star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Tìm hiểu một số cách tiếp cận về Chủ nghĩa Mác – Lênin


Chủ nghĩa Mác – Lênin cùng với Tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta xác định là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng; Trên cơ sở nhu cầu và mục đích nghiên cứu, đã có nhiều cách tiếp cận về Chủ nghĩa Mác – Lênin trên những phương diện (góc độ) khác nhau, theo đó, có năm cách tiếp cận cơ bản sau đây:

1. Xét từ góc độ đối tượng (nó nghiên cứu cái gì, phục vụ cho ai): là hệ thống quan điểm và học thuyết khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột, tiến tới thực hiện sự nghiệp giải phóng con người.

2. Xét từ góc độ chủ thể sáng tạo và phát triển (ai làm nên nó): là hệ thống quan điểm và học thuyết đó được sáng lập bởi C. Mác, Ph. Ăngghen và sự phát triển, vận dụng vào thực tiễn của V.I. Lênin.

3. Xét từ góc độ mối quan hệ (giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với lịch sử phát triển tư tưởng nhân loại và với thực tiễn): là hệ thống quan điểm và học thuyết được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa những giá trị tư tưởng tiến bộ của nhân loại và tổng kết thực tiễn thời đại.

4. Xét từ góc độ vai trò, chức năng: là hệ thống quan điểm và học thuyết đó đóng vai trò là thế giới quan, phương pháp luận phổ biến cho sự sáng tạo trong nhận thức khoa học (nghiên cứu phát hiện và sáng tạo ra cái mới) và thực tiễn cách mạng (thực tiễn cải biến cái cũ, sáng tạo cái mới)

5. Xét từ góc độ cấu tạo (nó gồm có những cái gì): Chủ nghĩa Mác -Lênin có ba bộ phận lý luận cơ bản hợp thành, đó là:
            +Triết học Mác - Lênin;
            +Kinh tế chính trị học Mác - Lênin;
            +Chủ nghĩa xã hội khoa học

Qua năm cách tiếp cận trên, chúng ta có một cái nhìn khá toàn diện về Chủ nghĩa Mác – Lênin, trong đó, cách tiếp cận theo các góc độ đối tượng, chủ thể sáng tạo, theo đó,  Chủ nghĩa Mác – Lênin là hệ thống quan điểm và học thuyết khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột, tiến tới thực hiện sự nghiệp giải phóng con người; học thuyết này được sáng lập bởi C. Mác, Ph. Ăngghen và được V.I. Lênin vận dụng và phát triển trong thực tiễn. Chủ nghĩa Mác – Lênin được cấu thành từ ba bộ phận lý luận cơ bản, đó là: Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị học Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học

​Ba bộ phận lý luận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lênin có đối tượng nghiên cứu cụ thể khác nhau nhưng đều nằm trong một hệ thống lý luận khoa học thống nhất - đó là khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột và tiến tới giải phóng con người (tức là xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản).

​Như vậy, từ những vấn đề được nêu trên, chúng ta có thể thấy ở chủ nghĩa Mác – Lênin là sự thống nhất của ba thuộc tính: tính khoa học, tính cách mạng và tính nhân văn cao cả.

 Tính khoa học thể hiện ở học thuyết là sự kế thừa của các thành tựu khoa học; bản thân học thuyết cũng đã thể hiện đó là một hệ thống lý luận mang tính logic,  khoa học và nội dung chứa đầy những dự báo khoa học về tương lai.

 Tính cách mạng thể hiện trong việc học thuyết đã chỉ ra con đường đấu tranh, chống lại bảo thủ lạc hậu, chống lại chế độ áp bức bóc lột để hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn.

 Tính nhân văn thể hiện ở trong quan điểm về con người, về cuộc sống con người và việc xây dựng một chế độ mới trên cơ sở giải phóng con người khỏi khổ đau, áp bức.

Trên đây là những cách tiếp cận và cách hiểu khái quát về chủ nghĩa Mác, cung cấp thêm cơ sở quan trọng để chúng ta hiểu thêm về chủ nghĩa Mác và đấu tranh chống lại những luận điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Ths Trịnh Đình Thanh

--------------------------------------------------------------------------------------