Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm về “Nhân dân” là một nội dung cơ bản và chiếm vị trí trung tâm, chi phối. “Tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân” là một trong những nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ý thức tôn trọng Nhân dân thể hiện ở việc coi trọng, đề cao nhân dân như Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại” . Tôn trọng Nhân dân trong đạo đức Hồ Chí Minh là đề cao ý dân, sức dân, bởi “dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vì vậy, “đối với dân ta đừng có làm điều gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy” . Người yêu cầu cán bộ, đảng viên hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, yêu kính Nhân dân, thật sự tôn trọng Nhân dân.
Thấm nhuần sâu sắc vị trí, vai trò của nhân dân trong lịch sử dân tộc “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân… Lật thuyền mới rõ dân như nước”. Đồng thời là sự vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác-Lênin khi các nhà kinh điển khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng Nhân dân, Nhân dân đóng vai trò quyết định trong sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “vô luận việc gì đều do người làm ra, từ nhỏ đến to, từ gần đến xa đều thế cả”. “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”. Theo Người, “nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng… Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Muốn thật sự tôn trọng Nhân dân thì phải hiểu dân. Chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân. Kế thừa quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”. Mặt khác, phải thấy rằng dân chúng tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên” . Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kinh nghiệm trong nước và các nước cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong”.
Cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của Nhân dân, ý thức tôn trọng Nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm Nhân dân. Phải luôn luôn tôn trọng và giữ gìn của công, của Nhân dân. Hồ chí Minh chỉ rõ tôn trọng Nhân dân có nhiều cách, “không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực vật lực của dân, Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân”.
Trên cơ sở nhận thức “nước lấy dân làm gốc”, ý thức tôn trọng Nhân dân phải luôn gắn chặt những “điều không nên” và những “điều nên” làm. Giữa năm 1948, Hồ Chí Minh đã chỉ ra 6 điều không nên làm và 6 điều nên làm.
6. điều không nên:
1. Không nên làm điều gì có thể thiệt đến nương vườn, hoa màu, hoặc làm bẩn, làm hư nhà cửa, đồ đạc của dân.
2. Không nên nǎn nỉ quá hoặc mượn cho bằng được những đồ vật người ta không muốn bán hoặc cho mượn.
3. Không nên đưa gà còn sống vào nhà đồng bào miền ngược.
4. Không bao giờ sai lời hứa.
5. Không nên xúc phạm đến tín ngưỡng phong tục của dân (như nằm trước bàn thờ, giơ chân lên bếp, đánh đàn trong nhà, v.v.).
6. Không nên làm hoặc nói gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem khinh họ.
6. điều nên làm:
1. Giúp công việc thực tế hàng ngày cho đồng bào (như việc gặt hái, lấy củi, nước, vá may, v.v.).
2. Tuỳ khả nǎng mà mua giùm những đồ cần dùng cho những người ở xa chợ búa (như dao, muối, kim, chỉ, bút, giấy, v.v.).
3. Nhân những lúc rảnh, kể cho đồng bào nghe những chuyện vui ngắn, giản dị có ích lợi cho tinh thần kháng chiến mà không lộ bí mật.
4. Dạy dân chữ quốc ngữ và những điều vệ sinh thường thức.
5. Nghiên cứu cho hiểu rõ phong tục mọi nơi, trước là để gây cảm tình và sau để dần dần giải thích cho dân bớt mê tín.
6. Làm cho dân nhận thấy mình là người đứng đắn, chǎm công việc, trọng kỷ luật.
Trong 6 điều không nên làm có những điều liên quan đến cuộc sống hàng ngày của Nhân dân nói chung, đồng bào miền ngược nói riêng như tín ngưỡng phong tục, đáng chú ý là “không bao giờ sai lời hứa”, “không nên làm hoặc nói điều gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem khinh họ”. Những điều nên làm cũng liên quan đến công việc thực tế hàng ngày, đặc biệt là “làm cho dân nhận thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật”. Hồ Chí Minh kết thúc 12 điều đó bằng bài thơ cổ động khẳng định đã là người yêu nước thì “nhất quyết không quên” và ai cũng làm được, phải biến thành thói quen, muôn người như một.
Bài thơ cổ động
Mười hai điều trên,
Ai làm chả được.
Hễ người yêu nước,
Nhất quyết không quên.
Tập thành thói quen,
Muôn người như một.
Quân tốt dân tốt,
Muôn sự đều nên.
Gốc có vững cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.
Đạo đức nói chung, liên quan đến tôn trọng Nhân dân nói riêng thì phải nêu gương về trong sạch, đề cao chữ Liêm. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức về tôn trọng Nhân dân là không xâm phạm đến Nhân dân, một trong những biểu hiện rõ nhất là thực hành chữ Liêm. Liêm là trong sạch, không tham lam, tham ô, tham nhũng. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng “những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ Trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân… Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu”. Liêm thì phải đi với Kiệm, có kiệm mới liêm được, vì xa xỉ mà sinh ra tham lam. “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Đã là sâu mọt, khoét đục - nhất là “có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư” - thì không thể gọi là trọng dân.
Tôn trọng Nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, những người “ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy”. Vì vậy, những người làm trong các công sở phải làm gương cho dân bắt chước. “Cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân”. Làm được như vậy thì dân tin, gốc vững. Mà “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Th.s Nguyễn Tấn Tài – Giảng viên Tổ LLCT