Việt Nam và Vương Quốc Anh
chính thức ký kết hiệp định Thương Mại Tự Do
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam, Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) đã chính thức được ký kết bởi đại diện ủy quyền (Đại sứ) của Chính phủ hai nước tại London vào 21 giờ tối ngày 29/12/2020 (theo giờ Việt Nam).
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh không thể trực tiếp có mặt và thực hiện ký kết theo thông lệ nên đã ủy quyền cho Đại sứ hai nước trực tiếp ký tại Anh. Trước đó, ngày 11/12/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Elizabeth Truss đã ký Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định UKVFTA, tạo cơ sở để 2 nước tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để ký kết chính thức.
Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Theo đó, Hiệp định gồm 9 điều khoản; 1 Phụ lục sửa đổi một số điều của lời văn EVFTA; 1 Nghị định thư và 01 thư song phương trao đổi giữa Việt Nam và UK. Về cơ bản, các nội dung thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định UKVFTA cũng tương tự như Hiệp định EVFTA, gồm: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, và pháp lý - thể chế.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), hiện nay, hai bên đang gấp rút hoàn thành các thủ tục trong nước phù hợp với quy định của pháp luật mỗi bên, đảm bảo việc có thể thực hiện ngay Hiệp định từ 23 giờ ngày 31/12/2020.
Trong bối cảnh Vương quốc Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu và giai đoạn chuyển tiếp chuẩn bị kết thúc (31/12/2020), việc ký kết Hiệp định UKVFTA sẽ đảm bảo thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh không bị gián đoạn sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định với những nền tảng cam kết và tiến bộ cao kế thừa từ Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA sẽ là động lực mới thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư song phương và tạo sức bật kinh tế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hai bên vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức của dịch bệnh, cũng như phát huy quan hệ thương mại tốt đẹp trong thời gian qua, cùng hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng cho Vương quốc Anh và Việt Nam.
Trong thời gian qua, hợp tác về kinh tế giữa Vương quốc Anh và Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật. Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu (sau Đức và Hà Lan). Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD. Trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 12,1%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm. Tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này cũng đạt mức cao (trên 10%).
Bên cạnh đó, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam so với Anh mang tính chất bổ sung thay vì cạnh tranh, cụ thể, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu mặt hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản… và nhập khẩu từ Vương quốc Anh các mặt hàng như dược phẩm, máy móc thiết bị. Tuy nhiên, tất cả các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm được không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỉ USD (2019) của Anh. Điều này cho thấy, trao đổi thương mại giữa hai quốc gia trong thời gian tới còn nhiều dư địa phát triển.
Theo Bộ Công Thương, các ngành hàng xuất khẩu được hưởng lợi lớn từ UKVFTA là thủy hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày… Đơn cử như dệt may, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định. Do đó, những lợi ích này cũng sẽ nhìn thấy được từ thị trường Anh thông qua Hiệp định UKVFTA. Hiện tại, xuất khẩu của ngành dệt may của Việt Nam sang Vương quốc Anh chỉ chiếm 2,77% tổng lượng nhập khẩu vào thị trường này. Do đó ngành này vẫn còn dư địa rất lớn để phát triển và gia tăng kim ngạch.
Hay với ngành thủy sản, ngay khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào UK được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0%. Các nhóm hàng có lợi thế sớm nhất trong nhóm thủy, hải sản là tôm và một số loại cá (cá tra). Theo đó, những ngành chế biến tôm và cá tra sẽ có cơ hội thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu cũng như có triển vọng thu hút đầu tư để tận dụng các cam kết này.
Đối với ngành gỗ, nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có thuế suất về 0% trong vòng 5 năm (gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2-10%). Do đó, ngành gỗ của Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định này. Ngoài ra, sản phẩm gỗ Việt Nam được thị trường Anh đón nhận nhờ giá cả có tính cạnh tranh cao, nguyên liệu tốt, chất lượng sản phẩm cao. Thêm nữa, một số công ty lớn trong ngành gỗ tại Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc ký hợp đồng đối tác dài hạn với các nhà sản xuất tại Việt Nam như IKEA, nhà bán lẻ đồ gỗ nội thất thị phần lớn nhất tại Anh.
Một mặt hàng có lợi thế xuất khẩu sang Anh với những cam kết từ UKVFTA là gạo. Với những cơ hội mang lại từ Hiệp định này, gạo xuất xứ từ Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ. Ngoài ra, UK còn cam kết sẽ rà soát nâng lượng hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực. Đây cũng sẽ là cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu gạo vào thị trường này.
Với những lợi ích từ Hiệp định UKVFTA mang lại, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần sớm tận dụng hiệu quả hiệp định này.
Ý nghĩa: Việc đi đến thỏa thuận và ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) có ý nghĩa to lớn và thiết thực khi cả Vương quốc Anh và Việt Nam đều mong muốn hoàn tất thỏa thuận này sớm để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau COVID-19.
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh hiện tại, việc đi đến thỏa thuận và ký kết UKVFTA có ý nghĩa to lớn và thiết thực với 3 lý do cơ bản: Thứ nhất, đó là nhu cầu hoạt động cần thiết cho cả hai quốc gia. Brexit có nghĩa là FTA EU-Việt Nam - đã có hiệu lực vào ngày 1/8 vừa qua - sẽ không còn áp dụng đối với Vương quốc Anh sau ngày 31/12/2020. Thứ hai, cả Vương quốc Anh và Việt Nam đều mong muốn hoàn tất thỏa thuận này càng sớm càng tốt để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau COVID-19. Thứ ba, các điều khoản của FTA Việt-Anh năm 2020 phần lớn sẽ giống với FTA Việt Nam-EU, nghĩa là hai nước không cần phải tiến hành một thập kỷ đàm phán.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Anh từ năm 1973, suốt 47 năm qua, hợp tác thương mại giữa Anh và Việt Nam không ngừng phát triển. Về thương mại, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kết thúc năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh đạt 6,6 tỷ USD. Trong những năm gần đây, Anh cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu (sau Đức và Hà Lan). Tuy nhiên, sản phẩm “made in Vietnam” được tiêu dùng tại Anh lớn hơn rất nhiều số liệu thống kê vì có một số lượng đáng kể hàng hóa Việt Nam được nhập qua các hải cảng lớn tại Hà Lan, Bỉ, Đức, Pháp và Czech trước khi vào Anh.
Bên cạnh đó, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam so với Anh mang tính chất bổ sung thay vì cạnh tranh, cụ thể, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu mặt hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản… và nhập khẩu từ Anh các mặt hàng như dược phẩm, máy móc thiết bị. Điều này cho thấy trao đổi thương mại giữa hai quốc gia trong thời gian tới còn nhiều dư địa phát triển.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong 10 tháng của năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Anh đạt 4,7 tỷ USD, giảm 15%. Việt Nam xuất khẩu sang Anh hơn 4,1 tỷ USD giảm 14,19% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu thị trường Anh giảm mạnh nhất là đối với các sản phẩm không thiết yếu như: Đồ gỗ, đồ may mặc, giày dép, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ trang trí nội thất, đồ dùng du lịch, phương tiện vận tải và phụ tùng. Dự báo xu hướng giảm này sẽ còn tiếp tục cho đến khi dịch bệnh kết thúc do tâm lý lo lắng của người tiêu dùng và số lượng người thất nghiệp tăng. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Anh giảm đáng kể trong 10 tháng năm 2020.
Tuy nhiên, ngoài những sản phẩm có nhu cầu giảm nêu trên thì nhu cầu nông sản thực phẩm, sản phẩm điện tử (máy tính, thiết bị internet), đồ vệ sinh, đồ bảo hộ cá nhân, thiết bị y tế (máy thở, máy lọc máu), dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ bệnh viện (găng tay nitrate, khẩu trang, quần áo cho nhân viên y tế và bệnh nhân) lại gia tăng.
Về đầu tư, đến hết tháng 8/2020, Anh có 400 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, đứng thứ 16 trong số các nước và vũng lãnh thổ đang có dự án đầu tư tại Việt Nam. Quy mô đầu tư của nhà đầu tư Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng của Anh khi đây là một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỷ USD), đồng thời cũng là nước thu hút đầu tư từ bên ngoài lớn nhất thế giới.
Việc kết thúc đàm phán Hiệp định UKVFTA sẽ tạo cơ hội hợp tác, hỗ trợ cho hai nước phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch./.