star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Mạng lưới Trao đổi Thực tập sinh ASEAN: Cơ hội lớn dành cho Sinh viên Duy Tân


Nhằm đánh giá việc thực hiện các thỏa thuận của Chương trình trao đổi thực tập sinh ASEAN (SEA-TVET) lần thứ 4 để góp phần thúc đẩy hợp tác về giáo dục, khoa học, văn hóa giữa các trường trong khu vực ASEAN và các đối tác của SEAMEOĐại học Duy Tân đã phối hợp với Ban Thư ký SEAMEO đăng cai tổ chức Hội nghị Mạng lưới thực tập sinh ASEAN (thuộc mạng lưới SEAMEO - Tổ chức các Bộ trưởng Giáo Dục Đông Nam Á) lần thứ 6 diễn ra từ ngày 16 - 19/10/2019. Đây còn là cơ hội hấp dẫn cho sinh viên Duy Tân nói riêng và Việt Nam nói chung trong việc trải nghiệm học tập và làm việc ở môi trường quốc tế.

Mạng lưới Trao đổi Thực tập sinh ASEAN: Cơ hội lớn dành cho Sinh viên Duy Tân

Cô Lê Nguyễn Tuệ Hằng, Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân đề xuất giải pháp tại Hội nghị Mạng lưới trao đổi thực tập sinh ASEAN lần thứ 6 

Tham dự Hội nghị Mạng lưới trao đổi thực tập sinh ASEAN lần thứ 6 có 160 đại biểu đến từ 64 tổ chức giáo dục thuộc Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam cùng đại diện của Bộ Giáo dục Malaysia. Tại đây, các đại biểu tập trung chia sẻ thông tin về hoạt động trao đổi sinh viên giữa các trường thành viên SEAMEO. Song song đó là cùng nhau thảo luận kế hoạch hành động của Mạng lưới SEA-TVET giai đoạn 2020 - 2023.

Khai mạc buổi lễ, TS. Ethel Agnes Valenzuela, Giám đốc điều hành Ban thư ký SEAMEO phát biểu: “Từ đầu năm 2018 đến nay, SEAMEO đã thực hiện trao đổi thành công 1.143 sinh viên. Đã đến lúc Mạng lưới trao đổi thực tập sinh ASEAN cần phải mở rộng sang các khu vực khác. Theo như Hội nghị Lãnh đạo Chương trình trao đổi thực tập sinh ASEAN lần thứ 5 được tổ chức vào tháng 9 vừa rồi ở Brunei Darussalam đã đề xuất tối ưu hóa việc hợp tác giữa các trường thành viên, việc trao đổi sinh viên đến phát triển năng lực và trao đổi giảng viên. Do vậy, hy vọng trong Hội nghị lần này, chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi tích cực về những vấn đề trên và đưa ra kết quả tuyệt vời nhất. Đồng thời, chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến thầy Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Duy Tân và cô Lê Nguyễn Tuệ Hằng - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân đã hỗ trợ nhiệt tình trong công tác tổ chức, góp phần không nhỏ vào sự thành công của Hội nghị Mạng lưới trao đổi thực tập sinh ASEAN lần thứ 6.”

Phát biểu tại Hội nghị, Nhà giáo Ưu tú, Anh hùng Lao động Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Duy Tân chia sẻ: “Đại học Duy Tân rất vinh dự khi được đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 6 Mạng lưới trao đổi thực tập sinh ASEAN. Tuy hội nghị chỉ diễn ra chỉ vài ngày thôi, nhưng chúng tôi hy vọng rằng, đây sẽ là cơ hội để các nước cùng nhau thỏa thuận về chương trình hợp tác trao đổi sinh viên và giảng viên giữa các trường đại học, cao đẳng trong khu vực. Qua đó, chúng ta có thể cùng nhau học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và chung tay giải quyết những vấn đề lớn mang tính toàn cầu như: bệnh tật, đói nghèo và biến đổi khí hậu. Thông qua Hội nghị này, Đại học Duy Tân mong muốn sẽ được học hỏi nhiều kinh nghiệm hơn nữa trong việc trao đổi đội ngũ giảng viên và thực tập sinh giữa các nước, đồng thời, tạo sự gắn bó hữu nghị ngày một đậm đà hơn trong cộng đồng các nước ASEAN.

Mạng lưới Trao đổi Thực tập sinh ASEAN: Cơ hội lớn dành cho Sinh viên Duy Tân

Nhà giáo Ưu tú, Anh hùng Lao động Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Duy Tân ký kết hợp tác với các trường đại học đến từ nhiều nước trong khu vực ASEAN

Tại Hội nghị Mạng lưới trao đổi thực tập sinh ASEAN lần thứ 6, các chuyên gia đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm và có những định hướng phát triển riêng từ chương trình SEA-TVET lần thứ 4. Đại diện trường Cao đẳng Công nghệ, Đại học Khoa học và Công nghệ đến từ Philippines - GS.TS Angeline Basco cho rằng: “Chúng tôi cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc liên kết hợp tác với các trường đại học để có thể mở ra nhiều cơ hội thực tập và trải nghiệm môi trường làm việc quốc tế cho sinh viên. Các em được phát triển tốt hơn về chuyên môn cùng với các kỹ năng ‘mềm’. Đồng thời, chúng tôi còn nhận ra khả năng thích nghi nhanh chóng của sinh viên trước những nền văn hóa khác nhau.” Không dừng lại ở đó, ông Mahesorn Pattanarat, Giám đốc trường Cao đẳng Kỹ thuật Pattani, Thái Lan cảm thấy rất tâm đắc về chương trình này. Bởi sinh viên của họ học được cách giải quyết vấn đề, giao tiếp tự tin và khả năng thích nghi môi trường làm việc tại một đất nước khác ngày một tốt hơn. Bên cạnh đó, còn được phát triển mọi kỹ năng một cách toàn diện và chuyên nghiệp hơn, được mở rộng kiến thức về nét văn hóa đặc trưng của các quốc gia. 

Giải pháp hình thành mạng lưới nghiên cứu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 là đề xuất của cô Lê Nguyễn Tuệ Hằng, Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân sau quá trình đúc kết kinh nghiệm để đưa ra kế hoạch hành động của mạng lưới SEA-TVET. Bởi việc tạo mạng lưới nghiên cứu giúp sinh viên phát triển đầy đủ những kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai như: Tư duy phân tích và đổi mới, chiến lược học tập và học tập tích cực, sáng tạo và sáng kiến, thiết kế công nghệ và lập trình, tư duy phản biện và phân tích, giải quyết những vấn đề phức tạp, lãnh đạo và tác động xã hội, trí tuệ cảm xúc, lý luận giải quyết vấn đề và ý tưởng, phân tích và đánh giá hệ thống.

Tôi cho rằng, chúng ta cần tăng cường nhận thức trong sinh viên về tầm quan trọng của việc trang bị các kỹ năng, tạo sân chơi bổ ích để phát triển toàn diện các kỹ năng đó. Đồng thời, để việc hình thành nhóm nghiên cứu trở nên dễ dàng hơn, chúng ta cần có sự kết nối giữa các Khoa, các Nhà nghiên cứu và sinh viên các nước ASEAN. Trong nhiều năm qua, với sự hỗ trợ từ Quỹ Newton của Hội đồng Anh (Bristish Council), Đại học Duy Tân đã thường xuyên tổ chức trại hè nghiên cứu quốc tế và trao các suất học bổng cho sinh viên Duy Tân cũng như sinh viên các trường đại học khác ở Việt Nam. Ở trại hè, Đại học Duy Tân đã kết hợp cùng các giáo sư đến từ Đại học Queen’s Belfast, Anh tổ chức nhiều hội thảo để các bạn sinh viên có thể nắm bắt tập trung vào 3 kỹ năng: Tư duy phân tích và đổi mới, chiến lược học tập và học tập tích cực, sáng tạo và sáng kiến. Đồng thời, chúng tôi còn cung cấp những thông tin về học bổng tiến sĩ và cách thức để xin học bổng cho những bạn có nguyện vọng tiếp tục học tập. Kết quả thu về là hơn 50% sinh viên nhận được học bổng sau đại học ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ.” - Cô Lê Nguyễn Tuệ Hằng chia sẻ.

Mạng lưới Trao đổi Thực tập sinh ASEAN: Cơ hội lớn dành cho Sinh viên Duy Tân

Các chuyên gia chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị Mạng lưới trao đổi thực tập sinh ASEAN lần thứ 6 

Ngoài việc hình thành mạng lưới nghiên cứu thì kế hoạch phát triển năng lực giảng viên TVET đã được các chuyên gia thống nhất tại Hội nghị Mạng lưới trao đổi thực tập sinh ASEAN lần thứ 6. Không chỉ vậy, Hội nghị còn đặt ra mục tiêu năm 2020 sẽ đánh giá các trường thành viên TVET để xác định được các tiêu chuẩn cần hướng đến, năm 2022 sẽ xây dựng hồ sơ năng lực và 2023 đưa ra được chính sách chung cho các trường thành viên. Ngoài ra, các chuyên gia còn mở thêm chương trình trao đổi giảng viên ASEAN lần thứ 1.

Kết thúc Hội nghị, các trường đại học, cao đẳng thuộc thành viên SEAMEO đã cùng nhau ký kết hợp tác trao đổi sinh viên và giảng viên trong năm 2020. Với mong muốn hỗ trợ sinh viên Duy Tân trang bị kiến thức, kỹ năng thiết yếu và tìm kiếm cơ hội thực tập, làm việc trong môi trường quốc tế, Đại học Duy Tân cũng đã ký kết trao đổi sinh viên và giảng viên với 9 trường đại học trong khu vực ASEAN. Đây chính là một trong những tiền đề để sinh viên Duy Tân nói riêng và sinh viên Việt Nam nói chung có thể trở thành công dân toàn cầu.

Nguồn: https://duytan.edu.vn/news/NewsDetail.aspx?id=4627&pid=2062&lang=vi-VN