star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Những “Bệnh” dễ mắc phải trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh


 

Năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, với bút danh X.Y.Z. Những chỉ dẫn của Người trong “Sửa đổi lối làm việc” vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa thiết thực đối với Đảng, các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong công cuộc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những chứng bệnh mà con người dễ mắc phải, trong đó có những cán bộ, đảng viên. Những chứng bệnh đó vừa làm cho người bệnh không có một tâm hồn lành mạnh, trong sáng, vừa góp phần không nhỏ phá hoại sự nghiệp cách mạng. Do vậy, việc phát hiện, đấu tranh ngăn ngừa, và chữa những loại bệnh đó chẳng những cần thiết cho sự nghiệp cách mạng mà còn rất thiết thực trong công cuộc chống những hiện tượng tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay.

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào tháng 10/1947. Trong tác phẩm, Hồ Chí Minh đã chỉ ra một loại bệnh đặc biệt - bệnh “tâm” của con người, nhất là người cách mạng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh hai loại bệnh cơ bản đó là: Bệnh chủ quan và bệnh hẹp hòi. Đặc biệt về bệnh hẹp hòi, Người viết: “Bệnh này rất nguy hiểm, mà nhiều cán bộ và đảng viên còn mắc phải. Trong thì bệnh ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết. Ngoài thì nó phá hoại sự nghiệp đoàn kết toàn dân. Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóav.v. đều do bệnh hẹp hòi mà ra”.

Trong mục: “Những khuyết điểm sai lầm”, vừa khái quát, vừa có tính khơi gợi để chỉ ra các loại bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong Đảng ta còn những người chưa được học, chưa làm được bốn chữ: chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, là căn bệnh mẹ đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm khác ,…”.

Tiếp theo, Chủ tịch Hồ Chí Minh liệt kê một số loại bệnh, bao gồm tám loại cơ bản sau:

Thứ nhất, Bệnh tham lam. Nói về bệnh này, Người viết: “Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm của tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen, buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”.

Thứ hai, “Bệnh lười biếng. Tự cho mình là cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết. Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn đẩy cho người khác. Gặp nguy hiểm thì tìm cách trốn tránh”.

Thứ ba, “Bệnh kiêu ngạo. Tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm việc gì thành công thì khoe khoang vênh váo, ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thy người khác”.

Thứ tư, “Bệnh hiếu danh. Tự cho mình là anh hùng vĩ đại, hay lên mặt. Có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm. Đến khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần lung lay. Những người đó chỉ biết lên mà không biết xuống. Chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ. Chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực”.

Thứ năm, “Bệnh thiếu kỷ luật. Đã mắc bệnh cá nhân thì tư tưởng và hành động cũng đặt cá nhân lên trên. Vì thế mà việc gì cũng không lấy Đảng làm nền tảng. Mình muốn thế nào thì làm thế ấy. Quên cả kỷ luật Đảng. Phê bình thì cốt công kích những đồng chí mình không ưa. Cất nhắc thì cốt làm ơn với những người mình quen thuộc”.

Thứ sáu, “Bệnh hẹp hòi. Ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình. Ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế không biết liên lạc, hợp tác với những người có đạo đức và tài năng ở ngoài Đảng. Vì thế người ta ut ức và mình thành ra cô độc”.

Thứ bảy, “Bệnh óc địa phương. Bệnh này tuy không xấu bằng các bệnh kia nhưng kết quả cũng rất tai hại. Miễn là cơ quan mình, bộ phận mình, địa phương mình được việc. Còn các cơ quan, bộ phận, địa phương khác ra sao cũng mặc kệ. Đó là vì cần thì không xem xét toàn thể. Không hiểu rằng lợi ích nhỏ phải phục tùng lợi ích to, ích lợi bộ phận phải phục tùng ích lợi toàn thể”.

Thứ tám, “Bệnh óc lãnh tụ”. Sau khi phân tích các triệu chứng của căn bệnh này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ xưa đến nay, quần chúng không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ tự cao, tự đại, những kẻ có óc lãnh tụ, tự xưng ta đây là lãnh tụ. Đem so sánh với những công việc của cả loài người trong thế giới, thì người đại anh hùng xưa nay cũng chẳng qua làm tròn một bộ phận mà thôi. Mỗi người phải cố làm đầy đủ những công việc Đảng giao phó cho, thế là làm tròn nhiệm vụ, và lòng tự hào đó giúp cho ta tiến bộ mãi”.

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được xem như một tác phẩm tâm huyết của Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng. Ngoài việc nêu những phẩm chất tốt của của đạo đức cách mạng, Người cũng vạch rõ những tính xấu của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội; Người viết “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu”, song “đã là người cách mạng thì phải cố gắng phát huy những tính tốt, sửa bỏ những tính xấu”. Và cách làm tốt nhất là phải “luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình”

Có thể nói “Sửa đổi lối làm việc”  là cẩm nang quý, là con đường dẫn lối cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày nay. Đọc, nghiên cứu tác phẩm này giúp chúng ta nhìn nhận được những sai lầm, khuyết điểm, lệch lạc còn tồn tại trong mỗi bản thân từ đó có biện pháp khắc phục, sửa chữa góp phần xây dựng Đảng ngày một trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân và đất nước, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

ThS Nguyễn Tấn Tài – Giảng viên Tổ LLCT