star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Đặc điểm của hình tượng nhân vật trữ tình trong thể loại ngâm khúc (phần 2)


Ngâm khúc cùng với thể thơ song thất lục bát là một thành tựu của văn học Việt Nam. Thể thơ này gắn liền với một giai đoạn lịch sử đầy biến động của văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII- nửa đầu thế kỉ XIX mà nhân vật trung tâm là con người với những khổ đau bất hạnh, mất niềm tin vào lí tưởng và nguyên tắc đạo đức phong kiến. Ở đó, con người luôn đi tìm nguyên nhân gây nên nỗi đau cho mình nhưng luôn bế tắc. Bài viết sau đây chỉ ra những đặc điểm của nhân vật trữ tình trong thể loại ngâm khúc của văn học Việt Nam.

Từ khóa: ngâm khúc, thể loại, nhân vật trữ tình

“Ngam khuc” with the “song that luc bat” (double seven-six-eight) is a achievement of Vietnamese literature. This poetry is associated with a period of history of Vietnamese which it’s so turbulent in the last half of the 18th century - the first half of the nineteenth century, the central character of the this period poetry is human with unhappiness, disbelieve with ideal and value of feudal society. There, people always find the cause of their unhappiness but always congested. The following article shows the characteristics of the lyrical character in the “ngam khuc” type of Vietnamese literature.

Key: ngam khuc, type, lyrical character

 

 

2.2. Số phận con người và cuộc đời trong con mắt của  nhân vật ngâm khúc hiện lên hết sức bi đát

Âm hưởng bao trùm trong các khúc ngâm thời kì này là tính trữ tình bi kịch. Tính cách bi kịch nảy sinh từ sự kết hợp giữa diễn biến tâm trạng và hoàn cảnh nảy sinh tâm trạng đó. Sự xung đột trong nội tâm người chinh phụ chính là xung đột giữa chiến tranh phong kiến và hạnh phúc lứa đôi.  Cảnh tượng chiến trường hiện ra trong con mắt người chinh phụ rất bi đát qua gót chân của người chinh phu nơi chiến trường, ở đó số phận con người hết sức mong manh:

Những người chinh chiến bấy lâu

Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây

(Chinh phụ ngâm)

Không những thế, họ thấy rằng con người tồn tại trong cuộc đời là tồn tại trong những cuộc đổi thay đến chóng mặt. Qua những cuộc tàn sát hết sức tàn nhẫn đó, được- mất đều là bi kịch, thậm chí tồn tại cũng là bi kịch:

Gót danh lợi bùn pha sắc xám

Mặt phong trần nắng rám mùi dâu

Nghĩ thân phù thế mà đau

Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê…

…Cánh buồm bể hoạn mênh mang

Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh

(Cung oán ngâm)

nên con người cảm thấy mình chết trong khi đang sống:

Đòi những kẻ thiên ma bách chiết

Hình thì còn, bụng chết đòi nau

(Cung oán ngâm)

Bi đát hơn, Lê Ngọc Hân thấy rằng cuộc đời là một sự đổ vỡ không phương cứu chữa. Nàng đã tuyệt vọng trước cái chết của chồng và như muốn chết theo chồng nhưng vì còn con dại, mặc dù còn sống thì còn cô đơn đau khổ:

 Chữ tình nghĩa trời cao đất rộng

Nỗi đoạn trường còn sống còn đau

(Ai tư vãn)

Đối với người tù nhân, cuộc đời đối với họ là một sự giả dối, lừa gạt tàn nhẫn:

Ghê cho kẻ mọc lông trong bụng

Đặt nên điều vẽ bóng ngoài môi

Ngựa hươu thay đổi như chơi

Dấu gươm đầu lưỡi thọc dùi trong tay

(Tự tình khúc)

Đối với Nguyễn Du, con người và cuộc đời hiện ra hết sức tối tăm:

Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi

Hoặc là như ngọn núi chân mây

Hoặc là điếm cỏ bóng cây

Hoặc là quán nọ cầu này bơ vơ

Hoặc là nương thần từ Phật tự

Hoặc là nhờ đầu chợ cuối sông

Hoặc là trong quãng đồng không

Hoặc nơi gò đống hoặc vùng lau tre

Con người trong Văn chiêu hồn thực chất tồn tại chỉ ở những nấm mồ hoang không nơi nương tựa.

Vậy đâu là cội nguồn của những đau khổ bất hạnh?

2.3. Luôn đi tìm nguyên nhân của những khổ đau bất hạnh

Trước những khổ đau bất hạnh ở hiện tại, nhân vật trữ tình trong ngâm khúc đều cố gắng nhận thức và lí giải cội nguồn của nó vì thế nhân vật đặt ra rất nhiều câu hỏi:

-Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

(Chinh phụ ngâm)

-Vì ai nên nỗi dở dang?

-Ai bày trò bãi bể nương dâu?

-Phận hẩm hiu nhường ấy vì đâu?

(Cung oán ngâm)

-Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?

-Cõi thọ sao hẹp bấy hóa công?

-Mối sầu riêng ai ngỡ cho xong?

(Ai tư vãn)

-Sao kiếp này để mãi gian truân?

-Gông ba thước ai bày nên nợ?

-Hoa kia có biết đoạn trường này chăng?

(Tự tình khúc)

-Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?

-Nén hương giọt nước biết tìm về đâu?

-Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?

(Văn chiêu hồn)

Như tên gọi thể loại đã khu biệt, ngâm là một lời than, một hình thức của độc thoại nội tâm. Nhân vật trữ tình “chỉ ngồi bộc bạch một mình, bộc bạch với mình, nói cho mình biết, nói cho mình hay”(Đặng Thai Mai). Vì thế, độc thoại nội tâm luôn có nhu cầu trở thành đối thoại, nhân vật đối diện với chính mình, đối diện với tâm trạng cô đơn buồn chán nên tự đặt ra nhiều câu hỏi như để hỏi nhân vật thứ hai- nhân vật “siêu hình” định mệnh. Thế nhưng những câu hỏi ấy không một đấng nào trả lời hay đúng hơn không có câu trả lời. Vì thế nhân vật bế tắc, tuyệt vọng và họ đổ lỗi cho số kiếp “kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?”.

3. Kết luận

Trên cơ sở một bối cảnh lịch sử đặc biệt, chế độ phong kiến hoàn toàn sụp đổ ở cuối thế kỉ XVIII- nửa đầu thế kỉ XIX, tưởng như văn học cũng sẽ tàn lụi nhưng không, trái với hiện thực khắc nghiệt, văn học giai đoạn này đã phát triển rực rỡ cả ở nội dung và hình thức thể hiện. Bằng thể thơ song thất lục bát và ngôn ngữ dân tộc, ngâm khúc đã diễn tả được những điều thầm kín  trong tâm hồn con người, có khả năng phản ánh tâm trạng bi kịch của con người thời đại, đặc biệt là người phụ nữ. Nhân vật của khúc ngâm kết thúc không được “đền bù” theo kết thúc “có hậu” của truyện Nôm hay truyện cổ tích mà ở đây kết thúc số phận của họ đều là bi kịch, đều là khổ đau. Đây cũng là đặc điểm riêng có của nhân vật trữ tình trong thể loại ngâm khúc, một thể loại “một đi không trở lại” của văn học Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

[1] Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức (1971), Thơ ca Việt Nam-Hình thức và thể loại, NXB KHXH;

[2] Đặng Thai Mai (1992), Giảng văn Chinh phụ ngâm-NXB Đại học sư phạm

[3] Đặng Thanh Lê (1994), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX, NXB Giáo dục;

[4] Nhiều tác giả(2012), Ngữ văn- Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, “Ngâm khúc và những đặc điểm cơ bản của thể loại”, NXB Văn học, tr15-24.