star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Làm thế nào để có khoảng thời gian Đại học “không bị uổng phí”?


Trần Thị Thanh - Làm thế nào để có khoảng thời gian Đại học “không bị uổng phí”?

Rời đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi, rời mảnh đất nơi mình đã gắn bó suốt 18 năm, mình đến với Đà Nẵng và trở thành sinh viên ngành Truyền thông Đa phương tiện khóa 25 Đại học Duy Tân. Ngành Truyền thông Đa phương tiện cách đây 2, 3 năm về trước có lẽ là một ngành học khá mới và xa lạ với nhiều bạn. Với mình cũng vậy, khi đó mình chẳng nghĩ nhiều, chỉ biết rằng khi đó tính cách mình rất hướng ngoại, mình thích chia sẻ mọi điều mình biết đến cho mọi người xung quanh. Chỉ đơn giản là như vậy, rồi mình tìm hiểu về ngành Truyền thông và nghĩ rằng chắc đây là lựa chọn phù hợp nhất, thế là mình mạnh dạn đăng ký ngay. Và hành sinh của cô sinh viên nhỏ bắt đầu từ đó.


 
Truyền thông Đa phương tiện, học gì?
Nhắc đến ngành học này, có lẽ mọi người sẽ nghĩ ngay đến những bạn sinh viên năng động, nhạy bén, thích ứng nhanh. Thật vậy, khi theo học tại trường, ngoài các môn học lý thuyết, thầy cô còn khéo léo và bắt kịp xu hướng lồng ghép các buổi debate (tranh luận) cho tiết học thêm sôi động. Ngoài ra, sinh viên còn có những chuyến đi thực tế, như lớp mình đã được đi cắm trại tại Cù lao Chàm do TS. Hoàng Thị Hường và ThS. Nguyễn Thị Lê Dung hướng dẫn. Bên cạnh đó, mình còn được tham gia vào dự án truyền thông về môi trường dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của ThS. Bùi Thị Kim Phượng. Một hoạt động không kém phần ý nghĩa mà các bạn sinh viên đã được tham gia gần đây nhất là trồng 20 cây Lim xẹt tại Trạm rada 29 trên đỉnh núi Sơn Trà. Đây là hoạt động thuộc chương trình “Lắng nghe tiếng nói môi trường” do Hội Sinh viên lớp Văn học Việt Nam - Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Duy Tân tổ chức nhằm góp phần phủ xanh đồi trọc trên núi Sơn Trà, bảo vệ môi trường sống của động - thực vật nơi đây.  Talkshow Đương đầu với đại dịch – Du lịch Đà Nẵng với sự hướng dẫn tận tình của TS. Trần Thị Ánh Nguyệt đã cho sinh viên có cái nhìn mới mẻ hơn về “thời kỳ mới” cũng như cơ hội cho các bạn tổ chức talkshow. Không những thế, nhà trường cũng phối hợp với các đơn vị trường thuộc khu vực châu Á tổ chức các hội thảo online và nhiều sự kiện khác do khoa chỉ đạo cho các bạn cơ hội tham gia và trải nghiệm nhiều.


 
Làm thế nào để có khoảng thời gian Đại học “không bị uổng phí”?
Mình biết là chúng ta sẽ có cho mình những trải nghiệm khi học Đại học khác nhau, nhưng nếu có ai đó hỏi mình làm thế nào để có được những trải nghiệm Đại học thực tế, ý nghĩa và đặc biệt là FREE thì đây chính là những trải nghiệm hợp lý nhưng không mất phí của mình. Khi mới bước chân vào Đại học việc đầu tiên mình làm là tìm kiếm các câu lạc bộ liên quan đến ngành học, hoặc câu lạc bộ liên quan đến sở thích, kỹ năng… mà mình có hoặc muốn trau dồi. Khi đó mình cũng chỉ đăng ký một câu lạc bộ thôi, may mắn là khi ấy mình được nhận và trở thành copywriter của câu lạc bộ International Media. Thời gian sau mình có cơ hội được đi chụp và trở thành 1 tay chụp “nghiệp dư”, cũng như có cơ hội tham gia sự kiện âm nhạc Đông Concert cùng câu lạc bộ. Đến năm 2 mình bắt đầu tìm kiếm những môi trường khác nhau để trải nghiệm. Mình có cơ hội tham gia những dự án ngắn hạn như tham gia cộng tác cho talkshow Nói Ni Nghe Nè, tham gia tổ chức sự kiện âm nhạc cuối năm. Hiện tại, mình cũng đang là CTV content marketing tại Sông Hàn incubator, đến với SHi mình có cơ hội được trải nghiệm công việc thực tế, qua đó mình cũng biết được thế mạnh của bản thân, mình làm được gì và chưa làm được gì. 
Qua đây mình cũng rút ra một công thức chung cho những bạn nào hứng thú, đó là “Tham gia clb - tham gia các sự kiện tại trường - mở rộng phạm vi trải nghiệm - tập trung lại vào chính mình”. 


 
“Whatever you are. You are awesome!”
Mình từng trải qua khủng hoảng tâm lý cá nhân. Mình không biết mình là ai, mình áp lực với mọi thứ xung quanh, và mình nhiều lần muốn từ bỏ việc học Đại học…Nhưng mình chợt nhận ra không có hành trình nào là dễ dàng, nếu mình không cố gắng vượt qua thì mình đã thất bại ngay khi bắt đầu. Dần dần, mình đã mạnh mẽ hơn và học được cách chấp nhận và vượt qua. Mình tin chắc rằng mỗi người chúng ta đều có những giá trị riêng, hãy mạnh dạn trải nghiệm, thử thách bản thân, hãy để chính mình được phép sai và rút kinh nghiệm từ những lần sai đó. Rồi bạn sẽ tìm thấy chính mình, bạn tuyệt vời nhất khi bạn là chính bạn!