Trong bức điện được công bố trên trang web của Điện Kremli, Tổng thống Vladimir Putin nhận định: “Cách mạng Tháng Mười là một phần không thể tách rời của lịch sử thế giới. Cuộc cách mạng năm 1917 đã tác động vô cùng to lớn đến sự phát triển của nước Nga và toàn thể thế giới, đã phần nhiều định ra bức tranh chính trị, kinh tế và xã hội của thế kỷ 20”[1]. Sự thật là gì? Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra bước ngoặt căn bản trong lịch sử loài người, từ thế giới tư bản chủ nghĩa sang thế giới xã hội chủ nghĩa; mở ra một thời đại mới-thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Sau 100 năm, thế giới có nhiều biến động nhưng giá trị to lớn của cuộc cách mạng làm rung chuyển thế giới năm 1917 không hề lu mờ mà ngày càng khẳng định tầm quan trọng trong lịch sử nhân loại cũng như sức ảnh hưởng lớn lao đến tiến trình phát triển của nước Nga và toàn thế giới.
Ngày 07-11-1917, (theo lịch Gregory) tức ngày 25 tháng 10 năm 1917 (theo lịch Julius), dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn sê vich (Đảng Cộng sản Nga) đứng đầu là V.I. Lê-nin, giai cấp vô sản Nga, mà nòng cốt là giai cấp công nhân, đã đứng lên lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản, thành lập Nhà nước Nga Xô-viết, nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã đập tan ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản và chế độ phong kiến tồn tại lâu đời ở nước Nga. Đó cũng chính là sự thắng lợi chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thực tiễn, để lại nhiều ý nghĩa và bài học kinh nghiệm quí báu cho các quốc gia, các dân tộc trong cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã phá vỡ mắt xích yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng trong lịch sử thế giới hiện đại. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng Tháng Mười mở ra đã làm thay đổi cục diện thế giới, làm cho chủ nghĩa tư bản không còn là hệ thống duy nhất. Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga tác động to lớn đối với sự phát triển của cách mạng thế giới, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh cho tiến bộ hòa bình được thức tỉnh, được cổ vũ và trở thành làn sóng to lớn trong thế kỷ XX. Phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa châu Á , châu Phi… và phong trào công nhân ở các nước phương Tây có sự liên kết, gắn bó chặt chẽ với nhau trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, phong trào cách mạng ở mỗi nước, trong đó có Việt Nam, trở thành một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã có tác động to lớn đến việc quyết định con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến cách mạng Việt Nam. Năm 1920, sau khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V. I. Lê-nin, đăng trên Báo L’Humanité (Pháp), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc của Việt Nam. Người nhớ lại: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ và tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”[2]. Từ đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên định đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười. Người bỏ phiếu tán thành theo Quốc tế thứ ba (Quốc tế Cộng sản) và tham gia thành lập Đảng Cộng Sản Pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) xúc tiến truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và lý luận con đường cứu nước của mình vào Việt Nam. Khi nghiên cứu về Cách mạng Tháng Mười Nga để huấn luyện cho thế hệ thanh niên yêu nước những năm 1925-1927 của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu, Trung Quốc, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, viết năm 1927, Người xác định: “Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn - Cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự”
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách mệnh Nga dạy chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất”[3] và việc cần kíp trước hết mà cách mạng đòi hỏi đó là “phải có Đảng cách mệnh”. Người khẳng định: “Cần có sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”[4].
Từ kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích Nga trong đấu tranh giành chính quyền, Người đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị đủ các điều kiện về chính trị, tư tưởng và tổ chức để thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam dựa trên các nguyên tắc xây dựng đảng kiểu mới của V.I.Lê-nin. Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định đường lối cách mạng của Đảng là giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam.
Dưới tác động của Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân lật đổ chế độ phong kiến và đập tan ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật, thực hiện thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng Cộng Sản Việt Nam lại lãnh đạo nhân dân thực hiện Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất nước nhà, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Một trăm năm đã trôi qua, kể từ thắng lợi của Cách mạng Xã hội Chủ Nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917, tuy đời sống chính trị xã hội thế giới có những biến đổi sâu sắc, nhưng tầm vóc, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn nguyên giá trị đối với nhân loại tiến bộ.
Sau khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991, các thế lực thù địch trên thế giới đã và đang chống phá quyết liệt, mưu toan phủ nhận mọi thành quả Cách mạng Tháng Mười Nga và cơ sở tư tưởng của cuộc cách mạng đó là Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Có một số ý kiến cho rằng cùng với sự sụp đổ Liên Xô, chủ nghĩa xã hội do Cách mạng Tháng Mười khởi xướng là “sai lầm của lịch sử”. Tuy nhiên, những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong thời gian qua càng làm nổi bật tầm vóc, ý nghĩa của cuộc Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại. Những giá trị của cuộc cách mạng này vẫn trường tồn cùng với tiến trình lịch sử nhân loại.
Trong một cuộc thăm dò dư luận tiến hành vào ngày 12 tháng 1 năm 2008, trung tâm Phân tích Levada đã đưa ra số liệu: “57% số người dân Nga được hỏi ý kiến cho rằng: Cách mạng tháng Mười Nga đã đem lại lợi ích cho nhân dân Nga. 26% người được hỏi tin tưởng: cách mạng đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga, 31% cho rằng Cách mạng đem đến sự nhảy vọt cho nền kinh tế và xã hội Nga. Số người cho rằng Cách mạng tháng mười kìm hãm sự phát triển của nhân dân chỉ có 16%; số người cho đó là một sự kiện tiêu cực chỉ là 15%.”[5]
Tổng thống của Liên bang Nga, Boris Yeltsin, đổi ngày kỷ niệm Cách mạng tháng 10 thành ngày của Đồng lòng và Hòa giải. Năm 2006, Putin đã đổi tên ngày này là ngày Thống nhất. Đến ngày 11 tháng 4 năm 2009, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký đạo luật Liên bang khôi phục ngày lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga từ đầu năm 2010. Văn kiện này đã được Đuma Quốc gia và Hội đồng Liên bang Nga thông qua ngày 27 tháng 3 và 1 tháng 4 năm 2009. Ngày 6/12/2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh chính phủ về việc tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm cuộc Cách mạng Nga, Bộ Văn hoá Nga có trách nhiệm tổ chức các sự kiện kỷ niệm nhân dịp này[6]
Tổng thống Putin cho rằng ngày kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga sẽ trở thành biểu tượng của vượt qua những chia rẽ của nước Nga hiện nay. Trong cuộc họp với Hội đồng Tổng thống về Xã hội công dân và Quyền con người ngày 30/10/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu :“Tôi hy vọng ngày này sẽ được xã hội chúng ta nhìn nhận như là biểu tượng của sự kết thúc những bi kịch đã chia rẽ đất nước và con người, sẽ trở thành biểu tượng cho sự vượt qua chia rẽ ấy, biểu tượng của việc tha thứ và chấp nhận lịch sử nước Nga như nó vốn có, với những chiến thắng vĩ đại và những tấn bi kịch”[7].
Ở Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười có ý nghĩa vô cùng to lớn và quan trọng đối với thực tiễn cách mạng nước ta. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất đứng lên tự giải phóng… Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[8].
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm về sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng ta đã từng bước khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình thực hiện đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Trong đó, xác định xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là mục tiêu nhất quán. Đổi mới phải trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội .
Thực hiện công cuộc đổi mới chính là chúng ta đang vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh để tìm mô hình phát triển của chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn của đất nước ta. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”[9] và "Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiên tiến phù hợp; có văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới"[10].
Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng v.v..; uy tín của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế. Điều đó chứng tỏ, Đảng ta, nhân dân ta đã lựa chọn đi lên chủ nghĩa xã hội theo con đường Cách Mạng Tháng Mười là đúng đắn và mô hình mà chúng ta đang thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Hiện nay, tình hình thế giới có nhiều biến động, diễn biến phức tạp. Đất nước ta đứng trước nhiều thời cơ và thách thức. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta quyết tâm đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục đổi mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó chính là từng bước hiện thực hóa con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn, con đường Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga.
Ngô Minh Hiệp
[1] https://www.qdnd.vn/100-nam-cach-mang-thang-muoi-nga-vi-dai/danh-gia-phan-tich/cach-mang-nam-1917-tac-dong-lon-den-nuoc-nga-va-the-gioi-522884
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 562
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 304
[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 391.
[5] Wikipedia tiếng Việt
[6] Sđd
[7] An Bình, Báo điện tử chính phủ, ngày 31/10/2017
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 461.
[9] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia H, 2011, tr.69.
[10] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia H, 2011, tr. 70