star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

KHÁM PHÁ 7 KỲ QUAN THẾ GIỚI CỔ ĐẠI Phần VI Ngọn hải đăng Alexandria


Trong 7 kỳ quan cổ đại của Thế giới, có một kỳ quan không chỉ mang giá trị nghệ thuật, văn hóa mà còn được sử dụng trong thực tiễn cuộc sống của con người. Đó là ngọn hải đăng Alexandria, Ai Cập.

Đối với những người đi biển, các thủy thủ, ngọn hải đăng này tượng trưng cho sự bình an khi họ ra khơi. Đối với các nhà kiến trúc nó còn có nhiều ý nghĩa: Ngọn hải đăng Alexadria là ngôi nhà cao nhất trên trái đất thời bấy giờ. Đối với các nhà khoa học, chính là chiếc gương thần bí của nó luôn luôn cuốn hút sự suy nghĩ của họ, bởi sự phản chiếu của chiếc gương này dù vật cách xa nó 50km (35 dặm) ở ngoài khơi.

Ngọn hải đăng khổng lồ Alexandria nằm trên đảo Pharos cổ xưa, thuộc thôn Naukratis, nay là một doi đất nhô ra biển của thành phố cảng Alexandria. Tương truyền, tên gọi hòn đảo Pharos là dạng biến thể của tên gọi Pharaoh (còn gọi Pharaon, vua của Ai Cập cổ đại). Hòn đảo này được nối với đất liền bằng con đê Heptastadion. Xưa kia, việc đi biển gặp rất nhiều nguy hiểm, nên việc cho xây dựng một ngọn hải đăng là cực kỳ cần thiết.

Ngọn hải đăng Alexandria do vua Ptolemy Soter nghĩ ra và khởi xướng xây dựng vào khoảng năm 290 TCN, nhưng nó được hoàn thành sau khi ông qua đời, trong thời kỳ trị vì của con trai ông là vua Ptolemy Philadelphus. Kiến trúc sư Sotratus, người sống cùng thời với vua Ptolemy Soter là nhà thiết kế xây dựng công trình này. Công trình kiến trúc ngọn hải đăng Alexandria được xây dựng để hiến dâng cho vị đấng cứu thế là hoàng đế Ptolemy Soter và hoàng hậu Berenice.

Trong nhiều thế kỷ, ngọn hải đăng Alexadria, đôi khi còn gọi ngọn hải đăng Pharos, dùng để cho tàu biển nhận biết ra cảng. Nó được đốt lửa vào ban đêm, còn ban ngày nó phản xạ những tia nắng mặt trời. Ngọn hải đăng Alexandria còn trở thành biểu tượng trên đồng tiền của nước Hy Lạp và Roma.

Khi người Ả Rập chinh phục Ai Cập, họ rất khâm phục vùng đất Alexandria về sự giàu có phong phú của nó. Ngọn hải đăng này luôn luôn được nhắc đến trong các bài viết của họ và sự mô tả của các du khách khi đến thăm Alexandria.

Nhưng từ khi những người cai trị mới đã dời thủ đô từ Alexandria về Cairo, họ không còn mối quan hệ với Địa Trung Hải nữa. Và khi chiếc gương phản chiếu của ngọn hải đăng này bị hạ xuống một cách sai lầm, nhưng họ đã không đặt nó trở lại vị trí cũ. Vào năm 965, một trận động đất xảy ra ở Alexandria đã gây nên một số hư hỏng cho ngọn hải đăng. Tiếp đó, vào năm 1302 và năm 1323 lại xảy ra hai trận động đất nữa rất mạnh đã làm cho công trình này hư hỏng nghiêm trọng, ngọn hải đăng Alexandria trở thành một đống đổ nát, chìm sâu dưới đáy biển.

Và chương cuối cùng trong lịch sử của ngọn hải đăng vĩ đại Alexandria vĩnh viễn khép lại vào năm 1480, khi vua Ai Cập Mamelouk Sultan, Quait Bey quyết định tăng cường hệ thống phòng thủ cho thành phố cảng Alexandria. Ông cho xây dựng một pháo đài quân sự tại vị trí trước đây đặt ngọn hải đăng Alexandria đã bị sụp đổ do trận động đất mạnh. Để xây dựng pháo đài này người ta đã dùng các phiến đá, trong đó chủ yếu là đá cẩm thạch, ở đống đổ nát của ngọn hải đăng.

Trong số 6 kỳ quan không còn nữa của thế giới cổ đại, ngọn hải đăng Alexandria là kỳ quan cuối cùng biến mất khỏi mặt đất. Tuy vậy, ngày nay chúng ta vẫn biết khá chính xác vị trí cũng như dáng vẻ kiến trúc của kỳ quan này. Qua các bài viết của Strabo và một số du khách, chúng đã có thông tin khá đầy đủ về tòa tháp ngọn hải đăng này. Theo sử sách ghi chép lại, thì chiếc gương thần bí của ngọn hải đăng Alexandria có khả năng phản chiếu ánh sáng của vật ở cách xa hàng chục km. Truyền thuyết kể lại rằng, chiếc gương này còn được dùng để phát hiện và đốt cháy thuyền của kẻ thù trước khi chúng chưa kịp cập bến vào bờ. Theo ghi chép của ông Abou Haggay Al-Andaloussi, một người Ả Rập đã từng tới thăm ngọn hải đăng Alexandria vào năm 1166, thì ngọn hải đăng gồm 3 tầng, tầng thấp nhất có hình vuông, cao 55,90m (183,4 feet) và có một cột lõi hình trụ tròn. Tầng giữa hình bát giác, với chiều dài mỗi cạnh là 18,30m (60 feet) và chiều cao 27,45m (90,1 feet), còn tầng 3 trên cùng có hình tròn với chiều cao 7,30m (24 feet). Tính cả móng thì ngọn hải đăng Alexandria có tổng chiều cao 117m (384 feet), tương đương với tòa nhà 40 tầng hiện đại. Cột lõi hình trụ tròn bên trong được sử dụng như ống dẫn nhiên liệu cho việc đốt lửa vào ban đêm. Ở đỉnh tháp, đặt một chiếc gương phản chiếu ánh sáng ban ngày.

Tuy ngọn hải đăng Alexandria không còn tồn tại đến ngày nay, nhưng nó có ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực. Trên lĩnh vực kiến trúc, ngọn hải đăng Alexandria được coi là một kiểu mẫu để tạo dựng nhiều phiên bản khác dọc theo khu vực Địa Trung Hải và Tây Ban Nha hồi bấy giờ.

Trần Thị Diễm Trâm