star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Việt Nam – điểm sáng trong thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc


Trong hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, kinh tế - xã hội của Việt Nam chìm đắm trong nghèo nàn, lạc hậu, người dân phải sống trong cảnh nô lệ và đói nghèo cả về vật chất và tinh thần. Năm 1945 có trên 2 triệu người chết đói. Cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn. Thực dân Pháp thực hiện một nền giáo dục nô dịch, trên 90% dân số mù chữ. Trung  bình 1 vạn dân chỉ có 115 học sinh vỡ lòng, 210 học sinh tiểu học, 2 học sinh chuyên nghiệp và đại học. Cơ sở y tế thiếu thốn và chủ yếu phục vụ cho quân đội viễn chinh Pháp và bọn tay sai phản động. Cả nước chỉ có 213 bác sĩ, 335 y sĩ, 264 nữ hộ sinh; bình quân 1 vạn dân mới có 0,23 bác sĩ và y sĩ.

          Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, cùng với chống giặc ngoại xâm, giặc đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào xóa mù chữ, coi mù chữ là "quốc nạn". Giai đoạn 1946 - 1954, nước ta đã có 10,5 triệu người thoát nạn mù chữ; đời sống người dân từng bước được nâng lên; hoạt động giáo dục, y tế đạt được những thành tựu to lớn.

          Trong những năm 70, 80 của thế kỷ 20, do nhiều nguyên nhân, chủ yếu do những sai lầm mang nặng tính chủ quan, duy ý chí trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải tạo XHCN và xây dựng CNXH theo mô hình đã lỗi thời, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986), với phương châm "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật" đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện nhằm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, đi vào thế ổn định và phát triển.

          Những thành tựu nổi bật trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc

          Tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ diễn ra từ ngày 06 - 08/9/2000, 189 quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam) đã nhất trí thông qua Tuyên ngôn Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc với 8 mục tiêu phát triển: (1) xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; (2) phổ cập giáo dục tiểu học; (3) tăng cường bình đẳng giới; (4) giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; (5) tăng cường sức khỏe cho bà mẹ; (6) phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác; (7) bảo đảm bền vững về môi trường; (8) thiết lập đối tác toàn cầu vì phát triển.

          Hai mươi năm qua, với tốc độ tăng trưởng bình quân 6-7%/năm, cùng với những chính sách kinh tế, xã hội hiệu quả, đã tạo nên những biến đổi to lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, Việt Nam đã hoàn thành một số mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

          Trên lĩnh vực giảm nghèo. Việt Nam được coi là điểm sáng trong số các quốc gia cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, muốn được chia sẻ kinh nghiệm. Tỷ lệ nghèo trên đầu người (tính theo chi tiêu thu nhập) giảm từ trên 70% năm 1990 xuống còn 13,5% năm 2014. Việt Nam đã "hoàn thành sớm hơn 10 năm so với kế hoạch toàn cầu, giảm một nửa tỷ lệ người nghèo vào năm 2015" mà mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc đã đề ra.

          Về giáo dục - đào tạo. Mặc dù nguồn ngân sách còn hạn chế, Nhà nước vẫn ưu tiên duy trì mức 20% tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục (tương đương 50% GDP). Nhờ đó, Việt Nam đã đạt kết quả tích cực trong công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ; đã hoàn thành phổ cập tiểu học vượt trước 15 năm so với thời hạn của Mục tiêu Thiên niên kỷ (năm 2000). Tỷ lệ người biết chữ độ tuổi 15 - 60 là 97,65%; đối với người dân tộc là 93,44%. 100% cấp tỉnh, huyện và 99,9% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ. Sau 75 năm, từ một đất nước có hơn 95% người mù chữ, đến nay, phong trào học tập thường xuyên, suốt đời đã và đang được Chính phủ và các địa phương đầu tư, nâng cấp đồng bộ. Từ năm 2004 đến 2016, Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công nhiều kỳ thi quốc tế. Học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế luôn ở tốp đầu. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (công bố ngày 15/3/2018) đã ghi nhận, Việt Nam là một trong số 10 nước có hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tiên phong trong đổi mới giáo dục. Năm 2019, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới. Lần đầu tiên Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 8 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu châu Á.

          76 năm qua, giáo dục Việt Nam đã đạt được những mốc son quan trọng trong công tác "diệt giặc dốt", tiến tới tạo một xã hội học tập suốt đời, là nền tảng vững chắc để đất nước "sánh vai các cường quốc năm châu" như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

          Công tác chăm sóc sức khỏe, y tế. Mạng lưới y tế ở Việt Nam được mở rộng, nhất là y tế cơ sở (hơn 1.400 bệnh viện, 11.400 trạm y tế cơ sở). Năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Y học Việt Nam đã có sự tiến bộ vượt bậc, nghiên cứu, ứng dụng thành công nhiều tiến bộ khoa học hiện đại, làm nên những thành công mang tầm thế giới. Năm 2020, có 9 bác sĩ trên một vạn dân; số giường bệnh trên một vạn dân là 28; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh từ 60,9% (2010) lên 90,7% (2020). Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019. Việt Nam hiện đang nằm trong tốp 15 nước đông dân nhất thế giới, vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng.

          Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người - xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

          Việt Nam đã từng bước hoàn thiện khung luật pháp, chính sách liên quan đến quyền con người. Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách về bảo đảm việc làm và quyền lợi người lao động. Việt Nam đã triển khai hiệu quả các nội dung của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020; nỗ lực bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet của người dân, thể hiện qua sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng và internet. Quyền tự do lập hội của người dân được bảo vệ và thúc đẩy thể hiện qua hoạt động và đóng của các hội trong vận động chính sách các ngành, lĩnh vực liên quan.

          Việt Nam thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và đối thoại, hợp tác quốc tế về quyền con người. Tại các diễn đàn toàn cầu Liên Hợp quốc cũng như tại các diễn đàn khu vực ASEAN, APEC, ASEM, cách tiếp cận xây dựng và tham gia tích cực của Việt Nam về quyền con người đã tạo được sự tin tưởng và ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế. Tại các diễn đàn khác trong khuôn khổ Liên Hợp quốc, Việt Nam thể hiện vai trò tích cực, đóng góp thực chất trong các cuộc thảo luận có liên quan đến quyền con người. Ở góc độ khu vực, Việt Nam là thành viên tích cực chủ trì nhiều hoạt động trong khuôn khổ ASEAN về quyền con người và Ủy ban ASEAN về thúc đẩy bảo vệ quyền phụ nữa và trẻ em. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.

          Văn hóa Việt Nam vươn ra thế giới, tăng cường xây dựng lòng tin với các quốc gia trên thế giới, đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

          Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"; thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển". Ngoại giao văn hóa đã trở thành một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam, cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị.

          Du lịch Việt Nam đã có những phát triển thần kỳ trong giai đoạn 2015 - 2019, từ 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2015 lên hơn 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019 và phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 726.000 tỷ đồng. Với kết quả đó, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới; trở thành nền kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng chung của đất nước. Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp từ hạng 75/141 năm 2015 lên 63/140 năm 2019. Tính đến nay, cả nước có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch, với 650.000 phòng, trong đó có 171 cơ sở lưu trú 5 sao và 295 khách sạn 4 sao. Việc tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế và khu vực ở Việt Nam năm 2019 như: Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2, Đại lễ Phật đản LHQ Vesak 2019... đã tạo cơ hội thuận lợi để quảng bá du lịch, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam trao tặng danh hiệu "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2019"... đã góp phần ghi những dấu ấn tốt đẹp về Việt Nam trên bản đồ thế giới.

          Phong trào thể dục thể thao quần chúng ngày càng được mở rộng. Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ủy ban Olympic Việt Nam là thành viên chính thức Ủy ban Olympic quốc tế, Hội đồng Olympic châu Á và Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam còn là thành viên chính thức của 64 tổ chức thể thao quốc tế và có trên 40 cán bộ thể thao là thành viên lãnh đạo của các tổ chức thể thao quốc tế. Thể thao thành tích cao có nhiều chuyển biến tích cực. Thể thao Việt Nam liên tục xếp vị trí trong 3 quốc gia dẫn đầu tại các kỳ SEA Gems, một số vận động viên ở các môn thể thao Olympic như: Bắn súng, bơi lội, cử tạ, cầu lông, điền kinh... đạt trình độ hàng đầu châu Á và thế giới. Đội tuyển Bóng đá U23 Việt Nam giành HCB tại giải vô địch U23 châu Á (2018); Đội tuyển Bóng đá quốc gia giành HCV giải vô dịch Bóng đá Đông Nam Á - AFF Suzuki Cup (2018); Đội tuyển bóng đá nữ vô địch Đông Nam Á năm 2019. Đặc biệt, tại SEA Games 30 năm 2019, Đội tuyển bóng đá U22 nam lần đầu tiên trong lịch sử vô địch SEA Games...

          Tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ của đất nước, thu hẹp khoảng cách phát triển của Việt Nam với các nước trên thế giới

          Khoa học và công nghệ được Đảng, Nhà nước ta xác định là quốc sách hàng đầu trong chính sách phát triển quốc gia. Tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước được tăng cường. Trong thập niên 60, cả miền Bắc chỉ có 08 viện nghiên cứu, 06 trường đại học thì đến nay, cả nước đã có hơn 4.000 tổ chức khoa học và công nghệ, 3 khu công nghệ cao quốc gia, 13 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 08 khu ứng dụng công nghệ thông tin tập trung và gần 67.000 cán bộ nghiên cứu. Đến nay Việt Nam đã có quan hệ  hợp tác về khoa học công nghệ với hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ; là thành viên của hơn 100 tổ chức quốc tế và khu vực về khoa học công nghệ. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và doanh nghiệp đã nghiên cứu thành công bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2; nuôi cấy và phân lập thành công virut SARS-CoV-2; thu thập, tổng hợp các công bố khoa học quốc tế mới nhất về SARS-CoV-2 để cung cấp cho các nhóm nghiên cứu tham khảo và hỗ trợ đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu cấp thiết phục vụ phòng chống dịch.

          Trên lĩnh vực bưu chính, số lượng doanh nghiệp kinh doanh tăng rất nhanh, từ 40 doanh nghiệp (2010) lên gần 500 doanh nghiệp (2020). Tổng công ty Bưu điện Việt Nam được Liên minh Bưu chính Thế giới xếp hạng 25/171 doanh nghiệp bưu chính được chỉ định của các quốc gia thành viên UPU (2018). Lĩnh vực viễn thông có sự phát triển mạnh mẽ; Việt Nam có gần 260 nghìn trạm thu phát sóng di động (2G, 3G, 4G); sóng di động đã phủ tới 99,7% dân số. Năm 2019, Việt Nam đã thử nghiệm công nghệ 5G, chính thức thương mại hóa 5G trong năm 2020, trở thành một trong những quốc gia đi đầu về công nghệ 5G trên thế giới./.

                            TS Nguyễn Văn Dương – Phó Trưởng khoa KHXH&NV