Từ khoảng năm 1500 tới những năm 80 của thế kỷ XX là thời kỳ các cường quốc cận – hiện đại hình thành từ châu Âu để rồi vừa tranh giành địa vị, ảnh hưởng với nhau, vừa khuếch trương ưu thế của phương Tây ra toàn thế giới.Gần như toàn bộ giai đoạn này đã được Paul Kennedy gói gọn lại trong “Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc – Biến đổi kinh tế và xung đột quân sự từ năm 1500 đến năm 2000” (The rise and fall of the great power – Economic change and military conflicts from 1500 to 2000).
Paul Michael Kennedy là một nhà sử học người Anh, chuyên nghiên cứu về lịch sử quan hệ quốc tế và các chủ đề liên quan như kinh tế, chiến lược lớn. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm nổi bật về lịch sử chính sách đối ngoại Anh và những cuộc đấu tranh giành quyền lực lớn.Ông sở hữu nhiều bằng danh dự, là thành viên của Hiệp hội Lịch sử Hoàng gia, Hiệp hội Triết học Mỹ, Viện hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Mỹ; được phong tước Chỉ huy Đế quốc Anh (CBE) năm 2001, được bầu vào Viện hàn lâm Anh năm 2003; đạt Giải Hattendorf của Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ năm 2014.Ngoài ra, ông tham gia biên tập và viết bài cho nhiều tờ tạp chí học thuật như The New York Times, Los Angeles Times, The Atlantic, và cả báo chí nước ngoài.
Theo Daily Telegraph ; “Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc là một kiệt tác lịch sử hiện đại, một minh chứng nổi bật cho sự thật thường bị bỏ quên rằng cách duy nhất để hiểu ngày hôm nay chính là phải hiểu ngày hôm qua. Cuốn sách tập trung vào phân tích hai khía cạnh quan trọng nhất tạo nên sức mạnh của một quốc gia: kinh tế và quân sự. Và trong rất nhiều quốc gia tồn tại vào một thời điểm cụ thể trên Trái Đất, chỉ có một hay một vài quốc gia vươn được lên tầm cường quốc với ảnh hưởng sâu rộng trên quy mô lục địa hay thậm chí toàn cầu, đồng thời cũng trở thành mục tiêu đối phó của những quốc gia khác không muốn cam chịu ở dưới ảnh hưởng của họ. Làm thế nào một quốc gia trở thành cường quốc và bị tuột khỏi vị thế này vì lý do nào, đó là câu hỏi thật khó đưa ra câu trả lời tuyệt đối, nhưng ít nhất có thể chỉ ra được những quy luật và xu thế khá đặc trưng, hay những bài học vẫn còn giá trị cho cả tương lai như Paul Kennedy đã chỉ ra trong cuốn sách nhìn cận cảnh vào năm thế kỷ (từ XVI đến XX) trong đó các cường quốc kế tiếp nhau nỗ lực, với mức độ thành công khác nhau, để mở rộng ảnh hưởng và củng cố vị thế của mình, sau đó phải chứng kiến ảnh hưởng và vị thế dần dần bị xói mòn bởi sự cạnh tranh từ các đối thủ và sự tụt hậu toàn diện của bản thân các cường quốc này, đặc biệt là về mặt kinh tế và quân sự.
Đây là một nghiên cứu rất thú vị; có giá trị học thuật; là một sách tham khảo hay đối với sinh viên ngành Quan hệ quốc tế
Tổng hợp
Th.S Hồ Thị Ái Phương