star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

HỢP TÁC THƯƠNG MẠI GIỮA VIỆT NAM – TRUNG QUỐC TRONG KHUÔN KHỔ “HAI HÀNH LANG, MỘT VÀNG ĐAI”


 

Nguyễn Thị Phương Thảo

  1. Đặt vấn đề

Tháng 11 năm 2017, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ về việc kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) do Trung Quốc khởi xướng. Từ thời điểm đó, quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 8, thị trường xuất khẩu lớn thứ 5, và thị trường nhập khẩu lớn thứ 9 của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. Chính phủ Việt Nam từ lâu đã xem nguồn lao động dồi dào và chi phí thấp là một lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc. Trong bối cảnh chi phí lao động tại Trung Quốc đang tăng cao, mức lương bình quân tại Việt Nam chỉ khoảng 300–350 USD/tháng, bằng một nửa so với Trung Quốc, đã trở thành yếu tố hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài[1].

     Ngoài chi phí lao động, Việt Nam cũng tích cực khuyến khích các doanh nghiệp FDI — trong đó có Trung Quốc — đầu tư vào các lĩnh vực sử dụng công nghệ tiên tiến và mô hình quản lý hiện đại. Việc này không chỉ giúp các doanh nghiệp trong nước học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực sản xuất, mà còn tạo ra áp lực tích cực lên bộ máy nhà nước nhằm cải cách môi trường pháp lý, hành chính, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Hiện nay, khu vực FDI chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, cho thấy vai trò quan trọng của đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế.

Cùng với đó, Việt Nam với dân số trên 100 triệu người và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, trở thành một thị trường đầy tiềm năng cho thương mại điện tử và các lĩnh vực công nghệ số. Đây cũng là những ngành đang thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc, như một phần trong chiến lược dài hạn thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Một số dự án cụ thể trong khuôn khổ BRI tại Việt Nam bao gồm: tuyến đường cao tốc kết nối các tỉnh phía Nam Trung Quốc với Hà Nội và các cảng biển phía Bắc Việt Nam, cũng như các dự án nâng cấp hoặc xây dựng cảng biển mới trong khu vực này. Những dự án này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là minh chứng rõ nét cho xu hướng kết nối hạ tầng liên quốc gia giữa hai nước trong thời đại hội nhập khu vực.

2.  Hợp tác thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc từ 2017 đến 2022

Thứ nhất, về kim ngạch thương mại song phương

Kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước tăng mạnh kể từ sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối năm 2017. Năm 2016 kim ngạch thương mại 2 nước là 72 tỷ USD, thì năm 2018 cán mốc 100 tỷ USD, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại đầu tiên cán mốc thương mai cao như vậy. Cụ thể năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 41,268 tỷ USD, tăng 5,864  tỷ USD so với năm 2017, với tốc độ tăng trưởng 16,6%. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 65,438 tỷ USD, tăng 6,846 tỷ USD, tăng gần11,7%. Như vậy, tổng quy mô kim ngach thương mại cả hai nước đạt 106, 706 tỷ USD, tăng 12,71% so với năm 2017. Năm 2018 riêng thị trường Trung Quốc chiếm đến 22,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam[2]. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã duy trì tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo bất chấp các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2019 đạt 116,6 tỷ USD, năm 2020 133 tỷ USD và 156,9 tỷ USD năm 2021. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 117,9 tỷ USD[3].

Thương mại 2 chiều Việt Nam-Trung Quốc tiến xa nhờ bởi quan hệ chính trị, ngoại giao song phương tiếp tục được củng cố và phát triển tốt đẹp đã tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác giữa các Bộ ngành và địa phương 2 nước, đặc biệt, Trung Quốc luôn là 1 trong những mục tiêu ưu tiên trong chính sách kinh tế đối ngoại của nước ta. Theo đánh giá của Bộ công thương thì thương mại song phương của Việt Nam và Trung Quốc có tính bổ sung lần nhau. Về phía Việt Nam, trong những năm gần đây mặt hàng trái cây của Việt Nam đã có những biến tiến nổi bật trong thị trường Trung Quốc. Trái cây Việt Nam có một số loại trái cây được đi bằng đường chính ngạch và rất được thị trường Trung Quốc ưa chuộng, đặc biệt là sầu riêng, chanh dây. Về phía Trung Quốc, quốc gia này là thị trường cung ứng các nguyên liệu sản xuất các ngành dệt may, giày dép, linh kiện điện tử cho Việt Nam.

Thứ hai, cơ cấu các mặt hàng xuất - nhập khẩu.

Trong quan hệ thương mại, Trung Quốc tập trung nhập khẩu từ Việt Nam 4 nhóm hàng chính, với khỏag 100 mặt hàng: (1) Nhóm nguyên nhiên liệu: dầu thô, than đá, quặng kim loại, các loại hạt có dầu, dược liệu (cây làm thuốc)…(2) Nhóm nông sản: lương thực, rau củ quả (đặc biệt là trái cây nhiệt đới). (3) Nhóm thủy sản: thủy sản tươi sống, thủy sản đông lạnh, một số loại động vật mang tính chất đặc sản như rùa, baba…(4) Nhóm hàng tiêu dùng: hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, đồ gỗ cao cấp, bột giặt.. Trong đó nhóm hàng nông – lâm – thủy sản chiếm tỷ trọng khoảng trên 32% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc.

Thứ ba là thị trường tiêu thụ

Trước năm 2017, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là đến các tỉnh biên giới và lân cận như Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông. Từ năm 2017 đến nay, cùng với việc kí bản ghi nhớ “ Hai hàng lang, một vành đai”,  giao thông nội địa Trung Quốc đã hoàn thiện và kết nối giao thông với Việt Nam được tốt hơn khiến cho thị trường tiêu thụ được mở rộng ra. Bên canh, các thị trường cũ, các hàng hóa Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện ở các tỉnh như Thượng Hải, Chiết Giang, Giang Tô, Trùng Khánh, Đại Liên, Tứ Xuyên…

Như vậy, nhìn chung quan hệ thương mai song phương của hai nước có chiều hướng gia tăng từ năm 2017 đến 2022 bất chấp những tác động của dịch COVID-19 hay những điều chỉnh chính sách của Trung Quốc về nhập khẩu các mặt hàng từ các nước nói chung trong đó có Việt Nam. Trung Quốc vẫn luôn là bạn hàng lớn trong xuất nhập khẩu của Việt Nam.

 

[1] : Trúc Thanh Lê (2019): Toàn cảnh FDI của Trung Quốc tại Việt Nam. Nguồn: https://ngkt.mofa.gov.vn/toan-canh-ve-fdi-cua-trung-quoc-tai-viet-nam/ (truy cập 10/10/2023).

[2] : Thái Bình (2019): Ấn tượng xuất nhập khẩu năm 2018 qua các con số 10 tỷ USD. Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/an-tuong-xuat-nhap-khau-nam-2018-qua-cac-con-so-10-ty-usd-98507.html, (truy cập 101/10/2023)

[3] : Hải Yến (2023): Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng ấn tượng. Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/xuat-khau-sang-trung-quoc-tang-truong-an-tuong-post335507.html (truy cập 10/10/2023)