Quan hệ chính trị quốc tế là một môn khoa học mới, trang bị cho người học những tri thức cơ bản về chính trị thế giới, hiểu rõ sự đa dạng và tính phức tạp của các mối quan hệ quốc tế. Cuốn Giáo trình Quan hệ chính trị quốc tế do GS,TS. Dương Xuân Ngọc và TS. Lưu Văn An biên soạn cung cấp, trang bị cho người học, người đọc những kiến thức toàn diện nhất về quan hệ chính trị quốc tế và đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta với tư cách là một chủ thể trong mối quan hệ đó.
Thông qua nội dung cuốn sách, bạn đọc có thể tìm hiểu về những chủ thể trong quan hệ chính trị quốc tế (bao gồm các quốc gia có chủ quyền, tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các công ty xuyên quốc gia, các phong trào chính trị - xã hội và các chủ thể - cá nhân với tư cách là các chính khách phi chính phủ). Trong đó, quốc gia - chủ thể chủ yếu của quan hệ chính trị quốc tế - được phân tích sâu về khía cạnh lợi ích quốc gia, sức mạnh quốc gia, chủ quyền quốc gia. Những nhân tố tác động đến quan hệ chính trị quốc tế cũng được phân tích đầy đủ như: cách mạng khoa học và công nghệ, toàn cầu hóa, kinh tế tri thức, địa - chính trị, khủng bố quốc tế. Bên cạnh đó, quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ trong và sau Chiến tranh lạnh, những xu thế chủ yếu của quan hệ chính trị quốc tế đương đại và chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc; cơ sở hoạch định và sự vận hành chính sách đối ngoại của nhà nước - quốc gia cũng là những nội dung khá quan trọng trong cuốn sách.
Trên cơ sở những phân tích trên, các tác giả cuốn sách vận dụng phân tích nội dung đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và rút ra những bài học kinh nghiệm, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đường lối mở rộng quan hệ đối ngoại trong thời gian tới.
( Trích từ bài viết của Giao Linh: https://www.nxbctqg.org.vn/giao-trinh-quan-h-chinh-tr-quc-t.html)
Nguyễn Thị Phương Thảo