star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Luận cương của Lê-nin và sự chuyển biến trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam


Trong cuộc đời hoạt động lý luận và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh, bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin đã có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc đời hoạt động của Người. Luận cương của Lê-nin đã tạo ra bước ngoặt căn bản về chất trong sự phát triển nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước. 

Nguyễn Ái Quốc sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, trên quê hương giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Trong bối cảnh cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước chống thực dân Pháp dưới ngọn cờ tư tưởng phong kiến và tư sản của nhân dân Việt Nam diễn ra sôi nổi nhưng đều thất bại. Mặc dù rất khâm phục tinh thần quả cảm của các sĩ phu yêu nước bấy giờ nhưng Nguyễn Ái Quốc không tán thành đường lối giải phóng dân tộc họ. Bằng nhãn quan chính trị, sớm nhận thức được hoàn cảnh đất nước, Người đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. 

            Về mục đích ra đi của mình, năm 1923, Nguyễn Ái Quốc trả lời một nhà báo Nga rằng: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm hiểu xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”. Một lần khác, trả lời một nhà văn Mỹ, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.

            Khi ra nước ngoài, đến nước Pháp, nước Mỹ, nước Anh và nhiều nước khác nữa, Người sống và lao động cùng những người công nhân, những người lao động nghèo và tìm thấy ở đó những điểm tương đồng với hoàn cảnh của người dân Việt Nam. Người trở lại Pháp tham gia các hoạt động chính trị. Đầu năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp, vì theo Người, đây là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”.

            Ngày 16 và 17/7/1920, báo Nhân đạo (L’Humanite) của Đảng Xã hội Pháp đăng toàn văn “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin. Người đọc, nghiên cứu bản Luận cương và Người đã tìm thấy ở đó con đường giải phóng dân tộc. “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao? Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin vào Quốc tế thứ ba”. Đó là lời kể lại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Nhân dân ngày 22/4/1960 về thời khắc Người đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin.

Luận cương của Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh những vấn đề cơ bản nhất về con đường giành độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào - điều mà chính Người đang tìm kiếm:

- Tư tưởng về quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong Sơ thảo luận cương của Lênin làm nền tảng hình thành chân lý bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Tư tưởng về giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trong Sơ thảo luận cương của Lênin làm tiền đề để Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thiện lý luận về con đường cứu nước, con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc, trả lời câu hỏi ai là người lãnh đạo, lực lượng tham gia và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc...Luận cương của V.I.Lê-nin đã tác động mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến trong tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam. Đây cũng chính là cơ sở để Người truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, là tiền đề có tính quyết định việc Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế cộng sản (Quốc tế III) và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Người đã trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Từ đây, Người đã rút ra những lý luận cách mạng phù hợp với con đường cách mạng Việt Nam.

Thứ nhất, Người đã xác định rõ đâu là kẻ thù của giai cấp, của dân tộc và phải chĩa ngọn cờ cách mạng vào kẻ thù.

Thứ hai, bản Luận cương của V.I.Lê-nin giúp Nguyễn Ái Quốc thấy được động lực to lớn và lực lượng chính của cách mạng đó là giai cấp công nhân và nông dân.

Thứ ba, Nguyễn Ái Quốc tìm thấy hướng đi của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa mà Luận cương của V.I.Lê-nin vạch ra, đó là: Con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn liền với CNXH, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng con người.

Thứ tư, Luận cương của V.I.Lê-nin đã chỉ ra tầm quan trọng của cách mạng thuộc địa, mối quan hệ và đặc điểm giữa cách mạng chính quốc với các nước thuộc địa.

Luận cương của V.I.Lê-nin đã mở ra con đường đưa Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin và chính Luận cương của Lê-nin đã tạo ra bước ngoặt căn bản về chất trong sự phát triển nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Người: từ chủ nghĩa yêu nước đến Chủ nghĩa Mác - Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ người yêu nước trở thành người cộng sản. Đặc biệt là trong công cuộc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam, để chuẩn bị những tiền đề về tổ chức, lãnh đạo, lực lượng cách mạng thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Th.s Nguyễn Tấn Tài – Giảng viên Tổ LLCT