bài ca Huế, bởi Trang biết mình “không là gì cả nếu rời dòng sông và tiếng Hát”. Đó là một Tiểu Phượng trong Huyền thoại về chim phượng với “cái cử chỉ vuốt tóc mềm mại…cử chỉ muôn đời của những cô gái Huế”, với mong muốn giới thiệu những lăng tẩm đền đài, cái đẹp của xứ Huế cho du khách bởi cô “tin rằng khi nhìn một cái đẹp, người ta sẽ mới hơn, tốt hơn”…

Như vậy theo thời gian, Trần THùy Mai đã có những tìm tòi, những cách tân thể nghiệm từ hình thức đến nội dung tư tưởng trong mỗi giai đoạn khác nhau nhưng điều đó không làm nhòe đi phong cách Trần Thùy Mai, trái lại càng định hình chắc chắn hơn một phong cách Huế. Độc giả yêu văn Trần Thùy Mai như yêu Huế. Từ đó có thể thấy rằng, tâm hồn Trần Thùy Mai thuộc về Huế, về người phụ nữ  Huế, của đền đài phủ rêu , kiêu kỳ, vàng son nhưng u hoài. Huế của dòng sông Hương mộng mơ trong sương mù, tinh khôi trong sớm mai và chứa sóng gió nơi lòng sông. Chính Huế với cái đẹp vĩnh cửu đã nuôi dưỡng văn giới Trần Thùy Mai. Cái lối trình bày hay lối nhìn về cuộc đời trong truyện ngắn Trần Thùy Mai, vì thế, là lối quan sát kiểu Huế.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Edgar Morin (2008), Phương pháp 4 tư tưởng, NXB Đại học quốc gia Hà Nội

[2]. Linh Thoại (2002), Trần Thùy Mai với đôi cánh tình yêu,httt://www. Tuoitre.vn/van—van..,20/6/2010

[3]. Hoàng Nguyên Vũ , Nhà văn Trần Thùy Mai, xin làm người kể những yêu thương,http:/vi.wikipedia.org/wiki

[4[. httt://www.vannghedanang.org.vn,18/9/2010…( Hành trình đi tìm hạnh phúc ảo ảnh, Lê Thị Hường)