Trên bước đường truyền bá và hội nhập, Phật giáo luôn dựa trên hai nguyên tắc căn bản: khế lý và khế cơ. Khế lý là nói về mặt tư tưởng, dù sự biểu hiện của các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng có phong phú đến đâu thì nền tảng tư tưởng vẫn chỉ có một, hướng tới sự giải thoát. Tên gọi có thể khác nhau nhưng giáo lý là một nền tảng xuyên suốt mà đệ tử Phật thực hành theo. Khế cơ là tùy duyên phương tiện. Nhờ có khế cơ nên sự truyền bá Phật giáo tuỳ theo phong tục, tập quán của mỗi quốc gia mà thích ứng để phát triển.
Khi Phật giáo truyền vào Việt Nam đã được Thiền sư người Việt bản địa hoá khiến Phật giáo hoà quyện vào tín ngưỡng, truyền thống, văn hoá của người Việt, tạo nên những sắc thái riêng biệt, đặc sắc của Phật giáo Việt Nam. Nhờ có sự thích ứng khá nhuần nhuyễn này mà những tinh hoa của giáo lý Phật giáo tìm được môi trường thích hợp để nở hoa kết trái. Sức mạnh của Phật giáo thể hiện ở khả năng hoà đồng, tính khoan dung và tinh thần dân chủ, bình đẳng.
Có thể nêu ra một số đặc điểm của Phật giáo Việt Nam như sau:
Thứ nhất, tính dung hợp
Một là, dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Có thể khẳng định, việc Phật giáo kết hợp với tín ngưỡng dân gian là một đặc điểm của Phật giáo Việt Nam.
Như đã biết, Phật giáo tôn thờ các vị Phật, Bồ tát trong chùa, còn tín ngưỡng truyền thống Việt Nam lại thờ phụng các vị thần trong đền, miếu và thờ Mẫu trong phủ, nhưng trong hầu hết các ngôi chùa (nhất là chùa ở miền Bắc hiện nay), ngoài tượng phật, bồ tát còn có nhiều các loại tượng khác như tượng thần, tượng thánh, tượng mẫu... Nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất cho rằng: Ở thời kỳ chưa có sự ảnh hưởng của Phật giáo, những vị thần phổ biến nhất trong đời sống tâm linh của người Việt cổ chính là bốn hiện tượng của tự nhiên, đó là: mây, mưa, sấm và chớp (thần Mây, thần Mưa, thần Sấm và thần Chớp). Các vị thần này thường được thờ trong những ngôi đền. Khi Phật giáo du nhập vào đất Việt và cùng với ảnh hưởng của chữ Hán, bốn vị thần này được “Phật hoá” và được thờ trong chùa và trở thành Tứ Pháp. Trong thần tích về Tứ Pháp, ta thấy hết sức rõ nét sự kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng truyền thống: Hòn đá cầu mưa “có dáng hình một sinh thực khí nam” từ khởi thủy đến nay vẫn còn trong chùa Dâu với danh hiệu đức Thạch Quang (Phật). Các phụ tính thiêng liêng của thần (Mây, Mưa, Sấm, Chớp) trở thành các Phật: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Và tất cả dù có uy vũ đến đâu cũng phải chịu tôn xưng Man Nương là tổ/Phật Mẫu, và thờ ở chùa riêng. Hơn nữa, từ “Buddha” được phiên âm Hán - Việt là Phật-đà, gọi tắt là Phật, thay thế dần bằng từ “Bụt”. Từ “Bụt” chỉ còn trong tín ngưỡng dân gian. Trong đó Trời - Phật - Thần gắn liền và hòa đồng làm một. Người Việt thường có câu “cầu Trời khấn Phật” hoặc “lạy Trời, lạy Phật” hay “con lạy chín phương trời, mười phương Phật, con lạy chư Phật mười phương” những khi gặp khó khăn, bất trắc. Đức Phật trong Phật giáo dân gian đó mang đặc trưng của một vị thần quyền năng. Đó là hình ảnh ông Bụt trong những câu chuyện cổ tích thường xuất hiện lúc con người đau khổ để giúp họ. Còn trong nghệ thuật điêu khắc, các pho tượng Tứ Pháp đều được điêu khắc theo tiêu chuẩn của một pho tượng Phật, nghĩa là đủ 32 hảo tướng, ngồi trên toà sen, đầu đội mũ tỳ lư hay thất Phật...
Ngoài ra, các anh hùng dân tộc cũng được đưa vào thờ trong chùa. Thậm chí, đa số các chùa còn để cả bia hậu, bát hương cho các linh hồn đã khuất. Điều này cho thấy sự hoà hợp một cách rất tự nhiên giữa Phật giáo và tín ngưỡng như một nhu cầu và một thực tế tất yếu ở Việt Nam.
Hai là, tổng hợp giữa các tông phái Phật giáo: Trong quá trình tồn tại và phát triển, Phật giáo chia ra nhiều tông phái khác nhau. Sự phân chia này không phải do mâu thuẫn về tổ chức bất đồng về quan điểm mà do sự giải thích, vận dụng khác nhau ít nhiều trong kinh điển hay giáo thuyết. Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam, các tông phái này thường hoà quyện với nhau, làm nên nét đặc sắc của Phật giáo Việt Nam. Ví dụ như: Các nhà sư đều được gọi là thiền sư (theo Thiền tông), hàng ngày ngồi toạ thiền để tu tập, tĩnh tâm để suy nghĩ, để thấy được tâm, tính và đạt tới giác ngộ, làm trí tuệ bừng sáng; song các thiền sư này vẫn tụng niệm hồng danh Đức Adidà Phật và các vị Phật khác; trước ban thờ Phật có chuông mõ, đèn nhang (theo cách tu tập của Tịnh Độ tông) và, trong gần như tất cả các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam, tượng Phật A Di Đà thường là pho tượng Phật có kích thước lớn nhất được bài trí trong Phật điện, câu “Nam vô A Di Đà Phật” đã trở thành câu cửa miệng của mọi Phật tử khi đến chùa. Bên cạnh đó, những bộ kinh như Vô lượng thọ, Quán vô lượng thọ và Phật thuyết A Di Đà - kinh của tông phái Tịnh Độ - cũng hết sức phổ biến trong các ngôi chùa Việt. Tương tự như vậy, lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi lại khá nhiều các thiền sư có phép thuật và tài thần thông biến hoá, giỏi sử dụng bùa chú, ấn quyết của Mật tông, như thiền sư Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Nguyễn Giác Hải... Và cho đến tận ngày nay, việc trì chú, kết ấn, thực hiện những nghi thức hay sử dụng kinh sách (kinh Kim Cương) của Mật tông vẫn khá phổ biến.
Rộng hơn nữa, ta có thể thấy có sự ảnh hưởng qua lại giữa 2 phái của Phật giáo là Đại thừa và Tiểu thừa. Không chỉ có những điểm chung về kinh sách, giáo lý hay giới luật vốn từ thời khởi phát, mà cả sau này - khi đã chính thức chia thành 2 hệ phái, ta vẫn có thể thấy sự kết hợp trên pho tượng tạc đức Trúc Lâm Đại Đầu Đà (vua Trần Nhân Tông) đặt ở tháp Tuệ Quang (Tuệ Quang kim tháp) - Yên Tử, với nếp áo mang đậm phong cách của phái Tiểu thừa.
Trong một ngôi chùa Việt, ta có thể thấy rõ sự kết hợp của nhiều tông phái, hệ phái Phật giáo trong việc thờ phụng cũng như thực hiện các nghi lễ.
Ba là, sự dung hợp giữa Phật giáo với các tôn giáo khác: Việt Nam là một trong những quốc gia có đặc điểm “tam giáo đồng nguyên” (cả ba tôn giáo có cùng một gốc) và “Tam giáo đồng quy” (cả ba tôn giáo có cùng một mục đích), đó là Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Ba tôn giáo này trợ giúp lẫn nhau: Nho giáo lo tổ chức xã hội, Đạo giáo lo thể xác con người, Phật giáo lo tâm linh đời này và kiếp sau của con người. Trong nhiều thế kỷ, hình ảnh “Tam giáo tổ sư” với Phật Thích Ca ở giữa, Lão Tử ở bên trái, Khổng Tử ở bên phải; hay những ngôi chùa có tên gọi là Tam Giáo đã trở nên hết sức quen thuộc với người Việt. Đặc điểm này được biểu hiện ngay trong tiểu sử của nhiều vị thiền sư nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam như thiền sư Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Dương Không Lộ, Nguyễn Bình An... Ở đó, ta thấy có sự kết hợp không chỉ giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian mà còn cả giữa Phật giáo với Đạo giáo trong từng chi tiết liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của những thiền sư này. Sự kết hợp ấy nhuần nhuyễn đến mức, chúng ta khó có thể nhận ra, đâu là ảnh hưởng của Phật giáo (Mật tông), đâu là Đạo giáo hay tín ngưỡng bản địa. Cũng tương tự như vậy, trong các ngôi chùa hiện nay thường có bộ tượng Ngọc Hoàng - Nam Tào - Bắc Đẩu đặt tại chính điện. Các tín đồ Phật tử cũng quen thuộc tới mức dường như mặc định, đó là tượng của Phật giáo, mà ít người biết rằng, đó vốn là những nhân vật trong thần điện của Đạo giáo. Và, cả những dịp lễ “cầu an, giải sao” mà các chùa thực hiện vào những dịp đầu năm lại cũng cơ bản là bởi ảnh hưởng của Đạo giáo với bộ “Cửu diệu tinh quân” hoặc “Thập nhất liệt diệu tinh quân” và các vị thần khác.
Bốn là, Phật giáo Việt Nam có sự kết hợp giữa đạo và đời: Ở Việt Nam, tinh thần nhập thế của Phật giáo tương đối rõ nét. Tinh thần “nhập thế” này đã trở nên quen thuộc và trở thành tôn chỉ của Phật giáo thời Trần. Cũng nhờ có tinh thần nhập thế - sự kết hợp giữa Đạo và Đời ấy mà quân và dân Đại Việt thời Trần đã ba lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông - đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Cũng hiếm có tôn giáo nào mà các cao tăng, các vị tu hành lại tham gia nhiều như Phật giáo vào việc giải quyết và gánh vác công việc xã hội, suốt từ xưa tới nay. Từ những vấn đề lớn lao của xã hội như đường hướng phát triển, chính sách ngoại giao, đồng hành cùng dân tộc, tham gia làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp đến những công việc đời thường, hàng ngày của chúng sinh như giúp đỡ người nghèo, tư vấn chuyện học hành, thi cử cho các học sinh, lập các Tuệ Tĩnh đường, các trạm xá để chữa bệnh cho dân, xây dựng nhà tình nghĩa... Các tăng, ni hay cộng đồng tín đồ Phật giáo đều có những việc làm thiết thực mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như hưởng ứng các hoạt động của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc phát động xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ quỹ Vì người nghèo, tham gia cùng toàn dân cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bài trừ mê tín, hủ tục và các tệ nạn xã hội. v.v.. với tâm nguyện “phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật” và phương châm “Phật pháp bất ly thế gian giác” (Phật giáo không bao giờ xa rời cuộc sống thế gian).
Thậm chí, ngay cả những chi tiết nhỏ nhất trong nghi lễ Phật giáo cũng trở thành một phương tiện hữu ích trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như tiếng chuông chùa: Trong tiềm thức người dân Việt Nam, gắn với ngôi chùa là tiếng chuông, tiếng mõ. Nó vừa là yếu tố tâm linh lại là phương tiện xác định canh giờ trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Thứ hai, tính hài hoà âm dương
Đây cũng là một đặc điểm đặc trưng của Phật giáo Việt Nam bị ảnh hưởng của phong cách tư duy nông nghiệp. Đối tượng thờ cúng trong các ngôi chùa thường có đầy đủ tính âm - dương như: Trời - Đất, Tiên - Rồng, Ông đồng - Bà đồng... Tuy nhiên, cũng do ảnh hưởng của văn minh nông nghiệp nên đối tượng thờ cúng có phần thiên về nữ tính. Một nhân vật đã trở nên hết sức quen thuộc với người Việt Nam là Phật bà Quan Âm/Quan Âm bồ tát. Xuất xứ ở Ấn Độ của ngài là một Bồ tát hiện tướng nam (Avalokita), nhưng khi đến Việt Nam, dù được tạc ở nhiều tư thế, dạng thức khác nhau nhưng đều là tướng nữ. Có thể tìm được nhiều cách thức biểu hiện của Ngài như: Quan Âm chuẩn đề, Quan Âm toạ sơn, Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm bạch y... và tất cả đều ở dạng nữ - một người phụ nữ với nét mặt hiền hậu mà ta có cảm giác đã gặp đâu đó trong cuộc sống thường nhật và hết sức gần gũi. Ngoài ra, người Việt còn có những vị Phật riêng của mình như: Man Nương Phật Mẫu, Quan Âm Diệu Thiện/Bà chúa Ba... và có lẽ, không có quốc gia nào trên thế giới lại gọi những nhân vật trong thế giới Phật giáo bằng ngôn từ hết sức bình dân nhưng cũng rất thân mật: Phật ông - Phật bà.
Thứ ba, tính linh hoạt
Đặc tính này được nhà Phật gọi là: “Tuỳ duyên bất biến, bất biến (mà vẫn) tuỳ duyên” nghĩa là tuỳ thuộc vào tình huống cụ thể mà người ta có thể tu, giải thích Phật giáo theo các cách khác nhau, nhưng vẫn không xa rời giáo lý cơ bản của nhà Phật. Vì thế, ở Việt Nam việc theo đạo Phật có thể ở mọi nơi, mọi lúc. Phật trong tâm nên người tu hành có thể không cần lên chùa mà vẫn là Phật tử.
Việc Phật giáo kết hợp với các tôn giáo khác và tín ngưỡng dân gian cũng là một biểu hiện sinh động tính linh hoạt của Phật giáo. Ngôi chùa thường là nơi thể hiện sự dung hợp giữa Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và các hình thức tín ngưỡng dân gian trong xu thế “hoà nhi bất đồng”. Chính điều này làm cho Phật giáo Việt Nam trở thành điển hình của tính khoan dung tôn giáo.
Ths. Lê Thị Diệu Mi – Giảng viên Bộ môn VNH-QHQT