Jiddu Krishnamurti sinh năm 1895, mất năm 1986. Ông là một triết gia và đồng thời là một nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Các chủ đề mà ông nghiên cứu bao gồm: mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người và phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội. Ông được sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp Brahmin tại Ấn Độ, nhưng ông khẳng định mình không thuộc về bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào. Suốt quãng đời còn lại của mình, ông chuyên tâm vào công việc diễn thuyết độc lập, đi khắp nơi trên thế giới để thực hiện những bài diễn thuyết của mình. Krishnamurti không lệ thuộc vào bất cứ trường phái, giáo phái hay quốc gia nào.
“Đôi điều cần suy ngẫm” tổng hợp những vấn đề đa dạng, có thể xuất phát từ chế độ trong xã hội, hoặc có thể xuất phát từ hệ tư tưởng cá nhân với nội dung trung tâm là “giáo dục về văn hóa”. Krishnamurti dẫn dắt mọi người xem xét những khái niệm mà chúng ta gọi là văn hóa, giáo dục, tôn giáo, chính trị và truyền thống; đồng thời làm rõ những động cơ căn bản như tham vọng, lòng tham, tính đố kỵ, khao khát được an toàn và ham muốn quyền lực - tất cả những thứ mà ông cho là những yếu tố khiến xã hội loài người trở nên sa đọa, lạc hướng.
Sau đó, tác phẩm luận bàn về hạnh phúc, về cách để giáo dục vượt ra khỏi những kết luận, giải thích có sẵn; thói quen; cái biết của quá khứ; triết lý suông của ai đó; ý kiến của “người lớn”; khuôn mẫu hành xử của xã hội... Điều tốt nhất đẹp nhất là khi bạn một mình với sự tỉnh thức và tự do.
Xuất bản lần đầu năm 1964, với ngôn từ đơn giản, trực diện và những chất vấn giàu tính khai sáng, Đôi điều cần suy ngẫm là một trong những tác phẩm đáng đọc để phát triển bản thân.
Tổng hợp
ThS. Đoàn Thị Cẩm Vân – Giảng viên Tổ Lý luận Chính trị