1. Giao lưu văn hoá Việt Nam với Phương Tây thời Trịnh – Nguyễn phân tranh:
Trên phương diện chính trị, cuối TK VI, đầu TK XVII là giai đoạn hai thế lực chúa Trịnh và chúa Nguyễn có nhiều mâu thuẫn sâu sắc. Để đối phó với cuộc tấn công của chúa Trịnh, chúa Nguyễn tiến hành một loạt hoạt động ngoại giao nhằm tranh thủ sự chi viện của Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan… Trong giai đoạn 1637 – 1699 đã thiết lập một số thương quán ở Thăng Long, phố Hiến…
Ở Đàng Trong, chúa Nguyễn cho mở thương cảng Hội An, đẩy mạnh quan hệ buôn bán với nước ngoài. Do vậy ở Hội An hình thành các khu cư trú của ngoại kiều như người Hoa, người Nhật, người phương Tây… Chính họ là những cầu nối đưa văn hoá bên ngoài đến với Đại Việt.
Để chống lại chính quyền chúa Trịnh, khống chế trung tâm giao lưu buôn bán quốc tế và để đảm bảo khả năng an toàn cho vùng đệm phía sau, chúa Nguyễn đã đẩy mạnh chính sách “Nam tiến”, mở rộng ảnh hưởng đến vùng châu thổ sông Mê Kông. Đến TK XVIII, chính quyền Đàng Trong đã khẳng định được uy lực của vùng Nam Bộ và cùng với sự “Nam tiến” của các chúa Nguyễn thì sự hỗn dung văn hoá Việt và văn hoá các tộc người bản địa.
So sánh với chính sách đối ngoại của chúa Nguyễn ở Đàng Trong thì “tính hội nhập” trong chính sách của chính quyền Lê - Trịnh có phần hạn chế hơn. Mãi đến năm 1660, phủ Chúa mới cho phép người nước ngoài cư trú ở Thăng Long.
*Giao lưu với văn hoá Phương Tây thông qua truyền giáo:
Quá trình giao lưu, tiếp xúc giữa văn hoá Việt Nam với các nước Phương Tây trước hết thông qua công cuộc truyền bá đạo Thiên chúa vào Việt Nam. Đến TK XVI – XVII, khi người phương Tây phát hiện ra con đường vòng quanh thế giới và bắt đầu chinh phục các vùng đất thuộc các châu lục khác, thì Thiên Chúa giáo trở thành một công cụ hết sức quan trọng. Các giáo sĩ Thiên Chúa giáo thuộc nhiều dòng tu khác nhau từ Ý, Bồ Đào Nha, Hà Lan đã theo các thuyền buôn thâm nhập vào Việt Nam. Lúc đầu do không biết tiếng Việt, lại thiếu kinh nghiệm hoạt động, nên việc truyền giáo của họ mang lại kết quả còn hạn chế. Mặt khác, tôn giáo chính ở Việt Nam lúc này là đạo Phật và các tín ngưỡng bản địa đang phát triển khá mạnh, nên Thiên Chúa giáo không được đón chào.
Đến TK XVII, thời kỳ đầu của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, tình hình Việt Nam yên ổn hơn, các giáo sĩ của hội truyền giáo Bồ Đào Nha lần lượt xâm nhập. Trong khoảng 10 năm (1615-1625) đã có tới 21 giáo sĩ vào Việt Nam, phần đông là người Bồ Đào Nha, một số là người Nhật, Ý, Pháp…
Ban đầu các chúa Nguyễn cho phép các giáo sĩ hoạt động, nhưng sau đó nhận thấy ảnh hưởng không tốt của việc truyền đạo, vượt qua những cấm đoán của Nhà nước, lôi cuốn dân chúng theo “đạo lạ” nên sau đó các chúa Nguyễn đã cấm đạo. Tuy nhiên, đạo Thiên Chúa vẫn lan tràn nhanh chóng.
Cùng với các chúa Nguyễn, chính quyền Lê - Trịnh cũng cấm đạo ráo riết nhưng các giáo sĩ vẫn tiếp tục hoạt động. Hội truyền giáo đối ngoại Paris được thành lập, năm 1660 cử Lămbe sang Viễn Đông phụ trách Đàng Trong. Năm 1662, Paluy được cử sang phụ trách Đàng Ngoài với chủ trương kết hợp truyền đạo và phát triển thương mại.
Trong công cuộc truyền bá này, chữ quốc ngữ đóng một vai trò to lớn. Chữ quốc ngữ nhanh chóng trở thành công cụ truyền giáo đắc lực. Các giáo sĩ giảng bằng tiếng Việt, viết sách giáo lý bằng chữ quốc ngữ. Giáo dân không học chữ Nho mà chuyển sang học chữ quốc ngữ. Chữ quốc ngữ ra đời có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn hoá Việt Nam
*Giao lưu với văn hoá Phương Tây thông qua thương mại, kinh tế:
Bên cạnh các giáo sĩ truyền đạo thì các thương nhân nước ngoài cũng góp phần không nhỏ trong việc truyền tải văn hoá phương Tây vào Việt Nam. Từ TK XVI, các lái buôn người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Đức… bắt đầu giao thiệp với Việt Nam. Hoạt động buôn bán tập trung ở các đô thị lớn như Thăng Long, phố Hiến, Hội An,…
Ảnh hưởng của văn hoá phương Tây đối với Việt Nam lúc này chủ yếu thông qua các sản phẩm công nghiệp, kỹ thuật, đồ dân dụng như: các loại hàng sắt, đồng, da, đồ gốm, vải, lụa, hương liệu, thuỷ tinh, đồ trang sức,… của châu Âu và Nhật Bản. Ngược lại, thông qua họ các sản vật của Việt Nam được giới thiệu đi nhiều nơi trên thế giới như: lụa vàng, gấm, tơ vàng, nhiễu, the, sa, nhung, bông, sạ hương, dầu thông, nhục quế, kẽm, tô mộc, trầm hương, đồ gố sứ,…
Trong TK XVII, ngoại thương Đàng Trong nhộn nhịp, sầm uất chưa từng thấy. Thuyền buôn phương Tây ra vào Hội An tấp nập. Qua các chuyến tàu ra nước ngoài, người Việt cũng được mở mang tầm nhìn, thay đổi quan niệm về thế giới và sự vật. Hàng hoá Phương Tây, từ vải vóc, quần áo đến thực phẩm, đồ dùng như cà phê, thuốc lá sợi, thuốc tây… đã tác động khá nhiều đến thị hiếu, lối sống, thẩm mỹ của người dân đô thị và một bộ phận ở nông thôn, làm thay đổi nếp nghĩ, phong tục, tập quán của họ.
Nhờ sự hưng thịnh của ngoại thương, sự xâm nhập của tư bản phương Tây, kinh tế hàng hoá trong nước được đẩy mạnh, nhất là thủ công nghiệp. Nhiều xưởng thủ công đã ra đời, xuất hiện tầng lớp thương nhân trong nước, bên cạnh đó là giới làm thuê, thợ thủ công. Đặc biệt, các hoạt động ngoại thương còn liên quan đến chính trị. Các chúa Trịnh, Nguyễn đều lợi dụng thương nhân phương Tây để mua bán vũ khí, tàu thuyền… phục vụ cho mục đích quân sự.
*Giao lưu với văn hoá Phương Tây thông qua giáo dục:
Về mặt trao đổi học tập, các chúa Nguyễn cũng đã nhìn nhận và muốn tiếp thu nền học vấn phương Tây. Khi tình hình chính trị phức tạp của Đại Việt từ TK XVI đến TK XVIII đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hoá. Văn hoá phương Tây đã thổi một luồng gió mới vào văn hoá dân tộc, khiến một số nho sĩ nhận ra rằng, nền văn hoá truyền thống của họ và nền văn hoá Trung Hoa mà bấy lâu nay họ chịu ảnh hưởng có những mặt lạc hậu hơn hẳn so với văn hoá phương Tây. Tuy nhiên, thành phần Nho sĩ này lại chiếm số lượng quá nhỏ và tiếng nói của họ không đủ mạnh để tác động đến tầng lớp cầm quyền. Vì vậy giai đoạn này chỉ mới là thời kỳ bước đệm, như một cú hích nhẹ cho sự tiếp nhận và giao lưu văn hoá mạnh hơn giữa Việt Nam với Pháp trong thời kỳ tiếp theo.
Như vậy có thể thấy, sự tiếp xúc giao lưu văn hoá giữa Việt Nam với phương Tây đã có từ rất sớm chứ không phải mãi đến khi thực dân Pháp nhòm ngó nước ta. Tuy nhiên, chỉ sau TK XV trở đi, khi con đường hàng hải quốc tế từ Tây sang Đông khám phá, thì các tiếp xúc đó mới ngày một tăng cường. Nhờ những lý do chính trị, kinh tế, văn hoá mà đạo Thiên Chúa truyền vào Việt Nam lại khá thuận lợi. Mặc dù có những cấm đoán, bài trừ, nó vẫn âm ỉ tác động vào đời sống của người dân Việt Nam. Với bản tính cởi mở, ít kỳ thị dị giáo, với ý thức hoà đồng tôn giáo, người Việt đã tiếp nhận Thiên Chúa giáo dễ dàng hơn nhiều nước khác trong khu vực. Điều đó nói lên đặc trưng linh hoạt trong văn hoá của người Việt Nam, luôn có sự dung hoà, tiếp nhận với mọi nền văn hoá khác nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc.
2. Giao lưu văn hoá Việt Nam với Phương Tây dưới thời Nguyễn
Thời Nguyễn, thuyền buôn của các nước phương Tây đến đặt quan hệ thông thương ở các cửa biển nước ta không ít. Cũng đã có thời gian, quan hệ giữa triều Nguyễn với người phương Tây khá thân thiết. Đến thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức quan hệ giữa Việt Nam và các nước phương Tây đã có sự thay đổi:
Trong con mắt của các vua Minh Mạng cũng như triều đình nhà Nguyễn, phương Tây là một miền đất xa lạ. Tôn giáo, các sinh hoạt văn hoá của họ bị coi là tà thuyết, di man, xảo quyệt. Vì vậy dù không hoàn toàn quay lưng lại với phương Tây nhưng triều Nguyễn luôn giữ một khoảng cách, một thái độ hết sức cảnh giác. Trong thực tế, các vua đầu triều Nguyễn đã nhận thức được tiềm năng kinh tế và sức mạnh quân sự của phương Tây. Cũng chính bởi thế mà trong đường lối ngoại giao của họ luôn có hai mặt dường như mâu thuẫn: một mặt muốn giao lưu văn hoá, mặt khác lại lo sợ sự xâm lược quân sự và truyền giáo của họ.
Hai triều Gia Long và Minh Mạng đã thực hiện đường lối đối ngoại cứng rắn với phương Tây với hai chính sách chính là “bế quan toả cảng” và “cấm đạo, sát đạo”. Họ đã khước từ hơn 30 đoàn ngoại giao và ngoại thương muốn đặt quan hệ với nước ta. Lãnh sự Pháp ở kinh đô Huế bị đóng cửa. Các nước Anh, Pháp, Mỹ bị thất bại nhiều lần trong việc đặt quan hệ với Đại Nam. Điều đặc biệt đáng tiếc khi các nước phương Tây tới đặt quan hệ bang giao thì Minh Mạng lại từ chối. Liên tiếp các hiệp ước đề nghị thương mại của Pháp, Anh, Mỹ thường bị triều đình xem xét trong sự nghi ngờ. Bảy lần tàu Pháp, Anh, Mỹ vào cửa biển Đại Nam xin thông thương, chỉ một lần được chấp thuận.
Tuy nhiên, dù hạn chế ký hiệp ước thương mại với các nước phương Tây, nhưng chính Minh Mạng lại chủ trương mọi quốc gia có quyền buôn bán tại Việt Nam nếu tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bên cạnh đó, Minh Mạng và Thiệu Trị lại cho nhiều thuyền vượt đại dương để tiếp xúc, giao thương với Pháp, Anh,… vì cho rằng Đại Nam không thể tồn tại nếu không buôn bán với nước ngoài. Khoa học kỹ thuật phương Tây đã hấp dẫn vua Minh Mạng. Để tiếp cận nền văn minh còn xa lạ ấy, Minh Mạng đã đề ra một số giải pháp thiết thực là học ngoại ngữ. Ngoài ra Minh Mạng còn cho người ra nước ngoài bằng đường biển để sống và học tập, sai người đi Tiểu Tây, Hạ Châu làm việc công rồi ở lại học tập.
Khi Thiệu Trị lên nối ngôi, tình hình thế giới đã chuyển biến theo chiều hướng mới. Việc các nước phương Tây tìm kiếm thuộc địa ở châu Á đã trở nên phổ biến. Tình hình lúc đó thúc đẩy Thiệu Trị tiếp tục giữ chặt các nguyên tắc ngoại giao mà Gia Long đã lựa chọn và Minh Mạng đã triển khai. Do áp lực từ các nước phương Tây ngày càng lớn nên Thiệu Trị thận trọng hơn. Mọi yêu cầu xin thông thương của Pháp vào những năm 1841, 1845 đều bị khước từ. Trong khi đó, các giáo sĩ Pháp vào truyền đạo ngày càng tăng, nguy cơ đe doạ an ninh của đất nước ngày càng cao. Đối phó với tình hình đó, Thiệu Trị một mặt ra lệnh cấm người ngoại quốc vào giảng đạo, mặt khác tăng cường phòng bị ở những nơi hiểm yếu như Hải Phòng, Thị Nại, Côn Lôn, Phú Quốc. Cuối năm 1847 Thiệu Trị mất, Tự Đức lên nối ngôi và tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao với phương Tây như các đời vua trước, thậm chí còn có phần cứng rắn hơn nhằm bảo toàn an ninh và chủ quyền dân tộc trước hoạt động xâm lược ngày càng ráo riết của thực dân Pháp.
Ngoài ra, chính sách giao lưu văn hoá của triều Nguyễn với các nước phương Tây phần nào được phản ảnh qua thái độ ứng xử của triều đình với tôn giáo. Nhiều giá trị của văn hoá phương Tây mà đại diện của nó là Thiên Chúa giáo đã đi ngược lại với quan niệm văn hoá phương Đông truyền thống. Những người đứng đầu triều Nguyễn không thể hiểu và chấp nhận thứ văn hoá xa lạ, chối từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, đề cao những giá trị cá nhân. Chính sách tôn giáo, tín ngưỡng của nhà Nguyễn tập trung chủ yếu và việc giữ gìn những tín ngưỡng truyền thống bao gồm thờ cúng tổ tiên, các vị anh hùng dân tộc và những người có công với dân, với nước, các vị thần linh.
Như vậy, có thể thấy, chính sách văn hoá của triều Nguyễn chú trọng đến việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống và văn hoá Nho giáo, nhưng lại đóng cửa, từ chối tiếp nhận các giá trị văn hoá phương Tây. Minh Mạng, Thiệu Trị đã bỏ lỡ những cơ hội đáng tiếc để tiến hành hoà giải Đông - Tây và đổi mới đất nước. Trong khi Nhật Bản mở rộng cửa để duy tân thì Việt Nam trong bối cảnh văn hoá tương tự lại kiên trì chính sách “đóng cửa khoá nước”. Một nền văn hoá không biết tự làm mới mình bằng việc mở cửa, tiếp biến những tinh hoa văn hoá nhân loại, thâu tóm những giá trị ngoại sinh để làm giàu năng lực nội sinh thì sẽ bị lịch sử vượt qua.
3. Giao lưu văn hoá Việt Nam với Pháp dưới thời thời Pháp thuộc
Sự thâm nhập văn hoá Pháp vào Việt Nam trước tiên cũng qua con đường truyền giáo. Tác động khách quan của sự du nhập Thiên Chúa giáo vào lòng xã hội phong kiến tiểu nông nước Việt Nam chính là việc đã góp phần thúc đẩy tính ngưỡng bản địa thờ Mẫu bùng phát thành đạo Tứ phủ ở vùng hạ lưu sông Hồng.
Dưới thời Gia Long, đã có lúc có khoảng 400 người Pháp giúp việc cho nhà vua. Triều đình cho phép Pháp thiết lập toà lãnh sự quán ở Huế vào năm 1805 cùng với việc thành lập nhà công quán để khoản tiếp các thương gia phương Tây. Nhưng đến cuối thời Gia Long, quan hệ của Việt Nam và Pháp đã hạn chế hơn rất nhiều so với ngày vua Gia Long mới lên ngôi, quan hệ với Pháp được giới hạn trong phạm vi buôn bán.
Ảnh hưởng của văn hoá Pháp tăng lên mạnh mẽ từ nữa sau TK XIX, khi Việt Nam hoàn toàn trở thành thuộc địa của Pháp:
Trước hết, điều đó thể hiện trên phương diện văn hoá vật chất: người Pháp đã xây dựng một loạt đô thị quan trọng như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn - Chợ Lớn, Mỹ Tho, Huế,… Đường sắt, đường quốc lộ và liên tỉnh được rải nhựa, các cảng Hải Phòng, Hòn Gai, Quảng Yên, Đà Nẵng, Sài Gòn,… trở nên sầm uất.
Trên phương diện văn hoá tinh thần, ảnh hưởng của văn hoá Pháp thể hiện trong văn chương, thi ca, nghệ thuật, kiến trúc, mỹ thuật, điện ảnh, sân khấu… ở Việt Nam là rất to lớn. Từ khi văn hoá Pháp tràn vào thì tiếng Hán, chữ Hán và văn học Trung Quốc cũng như Nho giáo bị mất dần ảnh hưởng. Một tầng lớp trí thức Tây học dần hình thành trong xã hội. Văn hoá Pháp dần khẳng định những ưu thế của mình so với văn hoá Trung Hoa. Tại Nam Kỳ trong nữa cuối TK XIX đã xuất hiện những trí thức Tây học xuất sắc, đóng góp vai trò nhất định trong sự phát triển văn hoá nước Việt Nam như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của,…
Như vậy, có thể thấy văn hoá Pháp vào Việt Nam bằng con đường xâm lược và đô hộ. Việt Nam phải tiếp nhận ảnh hưởng của văn hoá Pháp trong tư thế một dân tộc bị xâm lược, mất chủ quyền. Đặc điểm nổi bật của giai đoạn này là xu hướng giao lưu văn hoá “cưỡng bức” tồn tại song song với giao lưu văn hoá “tự nguyện”. Cuộc tiếp biến văn hoá của Việt Nam lúc này có tính chất đặc biệt là chúng ta vừa phải tiến hành đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, vừa tiếp nhận chính cái nền văn hoá ấy để hiện đại hoá đất nước. Chúng ta buộc phải tìm thế chủ động trong thế bị động, vừa giữ mình khỏi bị tiêu diệt và đồng hoá, vừa tranh thủ tiếp nhận và đồng hoá những yếu tố ưu tú từ nền văn hoá tiên tiến của kẻ thống trị và xâm lược. Trong mối giao lưu này có thể thấy văn hoá Việt Nam không tự bằng lòng là kẻ bắt chước, kẻ theo đuôi mà đã học tập có chọn lọc tinh hoá văn hoá Pháp, sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống Việt Nam, tạo nên những giá trị văn hoá phục vụ dân tộc mình. Văn hoá Việt Nam đến giai đoạn này đã có một nội lực lớn, kết hợp với đặc tính khoan dung, hoà hợp, nên khi tiếp xúc, giao lưu với văn hoá Pháp đã nhanh chóng học tập, tiếp biến và tạo nên một nền văn hoá nghệ thuật Việt Nam mới vừa hiện đại, vừa dân tộc. Điều này cho thấy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam rất mạnh, thể hiện ở chỗ đã Việt hoá được các yếu tố Pháp. Văn hoá Việt Nam giai đoạn này tuy thay đổi một cách toàn diện về diện mạo nhưng về cốt lõi vẫn giữ được bản sắc dân tộc.
Nằm ở vị trí địa - văn hoá đặc biệt giữa khu vực Đông Nam Á, “ngã tư đường của các cư dân và các nền văn minh”, văn hoá Việt Nam đã phải trải qua những cột mốc quan trọng. Tiếp xúc, giao lưu văn hoá là một quy luật, một thuộc tính của văn hoá Việt Nam. Không có thời kỳ lịch sử nào, không một thành tố hay lĩnh vực văn hoá nào (từ ăn, mặc, ở, đi lại, phong tục, tập quán, tín ngưỡng đến thể chế chính trị, pháp luật,…), từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam không có dấu ấn của các cuộc tiếp xúc, giao lưu văn hoá. Đó là đặc tính “không chối từ” của văn hoá Việt Nam. Nói một cách khác tiếp xúc, giao lưu văn hoá trở thành một nội dung thường xuyên trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, có thể thấy một hiện tượng nổi bật là không một yếu tố văn hoá nào được thu nhận vào Việt Nam lại còn nguyên vẹn như cội nguồn, gốc rễ của nó. Không có một tiếp xúc văn hoá nào ở Việt Nam không xảy ra quá trình tiếp biến văn hoá, tức là “Việt Nam hoá” các yếu tố mà văn hoá Việt Nam đã tiếp thu. Tiếp biến văn hoá là hiện tượng phổ biến của văn hoá nhân loại, nhưng ở Việt Nam, quy mô và mức độ phổ biến của các tiếp biến này rất lớn. Quá trình tiếp biến văn hoá này diễn ra lâu dài trong lịch sử, lúc là cưỡng bức, lúc là tự nguyện, nhưng cuối cùng văn hoá Việt Nam không bị “Hán hoá” hay “Tây hoá” mà vẫn mang cốt lõi văn hoá Việt Nam. Những yếu tố mới từ các nền văn hoá ấy đều được bản địa hoá cho phù hợp với tâm thức, tinh thần Việt Nam.
Lê Thị Diệu Mi – Giảng viên Khoa KHXH&NV