Miếu Âm linh còn được gọi là Dinh Cô Hồn tọa lạc tại địa phận tổ 35, khối phố Nam Ô II, phường Hòa Hiệp Nam. Năm 1858, 1860 khi liên quân Pháp đánh vào cửa biển Đà Nẵng, quân lính triều đình của 2 đồn Nam Ô, Tấn biển Cu Đê và dân binh địa phương chiến đấu và tử trận vô số. Sau đó Tự Đức đã sắc dụ cho các dân xã lập âm linh để tưởng nhớ tử sĩ trận vong tại nơi đây.
Thời vua Thành Thái (1889 - 1967) khi lên ngôi đã sắc dụ cho các nơi lập Âm Hồn Đàn để tưởng vọng các tử sĩ đã bỏ mạng trong biến cố thất thủ kinh đô năm 1885. Miếu Âm Linh của làng theo đó được tôn tạo, sau này dân làng mở rộng đối tượng thờ thập loại chúng sinh, cô hồn phiêu phương không nơi nương tựa và các âm hồn xiêu mồ lạc nấm của chư phái tộc họ trong làng.
Miếu Âm linh gắn với nhiều giai thoại và các phong tục của cư dân biển Đà Nẵng.
Tục truyền, ngày xưa người dân có oan khuất có thể dùng tiếng xóc miểng chai để kêu oan tại miếu thiêng này. Những ai bị oan khuất, bị mất tiền của thường đến sân dinh bưng cái rổ đựng các loại miểng chai, miểng sành và liên hồi xóc tới xóc lui, cầu mong các âm hồn, “cô bác” phù hộ cho mình được tẩy oan, được tìm lại tiền của bị mất. Âm thanh khó chịu kia vang vọng khắp làng, người thẳng ngay thì không sao, nhưng những kẻ gian tham, những phường trộm cắp thì nghe như xóc vào tim, nhói vào óc. Những kẻ tâm địa xấu xa này sợ “cô bác” bắt tội, trước sau gì cũng phải hồi tâm mà trả lại sự công bằng cho người bị oan khuất, trả lại tiền của cho người bị mất.
Có một chuyện nghe khá là bi kịch. Trong làng có một lão nhà giàu bị mất trộm, thấy một anh ngư dân nghèo lúc đó bị bệnh không đi biển nên nghi anh này là thủ phạm. Dựa vào thế lực đồng tiền, lão nhà giàu nhờ quan đưa lính đến bắt giam, tra tấn anh ngư dân tội nghiệp này. Đang mang bệnh lại bị tra tấn dã man nên sức khỏe anh ta ngày một xấu đi, quan bèn thả cho về, mấy ngày sau thì chết.
Sau khi an táng chồng, người vợ biết chồng mình bị oan, bèn đến kêu oan trước sân dinh Cô hồn. Trong tâm trạng oan khuất bi thương, tiếng xóc miểng chai hòa với lời kêu khóc thảm thiết kéo dài đến mấy tuần tang, nhiều lúc người vợ tội nghiệp phải gục xuống vì kiệt sức. Dân làng thương tình lựa lời khuyên giải, chị vợ mới thôi kêu oan, về lo làm lụng nuôi con dù tâm trạng còn rất nặng nề.
Không biết lời kêu gào bi thương kia có thấu tới thần linh không, chỉ biết sau đó lão nhà giàu kia gia sản lần lượt tiêu vong, nhà cửa bị hỏa hoạn, cha con mắc vòng lao lý. Vì chạy chọt gỡ tội, của cải trong nhà cũng lần lượt “đội nón” vào nhà các quan quyền…
Ngoài giải oan, miếu Cô hồn trong tâm thức người dân xưa còn là nơi có thể bảo vệ, che chở và chữa bệnh. Chuyện “ứng đồng” cho thuốc, sửa “nghề” (làm cho người đi biển bình an, bội thu mùa vụ) từng tồn tại ở dinh này hàng thập niên của thế kỷ XX. Mà cũng lạ, đã chữa lành không ít những bệnh nhân chỉ bằng cỏ cây đồng nội từ “toa thuốc” của thần linh đã phán qua “xác đồng”; đã chuyển đổi từ rủi ro sang may mắn cho những ghe nghề đánh bắt cá ở biển khơi bằng màu đỏ của chu sa, thần sa được vẽ nguệch ngoạc trên giấy bạc trong đó gói một nắm gạo muối trao cho tín chủ. Chỉ thế thôi mà đã tạo niềm vui cho tín chủ khi liền sau đó là một mẻ lưới bội thu phấn chấn.
Ngày nay, các hình thức ứng đồng chữa bệnh, ban lộc sửa “nghề”, xóc miểng chai cầu cứu thần linh ấy đã không còn. Nhưng niềm tin của dân làng với dinh Cô hồn thì vẫn chưa phai nhạt, nơi này lúc nào cũng nghi ngút khói hương trước bức hoành phi “Anh linh tứ quý” trong chính điện.
Ảnh tác giả tại Miếu Âm linh – Nam Ô – Đà Nẵng
Miếu Âm linh tại Nam Ô – Đà Nẵng là một điểm tham quan thú vị cho du khách và các bạn sinh viên yêu thích du lịch văn hoá.
Nguyễn Thị Kim Bài
(Giảng viên Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn)