star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Sự đổi mới quan niệm về con người trong “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp


Trên hành trình cách tân mạnh mẽ của văn học dân tộc, nửa sau thập kỷ 80 của thế kỷ XX, văn đàn Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của một hiện tượng văn học lạ, độc đáo và gây nhiều tranh cãi: HIỆN TƯỢNG NGUYỄN HUY THIỆP.
Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn đương đại Việt Nam trong địa hạt kịch, truyện ngắn và tiểu thuyết với những góc nhìn mới, táo bạo.
Ông xuất hiện khá muộn trên văn đàn (1986) nhưng được coi là người đạt đỉnh cao nghệ thuật của truyện ngắn với một loạt tác phẩm như: Tướng về hưu, Không có vua, Tuổi 20 yêu dấu, Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ, Con gái thủy thần, Vàng lửa,...
Đọc truyện Nguyễn Huy Thiệp, có thể nhìn thấy một “ cõi người ta” xù xì, gân guốc, góc cạnh lẫn lộn giữa tốt và xấu, thật và giả, đen và trắng, cao thượng và thấp hèn với những con người có suy nghĩ, hành động và đời sống nội tâm vô cùng bí ẩn. Cái thế giới ấy thể hiện một cách nhìn rất thật và sâu sắc của nhà văn về con người.
Giới thiệu tác phẩm
Tướng về hưu là câu chuyện về một vị thiếu tướng tên Thuấn, niềm tự hào của gia đình, dòng họ Nguyễn và xóm làng. Sau nhiều năm xông pha chiến trường, trận mạc, tự tay chôn 3.000 đồng đội, lính tráng, tướng Thuấn về hưu ở tuổi 70.
Nhưng khi trở về ông hoàn toàn lạc lõng trong một đời sống đang thay đổi khi những chuẩn mực đạo đức chạy theo nền kinh tế thị trường. Tình cảnh gia đình ông Thuấn dường như rất phổ biến trong xã hội Việt Nam lúc giao thời, khi đồng tiền len lỏi và chi phối trong mọi mối quan hệ. Ông Thuấn như người xa lạ trong chính ngôi nhà của mình trước cô con dâu sắc sảo, người con trai nhu nhược và một bà vợ lẩn thẩn.
Truyện ngắn Tướng về hưu đã được chuyển thể thành phim truyện điện ảnh cùng tên vào năm 1988. Bộ phim này cũng gây tiếng vang lớn, đến nay vẫn là một trong những phim truyện Việt Nam nổi tiếng, để lại dấu ấn khó quên cho người xem. 

……
 
Sự đổi mới quan niệm về con người trong “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp 
Đọc “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp thấy một giọng văn gai góc khi miêu tả thế giới người ấy không khác gì thế giới vật là mấy. Vì đó là những con người:
 Những con người cô đơn: Người ta gọi thời hiện đại là thế kỷ cô đơn, bi kịch của nỗi cô đơn ngập tràn. Con người mang mặc cảm cô đơn như một bản án ngay từ khi sinh ra. Các nhân vật trong chuyện gắn kết với nhau bằng quan hệ gia đình, xã hội tưởng như sâu sắc và bền chặt nhưng thực ra lại vô cùng lỏng lẻo và dễ đứt.
Tướng Thuẫn từ một địa vị cao trở về với cuộc sống đời thường như cá tách khỏi nước, không thể hòa nhập được với cuộc sống mới, nếp cảm nếp nghĩ mới. Ông vẫn giữ nguyên cốt cách người lính. Gánh nặng của truyền thống, lịch sử vẫn đè nặng lên đôi vai của người anh hùng chiến trận. Gánh nặng truyền thống ấy không dễ gì rủ bỏ, tướng Thuấn khi về hưu thì vẫn là “hình ảnh của niềm vinh dự, tự hào. Cả ở trong họ, trong làng, tên tuổi của cha tôi cũng được mọi người ngưỡng vọng”. Đó là tâm lý chung của một dân tộc yêu quá khứ, yêu những chiến công, không dám đi xa hơn ảnh hưởng của quá khứ, tâm lý không dám vượt ngưỡng. Vì thế tướng Thuẫn cô đơn, câu nói “sao tôi cứ lạc loài” như chứng minh điều đó. Một thế giới ngổn ngang sự vật, đang phân rã, tồn tại lơ lửng bên nhau. Tướng Thuấn chết mà vẫn lạc loài, lạc loài cả khi đã quay về quá khứ vàng son của mình. 
Hiện tại không đủ sức làm con người bớt cô đơn, con người không có hoài bão, xã hội không có tương lai, không xin được vào tương lai mà trở về quá khứ cũng không còn chỗ bám trụ. Con người ta biết đi về đâu? Tướng Thuấn cô đơn. Đó là sự cô đơn của ý thức thế  hệ. Con người thế hệ, không bi kịch, không cô đơn, là thế hệ yên tâm vào trong lai biết trước, ẩn minh trong cộng đồng. Họ thuộc về một cộng đồng, một cơ chế nhưng đã bắt đầu thấy được chỗ bất ổn của cơ chế và mối liên hệ với cộng đồng trở nên phức tạp hơn nên mới thấy cô đơn. Không thể hòa nhập thực tại bởi thực tại không còn nguyên những giá trị đạo đức truyền thống hoặc là những giá trị hoàn toàn mới mà đấy chỉ là sự lai ghép thảm hại, đánh mất thuần chủng, tinh khiết trong đời sống tình cảm, vật chất của con người. Vấn đề ở đây có phải là bản lĩnh sống? 
Các nhân vật trong truyện cùng đều cô đơn, lạc loài với xã hội và với chính mình. Cảm xúc dường như vắt kiệt qua những đoạn đối thoại rời rạc. Đối thoại để hiểu nhau, là nhịp cầu nối giữa người với người nhưng ở đây chỉ còn là những chuỗi âm thanh phát ra loạn xạ. Mỗi người phát ra chuỗi âm thanh của minh theo ý nghĩ vụt đến, lộn xộn, không ăn nhập, không chờ mong sự đáp trả, không ai hiểu ai...Đối thoại mà không khác gì độc thoại, đối thoại cảm. Ví dụ nhu: đoạn đối thoại sau:
Ông nói “Bà ấy cứ xoay ngang dọc trên giường thể này là gay go đấy”. Lại hỏi: “Chị nhận ra em không?”.Mẹ tôi bảo:” Có”. Lại hỏi: “Thế em là ai?”. Mẹ tôi bảo:”Là người”. Ông Bổng bỗng khóc òa lên: “Thế là thương em nhất. Cả làng họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người”.
“Ông thợ mộc quát: Sự chúng ông ăn cắp gỗ à?”. Ông Bổng hỏi: “ Ván máy phân?”. Tôi bảo: “ Bốn phân”.Ông Bổng bảo: “Mắt mẹ bộ xa - lông. Ai lại đi đóng quan tài bằng gỗ dồi bao giờ? Bao giờ bốc mộ, cho chú bộ ván”
Nhân vật cũng được đơn giản hóa như những kí hiệu, như một bản kê khai lý lịch, không hơn: 
“ Cha tôi tên Thuấn, con trưởng họ Nguyễn (...) Tôi ba mươi bảy tuổi, là kĩ sư, làm việc ở viện vật lý. Thuỷ, vợ tôi, là bác sĩ, làm việc ở bệnh viện sản. Chúng tôi có hai con gái, đứa mười bốn, đứa mười hai. Mẹ tôi lẫn lộn, suốt ngày chỉ ngồi một chỗ”.
Con người giữa ranh giới cần cái thiện và cái ác: các nhân vật chính không bị lí tưởng hoá, họ cũng có sai lầm cũng phải chiến đấu với phần bóng tối trong mình. Con người như một tiểu vũ trụ đầy bí mật và không thể biết trước, không thể biết hết, những đột biến tâm lí, tính cách, những hành động bất ngờ không thể đoán trước. Tướng Thuẫn là anh hùng trận mạc nhưng không vì thế mà được lí tưởng hoá. Bên cạnh cái cao cả vẫn có những cái tầm thường ở con người được coi nhu chuẩn mực của đạo đức xã hội ấy. Ông cũng bất lực, chỉ biết dở cười dở khóc trước thực tại đời sống hỗn loạn, xô bồ, thô thiển, ô trọc. Cái đạo mạo, trang trọng được đặt bên cạnh lại trở nên mục cười, thảm hại. Nó là chất nghịch dị. Đoạn đám cưới con ông Bỗng là một ví dụ. “Mỗi thế hệ đều có thời vàng son của họ". Họ luôn phải cưỡng lại một cái gì đó ở bên trong bản thân, thiện và ác, lí trí và dục vọng, cái riêng và cái chung bên trong con người. Người ta vẫn tốt nhưng cái tốt dường như ít đi xa hơn, luôn phải giữ mình để khỏi làm điều ác. Có nhà văn đã cho rằng. Cái thiện hơn cái ác có nửa vòng bánh xe thôi. Con người có tự do hay không là nhờ nửa vòng bánh xe ấy.
Nhưng nhà văn không phán xét đâu là cái thiện, đâu là cái ác trong con người, không phán xét và không thể phân định một cách rạch ròi được. Bản chất thế giới là vô minh, con người cũng là vô minh. Nguyễn Huy Thiệp còn kêu gọi con người phải biết ghê tởm điều thiện như chính điều ác vậy. Tin tưởng tuyệt đối vào cái thiện như một châu là lại đã đang đặt một chân sang bên kia của cái ác vì “chân lý của cuộc sống là sự hỗn độn, cả phương Đông hỗn độn, cả thể giới hỗn độn. Trong cái hỗn độn đó, chúng ta tìm cách xây dựng những trật tự nhỏ (như gia đình, anh em, bạn bè,...). Còn trẻ, ai cũng tôn trọng trật tự, càng già đi người ta càng có xu hướng chấp nhận sự hỗn độn cao hơn. Vì thực ra. mọi giá trị cũng luôn biến đổi, nên cái hay của ngày hôm nay chưa chắc đã sống đến ngày mai, còn cái dở có cái lúc lại lên ngôi và được ca tụng. Chính vì thế lầm lạc, ngu dốt là chuyện thường tình”. Ông Bổng, Thủy là tốt hay xấu, là thiện hay ác? Bên cạnh cái lạnh lùng, bạc bẽo, man dại vẫn ánh lên tính người, tình người, đôi khi còn khiến người đọc cảm động. Mỗi người mang trong minh mầm mống của mọi tính chất con người và khi thì thể hiện tính chất này, khi thì thể hiện những tính chất khác và thường là hoàn toàn không giống bản thân minh tuy vẫn cứ là chính mình. Con người với tư cách cá nhân như một “nhân vị” độc lập, phải xem xét con người từ nhiều phía, nhiều “tọa độ”, con người “không trùng khít với chính minh”, con người không đơn giản mà phức tạp, nhiều chiều. Ít nhân vật đẹp đẽ, hoàn hảo. Mọi sự lý tưởng hóa sẽ làm cho nó trở nên giả dối, không thật.
Con người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân: Con người hay xã hội loài người tự đặt cho mình các luật lệ và đau khổ khi vi phạm những luật lệ ấy. Tưởng Thuẫn được cả xã hội ngưỡng vọng. Xã hội tung hô thậm chí sùng bái cá nhân. Cá nhân được tung hô sống dựa vào hào quang ấy. Cái tâm lý cộng đồng ấy cứ phảng phất trong tác phẩm, đôi khi đặc quánh. Không phân biệt đâu là nạn nhân đâu là thủ phạm, ranh giới thật mong manh. 
Nạn nhân là nạn nhân bởi tự mặc định cho mình thân phận nạn nhân nên đã gián tiếp trao quyền cho thủ phạm. Thủ phạm tham gia trò chơi ấy cũng đồng thời biến thành nạn nhân. Tưởng Thuấn cũng là nạn nhân của xã hội yêu quá khứ, thần tượng con người, thần tượng những chiến công. Đó là kiểu tư duy chiến tranh tồn tại ngay trong thời bình Người lính coi chiến đấu là lẽ sống Tưởng Thuẫn chấp nhận và những người trong gia đình ông cũng chấp nhận điều này. Họ là nạn nhân. Và khi không thoát ra khỏi vàng hào quang để trở về với cuộc sống, với những gì là đời thường nhất, con người cảm thấy "lạc loài". Xã hội đưa tướng Thuẫn lần đỉnh cao của danh vọng nhưng trên đỉnh cao ấy cũng là sự cô đơn tuyệt cùng. Vinh quang tột cùng, tột cùng cay đắng là như vậy. 

Con người như một thực thể đang sinh thành: Cuộc đời là nghiêm túc nhưng cũng là một trò chơi, cuộc thí nghiệm của những cái tôi nhỏ bé. Tham gia trò chơi vừa phải tuân thủ luật chơi nhưng đồng thời bất cứ trò chơi nào cùng chứa đựng những cái bất ngờ, ngẫu nhiên ngoài mọi dự đoán và tính toán của con người. Trò chơi vẫn tiếp tục ngay cả khi nhân vật chết đi. “Sau đó nếp sống của gia đình tôi trở lại như là trước ngày cha tôi nghỉ hưu". Dòng chảy cuộc sống vẫn tiếp tục, những bi hài nhân sinh vẫn tiếp tục, nhưng khả năng mới lại được mở ra, không có chân lý cuối cùng. Con người không bao giờ là hoàn tất và trùng khít với chính bản thân nó, nó luôn trong trạng thái sinh thành, luôn là một ẩn số. Tác phẩm luôn mời gọi sự đối thoại và nuôi dưỡng khả năng ngạc nhiên của con người! 
Kết luận
Nguyễn Huy Thiệp tỏ ra là người rất thành công trong việc xây dựng con người. Ông len lỏi vào những nẻo sâu kín nhất trong nội tâm nhân vật, nhìn thấy những biểu hiện dù nhỏ nhất lóe lên trong tâm hồn họ. Tướng Thuẫn lạc lõng trong chính gia đình của mình giữa độ chênh của 2 thế hệ với 2 thời kỳ khác nhau.
Nguyễn Huy Thiệp hay sử dụng cách nói cực đoan, nhưng những suy nghĩ của ông về vai trò, sứ mệnh của nhà văn, của văn học nghệ thuật là điều đáng để cho chúng ta trăn trở, day đi dứt lại, dù tác giả tự nhận văn chương của mình chỉ như những ngọn gió. Sự thay đổi quan niệm về nhà văn, về vai trò văn học nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp đã có tác dụng tích cực trong phát huy cá tính sáng tạo của nhà văn, trả văn học về lại với quy luật phát triển và những đặc trưng đích thực của nó. Nguyễn Huy Thiệp dũng cảm nhìn vào sự thật để trình bày hiện thực đúng theo những gì mình thấy, những gì mình nghĩ. Tác phẩm của ông đã dạy chúng ta rằng “Cuộc sống như một dòng sông, có cả sự trong veo tinh khiết đến ngỡ ngàng của nước, có cả rác rưởi đang trôi”.

Ths. Bùi Thị Kim Phượng