star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Biểu tượng của cây gậy và roi (crook and flail) trong văn minh Ai Cập


Nguyễn Thị Phương Thảo (dịch và biên tập)

Cây gậy, được gọi là heka trong tiếng Ai Cập, là một công cụ được những người chăn cừu sử dụng để bảo vệ đàn cừu khỏi nguy hiểm. Nó bao gồm một cây gậy dài với đầu cong, và trong Ai Cập cổ đại, thường được trang trí bằng các sọc vàng và xanh xen kẽ. Cây gậy có chức năng như một công cụ của người chăn cừu, giúp xua đuổi những kẻ săn mồi và đảm bảo đàn cừu luôn đi cùng nhau, ngăn chặn việc bất kỳ con cừu nào bị lạc.

Roi, trong tiếng Ai Cập gọi là nekhakha, bao gồm một cây gậy có ba dải hạt gắn vào. Tương tự như cây gậy, phần thân roi cũng được trang trí với các sọc vàng và xanh, trong khi các hạt có nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau. Các nhà sử học có những quan điểm khác nhau về mục đích thực sự của roi trong Ai Cập cổ đại. Một giả thuyết phổ biến cho rằng roi được sử dụng như một vũ khí, bảo vệ đàn cừu khỏi thú săn mồi và kẻ trộm. Nó cũng có thể được dùng để điều khiển đàn cừu hoặc hoạt động như một công cụ trừng phạt và roi quất của người chăn cừu. Một cách giải thích khác cho rằng roi là một công cụ nông nghiệp, được sử dụng để đập hạt ra khỏi vỏ cây trồng, thay vì chỉ là một dụng cụ của người chăn cừu.

Cây Gậy và Roi như một Biểu Tượng Kết Hợp

Do có nguồn gốc cổ xưa, quá trình cây gậy và roi chuyển từ những công cụ thực tế sang những biểu tượng quyền lực vẫn còn là điều bí ẩn. Tuy nhiên, theo thời gian, sự kết hợp của hai biểu tượng này dần trở thành dấu hiệu của quyền lực và uy quyền trong Ai Cập cổ đại.

Điều thú vị là ban đầu chúng không được sử dụng cùng nhau. Roi được ghi nhận đã xuất hiện trong giới quan chức cấp cao ở Ai Cập trước khi có sự kết hợp với cây gậy hay trước khi hai biểu tượng này được sử dụng đồng thời. Lần đầu tiên roi được ghi nhận là biểu tượng của những nhân vật quyền lực ở Ai Cập có từ triều đại đầu tiên, dưới thời trị vì của vua Den. Trong khi đó, hình ảnh cây gậy xuất hiện từ triều đại thứ hai, có thể thấy trong các mô tả về vua Nynetjer.

Có lẽ hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của cây gậy và roi trong lịch sử Ai Cập đến từ lăng mộ của vua Tutankhamun (Tut). Cây gậy và roi hoàng gia của ông đã tồn tại qua nhiều thời kỳ và triều đại. Gậy của vua Tut được chế tác từ đồng, trang trí bằng sọc kính xanh, đá obsidian và vàng, trong khi hạt của roi được làm từ gỗ mạ vàng.

Ý Nghĩa Biểu Tượng của Cây Gậy và Roi

Ngoài việc là những biểu tượng chung của hoàng gia hay vương quyền trong Ai Cập cổ đại, cây gậy và roi còn mang nhiều tầng ý nghĩa khác trong nền văn minh Ai Cập. Dưới đây là một số cách giải thích phổ biến:

Đầu tiên là tâm linh – Mối liên kết giữa Osiris cùng các vị thần Ai Cập khác với cây gậy và roi giúp người Ai Cập cổ đại biểu trưng cho tinh thần tâm linh qua hai công cụ này.

Thứ hai là hành trình sang thế giới bên kia – Vì gắn liền với Osiris, vị thần của cõi chết, người Ai Cập cổ đại tin rằng cây gậy và roi tượng trưng cho hành trình đến thế giới bên kia. Họ hình dung Osiris sẽ xét xử linh hồn bằng Chiếc Lông Sự Thật, một cán cân và chính trái tim của người quá cố.

Thứ ba là quyền lực và Kiểm soát – Một số nhà sử học cho rằng cây gậy và roi đại diện cho hai lực lượng đối lập: quyền lực và kiểm soát, nam và nữ, hoặc thậm chí là tâm trí và ý chí. Cây gậy tượng trưng cho lòng nhân từ, trong khi roi đại diện cho sự trừng phạt.

Cuối cùng là cân bằng – Đối với các pharaoh, cây gậy và roi mang ý nghĩa biểu trưng quan trọng. Khi băng hà, các pharaoh được chôn cất với hai biểu tượng này bắt chéo trước ngực, thể hiện sự cân bằng giữa quyền lực và sự điều độ, hoặc giữa lòng nhân từ và sự nghiêm khắc trong vai trò cai trị.

Người Ai Cập cổ đại tin rằng đạt được sự cân bằng này sau khi chết sẽ giúp họ giác ngộ, mở ra con đường tái sinh hoặc thành công trong việc vượt qua thử thách của Osiris.