star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

ĐÌNH LÀNG PHƯỚC LÝ – HOÀ MINH – LIÊN CHIỂU ĐÀ NẴNG


 

 

     Đình làng Phước Lý là một công trình văn hóa – tâm linh mang đậm dấu ấn lịch sử và truyền thống của cư dân bản địa toạ lạc ở dưới chân núi Phước Lý – Hoà Minh – Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Đây không chỉ là nơi tưởng nhớ công lao các bậc Tiền hiền, Hậu hiền đã có công khai khẩn đất đai, lập làng, mà còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết cộng đồng, gìn giữ bản sắc văn hóa làng quê trong lòng đô thị hiện đại.

     Theo các tư liệu cổ còn lưu giữ, làng Phước Lý được hình thành từ cuối thế kỷ XVIII, khi hai vị họ Nguyễn và họ Mai từ Thanh Hóa theo đoàn người Nam tiến dừng chân tại vùng đất có thế tựa lưng vào núi, mặt hướng ra biển – một vị trí phong thủy lý tưởng. Tên gọi ban đầu của làng là Phước An Hạ, sau đổi thành Phước Lý vào thời vua Thiệu Trị. Trải qua bao biến thiên lịch sử, Phước Lý trở thành nơi hội tụ của gần 40 tộc họ với hơn 3.000 nhân khẩu.

     Về mặt kiến trúc đình làng Phước Lý là công trình mang đậm nét kiến trúc truyền thống Việt Nam. Đình được xây mới với hai tầng theo kiểu mái cong, 3 gian lớn, bước tới trước làng có bốn cổng trụ lớn hình thành lên 3 lối dẫn vào cổng. Đình được xây theo kiểu chữ “nhất”, mái ngói đỏ, gồm chính điện và hậu tẩm. Bên trong, các cột được chạm khắc hình rồng, câu đối chữ Hán, cùng nhiều họa tiết trang trí tinh xảo bằng sành sứ, gỗ sơn son thếp vàng. Đây là nơi thờ Thành hoàng làng và các vị tiền hiền – hậu hiền, thể hiện đời sống tín ngưỡng và văn hóa cộng đồng của dân làng Phước Lý.

      Bên cạnh khuôn viên đình làng có lăng mộ của hai dòng họ lớn là Mai và Nguyễn – những người có công khai khẩn, lập làng. Các lăng mộ được gìn giữ và tôn tạo như biểu tượng của lòng tri ân tổ tiên, đồng thời góp phần làm phong phú thêm giá trị lịch sử, văn hóa và bản sắc truyền thống của địa phương.

Bức bình phong tộc Nguyễn (ảnh tác giả chụp)

     Về di sản Hán Nôm, đình lưu giữ 12 sắc phong chính thức từ năm Minh Mạng 1826 đến Khải Định 1924, cùng nhiều sắc phong khác trong dân gian, góp phần khẳng định giá trị văn hóa và tín ngưỡng truyền thống. Tư liệu tại đình và nhà lưu niệm gia tộc như bản mô tả sơ đồ đất xã Phước Lý (năm 1932), văn tự cổ năm 1781,… đều viết bằng Hán–Nôm, thể hiện giọng văn địa phương và gốc tích Thanh Hóa. Ngoài ra các hoành phi, liễn đối khắc chữ Hán–Nôm – ghi dấu lịch sử xây dựng đình, tưởng nhớ Tiền – Hậu hiền hiện nay cũng được giữ gìn khá rõ nét. Ví như ba tấm kim bài treo trên cao bàn thờ

        Năm 2005, lễ Giỗ Tiền hiền truyền thống của làng được nâng cấp thành Lễ hội Đình làng, đánh dấu sự khởi đầu cho Hội làng Phước Lý. Sau giải tỏa năm 2012, ngôi đình được xây dựng mới khang trang với diện tích 2.000m² tại tổ 128, đường Lê Hiến Mai.

          Đình làng Phước Lý không chỉ là di tích kiến trúc truyền thống, mà còn là kho tàng di sản chữ Hán–Nôm – dấu tích của cộng đồng khai khẩn đất đai, tín ngưỡng tổ tiên và lễ hội làng. Quảng bá nơi đây là lan tỏa giá trị lịch sử – văn hóa sống động của Đà Nẵng – mở ra cơ hội kết nối di sản bản địa với trải nghiệm du lịch văn hóa sâu sắc.

                                                                   KIM BÀI

                                                          (Khoa KHXH&NV)