Chính sách kinh tế mới của V.I.Lê-nin có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xây dựng CNXH không chỉ ở Liên Xô trước đây mà còn cả đối với các nước phát triển đi lên CNXH như nước ta- cơ sở lý luận và thực tiễn của đường lối đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam.
Từ tháng Mười năm 1920 đến tháng Ba năm1921 Nhà nước Xô Viết bước vào một giai đoạn phát triển mới. Những lực lượng phản động trong nước và can thiệp bên ngoài đã bị đập tan. Nhiệm vụ quan trọng và cơ bản của cách mạng là xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội trong điều kiện hòa bình. Do đó, Chính sách "cộng sản thời chiến" đã hoàn thành vai trò lịch sử bất đắc dĩ của nó, giờ đây không thể tiếp tục được thực hiện, vì chính sách này không còn kích thích nông dân hào hứng sản xuất, nông dân nhiều nơi đã tỏ ra bất mãn với Chính sách "cộng sản thời chiến". Đại hội X của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga đã chủ trương thay Chính sách “cộng sản thời chiến” bằng Chính sách kinh tế mới (NEP).Chính sách kinh tế mới (NEP) do V.I. Lê-nin đề ra vào mùa xuân năm 1921 nhằm mục đích tiến hành công cuộc xây dựng CNXH sao cho phù hợp với điều kiện tồn tại thực tế khách quan. “Điều quan trọng là ở chỗ việc chúng ta thay đổi chính sách kinh tế là hoàn toàn căn cứ vào những điều kiện thực tế và sự tất yếu do hoàn cảnh thực tế đặt ra”.[1]
Nội dung chủ yếu của Chính sách kinh tế mới được thể hiện tập trong trong tập sách “ Bàn về thuế lương thực” của Lênin. Nội dung cơ bản của Chính sách kinh tế mới là:
+ Bãi bỏ chế độ trưng thu lương thực thừa thay vào đó là thuế lương thực.
+ Những xí nghiệp nhỏ trước đây bị quốc hữu hóa, nay cho tư nhân thuê hay mua lại để kinh doanh tự do (chủ yếu là xí nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng).
+ Phát triển mạnh tiểu, thủ công nghiệp
+ Cho phép mở rộng trao đổi hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa công nghiệp và nông nghiệp, cho thương nhân được tự do hoạt động (chủ yếu trên lĩnh vực bán lẻ) để góp phần khôi phục kinh tế, củng cố lại lưu thông tiền tệ trong nước, chú trọng quan hệ hàng hóa - tiền tệ, phát triển kinh tế hàng hóa.
+ Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.
+ Thực hiện chế độ hạch toán kinh doanh trong các xí nghiệp quốc doanh.
Chính sách kinh tế mới đã tạo điều kiện phát triển lực lượng sản xuất, vì nó đáp ứng được yêu cầu của các quy luật kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH là nền kinh tế hàng hóa và có nhiều thành phần. Nhờ đó, trong một thời gian ngắn, Nhà nước Xô-viết đã khôi phục được nền kinh tế quốc dân bị chiến tranh tàn phá; đã củng cố khối liên minh công nông; góp phần hình thành một nhà nước công nông nhiều dân tộc đầu tiên trên thế giới đã được thành lập, đó là Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết năm 1922. Kết quả của thực hiện Chính sách kinh tế mới, cuối năm 1922 Liên Xô đã vượt qua được nạn đói và đến năm 1925, nông nghiệp Liên Xô đã vượt mức trước chiến tranh, cung cấp 87% sản phẩm. Ngành đại công nghiệp được phục hồi. Tổng sản lượng công nghiệp năm 1925 so với năm 1913 đạt 75,5% và đến năm 1926 thì khôi phục được 100%. Kế hoạch điện khí hóa tiến hành có hiệu quả, ngành điện và cơ khí chế tạo vượt mức trước chiến tranh, nhiều xí nghiệp công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm đã đạt và vượt mức trước chiến tranh.
Vận dụng Chính sách kinh tế mới ở Việt Nam
Chính sách kinh tế mới có ý nghĩa lý luận, thực tiễn đối với các nước đi theo con đường xây dựng CNXH. Chẳng hạn như vấn đề quan hệ hàng hóa - tiền tệ, phát triển kinh tế hàng hóa, nguyên tắc liên minh công nông, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần; những vấn đề như thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, phát triển kinh tế tư bản nhà nước, sự liên kết giữa kinh tế tư bản tư nhân, nhất là tư bản nước ngoài với nhà nước XHCN... là những vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng để phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN ở nước ta trong điều kiện mở cửa và hội nhập.
Qua hơn 30 năm đổi mới (từ năm 1986), nền kinh tế nước ta đã và đang phát triển theo tư tưởng của Chính sách kinh tế mới của V.I.Lê-nin trong điều kiện và hoàn cảnh mới:
"Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"[2]
Đại hội Đảng lần thứ IX đã xác định: "Các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh;…". Thành phần kinh tế tư nhân (bao gồm bộ phận kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân), được xác định: “ Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN. Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Phát huy quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của mọi công dân để làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội. Mọi thành phần kinh tế, các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”[3].
Đến Đại hội XIII, trong định hướng phát triển, Đảng ta xác định hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Có thể nói, từ Đại hội Đảng lần thứ VI đến Đại hội Đảng lần thứ XIII, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được hoàn thiện và được chứng minh tính đúng đắn trên thực tế khi đã đưa nước ta thoát khỏi thời kỳ khó khăn về kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng có lúc thuộc nhóm cao nhất thế giới. Từ nước nghèo, thu nhập thấp, Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục nghiên cứu chính sách kinh tế mới của V.I. Lê-nin để vận dụng và vận dụng sáng tạo vào công cuộc đổi mới và hội nhập của nước ta có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập. Việt Nam vận dụng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội.
....................................................................
1.V.I.Lênin, toàn tập, T. 44. NXB tiến bộ, M., 1978, tr. 54
2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia , Hà Nội, 2001, tr 86
3. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 205
Th.s Nguyễn Thị Hải Lên- 12/2024