Sáng ngày 05/11/2022, tại hội trường tầng 4 của Duy Tan Tower đã diễn ra buổi Talkshow “American Film Showcase 2022”, với sự góp mặt của nhà làm phim tại San Francisco và Đài Loan - Đạo diễn S. Leo Chiang; Tùy viên báo chí Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TpHCM, bà Bintu Musa - Harry; TS. Hoàng Thị Hường - Phó Hiệu trưởng thường trực trường Ngoại ngữ - XHNV, trưởng khoa KHXH&NV cùng các giảng viên và sinh viên chuyên ngành báo chí, truyền thông trường Đại học Duy Tân.
Giới thiệu về đạo diễn S. Leo Chiang
S. Leo Chiang là một nhà làm phim hoạt động chủ yếu tại San Francisco và Đài Bắc. Bộ phim gần đây nhất của ông, Our Time Machine (2019), đã được đề cử giải Emmy và giải Gotham. Vào năm 2020, ông làm đạo diễn cho hai tập của loạt phim 5 phần PBS đoạt giải Peabody, Asian Americans. Các bộ phim trước đây của ông bao gồm bộ phim được đề cử giải Emmy, A Village Called Versailles (2009), Out Run (2016), Mr. Cao Goes to Washington (2012), và To You Sweetheart, Aloha (2004).
Các tác phẩm của S. Leo Chiang đã nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ tài liệu Sundance, Viện phim Tribeca và ITVS. Ông cũng từng là thành viên của Sundance-Time Warner, thành viên của Rockwood JustFilms và là đồng chủ tịch của New Day Films.
S. Leo Chiang đã từng làm cố vấn/người huấn luyện cho Hot Docs CrossCurrent Fellowship, Diễn đàn Phim tài liệu Trung Quốc CNEX và AIDC của Úc. Ông là người đồng sáng lập A-Doc, Mạng lưới Phim tài liệu người Mỹ gốc Á và là thành viên mảng phim tài liệu của Viện Hàn lâm Khoa học và Điện ảnh.
“Work hard, dream big”
Với kinh nghiệm làm nghề nhiều năm, đạo diễn S. Leo Chiang đã mang đến rất nhiều sản phẩm nổi bật. Song hành trình nào cũng đầy rẫy những khó khăn, gian nan ban đầu. Đối mặt với thử thách cam go trong những năm đầu sự nghiệp, đạo diễn Leo chia sẻ về động lực đã giúp ông vững chãi theo đuổi nghề làm phim: “...Tôi thích gặp gỡ những người bạn mới, lắng nghe những câu chuyện mới, được học về những điều mới lạ, những tập quán phong tục cũng như văn hóa bản sắc đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Những điều mới mẻ luôn cuốn hút tôi. Và đương nhiên, tôi cũng yêu nghệ thuật. Tôi khao khát được ngắm nhìn thế giới qua những lăng kính, góc độ khác nhau và mổ xẻ, khám phá nó.” Bên cạnh đó, bởi cảm thấy sự thiếu vắng của các bộ phim Mỹ kể về những con người giống như ông - người Mỹ gốc Á, nên ông mong muốn được đưa câu chuyện của bản thân nói riêng và cộng đồng người Mỹ gốc Á nói chung đến gần hơn với khán giả đại chúng.
Cuộc sống trong những thước phim
Đạo diễn S. Leo Chiang nổi tiếng với những bộ phim tài liệu chân thật đến từng góc quay. Ở đạo diễn Leo, bất kì điều gì cũng đều có thể trở thành chủ đề cho những sáng tạo. Ông thích thú tìm kiếm và khám phá thế giới rộng lớn, nơi mạch nguồn cảm hứng hé mở cho những thước phim của mình. Có thể nói rằng những thước phim của đạo diễn Leo chính là khung cảnh đời sống đang vận hành quay quanh ông và nhà làm phim đã thu hiện thực vào trong những góc máy để kể câu chuyện theo một cách độc đáo, ấn tượng.
Ông cũng thẳng thắn chia sẻ rằng một chủ đề không đủ để viết nên cả câu chuyện, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau mới có thể làm nên một câu chuyện có sức hút với khán giả.
Thách thức trong sự nghiệp
Khi nói về những thước phim ấn tượng nhất của đạo diễn Leo, chắc chắn ta phải nhắc đến “A Village Called Versailles” (2009) – bộ phim tài liệu về cộng đồng người Mỹ gốc Việt phản đối chính quyền dồn một bãi rác độc hại nguy hiểm tại khu vực Versailles, nơi họ sinh sống, sau cơn bão Katrina vào năm 2005.
Đạo diễn Leo chia sẻ về nỗi băn khoăn lớn đối với ông chính là làm sao để những khán giả đang theo dõi bộ phim, dù không phải là người Việt Nam, hay là không biết đến cơn bão Katrina thì vẫn tìm được sự kết nối để thấu cảm và hiểu cho những nhân vật trong câu chuyện này.
Từ nỗi băn khoăn ấy, đạo diễn Leo đã nhận ra thách thức lớn nhất của bản thân chính là tìm kiếm và khai thác những chủ đề gần gũi, phổ biến, quen thuộc với mọi người để bất kì bạn là ai, bạn ở đâu, bạn đến từ đâu, nền tảng của bạn như thế nào,...thì bạn vẫn có thể tìm thấy chính mình trong những câu chuyện đó.
Sau nhiều năm “lăn lộn” trong ngành điện ảnh, đặc biệt ở mảng phim tài liệu, đạo diễn S. Leo Chiang nhận thấy rằng “Home” (tạm dịch: Nhà - nơi trở về) là một chủ đề có phạm trù rộng lớn.
Lấy ví dụ về cộng đồng người Mỹ gốc Việt, những người phải sống tha hương nghĩa là đã phải rời xa cội nguồn, và giờ đây sau cơn bão Katrina, một lần nữa, những con người này lại đối mặt với việc rời bỏ chính ngôi nhà của mình. “Thật khủng khiếp khi nghĩ đến việc rời bỏ chính căn nhà của mình, rời bỏ quê hương và cả những người bạn gần gũi thân thiết.” – Đạo diễn Leo chia sẻ. Đây cũng chính là một chủ đề phổ biến mà bất cứ ai khi nghĩ đến cũng sẽ có cảm nhận tương tự.
Storytelling - Nghệ thuật kể chuyện trong phim
Storytelling có nghĩa là “kể chuyện”. Đây là hình thức nghệ thuật tương tác kết hợp sử dụng từ ngữ và hành động nhằm biểu lộ các chi tiết, hình ảnh của một câu chuyện. Storytelling thành công sẽ tạo sự kết nối cảm xúc và đưa khán giả đến gần hơn với bộ phim.
Trong buổi talkshow, đạo diễn S. Leo Chiang chia sẻ: “Ở bộ phim về những người Mỹ gốc Việt, xuất hiện những thành phần khác nhau trong cộng đồng, chính vì thế khi đưa câu chuyện vào những thước phim, tôi đã cố gắng đặc tả những tiếng nói, những ý kiến riêng biệt trong cộng đồng. Và điều đó là nhân tố đảm bảo cho tính cân bằng của một bộ phim. Tôi cố gắng để cho những nhân vật xuất hiện đều có quyền lên tiếng, và thông qua điều đó ta có thể nhận lại một câu chuyện phong phú và vô cùng chân thực."
Nhận câu hỏi từ một bạn sinh viên về những mảng chủ đề mình quan tâm, đạo diễn Leo bộc bạch: “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất khi tôi tìm kiếm những mảng chủ đề là luôn tự hỏi chính mình rằng liệu câu chuyện mình muốn kể có ý nghĩa gì với bản thân mình. Liệu việc mình đào sâu vào nó có phù hợp hay không.” Bằng việc trả lời những tự vấn đó, đạo diễn Leo có thể quyết định điều mình muốn thể hiện là gì. Qua đó, ông sẵn sàng “dấn thân” vào để có thể hiểu một cách trọn vẹn.
Xuyên suốt buổi talkshow, đạo diễn Leo liên tục nhắc về thành ngữ “Storytelling”, bởi chính ông là một storyteller, người đã bắt chụp trọn vẹn những cảm xúc của các nhân vật xuất hiện trong bộ phim để truyền tải những thông điệp, chủ điểm ý nghĩa đến khán giả đại chúng. Buổi talkshow đã diễn ra vô cùng thành công khi đưa khái niệm về thành ngữ “Storytelling” đến gần với các bạn sinh viên, cũng như để lại nhiều kinh nghiệm quý giá cho thế hệ trẻ.
(CLB Báo chí & Truyền thông JC Chance)