Vị trí địa lí của Việt Nam nằm trên con đường giao thương Bắc Nam sẽ đưa Việt Nam phải đối diện với những áp lực về chính trị cũng như giao lưu văn hoá, kinh tế với các nước.
Về mặt bản chất, việc giao lưu kinh tế, văn hoá của Việt Nam và các nước đều đến từ 2 góc độ là xuất phát từ chủ đích của các nước khác do vị trí địa lí của Việt Nam với những ưu việt. Đồng thời việc giao lưu đến từ nhu cầu nội tại của Việt Nam trong giao lưu kinh tế, văn hoá với các quốc gia.
Với vị trí địa lý là nơi giao điểm (ngã tư đường) của các luồng văn hoá, văn minh. Quá trình phát triển lịch sử - xã hội Việt Nam đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các quan hệ giao lưu văn hoá với Đông Nam Á, Trung Hoa, Ấn Độ và Phương Tây…Trong đó có thể thấy rõ dấu ấn trong giao lưu văn hoá Việt Nam với Trung Quốc và các nước phương Tây.
1. Giao lưu văn hoá Việt Nam với Trung Quốc
Có thể thấy rõ quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc đã hình thành từ thời Lý Trần. Đứng trước sự giao lưu tiếp xúc, Việt Nam luôn thể hiện rõ đường lối giao lưu giữ gìn bản sắc trước sự lan tỏa ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc.
Việt Nam là một quốc gia giàu tài nguyên và sản vật. Một số mặt hàng nỗi bật của Việt Nam được các thương nhân ưa chuộng nhập vào là hương liệu, gia vị, giấy, tổ yến,… Điều này cũng mang lại cho Việt Nam những lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, yếu tố thương mại không tách rời yếu tố chính trị (tị nạn chính trị). Đó là người Hoa khi đến một nơi nào đó đều linh hoạt muốn gắn bó lâu dài, xây dựng một cộng đồng (tập trung ở Hội An, Phố Hiến). Nơi đây có những cộng đồng người Hoa gốc vốn đang sinh sống cùng với đó là chính sách cởi mở của chính quyền ở đây. Với những lợi thế như vậy, người Hoa đa số tập trung ở các cửa sông, cửa biển bới vì họ thiên về buôn bán thương mại. Có thể thấy vai trò của người Hoa vô cùng quan trọng trong buôn bán nội thương và ngoại thương, là môi giới trung gian giữa phương Tây và người Việt. Điều này tạo ảnh hưởng lớn về kinh tế và văn hoá. Tuy nhiên có thể thấy việc áp đặt văn hoá một cách cứng nhắc không mang lại hiệu quả cao. Bởi đối với Việt Nam, sức mạnh nội tại trong tính cách, lối sống của người việt sẽ được thể hiện rõ khi đứng trước những khó khăn, thách thức để bảo tồn văn hoá truyền thống của mình.
Tuy nhiên có thể thấy, đối với Việt Nam một đặc trưng nổi bật là sự linh hoạt trong giao lưu tiếp xúc để luôn giữ được giá trị truyền thống nhưng song song là sự tiếp nhận có chọn lọc những giá trị phù hợp với mình để tạo nên một Việt Nam đặc sắc và tiến bộ.
Một trong số những khía cạnh nổi bật về sự giao lưu giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá Trung Quốc có thể kể đến tư tưởng, tôn giáo. Dấu ấn rõ rệt thông qua Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo:
Đầu tiên, đối với Nho giáo: Đến cuối đời Trần, địa vị Nho giáo trở nên cao hơn, mở ra tiền đề cho Nho giáo “độc tôn” thời Lê. Những Khoa thi đầu (1227,1247,1321) nhà Trần tiếp tục mở khoa thi Tam giáo. Nhưng từ đó về sau 16 lần (từ 1232 đến 1405) đều thi Nho giáo dưới danh hiệu thi Thái học sinh hay chọn người Nho học. Đến thời kỳ này có thể coi thi cử Nho giáo cơ bản đã định kỳ. Nội dung thi là Tứ Thư, Ngũ Kinh của Nho học. Như vậy có thể thấy nội dung của Nho giáo đến đây đã được truyền bá đầy đủ. Song, hành xử của vương triều nhà Trần lại không bị rập khuôn trong những khuôn phép của Nho giáo. Điều đó được thể hiện qua các sự kiện như: khi nhà Trần lên ngôi đã buộc Lý Huệ Tông phải thắt cổ. Khi quân Nguyên thắng thế, một số vương hầu tư thông với giặc, sau khi chiến thắng, vua ra lệnh không truy cứu. Các vua Trần không tuân theo thể chế Hán – Đường, thể hiện ở hiện tượng phổ biến hai vua coi việc nước: Thái thượng hoàng và vua. Đây là một đặc điểm không có trong phong kiến Trung Hoa, dù thỉnh thoảng vẫn có hiện tượng Thái thượng hoàng. Như vậy, có thể thấy nhà Trần đã hội nhập Nho giáo, nhưng hội nhập một cách có chọn lọc.
Sự tiếp thu có chọn lọc không chỉ dừng lại ở đó, vào thời Lê - Nguyễn trở thành con đường thăng tiến của Nho sinh, nhưng Phật giáo, Đạo giáo vẫn tồn tại.
Như vậy, có thể thấy, Nho giáo đã du nhập khá sớm vào nước ta, nhưng những yếu tố văn hoá Lạc Việt vẫn tồn tại, và tầng lớp trên tiếp thu có chọn lọc văn hoá Hán vào tổ chức bộ máy nhà nước, không hoàn toàn rập khuôn. Nho giáo lại bị Phật giáo hấp thu, bản địa thành một màu sắc Nho giáo riêng của Việt Nam.
Thứ hai, đối với Phật giáo: trong quá trình du nhập và phát triển, Phật giáo Việt Nam cũng mang một màu sắc khác biệt:
Theo huyền thoại của người Việt, người đầu tiên tiếp thu Phật giáo là Man Nương, một cô gái bình dân không biết văn hoá Hán. Huyền thoại này phản ánh tư tưởng thờ cây đa, hòn đá và thờ nữ thần của người Việt. Đây là hiện tượng hội nhập Phật giáo đầu tiên lưu truyền đến nay và phát triển tục thờ nữ thần từ Man Nương Phật Mẫu đến Tứ Pháp là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Đây là một kiểu Phật giáo nhưng không điển hình Phật giáo, mà mang đặc trưng văn hoá Lạc Việt thờ các vị thần trong tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp lúa nước. Tiếp thu Phật giáo là một thành công lớn của người tiền Đại Việt và Đại Việt. Một mặt là phát huy tư tưởng phồn thực, mặt khác là nâng cao tinh thần đồng bào qua bố thí, cứu khổ cứu nạn góp phần làm sâu sắc hơn bản sắc văn hoá của người Việt.
Có thể thấy Phật giáo ở Việt Nam có những đặc điểm riêng cho thấy sự giao lưu tiếp thu có chọn lọc và bản địa của người Việt đối với tôn giáo này:
- Phật giáo Việt Nam có tính tổng hợp.
+ Tổng hợp với các tín ngưỡng truyền thống: Như hệ thống chùa Tứ Pháp thực ra là những đền miếu dân gian thờ các vị thần tự nhiên Mây-Mưa-Sấm-Chớp và thờ đá; hình thức thờ phổ biến là “tiền Phật hậu Thánh”, đưa các thần, các thánh, các Mẫu, thành hoàng thổ địa, anh hùng dân tộc… vào thờ ở trong chùa.
+ Tổng hợp các tông phái với nhau: Ở Việt Nam, không có tông phái Phật giáo nào là thuần khiết cả. Dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi pha trộn với Mật giáo (nhiều thiền sư như Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh… nổi tiếng giỏi pháp thuật). Con đường giải thoát của Phật giáo Việt Nam là kết hợp giữa giải thoát bằng tự lực với tha lực (Thiền Tông phối hợp với Tịnh Độ tông). Nhiều chùa mang hình thức Tiểu thừa nhưng lại theo giáo lý Đại thừa…
+ Tổng hợp với các tôn giáo khác như Nho, Đạo: Khá nhiều chùa thờ các vị thần của Đạo giáo như Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Quan Công…; thời Đinh-Tiền Lê-Lý-Trần, nhiều nhà sư đồng thời là đạo sĩ; thiền phái Thảo Đường dung hợp cả tư tưởng Nho gia vào triết lý Phật giáo…
+ Kết hợp chặt chẽ việc đạo với việc đời: Ở Việt Nam, Phật giáo rất tích cực nhập thế dù bản chất là một tôn giáo xuất thế. Thời Lý-Trần, các nhà sư tài giỏi đều được triều đình mời tham chính hoặc cố vấn trong những việc hệ trọng (sư Khuông Việt, Đỗ Thuận, Vạn Hạnh, Viên Thông…). Các tín đồ Phật giáo cũng tích cực tham gia vào các cuộc kháng chiến chống Pháp-Mỹ (tham gia vào cuộc vận động đòi ân xá Phan Bội Châu và đám tang Phan Châu Trinh; Phật tử miền Nam nhiều lần xuống đường tham gia vào phong trào đấu tranh đòi hòa bình và độc lập dân tộc thời Mỹ-Diệm).
- Có xu hướng hài hòa âm dương, có phần thiên về nữ tính, được thể hiện:
+ Tạo ra những Phật bà riêng của mình: Phật tổ của Việt Nam là phụ nữ (con gái Man nương, Man nương thành Phật Mẫu), các bà Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Diệu Thiện…
+ Có nhiều chùa mang tên các bà: Hệ thống chùa Tứ pháp mang tên chùa bà Dâu, chùa bà Đậu, chùa bà Tướng, chùa bà Dàn; ở Hà Nội có các chùa bà Đá, chùa bà Đanh, chùa bà Nành…
- Một số biểu hiện khác của “Việt Nam hóa” Phật giáo :
+ Có một lịch sử Phật giáo riêng; coi trọng thờ ông bà cha mẹ hơn thờ Phật, đồng nhất cha mẹ ông bà với Phật; đồng nhất đức Phật với những vị thần trong tín ngưỡng truyền thống có khả năng giúp mọi người dân (không chỉ Phật tử) thoát khỏi mọi tai họa, làm nên mây mưa sấm chớp để mùa màng tươi tốt, ban lộc, ban cho người hiếm muộn có con…
+ Điển hình “Việt Nam hóa” Phật giáo là sự hình thành Phật giáo Hòa Hảo dựa trên cơ sở tổng hợp đạo Phật với đạo ông bà.
Thứ ba, đối với Đạo giáo cũng cho thấy sự giao lưu tiếp nhận có chọn lọc trong suốt chiều dài văn hoá Việt Nam:
Thần điện Đạo giáo Trung Quốc rất phức tạp và đồ sộ, là thần điện mở, kết nạp nhiều thành phần. Việt Nam không có thần điện nào phức tạp như Chân linh vị nghiệp đồ nhưng cũng nhièu thành phần, như trong thần điện Linh Tiên Quán có cả Lã Gia, vua Trần Minh Tông, Mạc Ngọc Liễn…
Ngoài ra, Thiên thư của Đạo giáo rất đồ sộ. Thời Tống khắc in bộ Đạo tạng hơn 5000 quyển. Đại Việt có du nhập, nhưng Thiên thư nổi tiếng nhất lại là “ Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư…”.
Việc Đạo giáo truyền vào nước ta được ghi sớm nhất trong Đại Việt sử ký toàn thư. Quan tác phẩm lý hoặc luận có thể thấy lúc đó các hình thức tịch cốc, tu tiên, cầu trường sinh bất tử đã lưu hành. Đặc điểm của Đạo giáo Việt Nam là chủ yếu tiếp thu tư tưởng Sinh của Đạo giáo Trung Hoa, cầu chữa bệnh, an lạc, giải thoát căng thẳng cuộc sống qua lời ca điệu múa, mà không chú ý lắm đến đến nội dung Đạo giáo chính truyền. Vì vậy nó không rập khuôn hoàn toàn Đạo giáo Trung Hoa.
Một ảnh hưởng về mặt lý luận khá sâu sắc khác là tư tưởng âm dương. Người Việt vốn có tư tưởng Đực - Cái như hai mặc đối lập, đã nhanh chóng hấp thu thuyết âm dương của Đạo giáo. Thuyết âm - dương hoà trộn với tư tưởng Đực - Cái được truyền bá sau rộng và phát triển mạnh mẽ trong tư duy người Việt. Dấu ấn dân gian đậm nét nhất của Đạo giáo trong đời sống tâm linh của người Việt là hình thức lên đồng trong các sinh hoạt lễ hội. Hình thức này vừa mang tính tôn giáo, vừa mang tính văn nghệ dân gian.
Có thể rút ra một số đặc điểm của Đạo giáo Việt Nam:
* Đạo giáo phù thủy Việt Nam:
- Bên cạnh việc thờ các vị thần phổ biến của Đạo giáo như Ngọc Hoàng Thượng đế, Thái Thượng Lão quân, thần Trấn Vũ (Huyền Vũ), quan Thánh Đế (Quan Công), còn thờ nhiều vị thần thánh khác do người Việt Nam xây dựng. Điển hình như Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) và Bà Chúa Liễu (Liễu Hạnh). Thờ Liễu Hạnh trong thần điện bao giờ cũng đi kèm với thờ các Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Đó là Đạo giáo đã hòa quện với tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu. Thờ Đức Thánh Trần và Tam Phủ, Tứ Phủ thường gắn liền với tín ngưỡng đồng bóng.
- Ngoài ra, các pháp sư còn hay thờ các thần Tam Bành, Độc Cước, Huyền Đàn, ông Năm Dinh, Quan Lớn Tuần Tranh…
* Đạo giáo thần tiên Việt Nam:
- Cũng như Trung Quốc, Đạo giáo thần tiên ở Việt Nam có hai phái: Phái ngoại dưỡng và phái nội tu.
- Phái ngoại dưỡng: Cho rằng con người có thể thành tiên sống lâu bất tử nhờ uống thuốc trường sinh (gọi là kim đan). Một số sách cho biết Giao Chỉ có nhiều nguyên liệu luyện thuốc trường sinh (thần sa), lớn nhất là mỏ thần sa ở Cù Lao Chàm khai thác đến hết đời Tống mới cạn, các lái buôn mua thần sa từ Giao Chỉ đưa về Trung Hoa. Dù vậy, phái luyện đan không phổ biến ở Việt Nam.
- Phái nội tu: Đây là phái phổ biến hơn cả, thờ Chử Đồng Tử làm ông tổ của Đạo giáo Việt Nam (gọi là Chử Đạo Tổ) và nhiều tiên thánh khác như thánh Tản Viên… Phái này thường hay tổ chức phụ tiên (hay cầu tiên) để cầu hỏi cơ trời, biết trước chuyện thời thế, đại sự cát hung… Nhiều đàn phụ tiên từng nổi danh một thời như đền Ngọc Sơn (Hà Nội), đền Tản Viên (Sơn Tây), đền Đào Xá (Hưng Yên)…
Quá trình giao lưu, tiếp xúc giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá Trung Hoa không chỉ diễn ra trên lĩnh vực tư tưởng, tôn giáo mà còn diễn tra trên nhiều lĩnh vực khác, tiêu biểu là kỹ thuật nông nghiệp, nghệ thuật gốm sứ và nhất là chữ viết. Chữ Nôm được xem là thành quả hội nhập văn hoá Hán nổi bật nhất của người Việt. Khi văn hoá Hán truyền vào nước ta thì chữ Hán được dùng làm văn tự quan phương. Chữ Nôm được hình thành trên cơ sở dùng chữ Hán và phương pháp cấu tạo chữ Hán để tạo ra chữ Nôm, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng tiếng Việt. Người Việt sáng tạo và duy trì được chữ Nôm là một sự khẳng định bản sắc văn hoá.
Như vậy có thể khẳng định rằng văn hoá Việt Nam đã giao lưu, tiếp nhận có chọn lọc với văn hoá Trung Quốc chứ không phải bị văn hoá Trung Quốc đồng hoá. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có vốn bản địa vững vàng. Và đây chính là đặc trưng gốc trong văn hoá Việt Nam. Về mặt tư tưởng thì người Việt luôn dựa trên cái vốn đã có. Từ tư tưởng Đực - Cái, người Việt đã tiếp thu thuyết Âm - Dương; từ tư tưởng phồn thực đã tiếp thu xu hướng hướng sinh của Phật giáo Đại thừa và Đạo giáo để mang lại một màu sắc mới cho Tam giáo ở Việt Nam.
Giao lưu văn hoá là một quá trình chọn lọc tiếp biến những yếu tố thích hợp, cần cho sự phát triển của mình. Trong tiếp nhận Phật giáo, người Việt chủ yếu tiếp thu tinh thần bố thí, từ bi cứu độ của Phật giáo Đại Thừa, không khuyến khích xuất gia khất thực. Trong Phật giáo Trung Hoa thì chủ yếu tài sản chùa do vua ban và do dân cúng dường. Người Việt tiếp thu tư tưởng đại bi của Phật giáo, nhưng không sa vào xuất thế. Đến nay, tinh thần nhập thế đó vẫn duy trì trong các tín đồ Phật giáo Việt Nam. Đạo giáo Việt Nam mơ ước một cuộc sống thần tiên trong đời sống hiện hữu, là “giấc mơ tiên” từ tầng lớp trên đến bình dân, một tinh thần lạc quan đến yêu đời, vui vẻ ca hát, không thoát tục lên tiên. Nho giáo Việt Nam coi trọng chữ nhân, hiếu hơn cả, không mặn mà với Thiên mệnh… Như vậy, Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo khi vào Việt Nam đều được bản địa hoá mang màu sắc văn hoá dân tộc.
Lê Thị Diệu Mi - Giảng viên Khoa KHXH&NV