star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Sinh viên Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn DTU trồng cây trên đỉnh Sơn Trà


Chiều ngày 19/3/2021, Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn thuộc trường Đại học Duy Tân đã phối hợp với Trung đoàn 290 thuộc Quân chủng Phòng không Không quân trồng 20 cây Lim xẹt tại Trạm rada 29 trên đỉnh núi Sơn Trà. Đây là hoạt động thuộc chương trình “Lắng nghe tiếng nói môi trường” do Hội Sinh viên lớp Văn học Việt Nam - Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Duy Tân tổ chức nhằm góp phần phủ xanh đồi trọc trên núi Sơn Trà, bảo vệ môi trường sống của động - thực vật nơi đây. 

Sinh viên Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn cùng các chiến sĩ Trạm rada 29 trồng cây

Bán đảo Sơn Trà được biết đến là “Lá phổi xanh” của Tp. Đà Nẵng, là khu bảo tồn thiên nhiên có hệ sinh thái đa dạng, là “ngôi nhà” của nhiều loại động vật hoang dã nhất là Vooc Chà vá chân nâu - “nữ hoàng” của loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam và thế giới. Trước thực tế, một phần cây xanh trên núi Sơn Trà bị chặt phá khiến hệ sinh thái nơi đây bị mất cân bằng, nhiều loài động vật không còn nơi cư trú, Hội Sinh viên lớp Văn học Việt Nam đã lên ý tưởng và triển khai thực hiện chương trình “Lắng nghe tiếng nói môi trường”. Trong đó trồng cây xanh trên núi Sơn Trà là hoạt động thiết thực nhằm góp phần lan tỏa ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong cộng đồng, đặc biệt là đối với các bạn sinh viên đồng thời chứng minh văn học không chỉ là lý thuyết mà còn là được triển khai thực tế trong xã hội.

Các bạn sinh viên nữ hăng hái với việc trồng cây

Sau khi liên hệ và làm việc với Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà cùng Trung đoàn 290 để tìm hiểu về địa hình, khí hậu và thổ nhưỡng, Hội sinh viên và các giảng viên đã lựa chọn cây Lim xẹt - một loại cây nhiệt đới, có khả năng sinh trưởng phát triển tốt trong nhiều điều kiện khác nhau kể cả nắng nóng và khô hạn để trồng tại Trạm Rada 29 - Trung đoàn 290, trên đỉnh núi Sơn Trà và được mệnh danh là “mắt thần Đông Dương”, nơi nằm ở độ cao  621m so với mực nước biển. Vì ở Đà Nẵng loài cây này rất hiếm nên để có được giống cây tốt nhất, Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn đã phải “lặn lội” tìm và vận chuyển từ miền Tây về Đà Nẵng để trồng trên đỉnh Sơn Trà.

Các cán bộ Trạm rada 29 và sinh viên DTU gia cố cọc chống để tránh cây bị gió quật đổ

Tham gia đón sinh viên và hỗ trợ sinh viên trồng cây, đồng chí Nguyễn Vũ Trường - Bí thư Chi đoàn cơ sở Trạm rada 29 cho biết: “Hoạt động trồng cây của cô và trò Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Duy Tân thực sự ý nghĩa khi góp phần vào việc bảo vệ hệ sinh thái của núi Sơn Trà, tạo môi trường sống cho các loài động vật ở đây. Đây cũng là cơ hội để gắn kết giữa bộ đội với các đoàn viên thanh niên của nhà trường, tăng tình quân dân. Tháng 3 cũng là tháng thanh niên, hoạt động trồng cây như hôm nay sẽ khuyến khích tinh thần xung kích trong giới trẻ, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, làm tấm gương cho nhiều bạn trẻ noi theo.”

Giảng viên cùng sinh viên Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn giao lưu, tìm hiểu về lịch sử của Trạm rada 29 và chụp hình lưu niệm với các cán bộ Trạm

Sinh viên Trần Thị Thanh - Lớp K25 VTD1, thành viên Hội sinh viên lớp Văn học Việt Nam cho biết: “Khi học môn Văn học Việt Nam và Môi trường, chúng em đã đọc rất nhiều các tác phẩm viết về đề tài môi trường, về núi rừng của các nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Minh Châu hay sau này là của Nguyễn Ngọc Tư,… Chúng em cũng đã làm nhiều bài tham luận về vấn đề môi trường trong cuộc sống cũng như trong văn học nên hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, nhất là việc trồng cây phủ xanh đồi trọc. Trong khuôn khổ của hoạt động trồng cây, được giao lưu cùng với các cán bộ và chiến sĩ ở Trạm rada 29 giúp chúng em thêm tự hào về truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội.”

Hiện tại, Hội Sinh viên cũng đã lập fanpage Lắng nghe Tiếng nói môi trường tại địa chỉ https://www.facebook.com/haytrong1cay và soạn thảo Thư ngỏ nhằm kêu gọi mọi người ủng hộ, cùng chung tay thực hiện chương trình. Với hình thức này, sinh viên lớp Văn học Việt Nam mong muốn truyền thông rộng rãi hơn về các hoạt động trồng cây và bảo vệ môi trường để mang đến một bầu không khí trong lành cho người dân.

Nguồn: https://duytan.edu.vn/news/NewsDetail.aspx?id=5000&pid=2069&lang=vi-VN