star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Trí tuệ nhân tạo - lợi ích và những nguy cơ chủ yếu


Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là sản phẩm khoa học, mô phỏng các quá trình trí tuệ của con người bằng máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính. Các quy trình này bao gồm học tập (thu nhận thông tin và quy tắc sử dụng thông tin), hệ thống lý luận (sử dụng quy tắc, lựa chọn, xử lý thông tin để đạt được kết luận gần đúng hoặc xác định) và tự điều chỉnh.

Các nhân tố cấu thành của sản phẩm trí tuệ nhân tạo: Hệ thống dữ liệu (kho thông tin liên quan đến vấn đề mà sản phẩm trí tuệ nhân tạo xử lý); bộ xử lý thông tin (bộ vi xử lý của máy tính có công suất, tốc độ đáp ứng yêu cầu xử lý thông tin) và thiết bị giao tiếp, hành động (cổng giao tiếp thông qua giao diện máy tính, các thiết bị thu thập thông tin và hệ thống máy móc thực hiện các yêu cầu theo kết quả xử lý của máy tính).

Quá trình hình thành và phát triển của khoa học trí tuệ nhân tạo

- Tư tưởng có khả năng sinh vật nhân tạo xuất hiện như các thiết bị kể chuyện thời cổ đại, và đã được phổ biến trong tiểu thuyết, như trong “Frankenstein” của Mary Shelley (1818); “Các robot toàn năng của Rossum” của Karel Capek (1920); seri truyện tranh “Doraemon” của Fujiko Fujio (1969-1996)… Công việc đầu tiên mà bây giờ được công nhận là trí tuệ nhân tạo là thiết kế hình thức "tế bào thần kinh nhân tạo" do McCullouch và Pitts đưa ra năm 1943.

- Năm 1956, tại một hội thảo tại Đại học Dartmouth, việc nghiên cứu AI được các thành viên xác định là một nhiệm vụ khoa học, đánh dấu sự ra đời của khoa học trí tuệ nhân tạo. Năm 1958, ra đời ngôn ngữ lập trình Lisp. Đến giữa thập niên 1960, nghiên cứu ở Mỹ được Bộ Quốc phòng tài trợ rất nhiều và các phòng thí nghiệm đã được thành lập trên khắp thế giới. Những người sáng lập AI rất lạc quan về tương lai: Herbert Simon dự đoán, "máy móc sẽ có khả năng, trong vòng hai mươi năm nữa, làm bất kỳ công việc nào mà một người có thể làm". Marvin Minsky khẳng định "trong một thế hệ... Vấn đề tạo ra 'trí tuệ nhân tạo' về cơ bản sẽ được giải quyết ". Do hạn chế của kỹ thuật máy tính (công suất, tốc độ xử lý), tiến độ các dự án chậm lại và vào năm 1974, chính phủ Hoa Kỳ và Anh đều dừng nghiên cứu khám phá về AI. Vài năm sau đó sẽ được gọi là " mùa đông AI ", giai đoạn mà việc kiếm được tài trợ cho các dự án AI là khó khăn.

- Đầu những năm 1980, nghiên cứu AI đã được hồi sinh nhờ thành công của các hệ máy tính mới có công suất, tốc độ xử lý cao hơn. thương mại của các hệ chuyên gia, một dạng chương trình AI mô phỏng kiến thức và kỹ năng phân tích của các chuyên gia về con người. Đến năm 1985, thị trường cho AI đã đạt hơn một tỷ đô la. Đồng thời, dự án máy tính thế hệ thứ năm của Nhật Bản đã truyền cảm hứng cho chính phủ Hoa Kỳ và Anh khôi phục tài trợ cho nghiên cứu học thuật. Tuy nhiên, ngôn ngữ lập trình Lisp và máy tính Lisp không đáp ứng được nhu cầu của các phát triển mới (giá thành cao, tác dụng hạn chế). Các nhà khoa học phát triển các ngôn ngữ lập trình mới, đáp ứng nhu cầu phát triển AI và tương thích với thế hệ máy tính mới. Dẫn tới sự sụp đổ của thị trường máy Lisp vào năm 1987. Trong khi chưa có công cụ thay thế thực sự phổ biến và hữu hiệu để phát triển, AI một lần nữa rơi vào tình trạng trầm lắng.

- Vào cuối những năm 1990 và đầu thế kỷ 21, công cụ xử lý giá cả phải chăng phát triển mạnh, cơ sở hạ tầng điện toán đám mây và sự gia tăng các công cụ nghiên cứu và bộ dữ liệu. Máy tính nhanh hơn, cải tiến thuật toán và truy cập vào lượng lớn dữ liệu cho phép có được các tiến bộ trong học tập và nhận thức máy; phương pháp học sâu vốn đói dữ liệu bắt đầu thống trị các thử nghiệm liên quan đến độ chính xác. AI bắt đầu được sử dụng cho các ứng dụng cụ thể, đa dạng trong nhiều lĩnh vực từ nhỏ tới lớn. Deep Blue trở thành hệ thống chơi cờ trên máy tính đầu tiên (sản phẩm AI cấp độ 1) đánh bại một nhà đương kim vô địch cờ vua thế giới, Garry Kasparov, vào ngày 11/5/1997. Năm 2014, ô tô lái tự động (sản phẩm AI cấp độ 2) đã vượt qua bài sát hạch của Mỹ giành cho lái xe. Năm 2015 người máy công dân đầu tiên (Sophia) do hãng Hanson Robotics sản xuất. Người máy có khả năng giao tiếp, biểu cảm như con người đã đánh dấu một bước tiến lịch sử trong ngành khoa học AI (sản phẩm AI cấp độ 4).

- Từ năm 2016 đến nay, các nước và các tập đoàn kinh tế đầu tư mạnh mẽ vào AI, đẩy mạnh tốc độ phát triển các dự án; mở rộng các lĩnh vực mà công cụ AI có thể hỗ trợ. Nâng cao khả năng can thiệp của AI vào các thao tác tư duy, chuyên môn hẹp ngày càng sâu. Tháng 12/2022, công cụ Chat GPT được phát triển và phổ biến. Chỉ sau 2 tháng ra đời, công cụ đã có 100 triệu người dùng. Đây là kỷ lục trong việc tiếp cận, sử dụng công cụ AI. Công cụ được đánh giá là công cụ giao tiếp, phản hồi tự động (sản phẩm AI cấp độ 3) mạnh mẽ và có tính ứng dụng rộng rãi chưa từng có.

Sử dụng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo trong đời sống xã hội

- Trong ngành y tế: Ứng dụng nổi bật của trí tuệ nhân tạo AI là cải thiện sức khỏe của con người và giảm chi phí. Các bệnh viện đang áp dụng máy để chẩn đoán tốt hơn và nhanh hơn con người. AI được sử dụng như một trợ lí chăm sóc sức khỏe cá nhân, chúng được sử dụng cho nghiên cứu và phân tích. Ví dụ như  IBM Watson, nó có thể hiểu ngôn ngữ tự nhiên và có khả năng trả lời các câu hỏi. Hệ thống khai thác dữ liệu bệnh nhân và các nguồn dữ liệu có sẵn khác để tạo thành một giả thuyết, sau đó đưa ra một lược đồ chấm điểm tin cậy. Các ứng dụng AI khác bao gồm chatbot , chương trình máy tính được sử dụng trực tuyến để trả lời các câu hỏi và hỗ trợ khách hàng, giúp sắp xếp các cuộc hẹn theo dõi hoặc hỗ trợ bệnh nhân thông qua quy trình thanh toán và trợ lý sức khỏe ảo cung cấp phản hồi y tế cơ bản. Bệnh nhân có thể dùng các app trên điện thoại chụp hình và điền các thông tin gửi lên một hệ thống trí tuệ nhân tạo và gần như tức thì kết quả chuẩn bệnh cũng như cách điều trị có thể được trả về.

- Trong ngành giáo dục: Việc vận dụng trí tuệ nhân tạo trong các thao tác dạy và học, các trò chơi, phần mềm giáo dục giúp cải thiện và nâng cao trình độ học tập của con người. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo trong giáo dục còn có khả năng theo dõi sự tiến bộ của học sinh để giáo viên có thể biết và điều chỉnh cách dạy học sao cho hợp lý. AI có thể tự động hóa việc chấm điểm, giúp các giáo viên có thêm thời gian. AI có thể đánh giá năng lực và quản lý sinh viên. Gia sư AI có thể cung cấp hỗ trợ cho sinh viên, đảm bảo họ hoàn thành đúng theo giáo trình từ trước. Thậm AI có thể thay thế giáo viên ở một số nội dung cụ thể. Nhờ sự hỗ trợ của các công cụ giáo dục, trong đó có sử dụng AI, việc dạy học từ xa trong đại dịch Covid-19 vừa qua vẫn đảm bảo chất lượng dù học sinh không đến trường trong một thời gian dài và ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới (có kết nối internet).

- Trong ngành vận tải. Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong ngành vận tải thông qua những phương tiện giao thông vận tải tự lái, đặc biệt là ô tô đã đem lại những lợi ích kinh tế đáng kể nhờ khả năng cắt giảm chi phí và hạn chế những rủi ro tai nạn giao thông những vấn đề gây nguy hiểm đến tính mạng của con người. Một trong những ứng dụng nổi bật nhất của trí tuệ nhân tạo chính là máy bay không người lái với tốc độ nhanh hơn xe chuyên dụng lên đến 40%, thích hợp sử dụng cho những trường hợp cứu hộ khẩn cấp tại những vị trí có địa hình hiểm trở. 

- Trong ngành ngân hàng tài chính. Đây là lĩnh vực các công cụ AI đang có ưu thế vượt trội đối với người lao động ở các vị trí nhân viên thống kê, cập nhật thông tin, theo dõi biến động, thu thập dữ liệu cá nhân và cung cấp tư vấn tài chính. Các ngân hàng, tổ chức tài chính đang sử dụng AI trong việc xử lí các hoạt động tài chính, tiền đầu tư và cổ phiếu, quản lí các tài sản khác nhau,… AI có thể vượt qua con người trong việc xử lí các giao dịch , giúp ngân hàng hỗ trợ khách hàng tốt hơn, cung cấp các giải pháp nhanh chóng hoặc nhận diện gương mặt của chủ tài khoản.

- Trong ngành dịch vụ. Công nghệ trí tuệ nhân tạo có khả năng nắm bắt được những thông tin về các hoạt động sử dụng dịch vụ của khách hàng thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu để từ đó đưa ra các giải pháp tối ưu, hiệu quả và phù hợp với nhu cầu sử dụng của họ. Điều này giúp ngành dịch vụ có thể hoạt động tốt hơn và mang lại những trải nghiệm thú vị, mới mẻ hơn cho người dùng. Chatbot chính là ví dụ điển hình cho ứng dụng này.

- Trong ngành kinh doanh. Tự động hóa quá trình robot đang được áp dụng cho các công việc có tính chất lặp đi lặp lại. Trí tuệ nhân tạo AI ra đời đã mang lại sự thay đổi lớn cho ngành trong việc tiếp cận các mục tiêu, đối tượng khách hàng tiềm năng. Dựa trên việc phân tích về nhân khẩu học, thói quen hoạt động trực tuyến hay những nội dung quảng cáo khách hàng hay xem để điều chỉnh thời gian và không gian cung cấp quảng cáo sao cho phù hợp. Chatbots đã được kết hợp vào các trang web để cung cấp dịch vụ ngay lập tức cho khách hàng.

- Trong ngành sản xuất. Nhà máy FANUC, Nhật bản là một trong những điển hình của việc ứng dụng AI vào trong sản xuất và sử dụng robot để sản xuất robot sản xuất ra 5.000 robot mỗi tháng, sở hữu một trong những dây chuyền sản xuất vô cùng hiện đại của thế giới, dây chuyền tạo ra những thiết bị giúp chế tạo nhiều nhiều sản phẩm, từ ô tô cho đến điện thoại iPhone. Ở FANUC các robot tự xây dựng, giám sát và kiểm tra lẫn nhau.

Lợi ích và những nguy cơ chủ yếu khi phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo

Những lợi ích cơ bản

- Phát huy tác dụng trong phát hiện, ngăn chặn, xử lý các rủi ro. Các thiết bị ứng dụng AI sử dụng để theo dõi, tiếp nhận thông tin, dấu hiệu mất an toàn làm việc liên tục tạo ra sự quản lý chặt chẽ nhất tình trạng an toàn của mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Những thông tin nó cung cấp luôn bảo đảm tính liên tục, chính xác, khách quan. Đó là cơ sở dữ liệu tin cập để hệ thống AI dự báo, cảnh báo nguy cơ, mối nguy hại và hướng dẫn phản ứng phù hợp của con người để hóa giải nguy cơ đó. AI khắc phục được những khuyết điểm của con người khi thực hiện nhiệm vụ cảnh báo như thiếu trách nhiệm, bỏ sót, lọt hiện tượng khi theo dõi nắm bắt thông tin nguy hiểm; chủ quan, duy ý chí, yếu kém về trình độ khi phân tích, dự báo những diễn biến tiếp theo; sự chi phối về tâm lý khi đứng trước trách nhiệm và nguy cơ dẫn tới phản ứng không phù hợp với nhiệm vụ được giao…

- Tiết kiệm sức lao động, nâng cao khả năng can thiệp và tăng cường an toàn tính mạng của con người.

+ Đối với những thao tác giản đơn, chính xác, lặp đi lặp lại liên tục trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp, sử dụng robot và AI là sự lựa chọn tốt nhằm nâng cao năng suất lao động; loại trừ những thiếu sót chủ quan của con người, tiết kiệm nguyên, vật liệu; bảo đảm sự chính xác tiếp cận mức tuyệt đối cho các thông số của sản phẩm.

+ Đối với các thao tác đòi hỏi tính chính xác cao ở những vị trí mà con người rất khó can thiệp hoặc sự can thiệp thông qua hành vi trực tiếp của con người sẽ dẫn tới những tổn hại khác. Như can thiệp vào điều trị ngoại khoa đối với hệ thống huyết mạch ở những vị trí nhạy cảm như não, tim… thì việc sử dụng robot AI có tác dụng và hiệu quả rõ rệt.

+ Đối với những công việc nguy hiểm hoặc con người không thể thực hiện nếu có thể sử dụng robot AI là một lựa chọn tốt nhất. Đặc biệt là cứu hộ, cứu nạn, cứu hỏa, thám hiểm biển sâu; dò gỡ bom mìn, vật liệu nổ…  

- Xóa bỏ khoảng cách ngôn ngữ. Công nghệ AI thông qua các phương tiện dịch thuật bằng văn bản, bằng âm thanh ngày càng chính xác và nhanh chóng sẽ giúp con người ở mọi quốc gia khác nhau có thể nói chuyện và hiểu nhau, thoải mái tiếp xúc mà không cần người phiên dịch hoặc học ngoại ngữ. Công việc dịch thuật các tác phẩm văn học sẽ được hỗ trợ rất nhiềuCó thêm nhiều cơ hội để học tập và làm việc trên khắp thế giới. Cộng đồng nhân loại có cơ hội hòa nhập thuận lợi hơn, mở rộng không gian hoạt động xã hội của con người; tạo điều kiện giảm mức độ đi tới xóa bỏ sự kỳ thị về chủng tộc, quốc gia trong xã hội loài người.

- Cá nhân hóa. Công nghệ AI sẽ đánh giá và thích ứng cũng như đáp ứng tối đa nhu cầu của đối tượng mà nó phục vụ. Từ đó, đưa ra phản ứng phù hợp nhất cho từng đối tượng riêng biệt. Việc này nhằm phục vụ cao nhất nhu cầu của mỗi cá nhân, khắc phục hạn chế vốn có của những sản phẩm dịch vụ được sản sinh theo phương pháp công nghiệp (sản xuất hàng loạt, phục vụ những nhu cầu chung nhất theo đa số người sử dụng).

Những nguy cơ chủ yếu

Nguy cơ từ sự mất kiểm soát đối với AI.

Mục tiêu phấn đấu của các nhà khoa học AI là tạo ra một thực thể mang AI có khả năng tự phát triển trí tuệ tương tự con người, có tư duy độc lập, có hình thái của ý thức xã hội và thậm chí tự sinh tồn mà không lệ thuộc vào cung cấp năng lượng từ con người. Như vậy trong xã hội loài người có một thực thể có quyền công dân và hoàn toàn bình đẳng như chúng ta, nhưng sẽ thông minh hơn chúng ta nhiều lần, hiểu biết gấp hàng ngàn lần chúng ta, tính toán xử lý nhanh gấp hàng triệu lần chúng ta, không bao giờ có sai sót, không bao giờ biết mệt mỏi, không bao giờ đau ốm hay bệnh tật, không bao giờ đòi hỏi nghỉ ngơi, đòi hỏi người khác quan tâm hay giúp đỡ. Đặc biệt là thực thể đó có trí tuệ vẫn luôn tự học hỏi và nâng cấp không ngừng. Chúng hoàn toàn có thể sản xuất ra những thế hệ tiếp theo, tăng nhanh số lượng. Khi đó, cong người sẽ đứng ở vị trí nào trong xã hội. Câu trả lời sẽ là nô lệ hoặc diệt vong. Chính vì vậy có nhà khoa học AI đã phải thừa nhận, khi AI phát triển đến tột cùng thì loài người diệt vong.

Nguy cơ từ sự lệ thuộc của con người vào AI.

- Trước mắt: AI đã làm được những điều mà một người bình thường không thể hoàn thành. Tuy nhiên, trong những công việc cụ thể mang tính chuyên sâu và sáng tạo mới AI hiện nay chưa thể đáp ứng. Nếu không có sự kiểm tra, giám sát, thẩm định, chỉnh sửa, hoàn thiện của con người, những kết quả của AI sẽ dẫn tới sự sai lầm trong các quyết định. Có nhà báo đã phát ngôn “cái gì cũng nghe theo Chat GPT thì chả mấy mà toang”…

- Về lâu dài: AI càng phát triển thì càng giúp con người nhiều hơn trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Sự phát triển sẽ tiến dần theo những vấn đề cơ bản như: AI giúp con người trong sản xuất vật chất, đáp ứng nhu cầu sinh tồn của xã hội. AI giúp con người trong chăm sóc sức khỏe. AI giúp con người trong quản lý xã hội. AI giúp con người trong giáo dục, đào tạo. AI giúp con người trong kiến tạo, hoạch định tương lai… Trong thế giới đó, sau một giai đoạn lịch sử, vai trò của AI càng ngày càng được phát triển. Đến một thời điểm, con người tồn tại không thể thiếu các sản phẩm AI và các sản phẩm đó có khả năng tự chủ trong quá trình tồn tại, phát triển. Ngược lại, con người không thể tự chủ duy trì được cuộc sống bình thường. Khi đó con người thực chất đã trở thành nhân tố tồn tại một cách lệ thuộc trên thế giới này.

Nguy cơ từ việc sử dụng AI vào mục đích không chính đáng, gây tổn hại cho cộng đồng, xã hội và loài người cần phòng ngừa.

- Sản phẩm AI là công cụ được một số đối tượng tìm kiếm, sử dụng để thu lợi bất chính. Sử dụng AI để tạo ra sản phẩm học tập (bài kiểm tra, luận văn…) một cách gian lận nhằm vượt qua các kỳ sát hạch mà người học không cần tiếp thu kiến thức, nghiên cứu, sáng tạo. Sử dụng AI để tổ chức đánh bạc bất hợp pháp trên không gian mạng nhằm thu lợi bất chính.

- Sử dụng triết bị AI để thực hiện các hành vi trái pháp luật (xâm phạm tự do cá nhân, buôn lậu, phá hoại, trộm cắp, giết người…) khiến lực lượng chức năng khó quản lý và ứng phó…

- Sử dụng AI để tạo ra những sản phẩm văn hóa, tinh thần sai trái, phản động với tốc độ cao, phương thức lan truyền trên không gian mạng linh hoạt, tinh vi, rộng rãi, tạo ra hiệu ứng xấu, độc trong dư luận xã hội, khiến cơ quan quản lý khó ngăn chặn, khống chế và tiêu trừ hậu quả.

Tận dụng lợi ích, phòng ngừa nguy cơ khi sử dụng sản phẩm trí tuệ nhân tạo trong đời sống xã hội.

Định vị chính xác mối quan hệ giữa con người và AI

- Khẳng định AI là một loại sản phẩm lao động xã hội do con người sáng tạo nhằm phục vụ cho sự tồn tại, phát triển của con người và xã hội loài người. AI là công cụ của con người, không có nhân cách, tư cách pháp nhân trong xã hội loài người, cần được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích và kiểm soát sự tồn tại.

- Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ AI nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của con người và đời sống xã hội. Đồng thời, quản lý ngành khoa học AI và các sản phẩm AI chặt chẽ, hiệu quả. Phê phán, bài trừ thái độ cực đoan thù địch đối với những sản phẩm AI; những hành vi “đập phá máy móc” bởi “cướp mất việc làm” của con người.

- Đấu tranh phản bác và bài trừ quan điểm “nhân chủng hóa AI”.

Biểu hiện: Đề cao vai trò, cống hiến của AI đối với xã hội. Phát triển AI không giới hạn. Trao quyền công dân, tư cách pháp nhân cho các sản phẩm AI. Hiện nay, sự phát triển của AI còn sơ khai, chưa được sự quan tâm nhiều của giới nghiên cứu nên đã có những bài viết nhân danh học thuật và phát hiện mới trong nghiên cứu đề cập. Biểu hiện rõ nét của quan điểm này thể hiện trong bài “Xác lập tư cách pháp lý cho trí tuệ nhân tạo” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp của Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 08/10/2021. Trong thực tế, năm 2017, rập Xê út đã trao quyền công dân cho robot Sophia do David Hanson, người Mỹ chế tạo ra. Đây là sự kiện thực tế đầu tiên, tạo tiền lệ cho hành động này.

Những quan điểm đó có vẻ rất công bằng, văn minh nhưng che dấu đằng sau là những tư tưởng phản khoa học, phi nhân tính. Thứ nhất, nó bỏ qua nhân tính của các thực thể trong xã hội loài người. Mỗi sản phẩm AI đều có mục tiêu hành động do người sản xuất cài đặt. Nếu không kiểm soát nghiêm ngặt sẽ tạo ra các thế lực có khả năng hủy diệt nhân loại chỉ sau một câu lệnh mà không ai phải chịu trách nhiệm. Thứ hai, nếu thừa nhận quyền sở hữu sản phẩm của AI, vô hình dung công nhận giá trị thặng dư do máy móc sinh ra; xóa bỏ toàn bộ học thuyết Giá trị thặng dư của Mac, đánh đổ nền tảng tư tưởng của giai cấp vô sản, xóa bỏ lý luận về Chủ nghĩa xã hội.

Từ quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chúng ta phải kiên định nguyên tắc và quan điểm nhất quán: Trí tuệ nhân tạo là sản phẩm do con người tạo ra, phục vụ con người; vĩnh viễn không thể có tư cách là một công dân trong xã hội loài người; những giá trị AI tạo ra có nguồn gốc từ lao động của con người; người sản xuất ra hoặc sở hữu sản phẩm AI phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hậu quả đối với xã hội do hành vi của sản phẩm AI mang lại. 

 Phát triển mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

- Phát triển trí tuệ nhân tạo là một xu hướng khoa học hiện đại có tác động tích cực tới phát triển đời sống kinh tế - xã hội. Mặc dù trước mắt còn tồn tại những mặt trái do quá trình thích ứng của xã hội chưa hòa hợp. Tuy nhiên, về lâu dài, đây là xu hướng tất yếu của xã hội. AI đang được ứng dụng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu cả trong sản xuất, kinh doanh, quản lý xã hội và phục vụ đời sống con người.

- Việt Nam không bị các nước phát triển bỏ quá xa về trình độ phát triển khoa học AI. Với môi trường đào tạo cởi mở, tiếp cận với thế giới khoa học AI của Việt Nam có khả năng kế thừa những thành tựu của khoa học AI thế giới. Lực lượng lao động trong lĩnh vực AI của Việt Nam đang có bước phát triển mạnh, từng bước tiếp cận với trình độ của thế giới.

- Đường lối của Đảng phát triển đất nước trong những năm tới luôn khẳng định quan điểm ưu tiên phát triển công nghệ hiện đại, xanh, bền vững. Phát triển AI đáp ứng hoàn toàn và góp phần tăng tốc độ phát triển và sớm đạt được mục tiêu phát triển đất nước.

Xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động phát triển và sử dụng sản phẩm AI.

- Sử dụng sản phẩm AI có tác động to lớn đến đời sống xã hội. Cùng với những lợi ích to lớn, nó cũng chứa đựng những nguy cơ gây ra những hậu quả khó lường. Trong thế giới bùng nổ thông tin và sự liên kết giữa các thành tố trong xã hội rất chặt chẽ hiện nay, mỗi tác động tiêu cực diễn ra đều bị khuếch đại

- Nguyên nhân của những nguy cơ do AI mang lại xuất phát từ chủ ý của nhà sản xuất; sơ sót, yếu kém của người chế tạo và buông lỏng cơ chế kiểm soát sự phát triển của sản phẩm.

- Để hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực có liên quan đến AI cần sớm có cơ chế quản lý chặt chẽ từ việc nghiên cứu, phát triển đến sản xuất và sử dụng AI./.

Th.s Nguyễn Thị Hải Lên – Giảng viên Tổ LLCT