star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên đều phải có ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc và “Phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”(1). Bởi theo Người, thấm nhuần đạo đức cách mạng là phải biết đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình; vì Đảng, vì nhân dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Trong thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về tinh thần phục vụ nhân dân. Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”. Người chỉ có một tâm nguyện “là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; cho đến khi phải từ biệt thế giới này, Người chỉ “tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”cho quốc dân, đồng bào. Tựu trung, tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân được thể hiện trên một số điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu phục vụ nhân dân trong xây dựng Đảng và bộ máy chính quyền.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước phải lấy nhân dân làm gốc; bởi vì, “Gốc có vững cây mới bền,/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. “Lấy dân làm gốc” có nghĩa là phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân. Tất cả cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị phải xác định mình là “công bộc” của nhân dân, trong mọi hoạt động phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Bởi vậy, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân đòi hỏi phát huy cao độ việc thực hành dân chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, coi dân chủ là nhân tố động lực của sự phát triển; thực hành dân chủ là “chìa khóa” vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. 

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Chính bởi vậy, khi Đảng trở thành đảng cầm quyền, trách nhiệm của Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên là phục vụ nhân dân, vì nhân dân, chứ không phải trở thành những vị “quan cách mạng”, để “vinh thân phì gia”. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, do yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, công việc, trách nhiệm của Đảng có khác nhau; tuy nhiên, trong mọi hoạt động, Đảng luôn phải đặt lợi ích của nhân dân, dân tộc lên trên hết, trước hết. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ rằng, việc nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân là mục đích và bản chất của Đảng. Đảng cầm quyền là để bảo đảm cho nhân dân làm chủ, mọi quyền lực thuộc về nhân dân; đồng thời, để chă­m lo cho cuộc sống của nhân dân, trước hết phải xây dựng Nhà nước thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính phủ phải là “công bộc” của nhân dân; mọi công việc của Chính phủ đều phải hướng đến mục tiêu là đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Bởi theo Người, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Tinh thần phục vụ nhân dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt rõ trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đó là: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở, đều phải hết sức chăm lo đến đời sống của nhân dân; phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân chính là thước đo xác thực nhất trong đánh giá mức độ hiệu quả, khả năng hiện thực hóa chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Thứ hai, để nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng.

Từ thực tiễn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”. Niềm tin của nhân dân đối với Ðảng là tài sản quý báu nhất của Ðảng; vì vậy, muốn được dân tin, dân phục, muốn được lòng dân, trước hết mỗi người cán bộ, đảng viên phải yêu dân, kính dân, phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên, lên trước quyền lợi cá nhân; phải tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng, suốt đời phục vụ nhân dân. Đây là vừa là trách nhiệm, vừa là nhiệm vụ cao quý nhất của người cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng chăm lo giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên thực hành đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chống chủ nghĩa cá nhân. Người nhấn mạnh: “Những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân. Vì vậy, đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng”(10), vì quần chúng nhân dân chỉ quý trọng những người cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức cách mạng, có tinh thần trách nhiệm đối với công việc, đối với đời sống của người dân, làm gương tốt cho nhân dân noi theo. Cho nên, Người căn dặn: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến... Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính”. Cán bộ, đảng viên phải quyết tâm thực hiện đạo đức cách mạng, là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, quyết tâm tẩy bỏ cho kỳ hết bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí; gương mẫu trong thi đua học tập, chiến đấu, tăng gia sản xuất; thật thà tự phê bình và phê bình để luôn luôn tiến bộ. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ tự giác tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng phục vụ nhân dân với tinh thần “kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để có thể chăm lo tốt hơn đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.   

Thứ ba, tinh thần phục vụ nhân dân được biểu hiện trong ý thức trách nhiệm đối với công việc, nhiệm vụ được giao của người cán bộ, đảng viên.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”. Theo Người, tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên là nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ; là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, thì người cán bộ, đảng viên đều phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, cố gắng làm cho thành công. Vì thế, Người căn dặn cán bộ, đảng viên: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.  Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Mỗi người khi phấn đấu và trở thành cán bộ, đảng viên đều phải tự mình nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, đối với dân tộc và nhân dân. Tinh thần và trách nhiệm phục vụ nhân dân không phải chỉ thể hiện bằng lời nói, mà cần thông qua hành động cụ thể, bằng hiệu quả thực hiện công việc được giao.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải ý thức được rằng, mình là “công bộc”, là người “đày tớ” của nhân dân, chứ không phải làm “quan cách mạng”.  Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải thật sự gần dân, hiểu dân, phải thật sự trăn trở về lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phải thật sự vì nhân dân phục vụ. Do vậy, trong công tác, người cán bộ, đảng viên phải nắm vững và nghiêm túc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải căn cứ vào tình hình thực tế mà xây dựng kế hoạch rõ ràng, thiết thực; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh, trí tuệ và lực lượng to lớn của nhân dân, tiếp thu sáng kiến của nhân dân để đột phá, sáng tạo khi thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.

                        ThS. Hoàng Thị Kim Oanh – Giảng viên Tổ Lý Luận Chính trị