Trong thời đại sản xuất TBCN đang phát triển, Mác đã nghiên cứu và đưa ra nhận định “sức sản xuất của lao động được quyết định bởi rất nhiều tình hình” , Ông cho rằng những “tình hình” này chính là các nhân tố tác động đến NSLĐ, chia chúng thành các yếu tố cụ thể sau:
Thứ nhất, điều kiện tự nhiên
C. Mác nhận định: “NSLĐ gắn liền với những điều kiện tự nhiên”. Điều kiện tự nhiên được nhắc đến bao gồm: Các loại tài nguyên dùng làm tư liệu sinh hoạt như: khí hậu, mức độ màu mỡ của đất đai, dòng nước...; Các tài nguyên dùng làm tư liệu lao động như thác nước chảy xiết, sông ngòi mà thuyền bè có thể đi lại được, gỗ, kim loại, than đá… Sự tác động của loại thứ nhất đến NSLĐ được C. Mác cho là “tính chất màu mỡ của đất đai càng lớn, thì khí hậu càng thuận lợi, thời gian lao động cần thiết để duy trì và tái xuất ra người sản xuất lại càng ít”. Do đó, giá trị của các tư liệu sinh hoạt cũng giảm xuống, nên giá trị của sức lao động giảm xuống hay NSLĐ tăng lên. Về loại thứ hai - các loại tài nguyên được dùng làm tư liệu sản xuất, những nguồn tài nguyên này trong tự nhiên nhiều, thì việc khai thác cũng thuận lợi hơn, tốn ít công sức hơn và theo đó giá trị của chúng cũng giảm xuống, hay NSLĐ đã tăng lên nhờ vào sự dồi dào của các loại tài nguyên thiên nhiên.
Thứ hai, tay nghề, độ khéo léo, kỹ năng thành thạo của người lao động
Theo C. Mác năng suất lao động (NSLĐ) phụ thuộc vào sự khéo léo và thành thạo của người lao động. Người lao động có trình độ kỹ năng càng cao thì càng làm việc hiệu quả, không chỉ trong công việc thủ công mà còn khi vận hành máy móc. Với tốc độ làm việc cao của máy móc, công nhân cần có kỹ năng phù hợp để theo kịp. C. Mác cũng nhấn mạnh rằng, trình độ thành thạo này được cải thiện thông qua việc đào tạo hoặc làm việc thường xuyên, giúp giảm bớt các động tác không cần thiết và tối ưu hóa thời gian lao động. Theo đó, với độ dài ngày lao động như nhau, trình độ thành thạo của người lao động càng cao, thì NSLĐ càng tăng.
Thứ ba, mức độ phát triển của khoa học và khả năng áp dụng khoa học vào quá trình sản xuất
Khi nghiên cứu nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, C. Mác nhận định khoa học tách ra khỏi lao động trở thành “tiềm lực sản xuất độc lập” . Ứng dụng khoa học vào quá trình sản xuất với biểu hiện rõ nét là việc đổi mới quy trình sản xuất và đưa ngày càng nhiều máy móc vào quá trình sản xuất. C. Mác cho rằng, “máy móc là phương tiện mạnh nhất để tăng NSLĐ”, trong hệ thống các nhân tố tác động đến NSLĐ. Do đó, nếu sử dụng ngày càng nhiều máy móc với quy mô ngày càng lớn kết quả là “…chẳng những sản xuất ra đủ bảo đảm sự tiêu dùng dồi dào cho tất cả mọi người trong xã hội và gây một quỹ dự trữ quan trọng…”.
Thứ tư, sự phân công lao động và sự kết hợp xã hội của quá trình sản xuất
C. Mác cho rằng, phân công lao động chính là “phương tiện để sản xuất ra được nhiều hàng hóa hơn với một số lượng lao động như cũ”, hay phân công lao động chính là một nhân tố quan trọng nâng cao NSLĐ. Để nâng cao NSLĐ theo C. Mác, không chỉ có phân công lao động, mà còn phải gắn phân công lao động với kết hợp xã hội trong quá trình sản xuất. Theo đó, phải đưa người lao động đơn lẻ làm việc trong những khâu, những bước khác nhau vào một không gian chung, có sự liên kết với nhau trong quá trình sản xuất. Sự kết hợp không chỉ xảy ra ở các công trường thủ công, mà ngay cả khi bước vào giai đoạn đại công nghiệp cơ khí, khi mà sản xuất bằng máy móc ngày càng nhiều hơn, thì càng cần đến sự kết hợp xã hội ấy.
Thứ năm, quan hệ sản xuất
C. Mác cho rằng, trong từng giai đoạn phát triển của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, thì NSLĐ cũng có sự biến động tăng lên cùng với quá trình phát triển của quan hệ sản xuất ấy. Điều này đã được C. Mác chứng minh khi nghiên cứu về 3 giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản từ hợp tác đơn giản, đến công trường thủ công và đại công nghiệp cơ khí, NSLĐ đã tăng lên liên tục trong 3 giai đoạn ấy. C. Mác phân tích, trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhà tư bản luôn hướng tới mục tiêu thu ngày càng nhiều giá trị thặng dư hơn, nhưng do không thể kéo dài ngày lao động vượt quá khả năng lao động của người lao động và đạo luật công xưởng cũng quy định rút ngắn thời gian ngày lao động, nên để có thể thu được nhiều giá trị thặng dư hơn, nhà tư bản phải rút ngắn thời gian lao động tất yếu để tái sản xuất sức lao động. Điều này phụ thuộc vào NSLĐ, nhưng “năng suất ấy lại phụ thuộc vào sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”, như vậy, sự phát triển của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã thúc đẩy NSLĐ không ngừng tăng lên dưới chủ nghĩa tư bản.
Lịch sử kinh tế thế giới chứng minh, NSLĐ là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của từng quốc gia, dân tộc trong quá trình phát triển. Trong thế giới ngày nay, tăng NSLĐ là một trong những nhân tố quan trọng nhất để các nước đang phát triển nỗ lực vươn lên, hướng đến phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nghiên cứu lý luận của C. Mác về các nhân tố tác động đến NSLĐ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam – nhất là trong thời đại AI đang thâm nhập sâu vào nâng cao NS và chuỗi giá trị. Đây chính là các cơ sở quan trọng để đề xuất các giải pháp nhằm tăng NSLĐ của nền kinh tế vốn đang còn rất thấp hơn nhiều so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
------------------------------------------------------------------------------------------
Trịnh Đình Thanh – Bộ môn LLCT