Diễn ngôn nam quyền về tính dục trong văn học Việt Nam trước 1975 (phần 1)
Th.S Bùi Thị Kim Phượng
Khoa KHXH&NV, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, Việt Nam
aFaculty of Humanities and Social Science, Duy Tan University, 55000, Danang, Vietnam
Tóm tắt
Trong quan niệm truyền thống, tính dục là một chủ đề bị cấm kị vì có dính đến chuyện phàm tục, thiếu tao nhã; chuyện thân xác, nhục dục hầu như bị né tránh. Quá trình hiện đại hóa của văn học cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX đã xóa bỏ quan niệm cũ về con người, hình thành quan niệm con người cá nhân, từ đó làm thay đổi đề tài văn học trong đó có đó có đề tài tính dục. Tuy nhiên nhìn ở góc độ nào chủ đề rất nhân văn và tự nhiên này đang xem xét dưới góc độ đạo đức, góc độ ý thức hệ, trở thành diễn ngôn nam quyền về tính dục.
Từ khóa: diễn ngôn; tính dục; văn học Việt Nam; nhân văn; đạo đức
Abstract
In the traditional view point, sexuality is a taboo topicbecause it is related to something that’s philistine and not elegant; sex is almost avoided mentioning. The modernization process of literature in the late nineteenth century and early twentieth century removed the old concept of man, forming a concept of human personalities. As a result, this made change of literature including sexual one. However, this natural and human topic is being considered in terms of to some extend, becoming a discourse of men’s right about sexuality.
Keys: discourse, sex, literature of Vietnam, humanity, morality
Đặt vấn đề
Khoảng từ thập niên 60 của thế kỷ trước, chủ đề tính dục nổi lên mạnh mẽ trên thế giới ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau trong đó có văn học. Thực tế, tính dục là mối quan tâm muôn thuở của loài người bởi lẽ nó là thứ cảm giác tồn tại từ trong bản thể. Cảm giác xấu hổ của Adam và Eva sau khi ăn trái cấm là nỗi xấu hổ tính dục, cảm giác giới tính và bản sắc. Nhưng nỗi xấu hổ ấy ám ảnh loài người và từ đây con người không thể thoát khỏi cái khát khao sâu thẳm từ vô thức vì mỗi cá nhân là một bản thể tự nhiên. Cách ứng xử với nó là biểu hiện của trình độ tự ý thức của mỗi con người. Tuy nhiên, trong văn học truyền thống Việt Nam đây là vấn đề nhạy cảm nếu không muốn nói là cấm kỵ, vần đề tưởng như hết sức tự nhiên này bị quy chiếu dưới ý thức hệ nho giáo, dưới diễn ngôn nam quyền nên chưa thấy hết vẻ đẹp tự nhiên cũng như chưa thấu hết bản chất nhân văn của nó.
1.Tính dục dưới cái nhìn đạo đức truyền thống
Nho giáo mà khởi nguồn là Khổng giáo qua trình hình thành và phát triển hàng ngàn năm đã trở thành một học thuyết chính trị, một hệ thống đạo đức xã hội, một triết lý sống có ảnh hưởng sâu sắc không chỉ ở quê hương của nó mà cả ở khu vực Đông Bắc Á rộng lớn. Kể từ khi được đưa vào Việt Nam, nho giáo dần trở thành nền tảng cho hệ tư tưởng chính thống và đóng một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị xã hội và trở thành cơ sở cho các chuẩn mực đạo đức điều tiết hành vi hàng ngày của cá nhân trong xã hội, kể cả trong văn học. Văn học thời phong kiến ở Việt Nam dựa trên nền tảng tư tưởng nho giáo, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố quy định, tác động đến nội dung, tư tưởng, đề tài, chức năng lẫn hình thức thể hiện nên phản ánh một cách rõ nét bản chất của xã hội và con người thời đại. Văn học trung đại quan niệm văn chương là tải đạo, ngôn chí; văn chương là công cụ để truyền bá đạo lý, giáo hóa con người và cũng là thứ để tu tâm dưỡng tính. Đối với nhà nho, Đạo, Chí, Khí là những điều đặc biệt hệ trọng, cao quý, có ý nghĩa to lớn, sống còn với con người. Văn chương là thứ thực hiện sứ mệnh cao quý và thiêng liêng đó. Cái quan trọng nhất của người quân tử là “lập ngôn” mà lập ngôn bao gồm cả sáng tác văn chương. Vậy nên nếu việc “lập ngôn“ có dính đến những chuyện phàm tục - là nhỏ nhen, tầm thường, thiếu tao nhã do vậy mà chuyện thân xác, nhục dục hầu như bị né tránh.
Chỉ khi chế độ phong kiến xuống dốc, khả năng kiềm tỏa về mặt tư tưởng giảm bớt, ý thức cá tính mới có cơ hội nảy nở từ đó nhà văn bắt đầu ý thức vẻ đẹp hình thể như một nhu cầu của đời sống và văn chương. Ở một vài cá nhân đã có sự quan tâm rõ rệt đối với những nhu cầu tự nhiên của con người như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…nhưng không nhiều.
Nguyễn Trãi là con người khá toàn diện, riêng ở lĩnh vực thơ ca, đó là một con người khá phong tình do vậy mà ta không ngạc nhiên khi thấy mảng thơ viết về thiên nhiên của ông cũng ít nhiều có yếu tố tính dục. Trong bài Tích cảnh thi có rất nhiều từ mang nét nghĩa tả thực nhưng thực ra có bóng dáng sâu xa về sex. Đầy rẫy những ngôn ngữ đậm chất ẩn dụ: cứng-mềm, xuân, hoa hoa-nguyệt nguyệt, cầm đuốc chơi đêm…Nhà nho đạt đạo Nguyễn Trãi dám viết về tính dục và viết thật tinh tế, thật vi diệu, ý nhị. Đọc thơ Nguyễn Trãi, nhất là những bài thơ như thế này ta thấy Nguyễn Trãi thật người, thật đời và cũng thật tình, chuyện sex với Nguyễn Trãi như một nhu cầu khám phá niềm hạnh phúc trần gian và ông đã thể hiện chuyện ý nhị này thật tế nhị mà sâu sắc.
Hầu nên khôn lại tiếc khuâng khuâng
Thu đến đêm qua cảm vả mừng
Một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt
Khoan khoan những lệ ác tan vầng.
Dịp trúc còn khoe tiết cứng
Rày liễu đã rủ tơ mềm
Lầu hồng có khách cầm xuân ở
Cầm ngọc tay ai dắng dõi thêm.
…
Tiếc thiếu niên qua lật hẹn lành
Hoa hoa nguyệt nguyệt luống vô tình
Xuân xanh nỡ phụ cười đầu bạc
Đầu bạc xưa rày có thuở xanh.
…
Ba bảy mươi nào luống nhọc thân
Được thua đã biết sự phân vân
Chớ cười hiền trước rằng dại
Cầm đuốc chơi đêm bởi tiếc xuân.
…
Trong thơ Nguyễn Du, vẻ đẹp thân thể, vấn đề nhục dục cũng được đề cập. Đây là cảnh Kiều tắm:
“Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”
Còn đây là cảnh gái giang hồ tiếp khách bốn phương:
“Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh”
Đây là tâm trạng tiếc nuối của Kiều khi sống trong cảnh lầu xanh:
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung
Yếu tố phồn thực, sinh thực khí, cảnh ái ân trai gái trong thơ Hồ Xuân Hương càng dày đặc hơn nữa: những gò Bồng Đảo, lạch Đào Nguyên, những hang động…hiện lên đầy sức sống, trong mắt của nữ sĩ, hình thể của “thiếu nữ” như một tuyệt tác của tự nhiên. Nếu như tình dục là chuyện mà văn học truyền thống né tránh thì Hồ Xuân Hương khẳng định mạnh mẽ rằng đó là chuyện con người, không cần phải giấu giếm:
Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo
Nguyễn Công Trứ, một bậc danh nho thời Nguyễn nhưng nổi tiếng phong tình thì thẳng thừng tuyên bố:
Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các cho người biết tay
Tài tình dĩ mấy xưa nay ?
Với quan niệm thẩm mỹ khắt khe, những nhà văn, nhà thơ theo học cửa Khổng sân Trình không chú trọng yếu tố tả thực. Nếu nói họ thường dùng các điển tích, cách chơi chữ hoặc dùng từ đa nghĩa. Họ hóa trang, lấp lửng để tránh bị phê phán. Suy cho cùng chủ đề tính dục trong văn học truyền thống sở dĩ bị cấm đoán hoặc khắt khe là vì nó được nhìn nhận dưới góc độ đạo đức. Những gì trái với lẽ thường, trái với quy chuẩn của xã hội phong kiến bị cho là dơ, là xấu, là không ra gì. Quan niệm này đã có sự thay đổi trong văn học thế kỷ XX.
(còn nữa)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Th.S Bùi Thị Kim Phượng
Khoa KHXH&NV, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, Việt Nam
aFaculty of Humanities and Social Science, Duy Tan University, 55000, Danang, Vietnam