star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Những tác động của Chủ nghĩa tiểu đa phương đối với khu vực và Việt Nam


Chủ nghĩa tiểu đa phương (minilateralism - CNTĐP): Theo các chuyên gia, dù chưa có một định nghĩa chung hay cách hiểu thống nhất nhưng hiểu một cách khái quát, CNTĐP là tập hợp “số lượng nhỏ nhất các quốc gia cần thiết để đem lại tác động lớn nhất có thể nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể”. Nói cách khác, CNTĐP  nỗ lực ngoại giao của hơn 03 quốc gia trở lên, nằm ngoài các diễn đàn đa phương truyền thống, nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể mà một quốc gia riêng lẻ không thể xử lý tốt. 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chủ nghĩa tiểu đa phương đang là xu hướng mà nhiều quốc gia lựa chọn. Các liên kết tiểu đa phương, tuy không mới song có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, chủ nghĩa đa phương bộc lộ nhiều hạn chế và các thách thức an ninh phi truyền thống gây hậu quả nặng nề. 

Sự “trỗi dậy” của CNTĐP tạo điều kiện cho các quốc gia nhiều cơ hội mở rộng các khuôn khổ hợp tác, liên kết nhỏ để giải quyết các vấn đề cụ thể, đồng thời cũng tạo ra những tác động hai chiều (thời cơ và thách thức) tới cấu trúc an ninh khu vực và các quốc gia khác. Do đó, việc nghiên cứu về CNTĐP và đưa ra các đối sách phù hợp là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, cấp thiết đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.

1. Tác động đối với khu vực  

* Sự “trỗi dậy” của CNTĐP ở khu vực đe dọa “vai trò trung tâm” (centrality), “sự thống nhất” (unity) cũng như “nguyên tắc đồng thuận” (consensus) của ASEAN.

Từng được xem là một mô hình hợp tác đa phương thành công, ASEAN đang chậm đổi mới và kém năng động trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trong khu vực, nhất là trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và khủng hoảng chính trị ở Myanmar. Sự nổi lên của một số cơ chế tiểu đa phương, chẳng hạn như QUAD hay AUKUS, cho thấy mức độ không hài lòng của các quốc gia này về vai trò trung tâm của ASEAN trong việc ứng phó với các chuyển động địa chính trị phức tạp và nhanh chóng ở khu vực. 

Trước những thách thức trên, một mặt ASEAN khẳng định tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa đa phương, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới chủ nghĩa đa phương để ứng phó với các thách thức hiện nay. Mặt khác, các quốc gia thành viên ASEAN đã đưa ra các cách tiếp cận linh hoạt hơn thông qua các hình thức hợp tác tiểu đa phương bên trong ASEAN với mục tiêu thúc đẩy hợp tác để ứng phó các thách thức an ninh. Ví dụ như Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN (ASEAN Maritime Forum) bao gồm tám quốc gia ASEAN (trừ Myanmar và Lào) đã được tổ chức vào tháng 11/2022 nhằm tăng cường hợp tác an ninh hàng hải giữa các thành viên. 

CNTĐP tác động làm suy giảm vai trò trung tâm của ASEAN được biểu hiện trên một số vấn đề sau: 

- Thứ nhất, trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, với vị thế là tâm điểm của khu vực địa chính trị chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ASEAN hiện nay đang là “trận địa” chính của cuộc cạnh tranh siêu cường này. Điều này có thể dẫn đến vai trò kết nối của ASEAN trở nên mờ nhạt và quyền tự chủ có thể bị xói mòn. Sự khác biệt trong chính sách tiếp cận của Mỹ - Trung cũng là vấn đề gây trở ngại đến vai trò trung tâm của ASEAN, nếu như Mỹ chủ yếu tập trung vào an ninh, quốc phòng thì Trung Quốc lại hướng đến lĩnh vực kinh tế, với hàm ý chỉ có kinh tế mới là điểm thu hút trong thời đại mới. 

- Thứ hai, vai trò trung tâm trong cấu trúc hợp tác khu vực của ASEAN cũng đang bị thách thức bởi xu hướng hình thành các cơ chế hợp tác bên ngoài ASEAN. Với sự trỗi dậy của các cơ chế hợp tác an ninh do Mỹ đứng đầu đã phản ánh khả năng của ASEAN trong việc cân bằng Mỹ - Trung. Xu hướng hình thành các tiểu liên kết ngoài ASEAN sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với chủ nghĩa đa phương khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, và những xu hướng liên kết này có nguy cơ làm rạn nứt nội bộ trong ASEAN, tác động tiêu cực đến chính sách cân bằng chiến lược các nước lớn mà ASEAN đang theo đuổi, đẩy ASEAN gần hơn đến tình thế phải chọn bên.

* CNTĐP thúc đẩy mạnh mẽ quá trình biến đổi cấu trúc an ninh khu vực.

Cấu trúc an ninh khu vực được phân biệt dưới năm dạng thức, gồm: Cấu trúc dựa trên bá quyền; cấu trúc dựa trên cân bằng quyền lực; cấu trúc dựa trên hòa hợp quyền lực; cấu trúc dựa trên quan hệ hợp tác và cấu trúc tự do. Trong những năm gần đây, cục diện an ninh, chính trị, kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, dưới tác động của các nước lớn cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở lên căng thẳng và khó lường hơn bao giờ hết. Hiện nay, cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang được thiết lập dựa trên hướng cân bằng quyền lực. Dưới góc độ liên kết tiểu đa phương, dường như đây là phương thức để các nước phát triển trên thế giới liên minh với các quốc gia trong khu vực nhằm thiết lập các công cụ củng cố vị thế của mình. Các cơ chế hợp tác nhóm đang tồn tại ở khu vực này hoặc do Mỹ đứng đầu, hoặc do Trung Quốc đứng đầu, điều này có thể khiến cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc càng trở lên gay gắt hơn trong khu vực.

* CNTĐP làm gia tăng sự phân mảnh giữa các quốc gia, tiềm ẩn gây mất ổn định an ninh khu vực.

Vì CNTĐP được định dạng với cơ chế hợp tác nhóm chủ yếu dựa trên lợi ích và mối quan tâm của từng quốc gia thành viên về một hoặc một vài vấn đề cụ thể, nên các quốc gia có thể hợp tác với bất kỳ đối tác nào dựa trên các khuôn khổ riêng biệt nhằm thực hiện các chính sách của mình. Điều này dẫn đến việc, quá nhiều cơ chế hợp tác trên từng lĩnh vực cụ thể mà không hướng đến một mục tiêu chiến lược trong dài hạn dẫn đến sự phân mảnh trong hành động và làm giảm hiệu quả, từ đó có thể gây mất ổn định an ninh khu vực.

Mặt khác, việc tìm kiếm và tham gia vào các cơ chế liên kết nhỏ tiểu đa phương để giành lợi thế trong thực hiện các mục tiêu chiến lược của mỗi nước phần nào làm suy giảm độ tin cậy chính trị, gia tăng sự phân mảnh giữa các quốc gia với nhau, cũng như làm gia tăng những yếu tố phức tạp, cạnh tranh, cọ xát, tiềm ẩn nguy cơ chạy đua vũ trang, xung đột cao trong khu vực, nhất là trong giải quyết những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của các quốc gia trong khu vực.

2. Tác động đối với Việt Nam  

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia ngày càng tăng lên. Đặc biệt, nổi lên trong đó là sự phụ thuộc này được đặt trong các tổ chức theo dạng tiểu liên kết đa phương, mà đa số trong các liên kết đó do Mỹ dẫn đầu nhằm mục đích giành lợi thế trong hoàn cảnh cạnh tranh chiến lược mới. Điều này có tác động rất lớn đến cấu trúc an ninh, chính trị trong khu vực liên quan trực tiếp đến Việt Nam, mở ra cả thời cơ và thách thức lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

* Về thời cơ, thuận lợi

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, với mục tiêu tổng quát: “Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Để bắt kịp so với các nền kinh tế phát triển của thế giới và tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ mới Việt Nam cần tận dụng được những ưu đãi đưa ra trong các liên kết tiểu đa phương. Tác động của dịch Covid-19 khiến các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, dòng chảy thương mại quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề. Nhằm giảm thiểu rủi ro từ nền sản xuất của Trung Quốc, năm 2020, Mỹ đã lên kế hoạch thành lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” bằng cuộc đối thoại nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD) và mời thêm 3 quốc gia khác là Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam tham gia. Mục đích của nhóm QUAD mở rộng là tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa nền kinh tế toàn cầu tiến lên phía trước. Cơ hội mở ra với nền kinh tế Việt Nam hiện đang có độ mở lớn và ngày càng hội nhập vào kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với QUAD đưa Việt Nam vào vai trò đối tác đối thoại giành được sự ủng hộ của các cường quốc trong nhóm về vấn đề với Trung Quốc tại Biển Đông.

Đối với AUKUS, một liên minh mới hình thành hướng đến mục tiêu được công bố nhằm tăng cường khả năng phòng thủ chung. Trong lĩnh vực hạt nhân ở trụ cột thứ nhất, Việt Nam đưa ra quan điểm nhất quán “việc phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân phải phục vụ mục đích hòa bình và phát triển kinh tế xã hội của các nước”. Việc đảm bảo môi trường ổn định, an ninh để phát triển đất nước là một trong những mục tiêu được ưu tiên hàng đầu. Do đó, Việt Nam cũng có thể tận dụng hợp tác ở trụ cột thứ hai về phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, mạng viễn thông, nâng cao năng lực quốc phòng và chia sẻ thông tin trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế.

* Về thách thức

Đi kèm với những cơ hội có thể tận dụng được để phát triển đất nước với sự hỗ trợ từ các cơ chế, liên kết tiểu đa phương ở khu vực, Việt Nam cũng cần sẵn sàng ứng phó với những thách thức đặt ra. Đối với những liên kết nổi bật như QUAD, AUKUS và JAPHUS mặc dù không đặt trọng tâm vào Việt Nam song ASEAN lại nằm trong phạm vi trọng tâm của Mỹ đặc biệt tại Biển Đông. Do vậy, Việt Nam khó tránh khỏi những tác động tiêu cực về an ninh, chính trị xảy ra khi các liên kết này mở rộng.

Giữ vị trí địa - chiến lược, Việt Nam đang dần đi lên trở thành quốc gia có tiếng nói trong khu vực. Cả ASEAN và Việt Nam phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng khi có nhiều bên ở ngoài cùng can thiệp vào các vấn đề an ninh, chính trị ảnh hưởng lớn đến vai trò trung tâm của ASEAN. Thậm chí có thể dẫn đến những rạn nứt trong nội bộ khối khi không thể thống nhất lợi ích riêng với lợi ích chung. Việc mở rộng các liên kết tiểu đa phương, chẳng hạn AUKUS có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đặc biệt với Trung Quốc.

Hơn nữa, việc Mỹ đặt ASEAN và Việt Nam ở trọng tâm trong tổng thể chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc, cũng như việc Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất vô hình chung đặt Việt Nam vào thế khó trong thực hiện chủ trương cân bằng nước lớn trong quan hệ quốc tế, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc, mặc dù hiện quan hệ hai nước đang rất tốt đẹp./.

Th.S Nguyễn Thị Hải Lên – Bộ môn Lý luận chính trị