star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Về “Hoàng triều cương thổ” (Domaine de la Couronne) ở Tây Nguyên


Vùng đất Tây Nguyên Việt Nam (thực dân Pháp gọi là Cao nguyên Trung Phần) là một vùng dân cư đa dân tộc, nhiều tôn giáo, có diện tích bằng 1/6 diện tích nước Việt Nam, lại là một vùng cao nguyên tiếp giáp với Lào và Campuchia, một địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng của Việt Nam. Tây Nguyên và vùng núi phía Tây các tỉnh duyên hải miền Trung là địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số (DTTS) như: Chăm, Êđê, Gia Rai, Bana, K’ho, Mạ, Chu Ru, Xơ Đăng, Raglai, Kinh… và một số ít người Hoa. Năm 1889, dựa vào sức mạnh quân sự, thực dân Pháp đã buộc triều đình Huế nhượng lại Tây Nguyên cho họ. Kể từ đó cho đến năm 1945, toàn bộ vùng dân cư các tỉnh Tây Nguyên đều thuộc quyền cai trị trực tiếp của thực dân Pháp. Với mục đích thống trị lâu dài trên đất nước Việt Nam, thực dân Pháp ráo riết thực hiện âm mưu chia rẽ người Kinh với người Thượng (tên gọi chung chỉ các DTTS sinh sống ở Tây Nguyên và miền Tây Nam Trung Bộ).

          1.Sự ra đời của “Hoàng triều cương thổ”

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, được quân đội Anh tiếp sức, quân Pháp quay lại xâm chiếm Tây Nguyên. Ngày 27-5-1946, Cao ủy Pháp ở Đông Dương - D'Argenlieu thực hiện chỉ thị của Chính phủ Pháp thành lập tại 5 tỉnh cao nguyên Trung Phần (Đồng Nai thượng, Lang Biang, Pleicu, Đac Lac, Cong Tum) một tổ chức gọi là: “Liên bang đặc trách các dân cư sơn cước miền Nam Đông Dương” (Commissariat du Gouvernement Fédéral pour les populations montagnardes du Sud Indochinois) trực thuộc Cao ủy Pháp [1].  Theo đó, quyền cai trị các quận trong Liên bang nói trên được đặt dưới quyền của Phủ cao ủy. Nhưng sau đó, thực dân Pháp cho đổi tên là “Tòa đại biểu đặc trách các cư dân sơn cước miền Nam Đông Dương” (Délégationpour les Populations Montagnardes du Sud Indochinois - P.M.S.I). Thủ phủ của P.M.S.I đặt tại Đà Lạt, sau đó chuyển về Ban Mê Thuột. Với mục đích trao “quyền tự trị” cho người DTTS ở Tây Nguyên. Dã tâm của họ là tách dần những vùng có người DTTS ra khỏi vùng kiểm soát của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngăn chặn sự liên kết giữa người Kinh và người DTTS trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, đối phó với phong trào đấu tranh đòi độc lập và thống nhất của nhân dân Việt Nam khắp ba miền Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ.

Cụ thể chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Tây Nguyên trong thời gian này được tóm gọn tại 7 điểm như sau:

  Một là, gạt bỏ hẳn mọi ảnh hưởng của chính phủ Nam triều (vua quan nhà Nguyễn) đối với các DTTS ở Tây Nguyên, để người Pháp toàn quyền và trực tiếp phụ trách mọi vấn đề kinh tế, chính trị và quân sự ở Tây Nguyên. Hai là, chế độ “địa phương tự trị” mang tính biệt lập vẫn tiếp tục được triệt để áp dụng đối với các DTTS tại địa phương. Ba là, mọi sự đi lại, giao dịch và buôn bán giữa người Thượng và người Kinh bị ngăn cấm triệt để nhằm gây ra những xung đột cục bộ giữa người Thượng và người Kinh tại 5 tỉnh Tây Nguyên nói trên. Bốn là, các quan chức đứng đầu từ tỉnh, huyện, tổng, làng ở Tây Nguyên đều do người Thượng (là tay sai của thực dân Pháp) phụ trách, đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của công sứ người Pháp tại mỗi tỉnh cao nguyên (trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, tuy tại mỗi tỉnh vẫn còn một viên “quản đạo” của triều đình Việt Nam, nhưng đó cũng chỉ là một viên quan bù nhìn). Năm là, mọi phong tục tập quán, mê tín, dị đoan của người Thượng được “triệt để tôn trọng” và khuyến khích duy trì. Dựa trên cơ sở đó, các “tòa án phong tục” được thực dân Pháp thiết lập từ các cấp: tỉnh, huyện, tổng, làng để giải quyết các vụ tranh tụng giữa người Thượng với nhau (ngoài ra, thực dân Pháp còn lập thêm một tòa án tư pháp để phân xử các vụ kiện tụng giữa người Thượng và người Kinh hoặc người nước ngoài ở Tây Nguyên). Sáu là, thực dân Pháp tài trợ và tổ chức nhiều “nhóm vũ trang” của người Thượng cả về trang bị và huấn luyện nhằm săn lùng và tiêu diệt các tổ chức ái quốc của người Kinh hoạt động ở vùng rừng núi cao nguyên hồi bấy giờ (cùng thời gian này, thực dân Pháp cho lập và chỉ huy một lực lượng phòng thủ ở các tỉnh Tây Nguyên bao gồm 13 tiểu đoàn người Thượng). Bảy là, các loại thuế khóa do thực dân Pháp đặt ra, như thuế thân, thuế phát rừng, thuế voi… và chế độ lao dịch, cu-li đối với người Thượng sở tại được triệt để áp dụng [2].

Đến năm 1949, do tình hình quân sự và chính trị trên các chiến trường Việt Nam có những chuyển biến ngày càng bất lợi cho quân Pháp, buộc họ phải “làm động tác giả” bằng việc trao trả lại hai vùng cao nguyên miền Bắc và miền Nam cho “Quốc gia Việt Nam” của Bảo Đại- “Chính phủ Nam triều”. Ngày 15-4-1949, Bảo Đại ra Chỉ dụ số 6 về việc đặt Cao nguyên miền Bắc và Cao nguyên Trung Phần (Nam Việt Nam) thuộc quyền “cai trị trực tiếp” của “Hoàng đế Việt Nam” với tên gọi “Hoàng triều cương thổ”. Như vậy, “Tòa đại biểu đặc trách các cư dân sơn cước miền Nam Đông Dương” tồn tại từ ngày 27-5-1946 đến ngày 15-4-1949 thì sát nhập vào Hoàng triều cương thổ.

2.Một số quy ước của Hoàng triều cương thổ (Domaine de la Couronne)

  Người Pháp trong hoàn cảnh nào cũng vẫn muốn bảo vệ quyền lợi của họ trên các cao nguyên nên cố tình nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa người Kinh và người Thượng (chỉ đồng bào các DTTS) và yêu cầu Chính phủ Quốc gia Việt Nam ban hành những quy chế đặc biệt cho đồng bào Thượng với sự thỏa thuận của Chính phủ Pháp. Trong văn thư trao đổi đề ngày 8-3-1949 của Tổng thống Cộng hòa Pháp, kiêm Chủ tịch Liên hiệp Pháp gửi Bảo Đại, liên quan đến vấn đề trên có viết:

Đối với các dân tộc không thuộc về giống nòi Việt Nam mà khu vực cư trú lịch sử vẫn ở trên lãnh thổ Việt Nam và theo truyền thống vẫn quy thuận Hoàng triều, thì hoàng đế Việt Nam sẽ ban bố những quy chế riêng biệt cho đại biểu các dân tộc đó. Các quy chế này sẽ ấn định với sự thỏa thuận của Chính phủ Pháp có bổn phận riêng biệt đối với dân tộc thiểu số ấy. Những quy chế ấy đồng thời phải đảm bảo các quyền lợi tối cao của nước Việt Nam và sự tự do tiến hóa của các dân tộc trong sự tôn trọng tục lệ cổ truyền của họ.

Cùng ngày, trong một bức thư khác gửi Bảo Đại, Tổng thống Vincent Auriol xác định thêm về quy chế đặc biệt của Hoàng triều cương thổ:

Về những quy chế đặc biệt sẽ ban hành cho những dân tộc tuy không phải là Việt Nam, nhưng từ xưa đến nay vẫn sống trên lãnh thổ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam mỗi khi ban bố hay thay đổi quy chế ấy phải thỏa hiệp trước với Chính phủ Pháp quốc Cộng hòa. Trong văn án của những quy chế đó, những thể thức thi hành sẽ định rõ cho đôi bên. Chính phủ Pháp không có ý đặt quyền quản trị Chính phủ Việt Nam dưới một kiểm soát riêng biệt nào [3].

Trong phúc điệp cùng ngày 8-3-1949, Bảo Đại thỏa thuận các điều khoản trong các giác thư trên và để thi hành nó, ngày 15-4-1950, Bảo Đại ra Dụ số 6 tổ chức vùng cao nguyên thành hai phần “Hoàng triều cương thổ Bắc” và “Hoàng triều cương thổ Nam”, tất cả đặt dưới quyền quản trị của Khâm mạng Hoàng triều cương thổ.

Theo điều 2, Sắc lệnh số 3 ngày 25-7-1950, các tỉnh Dak Lak, Đồng Nai Thượng, Lâm Viên, Pleicu và Kon Tum hợp thành một địa phận hành chính riêng biệt, gọi là “Cao nguyên miền Nam thuộc Hoàng triều cương thổ” (vùng đất của nhà vua) đặt dưới quyền một Ủy viên Quốc trưởng và đặt dưới quyền Tòa Khâm mạng do một Khâm mạng quyền hành, một Quốc Vụ Khanh trông coi. Bảo Đại còn ra hàng loạt sắc lệnh vào các ngày 25-7-1950, ngày 14-5-1951 và ngày 10-12-1951 tổ chức các Tòa đại diện của Quốc Trưởng tại các vùng Cao Nguyên miền Nam và miền Bắc Hoàng triều cương thổ và bổ nhiệm các Ủy viên của Quốc Trưởng tại các vùng ấy [4].

Ngày 21-5-1951, Bảo Đại ra Đạo Dụ số 16/QTTD ban hành một quy chế riêng cho các sắc tộc Thượng tại Cao nguyên miền Nam. Quy chế này gồm các điều khoản như sau:

 Điều 1: Tôn trọng phong tục, tập quán của đồng bào Thượng.

 Điều 2: Tôn trọng các vị tù trưởng, bô lão, những người có uy tín trong giới đồng bào Thượng và hướng dẫn những nhân vật này vào việc điều hành các cơ sở hành chính, chính trị, tư pháp trên cao nguyên.

 Điều 3: Tổ chức tòa án phong tục Thượng; các vụ án liên quan giữa người Thượng và Kinh hoặc đối với người Pháp sẽ do tòa án hỗn hợp xét xử.

 Điều 4: Thành lập một hội đồng kinh tế để phát triển kinh tế trên cao nguyên.

Điều 5: Quyền chủ đất Polăn được tôn trọng; các vụ mua, thuê bán đất đai của đồng bào Thượng được nhà cầm quyền hành chính giải quyết theo phong tục tập quán Thượng sau khi hội ý với tù trưởng địa phương.

 Điều 6: Chính phủ nghiên cứu và yểm trợ các kế hoạch phát triển y tế, văn hóa, xã hội trên vùng Thượng để nâng cao đời sống đồng bào Thượng.

Điều 7: Thổ ngữ được dùng làm căn bản cho việc giáo dục ở bậc sơ và tiểu học; Việt ngữ và Pháp ngữ được coi là phụ.

Điều 8: Đào tạo cán bộ Thượng các ngành quân sự, y tế, hành chính và giáo dục cung ứng cho nhu cầu địa phương.

 Điều 9: Việc thi hành quân dịch không áp dụng gắt gao với đồng bào Thượng và các binh sĩ Thượng được tổ chức thành những đơn vị sơn cước, ưu tiên phục vụ tại cao nguyên[5].

Các sĩ quan và hiến binh người Thượng được đào tạo theo chế độ “đặc biệt” tại trường Võ bị quốc gia và trường Hiến binh quốc gia[6].

Để bảo vệ các quy chế riêng cho các sắc tộc Thượng tại cao nguyên miền Nam, năm 1950, thực dân Pháp cho lập ra cái gọi là “Nhóm liên kết các dân tộc bị áp bức” viết tắt là GURO (Group unifié des races opprimées). Đó chính là cơ sở chính trị, xã hội và tâm lý dân tộc dẫn tới những cuộc bạo loạn đòi tự trị của người Thượng trong phong trào Bajaraka (1957-1958), cũng như FULRO (Front unifié de la libération des races opprimées) vào những năm 1964-1965 sau này với yêu sách đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê Ga tự trị” sống lưu vong trên địa bàn tỉnh Môn-đô-ki-ri (Campuchia) từ 1965-1969 và “bóng ma FULRO vật vờ” cho đến tận ngày nay.

 Để chống lại Việt Minh và để bảo vệ Hoàng triều cương thổ, vào 1951, thực dân Pháp tiếp tục cho lập các sư đoàn quân đội người Thượng ở Tây Nguyên [7]. Đến năm 1952, thực dân Pháp cho lập thêm “Đoàn biệt kích hỗn hợp không vận” (GCMA) ở Tây Nguyên gồm có 400 người Thượng sở tại, do thực dân Pháp tài trợ, trang bị, huấn luyện và chỉ huy.

Ngày 24-4-1952, Bảo Đại ra Sắc lệnh số 28 QT/TD về việc tổ chức lại Hoàng triều cương thổ, theo đó quy định đặt một Tòa Khâm mạng chung cho hết thảy các tỉnh và khu vực, đặt dưới quyền của Quốc trưởng. Đứng đầu Tòa Khâm mạng này là một vị Khâm mạng, lãnh danh hiệu “Khâm mạng tại các vùng Cao Nguyên miền Nam và miền Bắc Hoàng triều cương thổ” (Điều 2). Quy định Khâm mạng được hưởng vị thứ và quyền hành như một Quốc Vụ khanh, dưới quyền tối cao của Quốc trưởng (Điều 3 và Điều 4) [8]. Cùng ngày, Bảo Đại ký Sắc lệnh số 35/QT bổ nhiệm Nguyễn Đệ, Đổng lý văn võ phòng Quốc trưởng kiêm giữ chức Khâm mạng tại các vùng cao nguyên miền Bắc và miền Nam thuộc Hoàng triều cương thổ[9]. Ngoài ra, Bảo Đại còn cho đặt một viên Tổng Thư ký Cao Nguyên miền Nam và miền Bắc để giúp việc cho vị Khâm Mạng (Điều 5) [10]. Và quy định đặt dưới viên Tổng Thư ký Cao Nguyên miền Nam và miền Bắc có một viên Đổng lý sự vụ giúp việc, viên chức này do Khâm mạng bổ nhiệm (Điều 7) [11]. Cùng ngày 24-4-1952, Bảo Đại ra tiếp Sắc lệnh số 29 QT/TD, bổ nhiệm đại tá Didelot giữ chức Tổng Thư ký Cao Nguyên miền Nam thuộc Hoàng triều cương thổ, bổ nhiệm Ecarlat giữ chức Tổng Thư ký Cao Nguyên miền Bắc thuộc Hoàng triều cương thổ [12].

 

 

(ảnh TL).

3.Vài nhận định

3.1. Chế độ “Hoàng triều cương thổ” do Tổng thống Pháp Vincent Auriol ấn định cho Bảo Đại vẫn có hiệu lực ở Tây Nguyên cho đến tháng 7/1954 (khi có Hiệp định Genève) nhằm thỏa mãn mọi yêu cầu về quyền lợi của Pháp đối với vùng các DTTS ở Tây Nguyên. Chế độ trên đã đặt cao nguyên thành đất “tư” của Hoàng triều, người Kinh lên đây vẫn bị hạn chế đến mức tối đa. Đó là ý đồ tách vùng cao nguyên của Việt Nam – một vị trí chiến lược tối quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng trên báo đảo Đông Dương, dưới một chiêu bài lừa bịp mới là “cao nguyên Hoàng triều cương thổ”.

3.2. Chính sách “chia để trị” là một trong những thủ đoạn cổ truyền của chủ nghĩa thực dân nhằm củng cố và duy trì sự tồn tại của nó ở các nước thuộc địa. Thủ đoạn này kết hợp chặt chẽ với các chính sách đàn áp, ngu dân, bần cùng hóa, tôn giáo hóa… và thường được thực hiện trên hai mặt: Chia cắt lãnh thổ và chia rẽ lòng người. Nghiên cứu quá trình thực dân Pháp xâm lược và thống trị Việt Nam, chúng ta nhận thấy một điều đáng chú ý là: Chính sách “chia để trị” được thực dân sử dụng chỉ cốt để đối phó với cuộc đấu tranh của dân tộc bị họ xâm lược và thống trị. Cuộc đấu tranh này càng kiên cường bất khuất bao nhiêu thì thủ đoạn “chia để trị” của thực dân càng thâm độc, trắng trợn và tinh vi bấy nhiêu. Đặc trưng về chính sách cai trị của thực dân Pháp được áp dụng ở các nước thuộc địa trên thế giới họ đã từng áp dụng ba học thuyết lớn là “Nô dịch” (Assujettissement), “Đồng hóa” (Assimilation) và “Hợp tác” (Association hay còn gọi là Collaboration).

3.3. Hoàng triều cương thổ là chính sách “một quốc gia trong lòng một quốc gia” – một âm mưu chính trị thâm độc mới của chủ nghĩa thực dân Pháp tại Tây Nguyên, nhằm chia rẽ, gây tị hiềm lâu dài giữa dân tộc Kinh với các DTTS khác, ngăn cản đồng bào các dân tộc Việt Nam chung tay xây dựng đất nước, ngăn chặn việc người Kinh lên Tây Nguyên sinh cơ lập nghiệp. Chính sách trên đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của nhân dân Việt Nam bởi nó đi ngược lại ý nguyện thống nhất của toàn dân tộc. Từ sau tháng 7-1954, trên thực tế nó đã không còn tồn tại nhưng những hậu quả mà nó để lại thì vẫn còn cho đến ngày hôm nay, đó là vấn đề tôn giáo và sắc tộc ở Tây Nguyên... Nó nhắc nhở người dân Việt Nam rằng cần phải hết sức cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chia rẽ dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch.

Ngô Minh Hiệp

 

[1] Đoàn Thêm (1966), Hai mươi năm qua, việc từng ngày (1945-1964), Nam Chi Tùng Thư xuất bản, Sài Gòn, tr.24

[2] Trung tâm Khoa học Xã hội & Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh (2001), Chứng tích Pháp Nhật trong chiến tranh xâm lược Việt Nam (1858-1945), Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh tr.325-326.

[3] Toan Ánh và Cửu Long Giang (1974), Cao Nguyên Miền Thượng, in lần thứ nhất, Sài Gòn tr.136-137.

[4] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Phông Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam, ký hiệu hồ sơ: 655/20.

[5] Toan Ánh và Cửu Long Giang (1974), Cao Nguyên Miền Thượng, in lần thứ nhất, Sài Gòn tr.137.

[6] Trung tâm Khoa học Xã hội & Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh (2001), Chứng tích Pháp Nhật trong chiến tranh xâm lược Việt Nam (1858-1945), Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh tr.328

[7] Trung tâm Khoa học Xã hội & Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh (2001), Chứng tích Pháp Nhật trong chiến tranh xâm lược Việt Nam (1858-1945), Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh tr.328-329.

[8] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Phông Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam, ký hiệu hồ sơ: 655/21

[9] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Phông Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam, ký hiệu hồ sơ: 655/34

[10] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Phông Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam, ký hiệu hồ sơ: 655/22

[11] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Phông Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam, ký hiệu hồ sơ: 655/23

[12] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Phông Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam, ký hiệu hồ sơ: 655/28