Chuẩn bị đón chào một năm học mới bắt đầu. Bên cạnh những háo hức mong chờ một cuộc sống mới với bao điều mới mẻ hấp dẫn thì đối với sinh viên năm nhất, năm học này cũng là giai đoạn chập chững bước ra khỏi vòng tay của gia đình để tiếp thu những kiến thức mới, chuẩn bị hành trang cho con đường phía trước.
Hầu hết sinh viên năm nhất các em đều gặp phải những cú sốc tâm lý trong giai đoạn này. Các em sẽ phải đối mặt với một môi trường mới với nhiều khó khăn và cám dỗ. Nếu không có sự chuẩn bị tâm lý vững vàng từ trước, chắc chắn các em sẽ bị ảnh hưởng đến nhiều mặt của cuộc sống.
Dưới đây là một số vấn đề phổ biến mà sinh viên năm nhất thường hay gặp phải và một số giải pháp giúp các em giải quyết các vấn đề đó.
1. Những khó khăn trong việc học
Áp lực học tập và thi cử tại trường đại học là rất lớn bởi khối lượng kiến thức khổng lồ cũng như cách giảng dạy khác hẳn với thời trung học. Ở trường Đại học, những kiến thức được dạy trong các buổi học chỉ là một phần rất nhỏ so với “biển” kiến thức ngoài kia. Các em không thể trông chờ thầy cô giảng giải cho từng bài tập nhỏ, giao cho bộ câu hỏi đề cương trước khi thi,… giống như thời cấp 3. Nếu không chủ động học hỏi và tìm kiếm thêm, các em sẽ phải gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, các em sinh viên năm hãy xây dựng cho bản thân kỹ năng tự học, đừng chỉ làm theo những gì thầy cô dạy trên lớp mà thay vào đó là thực hiện theo quy trình này: tìm mục tiêu môn học, học trong tài liệu và đọc thêm sách, học trên lớp và trao đổi thêm với thầy cô, thực hành chúng thông qua thực tập, đi làm…
Tìm hiểu các phương pháp học tập và ghi chép hiệu quả giúp cho việc học được dễ dàng hơn, có hệ thống và khoa học hơn. Tổng hợp lại các kiến thức đã học sẽ giúp nhớ lâu hơn và hỗ trợ tốt hơn trong các kỳ thi.
Mỗi người đều có một điểm mạnh riêng và bạn cũng vậy. Thay vì việc ngồi so sánh bản thân với người khác để thêm tự ti, bạn hãy dành thời gian tự tìm tòi và phát huy điểm mạnh của bản thân, đồng thời trau dồi thêm vốn kiến thức, các kỹ năng trong học tập cũng như trong giao tiếp. Chỉ cần bạn làm tốt việc của bạn, bạn sẽ dần tự tin và mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, một vấn đề mà có lẽ nhiều sinh viên năm nhất sẽ gặp phải đó là không thích ngành mình đang học hoặc mông lung về tương lai do chưa có mục tiêu, định hướng rõ ràng. Từ đó dẫn đến tâm lý hoang mang, lo lắng.
Có 2 trường hợp mà bạn có thể gặp phải trong giai đoạn này đó là:
Không biết được ngành mình đang học chính xác là gì, sau này ra trường mình sẽ làm gì, hướng phát triển sự nghiệp ra sao.
Trường học, ngành học mà bạn đang theo học không phải là trường và ngành mà bạn muốn theo đuổi. Bạn học ở đây là do bố mẹ bắt ép, hoặc do đây chỉ là nguyện vọng 2 của bạn.
Nếu bạn rơi vào trường hợp thứ nhất thì lời khuyên cho bạn đó là hãy cứ hoàn thành tốt những môn học mà bạn cần phải hoàn thành trong thời gian này. Song song với việc học trên lớp, bạn hãy tìm hiểu thêm về ngành nghề mà bạn đang học qua internet, hoặc hỏi thầy cô và những anh chị đi trước. Sau đó hãy cẩn thận suy nghĩ và đưa ra quyết định bạn có muốn tiếp tục theo ngành đang học này hay sẽ rẽ sang một hướng khác.
Còn nếu bạn đang ở trường hợp thứ hai thì bạn có 2 hướng lựa chọn là tập trung ôn luyện để thi lại vào năm sau hoặc tiếp tục cố gắng với con đường hiện tại. Dù bạn chọn theo hướng nào, điều cực kỳ quan trọng đó là bạn cần phải xác định chính xác mục tiêu học tập cũng như hướng đi sau này mà bạn mong muốn. Vạch ra con đường bạn cần đi qua để có thể đạt được mục tiêu đó. Rồi cân nhắc với mọi khả năng để có thể đạt được mục tiêu đó. Sau đó hãy cam kết và quyết tâm làm đến cùng những điều mà bạn đã quyết định.
2. Khó khăn trong cuộc sống
Cuộc sống đại học luôn phải gắn liền với hai chữ tự lập. Nhất là với những bạn sống xa nhà, đây sẽ là khó khăn đầu tiên mà các bạn sinh viên năm nhất phải đối mặt. Kế tiếp là nhớ nhà (nhất là những lúc bị bệnh mà không có ai ở bên chăm sóc), rồi đến học cách chung sống hòa hợp với bạn cùng phòng, bạn cùng lớp, những đồng nghiệp tại chỗ làm thêm,….
Bên cạnh đó cũng có “1001 chuyện” diễn ra xung quanh cuộc sống hàng ngày của bạn khiến một sinh viên năm nhất là bạn không thể tập trung vào việc học hay những kế hoạch mà bạn đã đề ra.
Một số bạn sinh viên năm nhất từ tỉnh lẻ khi mới đến thành phố lớn học tập có thể sẽ bị sốc do sự khác biệt về văn hóa.
So với tỉnh lẻ, các thành phố lớn có lối sống nhanh, xô bồ và rất phức tạp. Cũng do lối sống hối hả, tất bật như vậy nên cuộc sống tại chính các thành phố lớn cũng thay đổi chóng mặt, có nhiều giai cấp, tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa.
Con người ở thành phố lớn đa phần không gắn kết với nhau như ở tỉnh lẻ. Người dân thành phố luôn bận rộn với cuộc sống của riêng họ do đó bạn có thể sẽ đôi chút cảm thấy cô đơn, lạc lõng với mọi người xung quanh.
Lên đại học, ai cũng cho rằng mình đã là người lớn, lần đầu được trải nghiệm cái gọi là “tự do hoàn toàn”, không có ba mẹ quản thúc. Do đó, nếu tính kỷ luật bản thân thấp thì sinh viên năm nhất rất dễ rơi vào lối sống không điều độ thậm chí không lành mạnh: Ăn ngủ không đúng giờ giấc, ăn uống linh tinh, không có chế độ dinh dưỡng, bỏ bê việc học hành, ham chơi mải vui bạn bè…
Chính những điều này sẽ khiến cho sức khỏe của các bạn bị giảm sút trầm trọng, học tập không hiệu quả, dễ bị stress.
Một số sinh viên lại mong muốn có việc làm, khao khát kiếm thêm thu nhập để trang trải việc học, đỡ đần cho bố mẹ đã khiến 1 bộ phận không nhỏ các bạn sinh viên không chỉ sinh viên năm nhất dễ dàng sập bẫy đa cấp hoặc bị mất tiền oan bởi những chiêu trò lừa đảo.
Qua đó, sinh viên năm nhất cần cảnh giác cao trước những tin nhắn từ người lạ, thậm chí là người quen với nội dung như: rủ bạn đến dự một buổi hội thảo của những doanh nhân thành đạt trong công ty, những cuộc hội thảo chăm sóc sức khỏe hoặc rủ bạn cùng hợp tác trong một dự án khởi nghiệp nào đó để hướng tới sự tự do tài chính…
Cảnh giác trước những công việc “việc nhẹ lương cao” trên các trang mạng xã hội như facebook, instagram… hay làm việc tại các sàn thương mại điện tử như shopee, lazada… bởi rất có thể đây là việc lừa đảo. Họ có thể yêu cầu bạn đóng cho họ 1 khoản phí để mở tài khoản hoặc để có thể bắt đầu làm việc và sau khi họ nhận được tiền của bạn, họ sẽ lặn mất tăm.
Hiện nay, với mạng internet, các bạn có thể tìm hiểu những kiến thức bên ngoài, những thông tin xã hội xung quanh và học được những kỹ năng mềm giúp cho cuộc sống và việc học trở nên dễ dàng, khoa học hơn như: Kỹ năng quản lý thời gian, quản lý tài chính, kỷ luật và tự giác bản thân… Một khi vốn kiến thức trong và ngoài trường học của các bạn được rộng mở thì bạn sẽ càng có thêm tự tin và vững bước trước mọi thử thách.
Hy vọng qua bài này, các bạn sinh viên năm nhất sẽ có được cái nhìn tổng quan về những vấn đề mà mình đã, đang hoặc sẽ gặp phải khi lật qua một chương mới trong cuộc đời. Qua đó thấu hiểu được tâm lý, phát hiện được vấn đề và tìm ra những biện pháp phù hợp với bản thân.
Chúc tất cả các bạn sinh viên nói chung và các bạn sinh viên năm nhất nói riêng có một cuộc đời sinh viên thật rực rỡ .
GV. Nguyễn Thị Tường Vy