star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Vận dụng tư tưởng “đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng văn hóa công sở


Cách đây hơn 75 năm, tháng 3/1947, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đời sống mới”. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới” không chỉ có giá trị to lớn trong việc xây dựng con người, xã hội Việt Nam mới, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn có ý nghĩa thời sự đối với sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngày nay, tác phẩm Đời sống mới của Người vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng nếp sống văn hóa của dân tộc nói chung và xây dựng văn hóa công sở nói chung. 
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “xây dựng đời sống mới” trong công sở  
Toàn bộ tác phẩm “Đời sống mới” được trình bày dưới dạng hỏi đáp theo từng vấn đề cụ thể, chia thành 19 mục, đánh số thứ tự từ I đến XIX, có thể chia làm 4 nội dung lớn: Những vấn đề chung về đời sống mới (Từ mục I đến mục VIII); đối tượng và phạm vi xây dựng đời sống mới (Từ mục IX đến mục XV); các biện pháp xây dựng đời sống mới (Từ mục XVI đên mục XIX).
Theo lời Người, đời sống mới bao gồm: Đời sống mới riêng cho từng người và đời sống mới cho cả cộng đồng, tập thể. Thiết thực và cụ thể, Người chỉ rõ một cách tỉ mỉ việc xây dựng đời sống mới ở trong một nhà, một làng, một trường học, trong bộ đội, trong công sở, trong xưởng máy. Đặc biệt, trong tác phẩm, Hồ Chí Minh đề cập rất chi tiết về xây dựng đời sống mới trong công sở. Nội dung này có ý nghĩa rất sâu sắc đối với việc xây dựng văn hóa công sở ở các cơ quan công sở nói chung và trường chính trị nói riêng. Người đặt câu hỏi: “Đời sống mới trong các công sở nên thế nào?” Và Người đáp: “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy. Vì vậy, những người làm trong các công sở càng phải làm gương đời sống mới cho dân bắt chước. Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”.
Đồng thời, Người giải thích rất rõ thế nào là Cần, Kiệm, Liêm, Chính trong các công sở. Người chỉ rõ:
“Cần - Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo…”.
Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm của dân, của nước, của bản thân mình, tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ; “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương, hình thức, …”.
Liêm là trong sạch, là “luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân”, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân”; không tham địa vị, không tham tiền tài, …”. Liêm là phẩm chất của người cán bộ trong thi hành công vụ.
Đối với chữ “Chính”, Hồ Chí Minh viết: “Chính - Mình là người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán…”.
Người diễn đạt một cách khoa học mà dung dị, ngôn từ trong sáng, dễ hiểu, súc tích, ngắn gọn. Quan điểm của Người không chỉ là là cơ sở lý luận quan trọng định hướng cho việc xây dựng đời sống văn hóa công sở của dân tộc ta trong kháng chiến, kiến quốc, mà trong công cuộc đổi mới hiện nay vẫn giữ nguyên tính thời sự thực tiễn, có ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí qua đó tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể hàng ngày, trên mọi lĩnh vực công tác…góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì Nhân dân phục vụ, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 
2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “Đời sống mới” gắn với xây dựng văn hóa công sở trong giai đoạn hiện nay
Trong thời gian qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động, việc thực hiện môi trường văn hóa trong giai đoạn hiện nay đã có những thay đổi theo hướng tích cực. Môi trường văn hóa theo Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa môi trường xã hội và môi trường tự nhiên, có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên đa số có thái độ nghiêm túc, tích cực rèn luyện và thực hiện văn hóa ứng xử và các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp .
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, viên chức, người lao động vẫn chưa nhận thức đầy đủ về thực hiện văn hóa công sở, có những biểu hiện làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người cán bộ: việc chấp hành giờ giấc làm việc vẫn chưa nghiêm túc, kỷ luật hội họp, to tiếng trong giải quyết công việc, chất lượng giải quyết công việc đôi lúc chưa cao, kỹ năng giao tiếp và ứng xử chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa triệt để.
Trong thời gian tới, để hướng tới xây dựng và tạo ra môi trường thực sự văn hóa, cần  thực hiện và tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến trong cán bộ, viên chức, người lao động về thực hiện các nội dung trong văn hóa công sở, văn hóa ứng xử. Việc tuyên truyền, giáo dục, nêu gương là việc làm cần thiết trước hết như Bác Hồ đã nêu trong tác phẩm: “Trước hết, phải tuyên truyền, giải thích và làm gương. Phải chịu khó nói rõ cho mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào. Nói một lần họ chưa hiểu thì nói nhiều lần. Nói đi, nói lại, bao giờ người ta hiểu, người ta làm mới thôi”.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, nêu gương không chỉ dừng lại ở hình thức, ở những việc ban hành quy chế, quy định, không chỉ dừng lại ở việc phát động, hô hào mà cần phải được thực hiện thường xuyên, bền bỉ, thiết thực, khéo léo như Bác đã nói: “Tuyên truyền đời sống mới cũng như tuyên truyền việc khác, phải hăng hái, bền gan, chịu khó, đồng thời phải cẩn thận, khôn khéo, mềm mỏng”.
Hai là, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện văn hóa công sở, văn hóa như chất lượng, hiệu quả, thái độ làm việc, phong cách ứng xử của cán bộ, giảng viên, người lao động. 
Ba là, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, giảm bớt giấy tờ, hội họp, tiết kiệm nguồn lực vật chất và thời gian. Phối hợp cùng công đoàn, chi đoàn phát động những cuộc thi về nét đẹp văn hóa công sở, phát động phong trào trồng cây xanh, dọn dẹp vệ sinh, giữ gìn môi trường cảnh quang xanh – sạch – đẹp…
Bốn là, trong họp xét, đánh giá, xếp loại cán bộ, viên chức và người lao động hàng tháng, hàng quý, hàng năm và xếp loại phải căn cứ theo các tiêu chí, trong đó có tiêu chí về ứng xử văn hóa đối với người, với việc, với mình.
Năm là, xử lý nghiêm những trường hợp có vi phạm, có biểu hiện lệch chuẩn văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến trong thực hiện văn hóa công sở, giữ gìn và phát huy nét đẹp của người cán bộ.
Việc xây dựng đời sống văn hoá mới càng có ý nghĩa hơn khi cuộc vận động thực hành tiết kiệm không xa hoa, lãng phí trong hội họp, hội nghị, lễ, tết; đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, khuyến khích thi đua trong toàn thể cán bộ,  người lao động đã và đang tạo ra một môi trường văn hoá lành mạnh, giúp chúng ta đẩy lùi được cái xấu và làm cho cái tốt ngày càng sinh sôi nảy nở. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời từ những năm 1947 được cụ thể hoá trong mỗi hoạt động của Nhà trường hôm nay. Đó cũng là cách làm sống dậy tư tưởng của Người trong công cuộc đổi mới hiện nay. 
Th.s Hoàng Thị Kim Oanh – Giảng viên Bộ môn LLCT