Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại một hệ thống tư tưởng sâu sắc, toàn diện về cách mạng Việt Nam, trong đó tư tưởng về giáo dục giữ vị trí đặc biệt quan trọng, mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Với Người, giáo dục không chỉ là công cụ nâng cao dân trí, mà còn là khát vọng lớn lao cho một xã hội công bằng, văn minh, nơi “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Hồ Chí Minh không xem giáo dục chỉ là quá trình truyền đạt tri thức, mà là con đường quan trọng để hoàn thiện con người về mọi mặt - từ đạo đức, lý tưởng, trí tuệ đến thể chất và thẩm mỹ. Theo Người, giáo dục là nền tảng hình thành nhân cách, bồi đắp phẩm chất, làm nảy nở cái thiện, cái đẹp trong mỗi con người. Người từng nhấn mạnh: “Mỗi con người đều có thiện và ác trong lòng, ta phải biết làm cho phần tốt nảy nở như hoa mùa xuân, và phần xấu bị mất dần đi.”
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là kết tinh của sự kế thừa và sáng tạo: kế thừa tinh hoa văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nhân loại, và sáng tạo trên nền tảng thực tiễn cách mạng Việt Nam. Mục tiêu mà Hồ Chí Minh theo đuổi suốt đời là xây dựng một xã hội trong đó người dân được sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc. Người khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Tư tưởng ấy đặt con người vào trung tâm của sự nghiệp cách mạng, đồng thời khẳng định vai trò then chốt của giáo dục trong việc xây dựng con người mới – con người xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, tư tưởng ấy luôn gắn bó chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, giữa hiện thực và lý tưởng, mang đậm hơi thở cuộc sống nhưng đồng thời thắp sáng khát vọng về một tương lai tốt đẹp cho dân tộc và nhân loại.
Theo Hồ Chí Minh, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì "trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa", mà con người ấy phải được giáo dục toàn diện, đặc biệt là được trang bị lý luận Mác - Lênin và biết vận dụng vào thực tiễn công tác và cuộc sống. Bởi vậy, Người nhấn mạnh: “Phải học lý luận Mác - Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày, học phải đi đôi với hành.” Đây chính là nền tảng tư tưởng sâu xa cho một nền giáo dục cách mạng – nhân văn, khoa học và thực tiễn.
Đào tạo con người xã hội chủ nghĩa, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, không thể tách rời giáo dục tri thức khoa học với giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng. Đó là quá trình xây dựng con người phát triển toàn diện vừa “hồng” vừa “chuyên” đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “con người xã hội chủ nghĩa” không thể thiếu học thức; phải học văn hoá, chính trị, kỹ thuật, đặc biệt là lý luận Mác - Lênin, và phải biết vận dụng vào đấu tranh, công tác hàng ngày. Người khẳng định: “Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và của Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế.”
Hồ Chí Minh luôn đặt việc rèn “đức” và luyện “tài” làm trung tâm trong sự nghiệp giáo dục con người, với một quan điểm xuyên suốt: giáo dục là để hình thành nhân cách, hun đúc lý tưởng và bồi dưỡng năng lực cống hiến cho Tổ quốc.
Đối với trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước, Người không chỉ quan tâm đến việc dạy chữ, mà đặc biệt nhấn mạnh đến việc nuôi dưỡng tâm hồn, tính cách và phẩm chất. Người căn dặn: phải dạy cho các em biết đoàn kết, ham học, ham làm, nhưng vẫn giữ được sự hồn nhiên, vui tươi của tuổi thơ. Giáo dục kỷ luật phải đi đôi với sự yêu thương và tôn trọng, để trẻ “có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ, hoạt bát chứ không phải là khúm núm, đặt đâu ngồi đấy.” Đó không chỉ là một lời nhắc nhở, mà còn là một triết lý giáo dục mang tầm vóc chiến lược: lấy con người làm gốc, lấy đạo đức làm nền, lấy tri thức làm công cụ, lấy lý tưởng dân tộc và nhân loại làm mục tiêu.
Tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ là một lời nhắn gửi đầy tin tưởng và kỳ vọng: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không… chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.” Học tập, theo Bác, không chỉ để biết, mà để trở thành người công dân tốt, biết làm việc tốt, sống có ích cho nhân dân và dân tộc. Người dạy: “Nhiệm vụ của các cháu là thi đua học tốt để sau này góp phần vào việc mở mang quê hương của mình và việc xây dựng nước Việt Nam yêu quý của chúng ta.”
Để đào tạo nên một con người có ích cho xã hội, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh yêu cầu giáo dục toàn diện, trong đó đặc biệt coi trọng sự kết hợp hài hòa giữa tài và đức. Theo Người, tài năng mà thiếu đạo đức sẽ trở nên nguy hiểm, có thể gây hại cho xã hội; ngược lại, đạo đức mà không có năng lực thì dù không gây hại cũng khó đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Người ví von sâu sắc: “Có tài mà không có đức, ví như một người giỏi kinh tế nhưng lại tham ô thì chẳng những không ích gì, mà còn có hại. Có đức mà không có tài, ví như ông bụt, không làm hại ai, nhưng cũng không giúp gì được cho nhân loại.”
Đối với đội ngũ giáo viên phải là những người gương mẫu cả về phẩm chất đạo đức lẫn trình độ chuyên môn. Người căn dặn: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức. Tài là văn hoá, chuyên môn; đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con.” Từ đó, Hồ Chí Minh khẳng định vai trò nêu gương của người thầy như một phương thức giáo dục sống động và hiệu quả nhất.
Đối với cán bộ - những người giữ vai trò nòng cốt trong sự nghiệp cách mạng – Hồ Chí Minh khẳng định việc học là để “làm việc, làm người, làm cán bộ”. Nghĩa là học không chỉ để nâng cao năng lực công tác mà còn để tu dưỡng đạo đức, hoàn thiện nhân cách và phục vụ nhân dân.
Về phương pháp giáo dục, tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh không để lại một công trình chuyên khảo hay hệ thống lý luận hoàn chỉnh nào, nhưng qua những bài viết ngắn gọn, những phát biểu súc tích và hành động cụ thể trong thực tiễn cách mạng, Người đã để lại một di sản quý báu về phương pháp giáo dục – vừa mẫu mực, vừa thấm đẫm tinh thần nhân văn và cách mạng. Tư tưởng giáo dục của Người không nằm trong những công thức giáo điều mà được thể hiện sinh động trong từng hoàn cảnh cụ thể, gắn liền với thực tiễn đất nước và con người Việt Nam.
Tiếp nối tư tưởng vĩ đại và sự nghiệp giáo dục cao cả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng và dày công vun đắp, Đảng ta luôn xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Trong những năm qua, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục tiếp tục được kế thừa, phát triển và cụ thể hoá trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tại Đại hội IX, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định rõ: “Phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người – yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.” Quan điểm đó tiếp tục được cụ thể hoá tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI), khi nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.”
Tư tưởng xuyên suốt trong chủ trương đổi mới giáo dục hiện nay là phát triển con người toàn diện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó trọng tâm là đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, hiện đại hóa cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ và tăng cường xã hội hoá giáo dục. Giáo dục không chỉ giới hạn trong nhà trường, mà được mở rộng ra toàn xã hội – nơi mọi người đều có cơ hội học tập suốt đời, thông qua cả hình thức chính quy và không chính quy. Phát huy tinh thần độc lập suy nghĩ, năng lực sáng tạo và khả năng tự học, tự hoàn thiện của học sinh, sinh viên; đẩy mạnh xây dựng một xã hội học tập, nơi “mỗi người dân là một người học, cả nước là một trường học lớn”, lấy phương châm “học đi đôi với hành” làm nguyên lý giáo dục cơ bản.
Th.S Hoàng Thị Kim Oanh – Bộ môn Lý luận chính trị