star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Tiến trình ra đời Giáo dục Khai Phóng ở Phương Tây


Giáo dục khai phóng hay giáo dục tự do với tên gọi tiếng Anh là “Liberal Education” được hiểu là giáo dục nhắm đến việc tạo ra con người từ do. Giáo dục khai phóng được xây dựng trên nền tảng các môn học nghệ thuật tự do (“Liberal Arts”) thời Trung cổ và triết lý giáo dục khai phóng thời cổ đại Hy Lạp, La Mã cổ đại hay gần hơn là chủ nghĩa tự do trong thời Khai minh.

Có thể nói, các môn nghệ thuật khai phóng đã được giảng dạy tại các Viện đại học ra đời vào những năm đầu của thế kỷ 13 ở Châu Âu cũng như của các trường đại học sau này ở Anh, Đức và đặc biệt tại Mỹ. Tuy nhiên, đến thế kỷ 19, nhiều học giả ở Mỹ đã đặt ra câu hỏi: Tại sao người học chỉ học thần học và các tác phẩm kinh điển? Tại sao người học bắt buộc phải học tiếng Hy Lạp cổ đại và Latinh?[1]. Trong khi bầu trời và vũ trụ đã được nhìn rõ hơn bởi sự phát triển của thiên văn học và khoa học. Cuộc sống đã nhộn nhịp hơn, vội vàng hơn, năng động hơn từ lúc chủ nghĩa tư bản thay thế cho chế độ phong kiến lỗi thời. Các cuộc phát kiến địa lý đã đem đến cơ hội để con người ra khỏi nơi họ đang sống để đi đến những vùng đất mới, tiếp cận với những nền văn hóa mới và những tri thức phong phú hơn.

Để bảo vệ cho chương trình học khai phóng thời điểm ấy, Đại học Yale (Mỹ) đã có báo cáo đề cập đến mục đích của việc học tập các môn học “cổ điển” đó là: Đào tạo trí óc để suy nghĩ và lấp đầy trí óc với nội dung cụ thể[2]. Học tập tư duy quan trọng hơn so với những chủ đề cụ thể được giảng dạy. Trong thời điểm này, Đại học Yale đã duy trì được chương trình học kinh điển, chương trình này vẫn được giảng dạy phổ biến ở các trường đại học tại Mỹ từ thời điểm ấy.

Tuy vậy, 50 năm sau những lập luận của Đại học Yale dường như không phù hợp với yêu cầu của một nền kinh tế đang trong quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ như Mỹ, các ông chủ cần những người lao động có giáo dục chuyên môn để đáp ứng với sự tăng tốc về sức sản xuất cũng như yêu cầu khắc khe của quá trình cạnh tranh.

Bảo vệ cho một chương trình học được xem là “lỗi thời”, Charles William Eliot[3] đã viết một tiểu luận tựa đề “The new Education” đăng trên nguyệt sang Atlantic Monthly với đề xuất kết hơp mô hình giáo dục nghiên cứu của các Đại học châu Âu với truyền thống giáo dục của các trường Đại học Mỹ cổ điển[4]. Eliot cho rằng giáo dục khai phóng quan trọng hơn giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo cần phân biệt cẩn thận giữa giáo dục nghề nghiệp với giáo dục khai phóng. Qua đó, ông xây dựng nên một triết lý giáo dục mới cho quá trình giáo dục tại Đại học Harvard đó là trao quyền tự do lựa chọn cho người học. Với triết lý ấy, ông đưa Harvard ra khỏi cuộc khủng hoảng giáo dục Đại học tại Mỹ và Harvard đã phát triển rực rỡ trong các giai đoạn phát triển sau này. Cụ thể, trong hệ thống giáo dục mới, có 2 cấp độ trong quá trình đào tạo:

1. Hệ cử nhân: Sinh viên có quyền tự do khám phá sở thích của học. Chương trình học được xây dựng trên cơ sở sự lựa chọn đa dạng, tùy ý hay chế độ tự chọn môn học (các môn học kinh điển cũng được đưa vào danh sách tự chọn và sinh viên không bị bắt buộc phải theo học).

2. Cấp sau đại học: Đi sâu vào chức năng nghiên cứu.

Eliot đang cố gắng dung hòa giữa tính cổ điển và hiện đại trong giáo dục đại học. Ông vẫn bảo tồn những giá trị tích cực của các môn thuộc giáo dục khai phóng và đảm bảo rằng giáo dục sẽ đem lại lực lượng lao động có nghề nghiệp chuyên môn đáp ứng yêu cầu của sự phát triển của nước Mỹ đương thời. Đó là khởi đầu cho một nền giáo dục khai phóng mới ở Mỹ, sau này lan rộng ở nhiều quốc gia.

Những giảng viên theo khuynh hướng bảo thủ không thích mô hình này. Họ vẫn giữ vững quan điểm cần đưa các môn học kinh điển (các môn học khai phóng) vào chương trình như môn học bắt buộc. Việc tranh luận về việc các môn học kinh điển phải được xây dựng thành chương trình nòng cốt hay một chương trình tự do tạo ra sự hài hòa giữa phát triển tư duy và kỹ năng nghề nghiệp mới là phù hợp vẫn tiếp tục diễn ra và không có điểm kết.

Giáo dục khai phóng hiện nay đang trong giai đoạn thoái trào nhưng lại có dấu hiệu khởi sắc. Các mô hình giáo dục khai phóng hiện đại đang thay đổi để thích nghi với bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa và sự thay đổi chóng mặt của khoa học – công nghệ. Tất cả các trường đại học khai phóng điển hình đều cố gắng xây dựng chương trình học tập tập trao quyền cho các cá nhân và chuẩn bị cho họ đối phó với sự phức tạp, đa dạng và thay đổi. Nó cung cấp cho sinh viên kiến ​​thức rộng về thế giới rộng lớn cũng như nghiên cứu chuyên sâu trong một lĩnh vực quan tâm cụ thể. Giáo dục khai phóng giúp người học phát triển ý thức trách nhiệm xã hội, cũng như các kỹ năng thực tế và trí tuệ mạnh mẽ và có thể chuyển giao như kỹ năng giao tiếp, phân tích và giải quyết vấn đề và khả năng áp dụng kiến ​​thức và kỹ năng trong môi trường thực tế. Một chương trình giáo dục tự do được vận hành thường cung cấp những môn học khác nhau có tính giao thoa ngành, đồng thời định hướng người học nhận biết tiềm năng bản thân để lựa chọn nghiên cứu sâu hơn chuyên ngành phù hợp.

Ths. Đoàn Thị Cẩm Vân

[1] Farreed Zakari: Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng, Nxb. Hồng Đức, H., 2017, tr.65.

[2]  Farreed Zakari: Sđd, tr.66.

[3] Người được bầu làm Hiệu trưởng trường Đại học Harvard vào năm1869 ở tuổi 35 và là người duy trì lâu nhất nhiệm kỳ làm Hiệu trưởng tại Đại học Harvard

[4] Farreed Zakari: Sđd, tr.68.